Thời gian qua, nhiều doanh nghiệp, trong đó có cả những doanh nghiệp không chuyên đã tham gia thực hiện các gói thầu BT, BOT. Những gì đã và đang diễn ra cho thấy, không ít các công trình đầu tư đang gây xôn xao dư luận bởi nhiều vướng mắc tồn đọng. Quan điểm của ông như thế nào về thực trạng triển khai các gói thầu BT, BOT?
Ông Trần Ngọc Hùng - Nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội; Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam. Ảnh: TL |
Cần phải khẳng định BT và BOT là một hình thức rất tốt đối với bất cứ quốc gia nào có nguồn vốn ngân sách nhà nước eo hẹp trong khi đòi hỏi nguồn vốn lớn về đầu tư hạ tầng kỹ thuật, đặc biệt là đầu tư cho giao thông. Việc huy động nguồn vốn xã hội trong nước và cả nhà đầu tư nước ngoài là một chủ trương hoàn toàn đúng đắn. Nhưng thực tế lại đang diễn ra những vấn đề gây bức xúc do công tác triển khai.
Trong thời gian trước, BT hay BOT đều là hình thức rất ít được thực hiện trong một thời gian dài vì không khuyến khích các nhà đầu tư tham gia. Nhưng tại sao thời gian gần đây, rất nhiều dự án thực hiện theo hình thức hợp tác BT và BOT lại nở rộ, thậm chí là doanh nghiệp còn đưa nhau “chạy dự án”. Tôi phải khẳng định, chưa ở nước nào lại nở rộ hình thức BT và BOT chỉ trong một thời gian ngắn như vậy. Câu trả lời cuối cùng vẫn là lợi nhuận khổng lồ.
Như ông vừa trao đổi, hình thức hợp tác BT và BOT bỗng trở thành “miếng bánh ngon” mà nhiều chủ đầu tư quan tâm vì nguồn lợi khổng lồ. Vì sao các chủ đầu tư có thể dễ dàng thu được nguồn lợi lớn như vậy?
Nghị định 15 của Chính phủ đã có điểm không rõ ràng, đó là các dự án BT hoặc BOT có thể đấu thầu hoặc chỉ định thầu. Tức là hợp tác này được áp dụng hai hình thức (lẽ ra chỉ nên ghi là phải đấu thầu theo Luật Đấu thầu).
"Có thể kết luận rằng, sự thất thoát của những dự án BT và BOT đều xuất phát từ tính thiếu công khai, minh bạch. Để khắc phục lỗ hổng này, Nhà nước phải thay đổi cơ chế ngay từ Nghị định 15, cần bắt buộc đấu thầu công khai."
Ông Trần Ngọc Hùng
Chỉ định thầu có một nhược điểm lớn, đó là: chủ đầu tư lên phương án thực hiện dự toán, lên phương án tính thời gian thu phí và thời gian kết thúc. Như vậy, chủ đầu tư có thể tự ý nâng chi phí lên. Trong khi đó, chỉ định thầu có thể hiểu là cơ chế xin cho. Không đấu thầu thì đồng nghĩa là tôi lập lên, anh duyệt, dẫn đến kẽ hở cho lợi ích nhóm.
Cơ chế xin cho vốn là cơ chế không minh bạch nhất trên thế giới, gây ra hình ảnh rất xấu trong dư luận. Thậm chí còn xảy ra tình trạng, một số dự án được hình thành trên những tuyến đường cũ, nhưng chỉ cần mở rộng ra, tu sửa để đạt hiệu quả lợi nhuận tối ưu, phi lý. Chưa kể còn xuất hiện tình trạng đặt trạm không đúng vị trí, tức là bắt người ta phải đi qua đó.
Tất cả vấn nạn này xảy ra trong cơ chế xin cho không loại trừ do "nhóm lợi ích".
Liên quan tới hình thức hợp tác BOT, thưa ông, đâu là những kẽ hở khiến một số doanh nghiệp được hưởng nguồn lợi kép như vậy?
Trong hình thức hợp tác BOT, khi chỉ định, chủ đầu tư có lợi nhuận rất cao. Nếu công khai minh bạch thì rõ ràng 11 dự án ven biển Bắc – Nam tới đây mà đấu thầu thì chắc chắn sẽ được sự đồng tình cao của dự luận, của nhân dân. Cần hiểu, đấu thầu buộc các doanh nghiệp phải cạnh tranh về giá trị công trình thấp nhất, về thời gian thu hồi vốn ngắn nhất…
Thực tế vừa qua cho thấy tốc độ thu hồi vốn đang bị hớ rất lớn. Đó là việc kiểm tra không chặt chẽ, thiếu chính xác nên chủ đầu tư dễ có lợi nhuận cao nhiều nấc: nấc một là nâng giá thành, nấc hai là kéo dài thời gian…
Các tài xế tụ tập phản ứng trạm thu phí BOT Cai Lậy. Ảnh: VnExpress
Theo một thời gian cố định, lẽ ra phải điều chỉnh lại thời gian thu hồi vốn vì số lượng xe qua lại ngày càng lớn hơn thì lại có hiện tượng bớt đi, đếm xe không đúng. Mà tốc độ phát triển của Việt Nam về phương tiện ô tô, xe máy cực nhanh. Chính vì thế mà vừa rồi có việc dân tự mình “đếm hộ”. Để giải quyết tình trạng này, mới đây Nhà nước đã có chủ trương thực hiện hình thức thu phí điện tử giảm sự thiếu minh bạch trong các nguồn thu.
Bên cạnh BOT, các dự án BT cũng là hình thức hợp tác khiến dư luận đặc biệt quan tâm bởi cơ chế đổi đất lấy hạ tầng đang tồn đọng nhiều vướng mắc. Sự thất thoát không chỉ ở “chảy máu”đất công mà còn bởi những dự án vẫn mãi trong tình trạng… dở dang, gây lãng phí tài nguyên. Dù đã được đem ra mổ xẻ nhiều lần nhưng dự án BT vẫn đâu lại hoàn đấy. Thưa ông, vì sao tình trạng này vẫn cứ mãi diễn ra?
Một trong những vấn nạn của cơ chế đổi đất lấy hạ tầng gần đây nhất thể hiện rõ tại các dự án BT đã mắc sai phạm, thiếu minh bạch ngay từ khâu phê duyệt dự án do chủ đầu tư lập ra cũng rơi vào tình trạng trở thành công trình xin - cho.
Giá trị của mảnh đất đối ứng cũng là cơ chế xin - cho. Do không thực hiện đấu giá bởi việc định giá của quỹ đất này thực hiện theo hệ số xác định giá của Nhà nước, thấp hơn rất nhiều so với giá thị trường.
Để “xin duyệt” giá trị công trình không đấu thầu. Dự án do chủ đầu tư lập dự toán chi phí chủ đầu tư nào cũng tính chi phí cao với thực tế do tăng khối lượng, tăng giá vật liệu, giá công nhân lãi vay, phí quản lý… Từ giá trị dự án cao dẫn đến chủ đầu tư được cấp đối ứng quỹ đất lớn tương đương với tổng mức vốn đầu tư của công trình. Chủ đầu tư sẽ được lợi hai lần: thứ nhất, giá công trình cao nên đổi được quỹ đất lớn, thứ là giá đất lại thấp theo hệ số sử dụng quy định của địa phương.
Vậy đâu là giải pháp để xử lý dứt điểm những tồn đọng của các hình thức hợp tác công tư đang bị gây biến tướng hiện nay?
Có thể kết luận rằng, sự thất thoát của những dự án BT và BOT đều xuất phát từ tính thiếu công khai, không minh bạch. Để khắc phục lỗ hổng này, Nhà nước phải thay đổi cơ chế ngay từ Nghị định 15, bắt buộc đấu thầu công khai.
Theo đó, thay vì từ “có thể”, Nghị định 15 cần ghi là “bắt buộc” đấu giá và đấu thầu. Nhất là đối với những quỹ đất đối ứng buộc phải đem ra đấu giá. Làm như vậy, chủ đầu tư vẫn có lãi nếu có phương án tính toán hợp lý. Nếu không giải quyết triệt để, sự hình thành những nhóm lợi ích sẽ tiếp tục làm thất ngân sách nhà nước.
“Thực tế từ khi triển khai đầu tư theo hình thức hợp đồng BT, BOT trong lĩnh vực giao thông đến nay, với hơn 70 dự án đã thực hiện mà không lựa chọn được nhà đầu tư theo hình thức đấu thầu, 100% dự án BT, BOT là chỉ định thầu, với lý do chỉ có 1 nhà đầu tư tham gia, trong đó, có cả nhà đầu tư được lựa chọn chưa đảm bảo năng lực; dẫn đến việc đàm phán ký kết nội dung hợp đồng, hình thức hợp đồng, giám sát quản lý thực hiện hợp đồng, quản lý vốn đầu tư hết sức phức tạp, nhiều bất cập sai sót, làm hạn chế hiệu quả thực hiện các dự asnc ũng như chủ trương đầu tư chung”.
Theo Thông báo số 2222/TB-TTCP, Kết luận của Thanh tra Chính phủ
Linh Di thực hiện