Công hàm phản đối Trung Quốc tại Liên Hợp Quốc (22/HC-2020):

Việt Nam tuyên bố đường ranh chủ quyền trên Biển Đông

 19:22 | Thứ năm, 30/04/2020  0
Theo luật pháp và thực tiễn quốc tế, sự im lặng, không có phản ứng gì trong thời gian 50 năm có nghĩa là quốc gia đó mặc nhiên từ bỏ chủ quyền và các quyền hợp pháp của mình. Vì vậy việc Việt Nam lưu hành công hàm phản đối công hàm của Trung Quốc là việc làm chính đáng, cần thiết, đúng thủ tục pháp lý.

Ngày 30.3.2020, Việt Nam lưu hành Công hàm 22/HC-2020 phản đối các công hàm của Trung Quốc tại Liên Hợp Quốc (LHQ). Một số ý kiến cho rằng Việt Nam đã thay đổi quan điểm và đây là khởi đầu cuộc chiến pháp lý giữa Việt Nam và Trung Quốc, có khả năng dẫn tới một vụ kiện tương tự Philippines kiện Trung Quốc, hay thể hiện sự thắng thế về quan điểm trong nội bộ Việt Nam?

Để góp phần làm sáng tỏ sự thật, dưới góc nhìn pháp lý, chúng tôi xin cung cấp các nội dung liên quan sau.

Việc làm cần thiết

Đây không phải lần đầu tiên Việt Nam gửi công hàm phản đối Trung Quốc về vấn đề Biển Đông. Việt Nam từng tiến hành thủ tục lưu chiểu các công hàm thể hiện quan điểm của mình: năm 1996 và 1998 Việt Nam gửi công hàm phản đối tuyên bố của Trung Quốc về đường cơ sở bao quanh quần đảo Hoàng Sa; năm 2009 Việt Nam gửi công hàm bác bỏ yêu sách “đường chín đoạn”; năm 2014 Việt Nam gửi công hàm phản đối các hoạt động của giàn khoan HD 981, vi phạm quyền chủ quyền và quyền tài phán quốc gia Việt Nam. 

TS. Trần Công Trục, nguyên Trưởng ban Biên giới Chính phủ.

Theo thông lệ quốc tế, việc một quốc gia có chủ quyền, thực hiện thủ tục để lưu hành công hàm thể hiện quan điểm của mình tại LHQ là một biện pháp đấu tranh ngoại giao, pháp lý được nâng cấp, cao hơn so với các tuyên bố ngoại giao hay các công hàm gửi trực tiếp đến quốc gia vi phạm.

Đây cũng là yếu tố “ý chí” (animus), một trong hai yếu tố quan trọng - yếu tố “vật chất” (corpus) và yếu tố “ý chí” (animus) - nhất thiết phải được duy trì thường xuyên, nhất là trong hoàn cảnh yếu tố “vật chất” đã bị mất do một vùng lãnh thổ nào đó bị xâm chiếm. Bởi vì, theo  luật pháp và thực tiễn quốc tế, sự im lặng, không phản ứng gì trong thời gian 50 năm có nghĩa quốc gia đó đã mặc nhiên từ bỏ chủ quyền và các quyền hợp pháp của mình. 

Quan điểm về cách xác định phạm vi chủ quyền

Về quyền thụ đắc lãnh thổ đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa: không thay đổi.

Lập trường, quan điểm pháp lý của Nhà nước Việt Nam từ trước đến nay đã được chính thức bày tỏ trong các văn bản quy phạm pháp luật cũng như các tuyên bố liên quan đến chủ  quyền  đối  với  quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là nhất quán, không hề có sự thay đổi. Trong công hàm do Phái đoàn Thường trực Việt Nam gửi Tổng thư ký LHQ tiếp tục khẳng định: “Việt Nam có đầy đủ bằng chứng lịch sử và cơ sở pháp lý để xác định chủ quyền của mình đối với quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa, phù hợp với luật pháp quốc tế”.

Chúng tôi xin nhấn mạnh và giải thích thêm về hai cụm từ được nêu trong nội dung công hàm: “cơ sở pháp lý” và “chứng cứ lịch sử”. Bởi vì cho đến nay vẫn còn có những nhận thức khác nhau.

“Cơ sở pháp lý” là nguyên tắc “chiếm hữu thật sự” hiện hành theo công pháp quốc tế; đó là việc chiếm hữu và thực thi chủ quyền phải với tư cách nhà nước; hòa bình, liên tục và rõ ràng, tại một vùng lãnh thổ vô chủ hay vùng lãnh thổ bị bỏ hoang, chứ không phải nguyên tắc “chủ quyền lịch sử” thể hiện trong lập trường của Trung Quốc. Nguyên tắc “chủ quyền lịch sử” không có giá trị, không phải “cơ sở pháp lý” theo luật pháp quốc tế.

Để chứng minh, bảo vệ quyền thụ đắc lãnh thổ theo nguyên tắc “chiếm hữu thật sự”, quốc gia tuyên bố chủ quyền phải đưa ra các “bằng chứng lịch sử có giá trị pháp lý”. Điều này có nghĩa không phải bất kỳ một sự kiện, một tư liệu hay bản đồ lịch sử nào cũng được coi là chứng cứ pháp lý. Nếu sử dụng bất cứ tư liệu lịch sử nào để chứng minh chủ quyền theo quan điểm “chủ quyền lịch sử” thì rất mơ hồ, thậm chí rất nguy hiểm, nhằm gây đảo lộn trật tự thế giới và sự tồn tại ổn định của nhiều quốc gia. 

Đảo Phú Lâm (thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam) đã bị Trung Quốc chiếm đóng và xây dựng trái phép. Ảnh: AFP

Lần đầu tiên Việt Nam thể hiện quan điểm về hiệu lực để xác định phạm vi các vùng biển, thềm lục địa của các cấu trúc địa lý ở giữa Biển Đông, đặc biệt là các cấu trúc thuộc hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. 

Cụ thể là: “Việt Nam khẳng định rằng UNCLOS 1982 là căn cứ pháp lý duy nhất, quy định phương pháp xác định một cách toàn diện và thấu đáo (comprehensive and exhaustive) phạm vi các vùng biển riêng biệt giữa Việt Nam và Trung Quốc trong Biển Đông”. Nội dung được cho là lần đầu tiên Việt Nam thể hiện trong một công hàm ở cấp độ ngoại giao cao, đó là việc nhấn mạnh đến vai trò của các cấu trúc địa lý nằm trong Biển Đông, trong đó có các cấu trúc thuộc hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, cụ thể là:

- Hiệu lực để xác lập phạm vi các vùng biển và thềm lục địa của các cấu trúc địa lý phải tuân thủ quy định của điều 121, khoản 3, UNCLOS 1982. 

- Đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa không được vạch theo tiêu chuẩn của “quốc gia quần đảo”, nghĩa là không được phép thiết lập bằng cách nối các điểm ở trên các cấu trúc nằm ngoài cùng của các quần đảo này (theo cách mà Trung Quốc đã công bố đường cơ sở ở quần đảo Hoàng Sa năm 1996 và họ cũng đang tính toán thiết lập đường cơ sở ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam).

- Các cấu trúc địa lý chìm hay nửa nổi, nửa chìm không phải là đối tượng của quyền thụ đắc lãnh thổ. Nghĩa là theo quy định của UNCLOS 1982, không cho phép bất kỳ quốc gia nào có quyền biến các cấu trúc này thành vùng lãnh thổ thuộc chủ quyền của mình, cho dù các quốc gia đó đã bồi đắp, cải tạo chúng thành các đảo nhân tạo hay đã xây dựng các công trình quân sự, kinh tế dân sinh… Nếu trên các cấu trúc đó có các công trình nhân tạo thì chỉ được phép có một vùng an toàn 500m. Quan điểm này đã có tác động mạnh mẽ đến các nước trên thế giới và khu vực, nhất là Hoa Kỳ. Đặc biệt, Philippines đã kịp thời lên tiếng ủng hộ lập trường của Việt Nam và lên án mạnh mẽ những hoạt động phi pháp của Trung Quốc trong Biển Đông thời gian qua.

- Cuối cùng, một điểm rất quan trọng không thể không nhắc tới, đó là: Việt Nam phản đối bất kỳ yêu sách nào trong Biển Đông vượt ra ngoài giới hạn quy định của UNCLOS 1982, kể cả yêu sách quyền lịch sử; các yêu sách này không có hiệu lực pháp lý. Điều này một lần nữa thể hiện lập trường thượng tôn pháp luật của Việt Nam, đặc biệt là tiếp tục ủng hộ, tôn trọng và đánh giá cao phán quyết của Tòa Trọng tài quốc tế mà một trong những  nội dung cốt lõi là bác bỏ “quyền lịch sử” trong phạm vi biển theo đường “lưỡi bò”.

Qua những gì đã đề cập, chúng ta hoàn toàn đồng tình và chia sẻ với những ý kiến đánh giá về nội dung Công hàm 22/HC- 2020. Đó là một công hàm vừa thể hiện lập trường trước sau như một của Việt Nam, vừa bày tỏ một cách rõ ràng, dứt khoát quan điểm pháp lý có liên quan đến việc xác định phạm vi các vùng biển và thềm lục địa theo đúng quy định của UNCLOS 1982, được coi là căn cứ pháp lý duy nhất và toàn diện để các quốc gia ven Biển Đông giải thích và áp dụng một cách chuẩn xác, đồng thời có thể nhận biết những yêu sách dựa trên cơ sở cố tình giải thích và áp dụng sai các quy định của UNCLOS 1982. 

Vì vậy, việc có là cuộc chiến pháp lý, trở thành vụ kiện hay không thì chúng ta cần chờ xem. 

Tiến sĩ Trần Công Trục

bài viết liên quan
để lại bình luận của bạn
có thể bạn quan tâm

Đọc tin nhanh

*Chỉ được phép sử dụng thông tin từ website này khi có chấp thuận bằng văn bản của Người Đô Thị.