Ai làm cho cải tôi ngồng?

 22:35 | Chủ nhật, 16/10/2016  0

Gia đình là một tổ ấm mà cả vợ và chồng đều phải chung sức chung lòng. Ảnh: TL

Tình thế éo le này được nàng đem ra ví với hai hình ảnh rất quen thuộc với mọi gia đình nông thôn Việt Nam ta: vườn rau cải ngồng và vại dưa khú. Ai từng canh rác rau màu vào vụ đông ở quê, hẳn biết những vạt cải xanh, cải bẹ được nhà nông chăm chút kĩ đến thế nào.

Những vườn cải sen “xoăn mào gà” nếu biết chăm bón, tưới nước đều sẽ “trẻ” rất dai và gia chủ có thể thu hoạch nhiều đợt (bằng cách tỉa lá xung quanh, vun gốc). Nhưng nếu hàng cải kia có dấu hiệu chững lại rồi đâm ngồng hé nụ cũng là lúc người ta nhổ bỏ trồng đợt khác. May ra thì mớ cải ngồng non này cũng được tận dụng để làm một món rau luộc chấm với mắm tép. Ngon đấy chứ? Nhưng chấm xong cũng là… chấm hết.

Và còn buồn hơn là xấp cải kia rủi ro thế nào đem muối lại dở chứng trở thành dưa khú. Thâm đông thì mưa, thâm dưa thì khú (thâm vú thì chửa)… Chà, cái màu dưa khú xanh rêu kém chua nom mới “ôi” làm sao. Chỉ nhác trông qua cũng đã mất cảm tình. Ai mà được ví là loại người “đụng dưa dưa khú, đụng cà cà thâm” thì có nghĩa là vô duyên, đoảng vị lắm.

Chính những hình ảnh đời thường đó đã được cô gái so sánh để ví với tình cảnh rất bi đát của nàng. Nàng đang ở cảnh “cơm không lành, canh không ngọt”. Yên bề gia thất làm dâu nhà người, gian nan vất vả mấy nàng không quản. Thế mà đùng một cái, nàng lại bị ông chồng “chê ỏng chê eo” thì quả là đau xót, bẽ bàng. Nàng biết ăn làm sao nói làm sao bây giờ với bà con làng nước, với bạn bè và nhất là với những người thân? Chồng chê chồng đuổi về quê/ Cha không thương bắt ra hè ngủ đêm. Hận này biết bao giờ nguôi? Đối với các cô bây giờ, chuyện chồng chê cũng buồn nhưng cũng chưa có gì gọi là cùng đường bi kịch. Các nàng vẫn có thể tạm độc thân chờ cơ hội kiếm một “phương trời” khác. “Rổ rá cạp lại” cũng dễ thôi mà. Nhưng với quan niệm ngày xưa, gái bị chồng bỏ thì cũng coi như hàng quá đát, bán “đồng nát” cũng chả ai màng.

Cũng bởi vì người phụ nữ bao giờ cũng là người chịu thiệt thòi nhất trong mối quan hệ gia đình. Khi bị ruồng bỏ, họ gần như mất hết. Không có chỗ nào để bấu víu. Giống như cải ngồng rau héo, giống như dưa khú tương thiu, người đàn bà bị chồng chê có còn ai để nương tựa và có còn gì để nói nữa đâu.

Dĩ nhiên, câu ca dao trên vẫn còn một đoạn nữa: Chồng chê thì mặc chồng chê/ Dưa khú nấu với cá trê ngọt lừ. Chu cha, nghe sao mà ngọt ngào, mát cả ruột. Canh dưa nấu cá (mà là cá trê nữa chứ) quả là rất tuyệt. Đúng là một món đặc sản hấp dẫn mà có lẽ mọi gia đình Việt Nam đều ưa thích. Nhưng hai câu thơ này có vẻ như là lời nói đùa, đượm vẻ chua chát mà cô gái chồng chê kia nói vớt vát, bông phèng cho đỡ thẹn?

Không hẳn thế! Ngẫm cho kĩ, qua câu ca dao này, người xưa đã ngầm chuyển cho chúng ta một thông điệp. ấy là phải biết tận dụng các giải pháp tình thế để “gỡ rối” trong những hoàn cảnh éo le của cuộc đời. Không ai muốn rơi vào tình thế gia đình bất hoà li tán cả. Chồng chê bai, hắt hủi, cô dâu nọ có buồn, có tủi thực. Nhưng nếu là một cô gái khéo léo và biết ứng xử, cô hoàn toàn có thể tìm ra một lối thoát, một cách gỡ cho mình.

Gia đình là một tổ ấm mà cả vợ và chồng đều phải chung sức chung lòng. Đảm đang, nết na, tháo vát - những phẩm chất đó sẽ giúp cho các nàng tìm ra “món cá trê” thích hợp để “giải đen” cho món dưa khú hẩm hiu kia. Chàng ơi phụ thiếp làm chi? Thiếp như cơm nguội đỡ khi đói lòng. Cách đối đãi khéo léo, đúng mực, hợp lẽ của nàng có thể làm xiêu lòng mẹ cha, xiêu lòng hàng tộc và quan trọng là sẽ xiêu lòng chàng. Thế đấy, từ một thứ tưởng như bỏ đi (dưa khú) trở thành một món “súp” dưa cá ngọt lừ, làm được như vậy cũng đáng mặt để gọi là người phụ nữ giỏi giang đấy chứ?

PGS-TS Phạm Văn Tình

(Viện Từ điển học và Bách khoa thư Việt Nam) 

 

 

 

bài viết liên quan
TAGS
để lại bình luận của bạn
có thể bạn quan tâm

Đọc tin nhanh

*Chỉ được phép sử dụng thông tin từ website này khi có chấp thuận bằng văn bản của Người Đô Thị.