Ảnh minh hoạ
Theo ông Vũ Khắc Liêm, khoảng 10 năm trước đây, thu thuế phụ thuộc rất nhiều vào hoạt động xuất nhập khẩu với các loại thuế là thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt nhưng, hiện nay, việc hội nhập sâu rộng đã khiến các phần thu thuế trước kia bị hụt dẫn đến cơ cấu thu bị thay đổi.
“Đây là khung thuế được tính toán để sau này khi có những điều chỉnh về cơ cấu do tham gia hội nhập thì sẽ phù hợp. Còn mức cụ thể thì Uỷ ban thường vụ Quốc hội ban hành”, ông Liêm cho hay.
Số liệu từ Bộ Tài chính cho thấy, kể từ thời điểm bắt đầu áp dụng đến nay là năm 2012 thì số thu thuế bảo vệ môi trường năm sau đều tăng hơn năm trước. Trong đó, số thu thuế đã tăng dần từ mức 11.160 tỷ đồng năm 2012 lên mức 42.393 tỷ đồng năm 2016.
Nhưng, số chi cho bảo vệ môi trường chỉ đạt 9.000 tỷ đồng trong năm 2012, 2013 và tăng đến 12.290 tỷ đồng năm 2016. Do đó, một số ý kiến cho rằng, việc chi cho bảo vệ môi trường vẫn chưa minh bạch.
Giải thích cho điều này, ông Vũ Khắc Liêm cho biết, hiện nay cơ bản chưa tính toán được cụ thể mức đầu tư cho môi trường hàng năm vì ngoài ngân sách nhà nước đầu tư cho sự nghiệp môi trường tối thiểu 10% tổng thu ngân sách thì còn nhiều loại phí, quỹ liên quan đến môi trường cũng như vốn vay ODA.
“Hiện nay chưa tính toán được nhưng nếu nhà nước đầu tư cho môi trường thì là rất lớn. Thu thuế là một trong những biện pháp góp phần bảo vệ môi trường. Còn thuế bảo vệ môi trường không thể nói là trực tiếp chi cho môi trường. Có chi cho môi trường nhưng từ ngân sách nhà nước”, ông Liêm nói.
Cũng theo vị đại diện Bộ Tài chính, đầu tư cho môi trường bao gồm rất nhiều khoản như xử lý ô nhiễm chất thải rắn, lỏng, khí, nhiều vấn đề ô nhiễm khác hoặc hỗ trợ chính sách liên quan đến môi trường. Ngoài ra còn có chi đầu tư cho môi trường là một khoản hoàn toàn khác. Do đó, khó có thể minh định được “đồng nào ra đồng đấy”.
Cũng theo đại diện Vụ chính sách thuế, nguyên tắc điều chỉnh mức thu thuế là phải phù hợp với tình hình kinh tế xã hội, sức cạnh tranh của nền kinh tế, của các doanh nghiệp cũng như các cam kết hội nhập.
“Hiện mới trình khung thuế từ 4.000-8.000 đồng, còn mức tăng thì phải tính toàn từng thời điểm. Nhất là còn phải trình Quốc hội, phải họp bàn, thảo luận. Bây giờ mới chỉ là lộ trình xin ý kiến. Bộ Tài chính vẫn đang thực hiện theo Nghị quyết Chính phủ, ưu đãi về thuế phí, tín dụng chứ không phải Chính phủ bảo hỗ trợ doanh nghiệp mà chúng tôi làm ngược lại”, vị này cho hay.
Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung Luật thuế bảo vệ môi trường mới được công bố cho thấy khung mức thuế đối với hầu hết các mặt hàng hiện đang chịu thuế bảo vệ môi trường đều tăng mức khá mạnh.
Đáng chú ý, đối với mặt hàng xăng, trừ ethanol có thể ở mức 3.000 - 8.000 đồng/lít, nhiên liệu bay 3.000 - 6.000 đồng/lít, dầu diesel 1.500 - 4.000 đồng/lít. Mặt hàng xăng E5, E10 có thể ở khung mức thuế từ 2.700 - 7.200 đồng/lít và 2.500 - 6.800 đồng/lít…
Theo đánh giá của ban soạn thảo, tác động tích cực của đề xuất nhằm tạo dư địa mức thuế để điều chỉnh, phù hợp với chính sách phát triển kinh tế xã hội trong thời gian tới, nhất là trong điều kiện hội nhập ngày càng sâu rộng, phải thực hiện lộ trình cắt giảm thuế nhập khẩu đối với xăng dầu theo các cam kết quốc tế…. Trong khi, tác động tiêu cực được ban soạn thảo cho rằng “không có”.
Bản dự thảo ngay sau khi được công bố đã nhận được nhiều ý kiến phản đối từ nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng khung thuế được đưa ra là mức quá cao.
Nguyễn Thảo (Theo BizLive)
» [Infographic] Giá xăng tăng ra sao nếu 'gánh' 8.000 đồng thuế?
» Đề xuất tăng thuế bảo vệ môi trường: Nên nuôi dưỡng nguồn thu, đừng vắt kiệt!
» Nếu áp thuế bảo vệ môi trường với xăng tới 8.000 đồng/lít: “Không có tác động tiêu cực”?
» Thuế bảo vệ môi trường với xăng có thể lên 8.000 đồng/lít
» “Không dùng ngân sách xử lý các dự án yếu kém, thua lỗ”
» Giữ giá xăng, tăng giá dầu đồng loạt từ chiều 4.1
» Việt Nam đã “mất” bao nhiêu nghìn tỷ vì dầu khí giảm giá?
» Chân dung 7 dự án nghìn tỷ thua lỗ nặng của Bộ Công Thương