Thẩm quyền đại diện của Huyền Như: mấu chốt của vụ án
VietinBank là một pháp nhân, là một thực thể pháp lý “vô hình”, cần có người đại diện “hữu hình”, thay mặt chủ thể này xác lập, thực hiện các giao dịch dân sự. VietinBank, do đó, chỉ có thể tham gia quan hệ pháp luật dân sự như cho vay, nhận tiền gửi với khách thông qua hành vi của người đại diện. Người đại diện theo pháp luật được quy định trong điều lệ của VietinBank là chủ tịch hội đồng quản trị, theo nguyên tắc, tất cả các giao dịch của VietinBank chỉ phát sinh hiệu lực nếu có sự thể hiện ý chí của ông này. Tuy nhiên, với số lượng khổng lồ các giao dịch được thực hiện, cũng giống như các pháp nhân khác, VietinBank tổ chức hệ thống phân cấp thẩm quyền cho các nhân viên của mình, uỷ quyền cho họ được phép xác lập các giao dịch trong phạm vi quyền hạn nhất định nhằm đảm bảo tính linh hoạt và kịp thời của hoạt động kinh doanh.
Trong vụ án này, tất cả các giao dịch khách hàng đàm phán với Huyền Như, không phải bởi họ muốn xác lập quan hệ dân sự với cá nhân Huyền Như mà họ tin tưởng thông qua Huyền Như để giao kết hợp đồng với một trong những ngân hàng thương mại lớn nhất Việt Nam - VietinBank. Và bởi hợp đồng có hiệu lực như là “luật” giữa các bên, hợp đồng giữa khách hàng và VietinBank thông qua vai trò đại diện của Huyền Như sẽ được đảm bảo thực thi bởi toà án.
Tranh luận trong vụ án VietinBank có lẽ xoay quanh vấn đề mấu chốt là thẩm quyền đại diện của Huyền Như. Nếu chứng minh được Huyền Như hành xử trong phạm vi thẩm quyền đại diện, VietinBank sẽ chịu trách nhiệm dân sự đối với tất cả các giao dịch được xác lập hợp pháp với khách hàng.
Ngược lại, nếu có lý lẽ thuyết phục rằng khi xác lập giao dịch với khách hàng Huyền Như không có thẩm quyền đại diện, hoặc vượt quá phạm vi thẩm quyền đại diện cho VietinBank, các hợp đồng đó sẽ chỉ liên quan tới Huyền Như và khách hàng mà không phát sinh hiệu lực với VietinBank.
Tuy nhiên, ngay cả trong trường hợp đó, nếu muốn, pháp luật thực định Việt Nam(1) vẫn mở cho VietinBank con đường trở thành người anh hùng cứu vãn và thậm chí nâng cao uy tín của các hệ thống tín dụng bằng quy định cho phép người được đại diện là VietinBank tuyên bố xác nhận hành vi đại diện của Huyền Như.
Hướng tới cân bằng lợi ích và bảo vệ tính an toàn pháp lý giao dịch
Vượt ra khỏi câu chuyện áp dụng pháp luật để giải quyết tranh chấp dân sự giữa VietinBank và khách hàng, VietinBank có thể trở thành “án lệ” báo hiệu sự thay đổi chính sách căn bản trong việc xác lập luật chơi cho nền kinh tế thị trường ở Việt Nam.
Đã có đâu đó nhận ra rằng, các luận cứ của viện Kiểm sát trong đại án Huyền Như và phán quyết của toà sơ thẩm thực tế đã tuyên theo hướng bảo vệ VietinBank, là bởi VietinBank tuy là ngân hàng thương mại nhưng vốn nhà nước vẫn là chủ đạo, và việc bảo vệ VietinBank là bảo tồn nguồn vốn nhà nước.
Lập luận này thực tế, có lẽ chính là chính sách pháp lý được các nhà soạn thảo bộ luật Dân sự 1995 áp dụng. Chính sách pháp lý bảo vệ quyền sở hữu nhà nước một cách tuyệt đối đã tác động tới cả những chế định tưởng chừng như không liên quan trực tiếp như chế định đại diện. Phân tích quy tắc pháp lý về đại diện trong luật Dân sự 1995, mà hầu như không có sự thay đổi đáng kể trong luật Dân sự 2005 hiện hành, dễ dàng nhận ra chế định đại diện hướng tới bảo vệ tối đa quyền của người được đại diện. Không khó để hiểu vào thời điểm thập niên 90 của thế kỷ trước, người được đại diện khổng lồ nhất tham gia các quan hệ dân sự, kinh tế chính là nhà nước.
Bảo vệ các khách hàng của VietinBank, suy cho cùng, không chỉ vì quyền lợi của họ, mà ẩn đằng sau đó là tuyên bố về khung pháp lý ổn định bền vững của nền kinh tế thị trường và thúc đẩy niềm tin vào sự an toàn pháp lý.
Quy định về nguyên tắc nếu người không có đủ thẩm quyền đại diện xác lập thực hiện các giao dịch với người thứ ba, người được đại diện không phải chịu sự ràng buộc vào quan hệ pháp lý đối với thứ ba(2), về bản chất pháp lý, được thiết kế không phải dựa trên tư cách người được đại diện là ai mà dựa trên nền tảng thuyết tự do ý chí. Chính vì thế, nó mở ra khả năng cho phép VietinBank được thừa nhận giá trị pháp lý của các giao dịch ngay cả khi người đại diện là Huyền Như xác lập vượt quá phạm vi thẩm quyền đại diện. Tuy nhiên, không chỉ dừng lại ở đó, trong một số trường hợp, các quy tắc pháp lý được thiết kế theo hướng buộc người được đại diện, dù muốn hay không muốn, đều phải chịu sự ràng buộc vào hợp đồng đã được xác lập bởi người không có đủ tư cách đại diện. Học thuyết này được biết đến rộng rãi dưới tên gọi “học thuyết về thẩm quyền hiển nhiên”.
Ý tưởng cơ bản của “học thuyết về thẩm quyền hiển nhiên” nhằm cân bằng lợi ích giữa quyền lợi chính đáng của người được đại diện và người thứ ba ngay tình khi người đại diện đã hành động mà không có đủ thẩm quyền đại diện. Quy phạm phổ biến thường thấy là “người được đại diện khi có thái độ tạo nên cho bên thứ ba tin tưởng một cách hợp lý rằng người đại diện có quyền hành động vì lợi ích của người được đại diện sẽ không thể viện dẫn bất lợi cho bên thứ ba về việc người đại diện không có đủ thẩm quyền, vì vậy, bị ràng buộc bởi hành vi của người đại diện”.
Chẳng hạn, trong pháp luật Pháp, (cơ sở pháp lý cho) học thuyết về thẩm quyền hiển nhiên ban đầu (được quy định) tại điều 1382 luật Dân sự, theo đó người thứ ba chỉ có thể viện dẫn học thuyết thẩm quyền hiển nhiên và buộc người được đại diện phải chịu sự ràng buộc khi chứng minh được hai điều kiện, đó là (1) người được đại diện đã có lỗi khi tạo ra thẩm quyền đại diện bên ngoài của người đại diện; và (2) người thứ ba hành động một cách thiện chí, ngay tình(3). Thực tiễn xét xử của Pháp sau đó đã có xu hướng đánh giá khi nào hành động của người được đại diện bị xem là có lỗi một cách rộng rãi hơn. Thậm chí một số vụ việc đánh giá phương thức soạn thảo hợp đồng ủy quyền để xem xét lỗi, nếu hợp đồng được soạn rất chung chung, có nhiều điều khoản mù mờ hay người được đại diện đã trao cho người đại diện quyền đại diện tự do, hay người được đại diện đã bí mật cắt giảm thẩm quyền của người đại diện, người được đại diện sẽ có nguy cơ chịu trách nhiệm cao hơn bởi lẽ các điều khoản đó sẽ làm cho người thứ ba tin tưởng người đại diện có đủ thẩm quyền đại diện.
Xuất phát từ nhu cầu bảo vệ hơn nữa quyền lợi của người thứ ba ngay tình, vào năm 1962 toà án Pháp đã bác bỏ yêu cầu về lỗi để áp dụng học thuyết thẩm quyền hiển nhiên trong án lệ nổi tiếng Banque Canadienne Nationale. Trong vụ này, giám đốc của một ngân hàng hoạt động với tư cách một công ty trách nhiệm hữu hạn đã ký kết một hợp đồng với bên thứ ba, theo đó ngân hàng sẽ hành động với tư cách là người bảo lãnh cho một khoản nợ 700.000 FF. Khi người thứ ba yêu cầu ngân hàng thực hiện cam kết bảo lãnh, ngân hàng đã từ chối mọi trách nhiệm vì cho rằng vị giám đốc đó không có thẩm quyền đại diện. Điều lệ của ngân hàng quy định minh thị rằng cần có chữ ký của hai người đại diện được quy định thẩm quyền cụ thể để hành động trong các trường hợp như trên. Dựa vào lý thuyết về bồi thường thiệt hại, ngân hàng cho rằng họ đã không phạm bất cứ lỗi cố ý nào, họ cũng không bất cẩn, do đó không thể viện dẫn học thuyết thẩm quyền hiển nhiên được. Toà án tối cao đã bác bỏ lập luận này và cho rằng: “Người được đại diện phải chịu trách nhiệm dựa trên học thuyết thẩm quyền hiển nhiên, ngay cả khi người được đại diện không có lỗi, với điều kiện rằng niềm tin của người thứ ba đối với phạm vi thẩm quyền của người đại diện là chính đáng. Niềm tin được xem là chính đáng khi hoàn cảnh đó cho phép người thứ ba không phải kiểm tra chính xác giới hạn thẩm quyền đại diện”(4). Với phán quyết loại bỏ yêu cầu chứng minh lỗi của người được đại diện này, học thuyết thẩm quyền hiển nhiên đã trở thành học thuyết hoàn toàn độc lập, không phải vay mượn cơ sở của điều 1382. Từ đây, học thuyết thẩm quyền hiển nhiên được áp dụng chỉ với một điều kiện là người thứ ba đã có niềm tin chính đáng (legitimate belief of the third party) rằng người đại diện có thẩm quyền hành động.
Các quy tắc pháp lý tương tự có thể dễ dàng được tìm thấy trong luật dân sự Đức, Nhật, Hà Lan... Dù khác nhau, nhưng có thể khẳng định tất cả đều xoay quanh vấn đề tìm cách xác lập cơ chế hợp lý để bảo vệ tốt hơn người thứ ba ngay tình như các khách hàng trong vụ án VietinBank.
Bảo vệ các khách hàng của VietinBank, suy cho cùng, không chỉ vì quyền lợi của họ, mà ẩn đằng sau đó là tuyên bố về khung pháp lý ổn định bền vững của nền kinh tế thị trường và thúc đẩy niềm tin vào sự an toàn pháp lý.
Cải cách pháp luật dân sự và thúc đẩy niềm tin vào thị trường
Cơ chế thị trường vận hành dựa trên cơ sở niềm tin. Hệ thống pháp luật phải được thiết kế minh bạch, hiệu quả nhằm giảm thiểu chi phí giao dịch và thúc đẩy niềm tin vào thị trường. Bộ luật Dân sự 1995, cho đến thời điểm này, có thể nói là công trình pháp điển hoá đồ sộ nhất, một dấu son chói lọi trong lịch sử lập pháp Việt Nam. Luật Dân sự 1995 được xây dựng với mong muốn trở thành “Hiến pháp của luật tư”, những nguyên tắc kinh điển nhất như tôn trọng quyền tư hữu, bảo vệ tự do hợp đồng… đã được ghi nhận minh thị. Tuy nhiên, luật Dân sự 1995 mà sau này được thay thế bởi luật Dân sự 2005, vẫn phải chịu những sức ép của tư duy cũ, mà điển hình là những quy tắc đề cao thái quá nhu cầu bảo vệ vốn nhà nước dẫn đến tác động làm sai lệch nguyên tắc căn bản khác của luật tư. Thiết nghĩ, với những đổi mới căn bản trong cách tiếp cận hướng mối quan hệ bình đẳng trong luật Doanh nghiệp thống nhất 2005, các nhà lập pháp Việt Nam cần mạnh mẽ hơn nữa ghi nhận tư tưởng đó trong dự án luật Dân sự sửa đổi đang tiến hành. Đây là cơ hội lịch sử để thiết kế lại bản “Hiến pháp của luật tư”, “Hiến pháp của nền kinh tế thị trường”.
Đỗ Giang Nam, giảng viên khoa Luật - đại học Quốc gia Hà Nội
(1) Điều 145 bộ luật Dân sự 2005
(2) Xem điều 144, 145 bộ luật Dân sự 2005.
(3) S´everine saintier, Unauthorised agency in French law, The unauthorized agent- perspectives from European and Comparative law, edited by Danny Busch and Laura, J.Macgregor, Cambridge University Press 2009
(4) S´everine saintier, Unauthorised agency in French law, The unauthorized agent- perspectives from European and Comparative law, edited by Danny Busch and Laura J.Macgregor, Cambridge University Press 2009