Châu Âu hậu chiến được truyền thông dựng lên mông lung như một trò đùa. Ở đó, con người quá mỏi mệt với những cuộc kiếm tìm sự thật lịch sử ngày hôm qua. Bên thắng cuộc và lạc quan tếu sẽ nói về các chiến thắng rực rỡ của Hồng quân, thêu dệt thêm huyền thoại nước mắt mà phát xít gieo rắc; bên hoài nghi, hay tiểu sử có dính dấp những “trang đen” với phe phát xít thì trôi qua vài thế hệ vẫn không thể “nhắm mắt tin vào bất cứ thông tin gì”. Bên dưới đô thị Milano hiện đại, có một Milano bị xóa sổ bởi những định kiến chính trị, lịch sử. Có những nhà báo “muốn thấy cái không còn nhớ nữa”, “một Milano của cha tôi, anh tôi” nhưng họ tạm gác lại các ý định nghiêm túc đó khi làm nghề.
Cũng phải, trong một thế giới mà các dòng chảy truyền thông được xác lập, chi phối bởi những quyền lực chính trị và kinh tế, thì sự thất vọng cay đắng không thể tránh khỏi đối với kẻ cầm bút có chút tự vấn. “Báo chí dối trá, truyền hình dối trá, các nhà sử học cũng nói dối nốt” (trang 42). Một khi không đi đến cùng các sự thật lịch sử và không sòng phẳng với hiện tại, báo chí rúc đầu vào một cuộc đua nhảm với thứ tin tức giật gân, câu khách, khai thác những bản cáo phó, dựng nên những trò lố kích hoạt sự tò mò của công chúng bình dân.
Một nhóm nhà báo đã ngồi lại để xây dựng bản số không cho một tờ báo có tên Ngày Mai. Tất cả mọi lý tưởng về nghề báo bị bào mòn, những ý định nghiêm túc về thực thi sứ mệnh báo chí bị giũa trùi và tất cả nguồn năng lượng ý tưởng được huy động vào việc tạo ra một ấn bản báo chí phi trí thức, hướng đến độc giả thích thông tin rẻ tiền. Nhưng đó như một điều kiện đảm bảo sống còn cho tòa soạn tương lai.
Ngay khi bàn bạc cho bản đề cương, các chiêu trò, kể cả việc “tạo tin”, Simei, tay trụ cột của tờ báo tương lai ấy đã không ngại ngần gợi ý: “Chính chúng ta là những người tạo tin, và chúng ta cần biết cách để nó tự nổi lên đằng sau những con chữ”. Bên dưới các bài viết ký tên Sự Thật là những trò đánh lận, tung hỏa mù, đánh lạc hướng độc giả, xây dựng cơ chế tương tác thông tin “dân chủ giả cầy”. Và, lại cũng Simei, đưa quan điểm “dân chủ trong tòa soạn” khi nói phớt lờ các vấn đề môi trường: “Đương nhiên là trừ phi những gì gây ảnh hưởng tới dương vật lại được sản xuất bởi một hãng dược phẩm nào đó mà vị bảo trợ của chúng ta sẵn sàng đánh động. Nhưng đó là những thứ phải thảo luận từng trường hợp một. Dù thế nào thì nếu các vị có ý tưởng gì cứ đưa ra rồi tôi sẽ quyết định có làm hay không”.
Một anh chàng học tiếng Đức coi việc viết báo là cần câu cơm và rơi vào vùng xoáy của nó đến mất kiểm soát, một cô gái từng muốn “làm một nhà báo nghiêm túc” nhưng thừa nhận thất bại bởi cuộc sống khó khăn, chui rúc trong các khu ổ chuột, phải chấp nhận đi viết những chuyện nghệ sĩ, phụ trách trang tử vi... Trong cái “ê kíp” của một tờ báo sắp chào đời ấy có biết bao điều cay đắng, bởi chính những kẻ viết báo cũng là sản phẩm của một xã hội, thể chế điên cuồng. Họ vừa trốn chạy những trò ma, vừa là những con ma làm nên một tờ báo ma!
Hai tháng cho một tờ báo lẽ ra sẽ được chào đời vào năm 1992, khi khái niệm “connect” (kết nối) được nhấn mạnh, cơn lốc của truyền thông mạng sắp càn quét, làm biến dạng những mô thức báo chí truyền thống. Phải nói rằng, Số Không là một tiếng kêu, một dự cảm chính xác của báo chí đương đại. Nó kết thúc bằng một vụ án mạng nhưng cái chết quan trọng nhất đó chính là Số Không. Số Không của tờ Ngày Mai. Hay Ngày Mai mãi mãi là Số Không.
Đó còn là sự không tự hủy của báo chí chân chính.
Umberto Eco chạm vào bản chất báo chí, truyền thông hiện đại để một lần nữa, ông làm cho sự thật biết cười. Nhưng hẳn đó là một tiếng cười chua chát và đau đớn hơn vạn bản cáo phó!
Nguyễn Vĩnh Nguyên
(*) Tiểu thuyết của Umberto Eco, Lê Thúy Hiền dịch, Nhã Nam & NXB Văn Học, 2017