Xây thủy điện trên dòng Mekong: Kết quả nghiên cứu mới có hữu dụng?

 03:19 | Chủ nhật, 22/04/2018  0
Kết quả Nghiên cứu về quản lý và phát triển bền vững lưu vực sông Mekong vừa được Ủy hội Mekong công bố đã chỉ ra nhiều tác động tiêu cực nghiêm trọng, nếu 11 thủy điện trên dòng chính Mekong được xây dựng. Trong bối cảnh đó, tiếp theo thất bại với Xayaburi, Don Sahong và Pak Beng đã được xây dựng, nhiều động thái của Trung Quốc và Campuchia hiện nay cho thấy, Sambor có thể là con đập tiếp theo sẽ được xây dựng trên dòng chính sông. Sambor được xem là con đập có thể gây tác động tiêu cực “khủng” nhất với ĐBSCL lẫn Campuchia. Bài toán cho dòng Mekong có tiếp tục bế tắc?

Từ con đập Sambor…

Được truyền thông quốc tế gọi là một dự án vớicông chúng bị bỏ lại trong bóng tối”, các kế hoạch xây dựng đập thủy điện Sambor trên dòng chính sông Mekong của Campuchia đã gây ra nhiều tranh cãi ngay từ ban đầu.

Sambor đã được China Guodian Corporation nghiên cứu khả thi ở hai phương án có công suất sắp đặt 465 MW và 2.600 MW. Sau khi nhà thầu Trung Quốc China Southern Power Grid Company (CGS) của đập này rút lui vì “tác động môi trường quá lớn” năm 2011, sau nhiều năm im ắng, thì nhiều động thái hiện nay của Campuchia và Trung Quốc cho thấy, dự án này có thể sẽ được xây dựng lại.

Thông tin từ South China Morning Post, dân làng Sambor trên cù lao Kaoh Real cho biết họ đã được khảo sát ý kiến về dự án thủy điện này từ tháng 1.2018.

Mới đây nhất, theo tờ Mogabay, phát biểu của một phát ngôn viên của Chính phủ Campuchia cho thấy, Sambor là một dự án ưu tiên của Chính phủ, nằm trong kế hoạch Năng lượng tổng thể của đất nước này; dự kiến sẽ được hoàn thành trong ba giai đoạn từ năm 2025 - 2027, với tổng công suất 1.800 MW.

Trao đổi với Người Đô Thị, nhiều chuyên gia lĩnh vực cũng cho biết: “chưa có thông tin cụ thể, chỉ biết Trung Quốc và Campuchia đang tiến hành khảo sát khu vực xây đập này”.

Bình minh trên dòng Mekong - ảnh: Lê Quỳnh

TS. Lê Phát Quới, viện Tài nguyên môi trường TP.HCM cho hay thêm: “Điều đáng quan tâm là, mặc dù có những tuyên bố và đã tiến hành khảo sát, tuy nhiên thông tin chi tiết về Sambor dường như không được nhiều nhiều người biết; Chính phủ Cambodia vẫn chưa công khai về kế hoạch thủy điện này. Đây là một trong những kế hoạch dài hạn của chính phủ Cambodia dưới sự ủng hộ và tài trợ của Trung Quốc.”

Nằm gần biên giới Việt Nam, Sambor được giới khoa học xem như là một “quả bom nước” với ĐBSCL, với thiết kế cao 56 m, dài 18 km, dung tích hồ chứa 465 triệu m3 nước, ở công suất 2.500 MW.

Theo TS. Lê Phát Quới, Việt Nam sẽ bị thiếu hụt nước và mặn xâm nhập vào mùa khô; tiềm ẩn rủi ro khi hồ chứa nước bị vỡ và xả nước khi gặp mưa bão sẽ gây lũ lụt nghiêm trọng.

Điều này không chỉ với Việt Nam, mà cả Campuchia. Với phía thượng và trong khu vực Campuchia, Sambor sẽ chặn di cư của cá lớn giữa nam Lào và hồ Tonle Sap (địa điểm đánh bắt thủy sản nước ngọt lớn nhất thế giới, với dân số phụ thuộc tới 75% vào nguồn cung cấp đạm động vật từ thủy sản nước ngọt - PV); phá hủy môi trường sống của nhiều loài thủy sản nước ngọt quan trọng như ca hô, cá tra dầu và làm gián đoạn dòng sông thủy văn, trầm tích và chu kỳ dinh dưỡng, ảnh hưởng đến hệ sinh thái rộng lớn hơn của lưu vực sông…

Tính toán trong nghiên cứu của Colin Thorne và cộng sự cho thấy, nếu xây dựng Sambor, lượng trầm tích bị bẫy lại lũy tích sẽ khoảng 16,4 triệu tấn/năm (trong khi nếu 11 đập chính trên dòng Mekong đi vào hoạt động, lượng trầm tích này sẽ khoảng 20,7 triệu tấn/năm).

Còn theo Cơ quan Thuỷ sản Campuchia, chỉ riêng đập Sambor dự kiến ​​giảm sản lượng cá và các loài thủy sản khác từ 16 – 30%.

Con đập này cũng sẽ khiến loài cá heo Irrawaddy khu vực này bị tuyệt chủng nếu Sambor được xây dựng, theo WWF. 19.000 người dân sinh sống ở 4 đảo khu vực này phải di dời, nếu Sambor được xây dựng, theo CGS,…

Xayaburi là đập thủy điện đầu tiên được xây dựng ở hạ nguồn dòng chính sông Mekong, tại Lào; được khởi công năm 2011 và dự kiến hoàn thành vào năm 2019. Ảnh: Lê Quỳnh

Cam kết khắc phục, chỉnh sửa đã lỗi thời?

Trong bối cảnh đó, Nghiên cứu về quản lý và phát triển bền vững lưu vực sông Mekong (Council Study - CS) vừa được Ủy hội Mekong (MRC) công bố, sau 5 năm thực hiện, đã chỉ ra nhiều tác động tiêu cực nghiêm trọng, nếu 11 thủy điện trên dòng chính Mekong được xây dựng.

Mặc dù đưa ra nhiều lợi ích như thúc đẩy giao thông thủy, lợi ích kinh tế cho các quốc gia từ điện năng và đầu tư, phát triển thủy điện, tuy nhiên, thiệt hại cũng vô cùng lớn.

Ước tính, sinh khối cá giảm từ 15 – 40% với 4 nước Việt Nam, Lào, Campuchia, Thái Lan đến năm 2020 so với năm 2017; giảm từ 30 – 55% đến năm 2040. Đến năm 2020, chỉ còn 33% lượng trầm tích (so với năm 2017) chảy đến đồng bằng; và đến năm 2040, tỉ lệ này chỉ còn 3%!...

Trong khi đó, Sambor được đưa vào tính toán với kịch bản xây thủy điện đến năm 2040. Điều này có nghĩa, các tác động tiêu cực có thể đến sớm hơn so với tính toán. 

Trao đổi với Người Đô Thị, ông Phạm Tuấn Phan, giám đốc điều hành MRC từ Lào cho biết: Ủy hội không có thông tin về các động thái xây đập Sambor.

“Ủy hội kỳ vọng Campuchia sẽ khởi động thủ tục tham vấn với Ủy hội như chính phủ Lào đã làm với 3 đập Xayaburi, Don Sahong và Pak Beng”, ông Phan nói thêm.

Tuy nhiên nhìn lại, quy trình Thông báo, tham vấn trước và thỏa thuận (PNPCA), thủ tục bắt buộc với các nước thành viên MRC, theo Hiệp định Mekong 1995 đối với các dự án thủy điện trên dòng chính Mekong, đã không mang lại hiệu quả nào.

Đập Xayaburi tại thời điểm chụp vào tháng 3.2017. Ảnh: Lê Quỳnh

Trước Pak Beng, bất chấp sự không đồng thuận từ Việt Nam và Campuchia về những kết quả trong quy trình PNPCA với Xayaburi và Don Sahong, Lào vẫn tiến hành xây dựng hai thủy điện này. MRC cũng khép lại quá trình tham vấn mà không có bất cứ công bố chính thức nào về quyết định cuối cùng đối với hai dự án.

Nếu với Hiệp định năm 1975 của MRC là có quyền phủ quyết, tức bất cứ một nước nào không đồng ý thì nước kia không được tiến hành; thì Hiệp định Mekong 1995 lại không ràng buộc bất cứ một nước thành viên nào phải tuân thủ theo ý kiến của các nước thành viên khác. Điểm này, sẽ khiến cho câu chuyện đập Sambor nói riêng, và các đập thủy điện khác nói chung trên dòng chính Mekong sẽ khó có một tương lai sáng sủa cho sự phát triển bền vững.

TS. Đào Trọng Tứ cho rằng, các cam kết khắc phục và chỉnh sửa dự án của các nước trong quá trình xây dựng thủy điện không phải là một giải pháp hiệu quả cho vấn đề hiện nay.

Một ví dụ, trước đó, chủ đầu tư Xayaburi đã buộc phải bổ sung 400 triệu USD để cải tiến xả phù sa, thêm âu thuyền, làm đường đi cho cá,… sau rất nhiều đấu tranh của các nhà khoa học và cộng đồng quốc tế. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, công nghệ “cầu thang cá” của Châu Âu chỉ hiệu quả đối với rất ít loài cá to, khỏe của Châu Âu và hoàn toàn không phù hợp với sự đa dạng loài cá có kích thước nhỏ hơn của vùng Mekong. Chưa kể, trong thực tế làm sao các loài cá nhận biết được đâu là đường đi của cá? Vấn đề trứng cá xuôi theo dòng nước bị va vào tua bin?...

Lấy dẫn chứng lại câu chuyện Sambor, TS. Tứ cho biết, nếu được xây dựng, Sambor nguy cơ sẽ triệt tiêu hẳn đường đi của cá lên thượng nguồn đẻ. Lý do, các nghiên cứu của Hà Lan cho thấy, một đường đi rất quan trọng của cá đã bị chặn bởi Don Sahong. Một đường khác còn lại là sông nhánh Sekong, nằm trong nhánh sông Sesan - Srepôk, thì đến nay đã bị xây dựng gần hết. “Đường đi cho cá – một giải pháp của các nhà làm đập như là cách khắc phục vấn đề - là vô hiệu cho vấn đề này”, TS. Tứ nói. 

Đập Cảnh Hồng, Trung Quốc. Cho đến nay, Trung Quốc vẫn là quốc gia đứng ngoài câu chuyện hợp tác các nước trên lưu vực, nhưng vẫn giữ vai trò kiểm soát vị thế ở sự ủng hộ và tài trợ các nước khác xây đập thủy điện. Ảnh: TL.

Trong bối cảnh này, nhiều chuyên gia đồng tình, đã đến lúc MRC cần có sự cải cách tốt hơn. Cụ thể, MRC cần thay đổi cách tiếp cận vấn đề, trong đó, các cơ chế giám sát và chia sẻ lợi ích, bao gồm rủi ro cần cụ thể hơn; kể cả xác định vai trò, trách nhiệm của bên điều hành chung, hay tiến tới khả năng cần những cơ chế ràng buộc pháp lý.

“Nghiên cứu của MRC chỉ có giá trị tham khảo. Báo cáo này đến nay không được Lào chấp nhận, Chính phủ Thái Lan không nêu rõ quan điểm, chỉ có các tổ chức dân sự xã hội ở Thái, Campuchia và Việt Nam phản đối. MRC chưa có cơ chế kiểm soát, cả về lý thuyết, liên quan đến giám sát, chia sẻ lợi ích, lẫn ràng buộc pháp lý... Đây là một thảm kịch nếu toàn bộ các đập thủy điện được xây và vận hành”, PGS-TS. Lê Anh Tuấn, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu về biến đổi khí hậu, Đại học Cần Thơ nêu quan điểm.

Hy vọng một lối mở mới?

Trong bài toán liên quan, Báo cáo và khuyến nghị của Trung tâm nghiên cứu Stimson (Mỹ) cuối năm 2017 cho thấy, một đề xuất đến việc mở rộng hợp tác vượt quá khuôn khổ nguồn nước, tiến tới năng lượng và các lĩnh vực tài nguyên khác đang được xem có thể mở ra những cơ hội mới cho hợp tác khu vực. Cụ thể, trong xu thế năng lượng tái tạo phát triển mạnh như hiện nay, một bài toán nâng cao năng lực về nước - năng lượng tại Lào được xem như là một chuyển tiếp sang một kế hoạch năng lượng có tính chiến lược ở quy mô toàn lưu vực.

Còn theo ADB, tiềm năng kỹ thuật của điện mặt trời Campuchia là 5.100 MW, điện gió 520 MW. Tiềm năng kỹ thuật mặt trời của Lào là 511 MW, thủy điện nhỏ là 2.000 MW. Trong khi đó, tính toán, tổng công suất 11 đập thủy điện dòng chính là 13.000 MW (trường hợp đập Sambor 2.600 MW); và là 11.000 MW (nếu Sambor 465 MW).

Giám đốc Ủy hội Mekong nói gì?

Trao đổi với Người Đô Thị qua email từ Lào, ông Phạm Tuấn Phan, Giám đốc điều hành MRC cho biết: “MRC đã hoàn thành nghiên cứu CS theo kế hoạch trước đây gần 2 năm, và không bổ sung và hoàn thiện nghiên cứu này nữa.

Theo ông Phan, kết quả nghiên cứu CS của MRC dài hơn 3.600 trang, với sự tham gia của 107 chuyên gia hàng đầu (trong đó có 13 cán bộ ban thư ký Ủy hội, 73 chuyên gia, và 21 chuyên viên của các quốc gia thành viên), trong 6 lĩnh vực chuyên đề và 3 lĩnh vực chuyên môn khác nhau, cùng với việc tính toán đến tác động của biến đổi khí hậu.

Vì vậy, tại Hội nghị thượng đỉnh cấp cao Mekong 2018 vừa qua (được tổ chức tại Siem Reap vào hai ngày 4.4 và 5.4.2018), một đánh giá của 10 nhà chuyên môn thuộc một Viện nghiên cứu môi trường được thực hiện trong hai tuần về kết quả CS, ông Phan bày tỏ: “chúng tôi cho rằng là chưa đúng mực, còn chủ quan, thiếu cơ sở khoa học và dữ liệu cần thiết. Nghiên cứu mới công bố của Ủy hội được giới chuyên môn và lãnh đạo đánh giá cao từ đầu năm 2018 tới nay.”

Cũng theo ông Phan, kết quả nghiên cứu mới đây có nhiều điểm mới và kiến nghị mới, như các nước thành viên cần hợp tác chặt chẽ hơn trong việc lập kế hoạch phát triển của từng nước, để giải quyết tình trạng không có ràng buộc rõ ràng và cụ thể hơn hiện nay.

“Cũng như mọi tổ chức khác, MRC cần có những điểm cải tiến mới. Những điểm cải tiến này được nêu trong các tuyên bố chung của 3 Hội nghị thượng đỉnh Ủy hội sông Mekong trong các năm 2010, 2014 và 2018. Điểm cải tiến lớn nhất là lộ trình ven sông hóa Ủy hội đang được thực thi tốt; lần đầu tiên giám đốc điều hành Ủy hội là một công dân Mekong." - ông Phan viết thêm.

Bày tỏ quan điểm về báo cáo và khuyến nghị của Stimson, ông Phan cho biết, “Ủy hội ủng hộ và đã trao đổi việc hợp tác này với Stimson. Hơn nữa, Ủy hội có trong kế hoạch lập chiến lược thủy điện cho lưu vực, một hoạt động nghiên cứu các dạng năng lượng tái tạo khác. Nghiên cứu mới đây của Ủy hội cũng có đề xuất nghiên cứu các dạng năng lượng tái tạo khác hỗ trợ cho phát triển thủy điện”.

Lê Quỳnh

 

bài viết liên quan
để lại bình luận của bạn
có thể bạn quan tâm

Đọc tin nhanh

*Chỉ được phép sử dụng thông tin từ website này khi có chấp thuận bằng văn bản của Người Đô Thị.