Mới đây, 10 liên minh đại diện cho hơn 200 nhà khoa học Việt Nam, gồm Liên minh Năng lượng bền vững Việt Nam (VSEA); Liên minh Phòng chống Bệnh không lây nhiễm Việt Nam (NCDs-VN), Trung tâm Nghiên cứu Phát triển Xã hội (CSRD), Liên minh Môi trường và Sức khỏe Cộng đồng... đã gửi thư lên Thủ tướng Chính Phủ liên quan đến Dự thảo Quy hoạch điện VIII.
Bức thư nêu rằng, dự thảo Quy hoạch điện VIII vừa được trình lên Thủ tướng trái ngược hoàn toàn với khẳng định của Thủ tướng tại diễn đàn “Tuần lễ Năng lượng Nga” rằng “Việt Nam sẽ tích cực giảm và hầu như không phát triển thêm nhà máy nhiệt điện than mới; nâng tỷ trọng năng lượng sạch đạt ít nhất 20% vào năm 2030 và 30% vào năm 2045”.
Theo dự thảo mới đệ trình, Bộ Công thương sẽ tăng thêm khoảng 20.000 MW điện than mới vào năm 2030, nâng công suất điện than từ khoảng 21.000 MW hiện nay lên 40.899 MW và tiếp tục tăng thêm khoảng 10.000 MW điện than nữa trong giai đoạn tới 2045. Trong khi đó sản lượng điện sạch chỉ đạt 13,5% vào năm 2030.
Với lộ trình này, năng lượng hóa thạch sẽ chiếm khoảng 68% trong sản lượng điện quốc gia vào năm 2030. Kịch bản phát triển này đưa Việt Nam trở thành 1 trong 6 quốc gia có kế hoạch phát triển điện than lớn nhất toàn cầu.
Dự thảo này gần như không có gì thay đổi so với các bản trước đây, thậm chí còn kém chất lượng hơn bản trình tháng 3.2021 vốn đã không được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại thời điểm đó.
Các liên minh cũng cho rằng bản quy hoạch này cũng đi ngược xu thế chuyển dịch năng lượng đang diễn ra mạnh mẽ trên toàn cầu.
Trước thềm hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp Quốc về Biến đổi khí hậu (COP26), nhiều quốc gia đã và đang chuẩn bị đưa ra cam kết mạnh mẽ về hành động khí hậu; dừng xây dựng thêm các nhà máy điện than và đẩy nhanh, mở rộng quy mô phát triển năng lượng tái tạo, hiệu quả năng lượng, phát triển tích trữ năng lượng và điện hóa giao thông.
Ngay cả các quốc gia có nền kinh tế phụ thuộc lớn nhất vào nhiên liệu hóa thạch như Nga, Thổ Nhĩ Kỳ và Các tiểu vương quốc Ả rập thống nhất, tuần trước cũng đã cho biết họ có thể sẽ đạt mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào trước năm 2060.
Trong khi đó, bản quy hoạch hiện tại thiếu vắng những giải pháp đột phá mà Nghị quyết 55 yêu cầu, bỏ qua vấn đề tích trữ năng lượng vô cùng cấp thiết và quan trọng, chưa chỉ ra lộ trình để khơi thông dòng vốn tư nhân đang sẵn sàng vào phát triển ngành điện sạch ở Việt Nam.
“Chúng tôi e ngại rằng, Việt Nam sẽ bị lẻ loi trong cộng đồng quốc tế nếu dự thảo Quy hoạch điện 8 hiện tại được phê duyệt, bởi cả thế giới đang trong quá trình chuyển dịch năng lượng một cách mạnh mẽ và tích cực theo khuyến nghị nêu trong báo cáo của Cơ quan Năng lượng Quốc tế”, bức thư nêu.
Như vậy, các liên minh cho rằng về mặt ngoại giao quốc tế sẽ rất bất lợi cho đoàn Việt Nam tại diễn đàn COP26 năm nay, cũng như trên trường quốc tế những năm sau này khi các nước đánh thuế cac-bon gây bất lợi cho hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam, và đòi hỏi an ninh sức khỏe toàn cầu được đặt ra cho mọi can thiệp chống biến đổi khí hậu được đẩy mạnh hơn bao giờ hết.
Các liên minh cũng nêu, theo bản quy hoạch này, giá điện và an ninh năng lượng quốc gia sẽ “bập bềnh” theo các yếu tố có nhiều biến động, nằm ngoài tầm kiểm soát. Giá than và khí nhập khẩu có dao động lớn và ngày càng đắt đỏ do nguồn cung đang bị thu hẹp theo chuyển dịch năng lượng.
Cuộc khủng hoảng năng lượng ở Trung Quốc và châu Âu đang chỉ rõ rủi ro của nền kinh tế phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch trong bối cảnh biến đổi khí hậu. Điều này có thể tạo ra những hệ lụy có hại cho chính ngành điện, người tiêu dùng và quốc gia.
Mặt khác, đến thời điểm này, có thể khẳng định rằng 2/3 công suất điện than được quy hoạch xây dựng mới ở Việt Nam sẽ không khả thi vì không thể tiếp cận được nguồn vốn và nhiều địa phương không đồng ý. Như vậy đây sẽ là các dự án treo đồng thời sẽ đe dọa an ninh năng lượng quốc gia khi không có đủ nguồn năng lượng thay thế kịp tiến độ.
Ngoài ra, bối cảnh quốc tế thời điểm này có nhiều cơ hội thuận lợi cho Việt Nam để phát triển đột phá theo hướng bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu mà vẫn đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.
Chẳng hạn, Tổng Bí thư – Chủ tịch nước Trung Quốc, Tập Cận Bình tuyên bố sẽ gia tăng hỗ trợ cho đầu tư phát triển các loại năng lượng phát thải thấp tại các nước đang phát triển, dừng xây dựng điện than mới ở nước ngoài. Các đối tác phát triển như EU, Mỹ, WB..., cũng nhất loạt cam kết hỗ trợ Chính phủ Việt Nam huy động nguồn lực cho chuyển dịch năng lượng.
Công nghệ năng lượng sạch đã cạnh tranh với nhiên liệu hóa thạch và liên tục cải tiến đi kèm và ngày càng có nhiều đột phá vượt sức tưởng tượng. Cộng đồng các nhà đầu tư nước ngoài, các doanh nghiệp và người dân cùng chính quyền địa phương cũng bày tỏ tiếp tục ủng hộ Thủ tướng dẫn dắt và tạo đột phá chính sách để phát triển năng lượng sạch thành công ở Việt Nam.
Trước đó, ngày 8.10 vừa qua, Bộ Công thương đã hoàn thiện và có tờ trình tới Thủ tướng để phê duyệt Đề án Quy hoạch điện 8. Đề án Quy hoạch điện VIII đặt mục tiêu tăng tỷ lệ điện năng sản xuất từ các nguồn năng lượng tái tạo đạt khoảng 11,9-13,4% vào năm 2030 và khoảng 26,5-28,4% và năm 2045.
Lam Thanh