Khi Trung Quốc "buông" nhiệt điện than

 19:59 | Thứ tư, 22/09/2021  0
Hôm qua (21.9), Trung Quốc vừa tuyên bố sẽ không xây dựng các dự án nhiệt điện than mới ở nước ngoài. Trong khi đó, dự thảo Quy hoạch Điện quốc gia VIII của Việt Nam mới tuyên bố lại tăng thêm công suất nhiệt điện than - so với dự thảo vào tháng 3.2021.

Trung Quốc sẽ không xây dựng các dự án nhiệt điện than mới ở nước ngoài

Tại bài phát biểu trước Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc vào ngày 21.9, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vừa tuyên bố: "Trung Quốc sẽ đẩy mạnh hỗ trợ các nước đang phát triển khác trong việc phát triển xanh và năng lượng carbon thấp, và sẽ không xây dựng các dự án nhiệt điện than mới ở nước ngoài".

Bình luận về thông tin này, Helen Mountford, Phó Chủ tịch về khí hậu và kinh tế, Viện Tài nguyên Thế giới, cho rằng: cam kết trên của Trung Quốc sẽ giúp thúc đẩy quá trình chuyển đổi năng lượng sạch toàn cầu, tạo ra nhiều việc làm hơn trong lĩnh vực năng lượng sạch và mở rộng thị trường, đồng thời cải thiện chất lượng không khí.

Tuy vậy, theo Helen Mountford, điều quan trọng là Trung Quốc phải tăng cường Mục tiêu khí hậu năm 2030 cho phù hợp với cam kết không phát thải của họ vào năm 2060. Là nước phát thải lớn nhất thế giới, Trung Quốc nên tham gia cùng 117 quốc gia - những nước đã cập nhật các mục tiêu khí hậu năm 2030 của họ - và đệ trình một cam kết quốc gia mạnh mẽ hơn về khí hậu trước khi diễn ra COP26 vào tháng 11.2021.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình phát biểu tại cuộc họp thường niên lần thứ 76 của Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc ngày 21.9. Ảnh: Reuters


Một báo cáo gần đây của WRI cho thấy, Trung Quốc có thể ổn định lượng khí thải vào năm 2022 và bắt đầu giảm lượng khí thải sau năm 2026. Kiểm soát và cuối cùng loại bỏ các loại khí thải phi CO2 cũng là yếu tố cần thiết để Trung Quốc có được một lộ trình tương thích với việc hạn chế sự nóng lên toàn cầu lên 1,5°C.

Trung Quốc là nước đang phát triển đầu tiên và là nước cuối cùng trong số các nước cung cấp tài chính công lớn cho điện than ở nước ngoài đưa ra cam kết ngừng xây dựng các nhà máy điện than ở nước ngoài.

Nhìn lại, trong hai thập kỷ qua, quy mô và xu hướng đầu tư vào điện than ở nước ngoài của Trung Quốc là rất lớn, trong đó Việt Nam là quốc gia nhận đầu tư lớn thứ hai, sau Indonesia.

Theo dữ liệu phân tích của Trung tâm Chính sách phát triển toàn cầu của Đại học Boston, từ năm 2013 - 2019, các tổ chức của Trung Quốc (bao gồm các ngân hàng chính sách, các ngân hàng thương mại nhà nước và tư nhân và các công ty) đã tham gia đầu tư và tài trợ 68,8 GW công suất các dự án điện than ở nước ngoài, trong đó khoảng 32 GW đã hoạt động, và 37 GW đang trong giai đoạn lập kế hoạch hoặc xây dựng.

Hai ngân hàng chính sách lớn của Trung Quốc, Ngân hàng Phát triển Trung Quốc (CDB) và Ngân hàng Xuất nhập khẩu Trung Quốc (ChEXIM), là nguồn cung cấp tài chính điện than ở nước ngoài lớn nhất của Trung Quốc.

Từ năm 2013 đến năm 2018, CDB và ChEXIM đã cung cấp 15,6 tỷ USD cho các dự án điện than ở nước ngoài, chiếm 50% tổng quy mô tài trợ điện than xuyên biên giới từ khu vực công của Trung Quốc trong cùng thời kỳ. Khoản tài trợ này dành cho việc xây dựng 16 GW công suất lắp đặt điện than. Cũng trong khoảng thời gian đó, Nhật Bản là nước hỗ trợ tài chính lớn thứ hai cho các dự án than ở nước ngoài, chiếm 30% và Hàn Quốc đứng thứ ba, chiếm 11%.

Quy mô công suất lắp đặt điện than ở nước ngoài do các nguồn tài chính khác của Trung Quốc hỗ trợ, chẳng hạn như các ngân hàng thương mại quốc doanh và tư nhân, bằng một nửa con số của CDB và ChEXIM. Hầu hết các dự án được hỗ trợ bởi nguồn tài chính ngoài lĩnh vực công vẫn nằm trong quy hoạch hoặc đang trong giai đoạn xây dựng.

Tính từ năm 2000, các quốc gia nhận đầu tư trực tiếp nước ngoài và nhận vốn từ các ngân hàng chính sách của Trung Quốc vào các dự án điện than là Indonesia, Việt Nam, Pakistan, Nam Phi, Ấn Độ và Bangladesh.

* Bao gồm tất cả các dự án có nguồn tài chính bảo đảm và đang chờ xử lý kể từ năm 2000, theo dữ liệu từ Cơ sở dữ liệu điện toàn cầu của Trung Quốc, Trung tâm chính sách phát triển toàn cầu của trường đại học Boston.

Tuy nhiên trong những năm gần đây, đầu tư của Trung Quốc vào các dự án nhiệt điện than ở nước ngoài đã giảm mạnh. Năm 2020, đầu tư của Trung Quốc vào năng lượng tái tạo (điện gió, điện mặt trời và thủy điện) ở các nước nằm trong sáng kiến "Vành đai và con đường" lần đầu tiên vượt quá mức đầu tư vào các dự án năng lượng hóa thạch, chiếm 56% tổng đầu tư vào năng lượng ở các nước đó.

Trong nửa đầu năm 2021, Trung Quốc không cấp vốn hoặc đầu tư vào bất kỳ dự án than nào (kể cả điện than và khai thác than) ở các nước thuộc "Vành đai và con đường", theo dữ liệu từ Viện Doanh nghiệp Hoa Kỳ.

Năm nay, một số tín hiệu từ chính phủ và các ngân hàng cho thấy sự chuyển hướng đang giảm dần hoặc thậm chí chấm dứt hỗ trợ cho các dự án điện than ở nước ngoài. Như vào tháng 4.2021, Liu Guiping, Phó thống đốc Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc, phát biểu tại một cuộc họp báo Văn phòng Thông tin Quốc vụ viện rằng Trung Quốc sẽ giám sát chặt chẽ các khoản đầu tư ra nước ngoài vào các dự án điện than mới.

Vào ngày 17.4, trong một tuyên bố chung do Trung Quốc và Hoa Kỳ đưa ra, Trung Quốc cam kết mở rộng đầu tư ra nước ngoài để hỗ trợ các nước đang phát triển chuyển đổi từ nhiên liệu hóa thạch sang năng lượng tái tạo.

 

Khói bốc lên từ nhà máy nhiệt điện ở Thượng Hải, Trung Quốc. Ảnh tư liệu: AFP/TTXVN


Ngày 20.4, Thống đốc Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc, Yi Gang, cho biết tại Diễn đàn châu Á Bác Ngao, rằng: “Chúng tôi đang nghiên cứu thử nghiệm gây áp lực lên các tổ chức tài chính để xem xét một cách có hệ thống các yếu tố của biến đổi khí hậu. Chúng tôi sẽ tiếp tục bổ sung trái phiếu xanh vào dự trữ ngoại hối, kiểm soát tài sản carbon mật độ cao và tích hợp các yếu tố về biến đổi khí hậu vào trong các khuôn khổ quản lý rủi ro."

Vào tháng 7, Bộ Thương mại và Bộ Sinh thái và Môi trường Trung Quốc ban hành "Hướng dẫn về Phát triển Xanh của Hợp tác và đầu tư ở nước ngoài", trong đó khuyến khích các công ty Trung Quốc "tuân theo các quy tắc và các tiêu chuẩn xanh quốc tế" khi đầu tư và hợp tác ở nước ngoài. Bản "Hướng dẫn" cũng được gửi cho hai ngân hàng chính sách - CDB và ChEXIM, cũng như Tổng công ty Bảo hiểm Tín dụng xuất khẩu của Trung Quốc.

Nhiều ngân hàng thương mại lớn cũng đã bày tỏ sẵn sàng kiểm soát các khoản đầu tư vào điện than ở nước ngoài và xem xét các chiến lược rút lui khỏi điện than, như Ngân hàng Tiết kiệm Bưu điện Trung Quốc, Ngân hàng Công Thương Trung Quốc (ICBC - một trong những nhà cung cấp tài chính lớn nhất cho các dự án điện than ở nước ngoài).

Nhu cầu năng lượng của các quốc gia 'Vành đai và con đường'

Trong bối cảnh đó, kể từ năm 2020, ngày càng nhiều nền kinh tế đang phát triển dọc theo "Vành đai và con đường" đã thực hiện những bước đi lớn nhằm thoát khỏi các kế hoạch mở rộng điện than đầy tham vọng trước đây.

Sự tăng cường đồng thuận toàn cầu về biến đổi khí hậu và nhu cầu về một quá trình chuyển đổi năng lượng đã đóng một phần vai trò trong sự thay đổi này.

Vì vậy, bản chất gây tranh cãi và rủi ro của các dự án nhà máy nhiệt điện, và khó khăn ngày càng tăng trong việc đảm bảo nguồn tài chính càng đẩy nhanh quá trình đó - khi các ngân hàng từ các nước phương Tây và châu Á không tài trợ cho lĩnh vực điện than và khai thác mỏ nữa.

Ngoài ra, sự sụt giảm mạnh trong triển vọng tăng trưởng kinh tế do đại dịch COVID-19 đã khiến cho nguy cơ thừa công suất điện than và trở thành tài sản mắc kẹt ngày càng hiện hữu.

Trung Quốc đóng cửa nhà máy điện than cuối cùng tại thủ đô Bắc Kinh vào năm 2017 sau 19 năm hoạt động. Ảnh: Tân Hoa xã


Vào tháng 11.2020, Bộ Điện và Năng lượng Bangladesh tuyên bố đã xem xét hủy bỏ các nhà máy điện than theo kế hoạch với tổng số khoảng 22,9 GW. Tháng 3 năm nay, theo Finacial Times, Đại sứ quán Trung Quốc tại Dhaka đã gửi một bức thư cho chính phủ Bangladesh tuyên bố rằng họ sẽ không còn xem xét hỗ trợ đất nước này khai thác than và các dự án sản xuất nhiệt điện than. Đến tháng 6, các nhà chức trách Bangladesh xác nhận nước này đã hủy bỏ 10 nhà máy nhiệt điện than ở giai đoạn tiền xây dựng.

Tại Pakistan, tại Hội nghị Thượng đỉnh Tham vọng Khí hậu toàn cầu vào tháng 12 năm 2020, Thủ tướng Imran Khan tuyên bố nước này sẽ không phê duyệt bất kỳ dự án nhiệt điện than mới nào, và quyết tâm đến năm 2030 đạt 60% nguồn năng lượng từ năng lượng sạch và năng lượng tái tạo.

Tại Indonesia, vào tháng 5 năm nay, công ty điện lực nhà nước Indonesia, PLN, đã tuyên bố PLN sẽ ngừng hoạt động xây dựng các nhà máy điện than sau năm 2023, sau khi đã hoàn thành các dự án hiện tại.

Còn Bộ Năng lượng Philippines đã đề xuất tạm dừng các dự án nhiệt điện than mới đang hoạt động vào tháng 11.2020. Theo phân tích của tổ chức Giám sát Năng lượng Toàn cầu (Global Energy Monitor), điều này có thể dẫn đến việc hủy bỏ 9,6 GW công suất đã được lắp đặt.

Dự thảo Quy hoạch Điện VIII của Việt Nam tăng quy mô nhiệt điện than, giảm năng lượng tái tạo

Năm ngoái và năm nay, các quốc gia cung cấp tài chính lớn như Nhật Bản và Hàn Quốc đã cam kết chấm dứt tài trợ công cho điện than ở nước ngoài, một yếu tố thay đổi cuộc chơi trong việc cung cấp tài chính và hỗ trợ khác cho việc mở rộng công suất điện than ở châu Á. Đây là hai trong ba quốc gia đã từng có tài trợ cho nhiệt điện than Việt Nam. Đến nay, quốc gia cuối cùng có thể tài trợ cho nhiệt điện than Việt Nam cũng vừa tuyên bố sẽ không xây dựng các dự án nhiệt điện than mới ở nước ngoài.

 

Trung Quốc đổ hàng tỷ đô vào nhiệt điện than ở nước ngoài, trong đó có Việt Nam. Ảnh tư liệu minh họa. Ngồn: Báo Thanh Niên


Trong bối cảnh trên, tại dự thảo Quy hoạch Điện Quốc gia thời kỳ 2021 - 2030 (Quy hoạch Điện VIII) mới đây của Việt Nam do Bộ Công thương công bố lại cho thấy: Việt Nam sẽ tăng thêm khoảng 3.000 MW điện than và giảm khoảng 8.000 MW điện tái tạo vào năm 2030 - so với Dự thảo Điện VIII được đưa ra vào tháng 3.2021.

Cụ thể, trong 10 năm chính của Quy hoạch (2021-2030), nhiệt điện than vẫn tiếp tục tăng mạnh, khoảng 22.000 MW từ nay tới năm 2030, đưa tổng công suất điện than năm 2030 lên gần gấp đôi so với mức hiện có vào năm 2020. Giai đoạn 2030 – 2045 điện than dự kiến tăng thêm khoảng 8.000 MW nữa.

Dự thảo Quy hoạch mới này cũng phát triển 2.000 MW điện mặt trời trong vòng 10 năm tới, tương ứng 200 MW/năm. Trong khi thực tế hai năm qua, thị trường điện mặt trời ở Việt Nam đã phát triển bùng nổ từ con số 0 lên khoảng 17.000 MW. Điều này có nghĩa các doanh nghiệp tư nhân có thể phải chờ đợi sau 10 năm nữa để đầu tư lại vào điện mặt trời.  

Tương tự, theo Dự thảo Quy hoạch mới công bố, công suất đặt của điện gió giảm tới xấp xỉ 4.200 MW, trong đó điện gió ngoài khơi giảm 2.000 MW, tức là về 0 trong tờ trình điều chỉnh (giai đoạn đến 2030). Điện sinh khối và năng lượng tái tạo khác cũng giảm khoảng 2.000 MW.

Trong bối cảnh này, giá than đang là một lo ngại mới cho tính hiệu quả kinh tế của các nhà máy nhiệt điện than.

Thực tế giá than 6 tháng đầu năm 2020 đã là 98,8 USD/tấn, đến năm nay đã tăng lên 159,7 USD/tấn­ [1] có nghĩa là tăng 150%, gấp hơn 100 lần so với tốc độ dự báo trong Quy hoạch điện VIII (70 USD/tấn).

Phân tích của các chuyên gia từ Liên minh Năng lượng bền vững Việt Nam cho thấy, với giá than 80 USD/tấn, giá điện quy dẫn (LCOE) ước tính khoảng 6 UScent/kWh đến 7 UScent/kWh. Với giá than tăng lên 150 - 160 USD/tấn như hiện nay, LCOE khoảng từ 10 đến 11 UScent/kWh, đắt hơn điện gió ngoài khơi theo FIT là 9,8 UScent/kWh. Nếu tính cả chi phí ngoại biên (chi phí môi trường sức khỏe) giá sản xuất điện than có thể tăng thêm 5 UScent/kWh nữa, tương đương 15 - 16 UScent/kWh.

Như vậy, giá điện than không hề rẻ mà như phân tích trên lại đắt nhất và đắt hơn tất cả các loại năng lượng tái tạo đang hưởng giá FIT. Khi sản lượng điện than chiếm gần 50% tổng sản lượng hệ thống điện, với xu thế biến động tăng giá như vừa qua sẽ tạo nên áp lực lớn đối với ngành điện và làm tăng giá điện.

Lê Quỳnh

_________

[1] https://thanhnien.vn/tai-chinh-kinh-doanh/gia-than-va-dau-tang-evn-keu-chi-phi-mua-dien-doi-hon-16600-ti-dong-1439273.html

bài viết liên quan
để lại bình luận của bạn
có thể bạn quan tâm

Đọc tin nhanh

*Chỉ được phép sử dụng thông tin từ website này khi có chấp thuận bằng văn bản của Người Đô Thị.