Liên quan đến vụ lật tàu du lịch Vịnh Xanh 58, biển kiểm soát QN - 7105 trên vịnh Hạ Long, sáng 20.7, Công an tỉnh Quảng Ninh cho biết thông tin chính xác trên tàu du lịch bị nạn có tổng số 49 người, trong đó có 46 hành khách và 3 thuyền viên.
Đến rạng sáng 20.7, lực lượng chức năng đã tìm thấy 45 nạn nhân (10 người còn sống, 35 người tử vong, trong đó 31 người đã xác định được danh tính).
Các lực lượng đang bơm nước và triển khai các biện pháp lật con tàu lại.
Tối 19.7, tỉnh Quảng Ninh đã huy động gần 1.000 người thuộc các lực lượng cùng hơn 100 phương tiện tham gia tổ chức tìm kiếm những nạn nhân còn mất tích. Cùng tham gia tìm kiếm còn có nhiều ngư dân là người địa phương, am hiểu luồng lạch.
Chỉ đạo trực tiếp tại hiện trường, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà cùng các lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh yêu cầu các lực lượng thực hiện công tác trục vớt, tìm kiếm cứu nạn khẩn trương, đảm bảo an toàn trong điều kiện khó khăn, với quyết tâm hoàn thành công việc trước khi bão số 3 đổ bộ.
Trong đêm 19.7, lực lượng chức năng quyết định lật tàu để tìm kiếm người bị nạn. Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà yêu cầu lực lượng tham gia thực hiện cứu nạn chặt chẽ các bước quy trình trước khi tiến hành lật tàu, bảo đảm an toàn tuyệt đối cho người và phương tiện.
Tàu QN - 7105 được lật trở lại vào rạng sáng 20.7.
Với sự quyết tâm cao của các lực lượng, vào khoảng 2 giờ ngày 20.7, con tàu đã được lật trở lại. Sau khi tàu được 4 tàu cần cẩu kéo lên khỏi mặt nước nổi hoàn toàn, các lực lượng tiến hành bơm hút nước ra khỏi tàu và tìm kiếm những người mất tích còn lại.
Cho đến khi con tàu được lật trở lại, lực lượng chức năng đã tìm thấy 45 nạn nhân (10 người còn sống, 35 người tử vong, trong đó 31 người đã xác định được danh tính).
Hiện, các đơn vị đang tiến hành lai dắt con tàu vào bờ và tiếp tục tìm kiếm cứu nạn 4 nạn nhân còn mất tích.
Tàu Vịnh Xanh biển kiểm soát QN-7105 là loại tàu vỏ sắt, đóng năm 2015, chủ tàu là ông Đoàn Văn Trình (SN 1975, thường trú tại phường Hà An, tỉnh Quảng Ninh). Các hành khách trên tàu cơ bản đều thường trú ở Hà Nội, trong đó có nhiều trẻ em.
Theo ghi nhận của phóng viên Báo Người Lao Động, hiện sức khỏe 10 người may mắn được cứu sống đang điểu trị tại bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh và Bệnh viện Bãi Cháy đã cơ bản ổn định. Sau khi được nhân viên y tế chăm sóc, sức khỏe những người này đã ổn định dù tâm lý vẫn còn hoảng loạn, bất an.
Khi tàu được lật trở lại, công tác tìm kiếm bên trong tàu gấp rút được triển khai.
Vẫn chưa hết bàng hoàng sau vụ tai nạn, anh Đặng Anh T. (SN 1989, phường Phú Diễn, TP Hà Nội) đang điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh cho biết anh và nhóm 11 bạn cùng lớp đi du lịch Hạ Long. Khi tàu bị lật, anh T. cố gắng lặn xuống rồi may mắn thoát ra ngoài.
Còn anh Vũ Anh T. (SN 2000, thuyền viên trên tàu đang điều trị tại viện) kể lại: "Nhanh quá em không kịp nhớ, nó chỉ khoảng mấy giây thôi, em vừa lên trên cabin thuyền trưởng thì mấy giây sau là thuyền lật. Lúc ấy chỉ nghĩ là làm thế nào thoát được ra ngoài để sống thôi. Lúc ấy may mình biết bơi, bám víu bò ra ngoài, thấy ánh sáng cố ngoi lên và đã thoát được lưỡi hái tử thần".
Trong đêm 19.7, tại nhà tang lễ Bệnh viện Bãi Cháy, không khí lạnh lẽo, u ám bao trùm bởi những tiếng khóc nấc nghẹn ngào... Hàng trăm người là người thân của của những du khách bị nạn từ Hà Nội, Bắc Ninh, Hải Phòng... đến nhận thi thể người thân.
Sau khi làm các thủ tục cần thiết theo quy định pháp luật, một số nạn nhân đã được bàn giao cho gia đình đưa về quê lo hậu sự.
Tàu Vịnh Xanh 58 được lai dắt về bờ.
Xe cứu thương túc trực trên bờ để đưa thi thể các nạn nhân về bệnh viện.
Hỗ trợ nạn nhân và thân nhân trong vụ lật tàu trên vịnh Hạ Long
Sau vụ tai nạn nghiêm trọng xảy ra tại vịnh Hạ Long chiều 19.7, nhiều khách sạn trên địa bàn phường Bãi Cháy, pường Hạ Long (tỉnh Quảng Ninh) đã chủ động hỗ trợ miễn phí chỗ ở, bữa ăn và nhu yếu phẩm thiết yếu cho thân nhân các nạn nhân.
Theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Ninh, đơn vị đã chủ động phối hợp với chính quyền địa phương và Chi hội Khách sạn Quảng Ninh xây dựng phương án khẩn cấp hỗ trợ hậu cần cho người nhà nạn nhân. Đến tối 19.7, đã có 22 khách sạn trên địa bàn đã đăng ký hỗ trợ miễn phí chỗ nghỉ cho thân nhân các nạn nhân. Trong đó, nhiều khách sạn sẵn sàng bố trí toàn bộ phòng hiện có và huy động nhân lực trực 24/24 để đón tiếp, hỗ trợ chu đáo.
Ông Vũ Văn Diện, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Quảng Ninh, động viên các nạn nhân trong vụ tai nạn.
Không chỉ cung cấp chỗ nghỉ, các khách sạn, tổ chức thiện nguyện còn chuẩn bị suất ăn miễn phí, đồ ăn nhẹ, nước uống, sữa và các nhu yếu phẩm cần thiết nhằm đảm bảo sức khỏe cho người nhà nạn nhân trong quá trình chờ đợi, xử lý các thủ tục cần thiết.
Ông Nguyễn Lâm Nguyên, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Ninh, cho biết dù đang cao điểm du lịch, nhiều cơ sở vẫn không ngần ngại dành phòng và huy động nguồn lực để lo chỗ ở, ăn uống cho người nhà nạn nhân. Đây là hành động đầy tính nhân văn, thể hiện tinh thần trách nhiệm, sẻ chia của toàn ngành du lịch Quảng Ninh trong lúc hoạn nạn".
Bước đầu tỉnh Quảng Ninh đã thực hiện hỗ trợ cho gia đình các nạn nhân tử vong là 25 triệu đồng/người, nạn nhân bị thương 8 triệu đồng/người. Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh cũng hỗ trợ cho gia đình các nạn nhân tử vong 5 triệu đồng/người, nạn nhân bị thương 3 triệu đồng/người. Sẻ chia những mất mát với gia đình người bị nạn, một số doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh cũng hỗ trợ các gia đình nạn nhân tử vong 40 triệu đồng/người, nạn nhân bị thương 25 triệu đồng/người.
Tr.Đức (Người lao Động)
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch yêu cầu kiểm tra toàn diện cơ sở lưu trú, điểm đến để tránh bão số 3
Trước diễn biến phức tạp của bão số 3 (Wipha) cũng như vụ lật tàu tại Quảng Ninh tối 19.7, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng vừa có công điện khẩn về việc tập trung ứng phó với bão số 3 năm 2025, trong đó yêu cầu các sở và đơn vị trực thuộc chủ động triển khai phương án ứng phó nhằm đảm bảo an toàn cho người dân, du khách và tài sản ngành quản lý.
Ông Phạm Đức Ấn (ngoài cùng bên phải), Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh cùng lãnh đạo tỉnh, các sở, ban, ngành liên quan có mặt trực tiếp tại hiện trường để chỉ đạo công tác cứu hộ. (Ảnh: Thanh Vân/TTXVN
Theo đó, công điện gửi Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Sở Văn hóa, Thể thao; Sở Du lịch tại các tỉnh/thành phố: Quảng Ninh, Hải phòng, Hưng Yên, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Trị, Huế, Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Lào Cai, Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Tuyên Quang, Cao Bằng, Lạng Sơn, Thái Nguyên, Phú Thọ, Bắc Ninh, Hà Nội; Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị trực thuộc Bộ.
Nội dung công điện yêu cầu Giám đốc các Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Sở Văn hóa, Thể thao, Sở Du lịch tại các địa phương nêu trên chủ động theo dõi tình hình, diễn biễn của bão, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương trên địa bàn rà soát, kiểm tra toàn bộ cơ sở lưu trú du lịch, các khu điểm du lịch, đặc biệt là các khu vực ven biển, đảo, khu vực có nguy cơ sạt lở, lũ quét.
Phối hợp tổ chức tuyên truyền và di dời, sơ tán khách du lịch đến nơi an toàn; kiểm đếm, thông tin, hướng dẫn tàu thuyền, phương tiện hoạt động du lịch trên biển biết, không đi vào hoặc thoát ra khỏi khu vực nguy hiểm hoặc về nơi tránh trú an toàn; xây dựng phương án ứng phó bão lụt cụ thể, triển khai các biện pháp sơ tán, tránh trú, đảm bảo an toàn cho khách du lịch, nhất là khách du lịch quốc tế.
Các địa phương tăng cường kiểm tra, rà soát, thực hiện các phương án đảm bảo an toàn cho người và tài sản tại các thiết chế văn hóa, thể thao, các di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh, khu, điểm du lịch trên địa bàn; căn cứ tình hình thực tế và khả năng ảnh hưởng của bão, mưa lũ để chủ động quyết định hoặc tham mưu cấp có thẩm quyền chỉ đạo tạm dừng các hoạt động vui chơi, giải trí, du lịch tại địa phương.
Nhằm giúp người dân chủ động phòng chống ứng phó với mưa lũ lớn, sạt lở đất, lũ quét, Bộ đề nghị các cơ quan báo chí, phát thanh truyền hình và thông tin cơ sở cập nhật bản tin dự báo diễn biến của bão từ Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia để thông báo kịp thời cho người dân chủ động phòng chống, đặc biệt là công tác ứng phó với mưa lũ lớn, sạt lở đất, lũ quét có thể xảy ra và công tác di dời dân ở các vùng nguy hiểm, có nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất đến nơi an toàn.
Thủ trưởng các đơn vị thuộc Bộ tại các địa phương nêu trên theo dõi sát thông tin dự báo, diễn biến tình hình bão, mưa, lũ để triển khai các phương án ứng phó, đảm bảo an toàn cho người và tài sản do đơn vị quản lý, các hoạt động do đơn vị tổ chức; khuyến cáo công chức, viên chức, người lao động hạn chế ra đường trong thời gian bão đổ bộ, mưa lũ lớn.
Cục Báo chí, Cục Phát thanh Truyền hình và Thông tin điện tử và Cục Thông tin cơ sở và Thông tin đối ngoại chỉ đạo các cơ quan báo chí, truyền thông, thông tin cơ sở trên địa bàn toàn quốc tổ chức tuyên truyền, phát sóng, đưa tin kịp thời về dự báo, cảnh báo về diễn biến của bão, chỉ đạo ứng phó với bão để chính quyền các cấp ở địa phương cùng người dân theo dõi và cập nhật thường xuyên.
Trong đó, đặc biệt chú trọng đưa các tin bài cảnh báo người dân về nguy cơ diễn ra mưa lũ, sạt lở đất và phòng chống dịch bệnh có thể phát sinh do lũ, ngập lụt.
Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng chỉ đạo các nhà thầu triển khai các biện pháp bảo đảm an toàn cho các công trình xây dựng, chuẩn bị sẵn sàng lực lượng, phương tiện, vật tư sẵn có để ứng phó, khắc phục hậu quả do bão, mưa lũ (nếu có).
Giám đốc các Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Sở Văn hóa, Thể thao, Sở Du lịch, Thủ trưởng các đơn vị thuộc Bộ tại các địa phương nêu trên tổ chức trực ban, thông tin kịp thời và báo cáo Bộ về tình hình ứng phó với bão, thiệt hại xảy ra trên lĩnh vực quản lý của ngành trong và sau bão (nếu có).
M.Mai (Vietnam+)