Bao bọc quanh bầu đất, liệu có bức tử cây trồng?
Sau cơn bão Yagi vừa qua, cùng với các di tích, công trình hạ tầng, nhà ở, cây cối cũng chịu ảnh hưởng rất nặng nề. Đến tối ngày 8.9, riêng Hà Nội có 25.156 cây đổ và cành gãy, trong đó có 24.807 cây đổ. Và trong số những hình ảnh cây đổ la liệt được báo chí, mạng xã hội đăng tải, người ta đặc biệt quan tâm đến những hình ảnh những gốc cây bị bật lên, để lộ ra bầu đất vẫn đang trong tình trạng bao nilon, bao tải, lưới bọc xung quanh, hoặc chưa được tháo hết. Hình ảnh này gây ra những ý kiến trái chiều về việc nên hay không nên tháo hết bầu bọc rễ.
Cây sau khi bị bật gốc do cơn bão số 3 vừa qua để lộ ra bầu đất bọc trong bao vải. Ảnh: MXH
Lý giải cho việc nhiều cây vẫn còn bầu đất bọc trong bao, kỹ sư Nguyễn Minh Hùng, Văn phòng Tư vấn và Chuyển giao Công nghệ xây dựng, Trường ĐH Kiến trúc Hà Nội, cho biết sử dụng cây con cho quá trình phủ xanh mất rất nhiều thời gian. Thậm chí mất cả chục năm cây mới trưởng thành. Do đó, để đẩy nhanh quá trình này, các dự án lựa chọn những cây đã phát triển, thường có đường kính khoảng 15-20cm. Các cây được mang về trồng hầu như được gom từ rất nhiều nơi. Sau khi bứng cây ra khỏi mặt đất để thực hiện dâm ủ và trồng ở nơi khác, bầu đất chứa rễ cây sẽ được bọc lại. Việc làm giúp bảo vệ tốt bầu cây và quá trình vận chuyển cây không bị hư hại.
Tuy nhiên, ông Lê Huy Cường, Hội Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam, nhận định khi trồng cây mà để nguyên bao bọc bầu đất là hoàn toàn sai về quy trình và kỹ thuật. Cây sống được là nhờ bộ rễ, nên cần phải bóc bầu ra trước khi trồng xuống đất. Nếu còn nguyên bao bọc quanh bầu, rễ cây khó bám chắc vào lòng đất, cây khó phát triển được.
Cũng theo ghi nhận của ông Cường, khi trồng cây, người ta phun chất kích thích lên cành, lá. Ông cho rằng: “Nếu không bóc bầu, rễ cây không phát triển kịp so với tốc độ của cành, lá. Việc phát triển thiếu tương đồng ấy cũng là nguyên nhân gây nên tình trạng cây đổ sau tác động từ gió bão”.
Hàng cây cổ thụ lớn trên phố Nhà Thờ trước và sau khi bị cơn bão quật ngã. Ảnh: MXH
Khác với quan điểm trên, ông Hùng cho hay: “Nếu tháo hoàn toàn bao bọc quanh bầu, rễ tơ dễ bị đứt, khiến cho cây bị chột, kém phát triển, thậm chí là chết”. Nên khi trồng cây, người ta trộn đất, để vun trồng xung quanh bầu đất của cây. Nhờ đó, rễ tơ lấy chất dinh dưỡng từ đất đó và tiếp tục sinh trưởng. Sau khi trồng, người ta sẽ sử dụng các biện pháp để chống đỡ cho cây. Và phải mất khoảng 3 năm thì cây trồng mới ổn định được.
Đô thị vốn thiếu cây xanh lại càng “thâm hụt”
Theo báo cáo của Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và cứu hộ cứu nạn TP Hà Nội, hiện có khoảng 142.000 cây xanh đô thị do thành phố quản lý, và sau trận bão Yagi tổn hại mất 17,5% trên tổng số cây xanh. Còn số liệu do Bộ Tài nguyên và Môi trường cung cấp thì độ che phủ của cây xanh toàn thành phố Hà Nội là 11,7%, phân bố không đồng đều. Nội thành Hà Nội có độ che phủ cây xanh khoảng 7,0%. Tỷ lệ diện tích cây xanh của Hà Nội và TP.HCM bình quân chỉ đạt khoảng 2,0 m2/người, thấp hơn nhiều so với quy chuẩn quốc gia và chỉ bằng 1/10 chỉ tiêu cây xanh của các thành phố tiên tiến trên thế giới.
Ông Hùng nhận định mật độ cây xanh ở Hà Nội còn thấp so với tiêu chuẩn quốc tế và nhu cầu của dân cư đông đúc. Nhiều khu vực đô thị thiếu không gian xanh, đặc biệt là các khu dân cư mới và khu vực trung tâm. Vì điều đó, nên mỗi chúng ta, chẳng ai mong muốn cứ sau mỗi lần mưa bão là lại thấy cây cối đổ, gãy. Song, ông Hùng khẳng định, gần như hoàn toàn không thể tránh được thiệt hại về cây cối sau thiên tai, như trận bão lịch sử vừa qua. Bởi mỗi cây có đặc điểm và điều kiện sinh trưởng khác nhau, khó có thể bảo vệ toàn diện. Còn một số yếu tố bên trong cây, như mục ruỗng, thì rất khó phát hiện triệt để.
Lực lượng liên ngành tham gia dọn dẹp cây cối đổ chắn ngang ngã ba phố Lò Sũ - Đinh Tiên Hoàng. Ảnh: Giao Blog sưu tầm
Khu vực đường Giảng Võ, một cây bằng lăng lâu năm đã bật gốc đổ vào nhà dân khiến lực lượng Ban chỉ huy Quân sự quận Đống Đa rất vất vả để xử lý. Ảnh: Vietnam+
Các phương tiện chuyên dụng được đưa từ Đà Nẵng ra Hà Nội để xử lý cây gãy đổ. Ảnh: Đinh Thiện/Người Lao Động
Dẫu vậy, ông Hùng cho rằng, vẫn có biện pháp để hạn chế thiệt hại về cây cối sau bão. Trước tiên là cần chuẩn bị tốt về đội ngũ nhân lực, có thể sẵn sàng ứng cứu, xử lý cây đổ ngay sau bão. Đội ngũ nhân lực cần biết ưu tiên tập trung xử lý trước những cây gây nguy hiểm cho người và tài sản. Đối với cây sau khi bị đổ, có thể áp dụng kỹ thuật nâng dựng lại những cây có khả năng phục hồi. Còn với những cây không thể phục hồi, cần tận dụng gỗ từ các cây đó cho các mục đích khác, nhằm giảm thiểu lãng phí tài nguyên. Song song với đó là lên kế hoạch trồng mới để thay thế những cây đã mất.
Cuối cùng, cần phân tích nguyên nhân để cải thiện công tác quản lý cây xanh trong thời gian tới. “Bằng cách kết hợp các biện pháp phòng ngừa và ứng phó có hiệu quả, tôi tin rằng, có thể giảm thiểu đáng kể thiệt hại về cây cối sau bão, đồng thời bảo vệ an toàn cho cộng đồng dân cư và cơ sở hạ tầng đô thị”, theo ông Hùng.
Cây bật gốc ngay trước cổng trụ sở Bộ Ngoại Giao (số 1 Tôn Thất Đàm). Ảnh: Giao Blog sưu tầm
Cần coi cây xanh đô thị là “di sản thiên nhiên”
Cây cối quan trọng, bởi lẽ chúng không chỉ tạo môi trường sống trong lành cho không gian đô thị vốn bị tấn công bởi khói bụi, tiếng ồn. Hơn thế, giống như kiến trúc, ẩm thực,… hạ tầng xanh tạo ra nét văn hóa, ký ức gắn liền với đô thị nơi chúng cắm rễ xuống. Cây cối đã hiện lên trong miền ký ức của giới văn nhân, nghệ sĩ, mà từ đó, những cây bút tài hoa lại sáng tác nên các tác phẩm để đời cho nền nghệ thuật nước nhà.
Dù chẳng phải người con của Hà Nội, nhưng hình ảnh về một đô thị rợp bóng mát đã gây rung động trái tim Hoàng Hiệp, để rồi nhạc sĩ viết lên câu hát “Nhớ phố Quang Trung, đường Nguyễn Du/ Những đêm hoa sữa thơm nồng” (Nhớ về Hà Nội). Còn Trịnh Công Sơn lại say đắm trước một “Hà Nội mùa thu, cây cơm nguội vàng, cây bàng lá đỏ/ Nằm kề bên nhau, phố xưa nhà cổ, mái ngói thâm nâu” (Nhớ mùa thu Hà Nội).
Cây bàng thay lá bên nếp nhà cổ như mô tả của Trịnh Công Sơn trong một bài hát. Ảnh: Báo Nhân dân
Cũng không biết có phải từ khi mạng xã hội phát triển trong những năm gần đây, hay từ trước đó rồi, phố Phan Đình Phùng trở nên nổi tiếng với hình ảnh những người phụ nữ Việt Nam ở nhiều lứa tuổi thướt tha trong tà áo dài, chụp ảnh bên những hàng cây chuyển lá vàng giữa tiết trời thu.
Không phải chỉ có cây cổ, phố cũ mới khiến người ta mê say tới vậy. Ngay cả trên những con đường, con phố mới xây dựng, cũng chẳng khó để bắt gặp bóng hình những người ghi trọn khoảnh khắc vào mùa hoa đẹp nhất. Tháng 5 vừa qua, những cây hoa bằng lăng tím trên đường Tố Hữu (quận Hà Đông) đã đón không ít người lui tới lưu lại kỷ niệm. Hay trước đó, trên đường Vành đai 2 (đoạn ngã tư Láng – Cầu Giấy – Bưởi), không biết bao nhiêu người đến chụp ảnh với cây bàng lá nhỏ… Và thế là cây cối dần hình thành nên nét văn hóa mới, nét đặc sắc giữa lòng đô thị - người và cây cùng khoe sắc trong một khung hình.
Nhiều người đổ xô chụp ảnh với hàng cây bàng lá nhỏ, có nguồn gốc Đài Loan trên đường Vành đai 2. Ảnh: VNexpress
Những cây trồng ấy tuy chẳng có tên gọi riêng, bất kể trồng được trăm năm hay chục năm, nhưng lại giống như bao công trình kiến trúc. Đó là khi chúng đã mang vẻ đẹp quyến rũ công chúng, hay hiện diện trong một khoảng thời gian nhất định trên mảnh đất giàu văn hóa này, và dần in vào tâm thức người thị thành từ lúc nào không hay, thì mỗi người hẳn không khỏi xót xa, hoài niệm khi chứng kiến những chiếc cây đó đổ gục.
Vừa qua, Hà Nội đã giao cho Sở Xây dựng phối hợp, thực hiện trồng lại, trồng bổ sung cây xanh đô thị bị gãy, đổ không thể khắc phục. Theo Trung tâm Quản lý hạ tầng kỹ thuật (Sở Xây dựng Hà Nội), ước tính, có khoảng 1.200 cây xanh trong số các cây bị gãy đổ do bão có giá trị và đường kính dưới 25cm có thể chăm sóc để phục hồi.
Ông Trần Sỹ Thanh, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội, lưu ý đối với các cây xanh cần bảo tồn, các cây quý hiếm, có giá trị bị nghiêng đổ, cần kiểm tra, đánh giá để chống dựng, trồng lại ngay đảm bảo cây tiếp tục sinh trưởng, phát triển hoặc di chuyển về vườn ươm chăm sóc, trồng lại vào các vị trí phù hợp.
Theo ông Võ Nguyên Phong, Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội, những cây giòn, dễ đổ gãy như cây bằng lăng, phượng, muồng có thể mang về dâm ủ khôi phục và sẽ tận dụng tối đa để đưa vào trồng lại.
Nguyễn Phúc Nam Dương