Ảnh: TL
Đọc Truyện Kiều, chắc mọi người còn nhớ đoạn đối đáp giữa Thúy Kiều và Kim Trọng vào một đêm nàng Kiều tâm sự cùng người yêu trong vườn Thuý. Trong đó có câu:
Trong khi chắp cánh liền cành
Mà lòng rẻ rúng đã dành một bên
Ở đây, nàng Kiều đã có lời khuyên chàng Kim cần phải giữ chừng mực, không đi xa quá mức trong quan hệ giữa hai người. Đó là một cách ứng xử rất khéo léo và đúng mực. Trong hai câu thơ trên, có thành ngữ “chắp cánh liền cành” được dùng theo một tích đã có từ xa xưa.
Chắp cánh liền cành, hiểu rộng ra là “chim chắp cánh cùng bay, cây kết liền cành cùng sống”. Về từ chắp cánh, theo sách Nhĩ Nhã thì ở phía bắc Trung Quốc xưa có loài chim kiêm kiêm (giống như chim le le), lông màu xanh. Loài chim này chỉ có một mắt. Muốn bay thì hai con trống mái phải cùng chắp cánh với nhau mới bay được.
Còn về từ liền cành thì sự tích li kì hơn. Đó là câu chuyện của nàng Tức Thị, có chồng là Hàn Phùng, người nước Tống (thời Chiến Quốc, 479-229 trước Công nguyên). Vì ham mê sắc đẹp của Tức Thị, nên vua Tống (tên là Yển) quyết tâm chiếm đoạt nàng. Vua sai người bắt nàng Tức về cung. Hàn Phùng thấy vợ bị bắt, phẫn uất quá liền cắn lưỡi tự tử.
Vua Tống đem lời ngon ngọt dụ dỗ Tức Thị: “Ta đây làm vua, hùng cứ một phương. Nàng muốn phúc sẽ có phúc, muốn họa sẽ có hoạ. Nếu theo ta sẽ được làm hoàng hậu”. Nhưng uy quyền của vua cũng không khuất phục được nàng. Tức Thị lên lầu gieo mình xuống đất mà chết. Trong người nàng, có một bức thư tuyệt mệnh, với mong muốn khi chết được chôn chung với chồng mình. Vua Tống tức giận, sai người chôn hai mộ cách xa nhau.
Chỉ sau một tuần, bỗng nhiên từ hai ngôi mộ mọc lên hai cây văn tử. Cành cây của hai cây nọ lớn, dài rất nhanh, bò lan tới và quấn quýt với nhau không rời. Dân gian gọi đó là cây tương tư tình nghĩa.
Như vậy, thành ngữ chắp cánh liền cành có hàm ý nói về sự thủy chung, gắn bó của vợ chồng, dù chết cũng không rời bỏ nhau. Quả là một bài học cảm động cho đời sau.
Cánh chắp cánh, cành liền cành
Sắt son chồng vợ mối tình thủy chung…
PGS-TS. Phạm Văn Tình
(Viện Từ điển học và Bách khoa thư Việt Nam)