Sau khi Saigon Garden mở ra tại 99 Nguyễn Huệ, phố đi bộ tiếp tục có thêm một địa chỉ dừng chân thú vị, đó là Phòng trưng bày áo dài tại 77 Nguyễn Huệ, Q.1, TP.HCM. Những chiếc áo dài trải qua các thời kỳ lịch sử, những chiếc áo dài của nghệ sĩ Việt Nam được nhà thiết kế Sĩ Hoàng thiết kế, sưu tập đã góp mặt tại đây.
Từ một chung cư cũ của Sài Gòn, địa chỉ 77 Nguyễn Huệ đã được Khanhcasa phát triển thành không gian triển lãm áo dài, từ áo dài hiện đại, áo dài “nghệ sĩ tâm và tài” đến áo dài Việt Nam qua các thời kỳ lịch sử.
Khách chiêm ngưỡng áo dài trong những tà áo dài
Nhà thiết kế Sĩ Hoàng cho biết sau khi nghiên cứu đầy đủ các hạng mục bảo tàng tại Việt Nam mà không hề có bảo tàng áo dài, anh đã ấp ủ về một địa chỉ lưu giữ nét đẹp của văn hóa Việt. Năm 2002, bảo tàng áo dài của anh được xây dựng trên một cù lao ngập nước tại quận 9. Sau 12 năm, bảo tàng mới chính thức đi vào hoạt động vào năm 2014. Và từ tháng 3.2016, một phiên bản nhỏ hơn của bảo tàng xuất hiện tại một không gian 500m2 giữa trung tâm Sài Gòn.
Khó khăn lớn nhất của việc sưu tập áo dài là với người Việt, khi mất đi thường chôn theo hoặc thiêu cùng chiếc áo đẹp nhất, còn lại thông thường gia đình lưu giữ làm kỷ vật. Nhưng Sĩ Hoàng đã thuyết phục được gia đình của những người nổi tiếng trao tặng bảo tàng những hiện vật quý giá đó. Đó là chiếc áo của nữ tướng Nguyễn Thị Định, áo của bà Nguyễn Thị Bình mặc khi đang là bộ trưởng ngoại giao. Đó là chiếc áo được NSND Bảy Nam mặc diễn hàng ngàn suất của vở kịch Lá sầu riêng. Là chiếc áo NSND Phùng Há mặc sinh nhật 80 tuổi. Bên cạnh đó còn là áo của rất nhiều nghệ sĩ nổi tiếng khác như ca sĩ Khánh Ly, nghệ sĩ Trà Giang, Ánh Tuyết, Cẩm Vân, Thành Lộc, Hải Phượng. Xúc động không kém là những chiếc áo của các nữ tù Côn Đảo lưu dấu những ngày họ mặc áo dài xuống đường biểu tình...
Áo dài của NSND Bảy Nam từng mặc trong vở kịch nổi tiếng Lá sầu riêng
Độc đáo nhất ở 77 Nguyễn Huệ, lần đầu tiên Sĩ Hoàng giới thiệu chiếc long bào mà vua Bảo Đại mặc lên ngôi năm 1926. Chiếc long bào này được nghệ nhân Vũ Văn Giỏi cùng 8 người thợ làng nghề phục chế từ tháng 7.1998 và hoàn thành vào tháng 12.1999. Tất cả các công đoạn phục dựng từ thêu, may ghép hoàn toàn làm bằng thủ công phục dựng theo nguyên mẫu từ áo xưa. Nhà thiết kế Sĩ Hoàng chia sẻ, số tiền để phục chế chiếc áo dài này là 1 tỉ đồng tính vào thời điểm thực hiện. Áo được thực hiện hết 14m vải, thêu từng mảnh rồi lắp ghép vào 14m vải lót trong. Vải thêu áo được dệt bằng 8kg sợi tơ tằm. Vải lót trong dệt mỏng kiểu dệt lụa. Chỉ thêu bằng sợi tằm se hai chiều, nhuộm màu bằng thảo mộc để được màu tự nhiên theo sắc trầm như áo xưa, đặc biệt chỉ được làm từ vàng dát ra.
Long bào vua Bảo Đại
99 chiếc áo dài từ thế kỷ XIX đến XXI tại bảo tàng sẽ phục vụ nhu cầu thưởng lãm của du khách, khách tham quan muốn tìm hiểu nét đẹp văn hóa, mỹ thuật qua tà áo dài Việt Nam. Ngoài ra, khách cũng có thể đặt may theo những mẫu áo dài xưa được phục chế theo nguyên mẫu.
Phạm Vi, ảnh Qúy Hòa