Đố ai nắm được ngọn gió trên tay
Mắt ai thấy được dấu vết chim bay
(Ca từ của một nhạc sĩ không tiếng tăm lẫn nhà cửa - Man Phi Long)
Bởi vì yêu quý những bản nhạc, bộ phim, vở kịch trong sáng nên nếu có ai đó làm “bẩn” nó, làm sao những người thương nó ngó lơ, chịu nổi? Có cái gì đó đang dính bụi, nhiễu nhương...
Một màn “hợp bích”
Khi thiên hạ túm lại mổ xẻ chiếc ghế to có bọc chút màu vàng để trên sân khấu của ĐVH thì ca sĩ này đã... “thành công”. Khi thiên hạ túm lại giải phẫu giọt nước mắt của TT thì MC/diễn viên này đã... “thành công”. Hành vi nào cũng đầy chiến lược và tài trí kịch nghệ, và rất đời. Phim chưa ra nhưng làm sao một khán giả nhẹ dạ tò mò như tôi không để ý để một ngày phải xem cái phim ấy về ĐVH.
Một người bản lĩnh, điềm tĩnh, và làm chủ, luôn kiểm soát, điều khiển hiệu quả tối đa nhất những chương trình lớn lẫn khó như TT (vai trò MC) thì làm gì có chuyện nông nổi ở giọt nước mắt của mình. Và một người luôn để ý sát sao những gì thuộc về hình thức ở độ chi tiết như ĐVH thì làm gì có sự sơ sót trên một sân khấu ra mắt sản phẩm nhạc hay dự án phim.
Dù thế nào thì màn “song kiếm hợp bích” của họ cũng đã “tặng” cho khán giả một bài học về cách chơi “cờ đời” của họ, và chúng ta vẫn là... khán giả.
“Kỹ nghệ” giải trí
Rằng, thời nay quá khó để “thành công”, có lợi thế, hoặc “hơn người” mà không phải dùng đến thủ thuật, chiêu trò. Trong sáng, chân phương và lành mạnh thì có mà chết sớm.
Trong một chương trình về tìm người mẫu, khán giả hay chứng kiến cảnh những giám khảo, nhà tuyển trạch quát tháo, sỉ vả thí sinh, thí sinh “chiến” lại cả người cố vấn cho mình, rồi những người cố vấn lại “đấu tố” nhau… Tất cả đều có ý tưởng, ý đồ, đầu tư và suy nghĩ, kịch bản. Chính sự kịch tính đó làm chương trình hấp dẫn, ấn tượng, khán giả khó mà rời mắt. Khán giả không rời mắt thì quảng cáo, doanh số, hiệu quả đảm bảo, tăng thêm. Không ở dạng “PR” cho giải trí phẩm kiểu đó, nhưng giờ gần như loại giải trí phẩm nào cũng có chiêu trò gây mê, gợi thèm, gợi nhớ bằng đủ dạng, thủ thuật.
Đâu đó, nhiều khi công chúng trở thành “trẻ thơ” hoặc “con tin” của những người làm showbiz thiện nghệ, sành sỏi, tinh ranh.
Hoạt động showbiz, sản xuất chương trình kịch nghệ, phim ảnh là hoạt động sản xuất hàng hóa, nó không phải chuyện mục vụ (ở nhà thờ) hay Phật sự (ở nhà chùa). Nên nó không có miễn phí hay vô tư. Nên nó có nham nhở cũng là điều bình thường. Vậy thì chúng ta nhìn nó trong bản chất thật của nó, là nham nhở, chứ đừng đề cao về họ, nghề họ, hay lý tưởng về họ, cũng chẳng phải là “fan” của họ làm gì. Chỉ cần họ làm nghề chân chính, đưa ra hàng hóa “có chất lượng”: giải trí được, giúp cho việc giải trí của chúng sinh.
Nhạc sĩ homeless Man Phi Long (Hoa Kỳ). Ảnh: TL
Chỉ cần thế thôi, công bằng và sòng phẳng.
“Lý tưởng họ” là sẽ đòi hỏi họ, bắt họ sống và làm việc đẹp đẽ, tròn trịa thiện lành, hy sinh cho công chúng, là quá khó với họ, quá sức họ, khi mà họ là người phàm, chứ không phải một nhà giáo, nhà sư, hay linh mục, mục sư…
Trên đời chỉ cần vậy thôi.
Hội chứng ái kỷ săn lùng... háo danh
Nghệ thuật giúp phát triển tâm hồn, thẩm mỹ, nhân cách và đạo đức cho con người. Dĩ nhiên người làm nghệ thuật cũng phải sống như vậy. Nhưng ai đã tạo ra sự ảo tưởng và hoang tưởng cho một bộ phận ở giới showbiz những năm gần đây?
Ai đã phong cho một cô người mẫu loại thường là “nữ hoàng đồ lót”, “nữ hoàng nội y”, PR việc cô gái 27 tuổi trở thành “người yêu” của cụ tỷ phú 72 tuổi?
Ai đã phong cho những cô khác trong làng giải trí là “nữ hoàng dao kéo”, “công chúa V - Pop”, “nữ hoàng thị phi” và nam ca sĩ là “ ông hoàng nhạc Việt”, “ca sĩ diva”, “ông vua nhạc sến”, “ ông vua phòng vé”, “ tượng đài”, “huyền thoại”, “thánh...”, “danh ca”, “danh hài”....? Truyền thông thổ tả xôi thịt đã dựng nên những khái niệm danh xưng bất chấp và vứt nó vào công chúng. Công chúng bận mưu sinh, không rảnh để đi hiệu chỉnh hay chấn chỉnh những trò chơi đó.
Một bộ phận rất đông trong giới showbiz bây giờ đầu tư vào “sức mạnh” từ hình tướng thay cho nội lực chuyên môn chuẩn mực, tài trí và văn hóa: tự cho mình to tát, chăm bẳm cái vỏ bên ngoài, ở chỗ nào cũng muốn trở thành “người quan trọng” của đám đông, lên xe xuống ngựa, ăn trên ngồi tróc, quần là áo lụa. “Cái tôi”, đạp trên dư luận, coi mình là “trung tâm”, tự huyễn, ảo tưởng bản thân là “quyền lực người của công chúng” - liệu có phải là đặc điểm của “giới showbiz Việt mới”?
Đâu đó nó có bóng dáng của triệu chứng NPD (narcissistic personality desorder - hội chứng rối loạn nhân cách ái kỷ) rồi! “Cái ngã là chướng ngại cuối cùng của sự giải thoát, của cái đẹp chân thiện, tinh tế, tuyệt cùng”. “Niềm tự hào” là ranh giới mong manh giữa thiên thần và ác quỷ. Theo nhà Phật, danh vọng, vinh hoa, phú quý, vật chất, niềm tự hào cũng là thứ sắc dục chốn phàm trần, những cái làm con người ta dễ ngã mạn, cuồng say và mắc kẹt trong đó.
Tiếng hát mưu sinh. Ảnh: PNO
Làm giải trí cũng là làm văn hóa. Nhưng rất ít người đang làm giải trí nhận thức điều đó. Họ chỉ biết tạo sốt, tạo sốc, gây chú ý để có “sô”, thu cho được nhiều quảng cáo và kiếm lời từ những chương trình họ sản xuất ra, dù sòng phẳng thì nó cũng chỉ như nông dân trồng ra hạt gạo, mớ rau, con cá... Cuộc đời đã phân công tự nhiên, mỗi người một việc, một cảm xúc, thế mạnh, điều kiện, tình yêu vào việc đó. Chả ai “cao” hơn ai và được quyền đứng trên ai, dưới vòm trời tạo hóa.
Lòng tham và loạn chuẩn
Tham được người ta chú ý đến mình cũng là tham.
Ham hố được xa hoa và “hơn người” cũng là tham.
Tham “thành công” thật nhiều cũng là tham.
Tham “danh” thật nhiều cũng là một thứ tham.
Tham “ăn” cũng là tham.
Tham “đẹp” cũng là tham…
Đúng sai không biết, nhưng chẳng hiểu sao Kinh Thánh lại đẩy lên mức, rằng: “Sự tham lam cũng là tội chống lại Thiên chúa”. Phật giáo nói: “Tham lam là nguyên nhân gây ra nỗi khổ niềm đau ở con người, từng phận người”.
Biết “vừa đủ” là không tham.
Chân chính, trong sáng, giản dị và trung đạo là không tham.
Nhưng điều này quá khó với người đời, làm sao biết “vừa” và chịu “dừng”?
Và bây giờ mới đích thị là thời buổi của “phim mì ăn liền” (chứ đừng gán khái niệm này cho những năm 1990, 2000 mà tội nghiệp giai đoạn này cùng những người làm nghệ thuật ở thời đoạn đó). Bởi nay đương buổi của loạn diễn viên phim YouTube, phim truyền hình, phim chiếu rạp, phim điện ảnh. Và loạn tấu hài, loạn ca sĩ, loạn người mẫu thời trang, loạn đạo diễn, loạn nhà sản xuất, loạn gameshow, loạn truyền hình thực tế...
Nhốn nhố, loi nhoi như một nồi lẩu ở thế giới giải trí, thế giới nghệ sĩ, thế giới văn nghệ...
Thời loạn chuẩn. Thời mà những nhà phê bình âm nhạc, phê bình điện ảnh, phê bình sân khấu, biến mất đâu cả, “núp lùm” hết nên “phóng viên” nào cũng trở thành... nhà phê bình, “cư dân mạng” nào cũng trở thành nhà phê bình. Nên đạo diễn, diễn viên nào cũng như nhau, “ngang hàng”... đẳng cấp (những người loi nhoi, tài mỏng thích gom vào một rổ như thế để công chúng nhầm lẫn), đều trở thành “cha” thiên hạ, ông hoàng, bà chúa, “người của công chúng”. Và bộ phim, album nhạc, MV nào cũng tự huyễn vĩ đại, bằng thế giới rồi.
Chúng ta đang cùng trong “ao làng”. Trong cái ao làng tưởng đã thuộc về đại dương, thì ngộ nghĩnh lắm. Một đôi phim chiếu được ở Mỹ thì tưởng mình đã như Hollywood, Bollywood, Venice, Cannes, Berlin, Busan rồi!
“Vàng thật”
“Vàng” trong thế giới người sáng tạo nghệ thuật là những người lý tưởng và thành tâm với nghề, nghĩ về sáng tạo hơn nghĩ về xa hoa, hưởng thụ, khoe khoang; điềm tĩnh gạn lọc, chẳng chạy theo những thứ nhất thời và không bao giờ trở thành “nô lệ” của đồng tiền hay đày tớ của “ông chủ”, “bà chủ” nào. Là những nghệ sĩ tạo nên những tác phẩm lớn, khó, thực sự có giá trị - giá trị ảnh hưởng vào nhân quần, hoặc tâm hồn con người, và có tính lâu dài - nhưng không bao giờ họ ồn ào, khoe khoang, tự đắc.
Điều thú vị là trong đống hỗn độn đó, giúp chúng ta có cơ hội nhận ra rõ đâu là những “vàng thật” và đâu là “hàng chợ”, và từ đó phân ra được nghệ sĩ đẳng cấp, tài hoa tử tế với những đám lao nhao; nhận ra những đơn vị, cá nhân thực sự làm nghệ thuật/“văn hóa” với đám thuần túy chỉ “vì tiền”, kinh doanh.
Những nhân cách và tài năng lớn chẳng bao giờ thấy họ ồn ào. Kịch, phim ồn ào khác kịch, phim đẳng cấp. Cái đẳng cấp thường không bao giờ là số nhiều. Vì vậy mà những phim đoạt giải Oscar thường không nhiều người xem hơn những phim giải trí, nhưng giá trị nó thì vĩnh cửu.
Có ai “soi gương nhân cách” mỗi ngày?
Chúng ta biết trên xứ sở này các thế hệ nghệ sĩ trước đó không ai ngông nghênh, lao nhao, xấc láo, tự đắc bất chấp, khoe hưởng thụ, khoe danh như các nghệ sĩ “vĩ đại” bây giờ cả.
Showbiz thuở sơ khai: ban nhạc tài tử của ông Nguyễn Tống Triều dự Hội chợ thuộc địa Marseille 1906 tại Pháp. Ảnh: TL
Người “lớn” thật, có văn hóa sâu rộng và tâm linh mạnh mẽ, bao giờ cũng giản dị, ở bất cứ lĩnh vực nào. Con ngựa muốn chạy đường dài bao giờ cũng là con ngựa thể trạng tốt trong đi đứng ăn ở và điềm tĩnh chứ không phải con ngựa ngông nghênh, xốc nổi, háo thắng. Còn con người, nhân cách là cái cuối cùng đọng lại sau khi người ta ra đi chứ không phải là con người ta đã “sáng tạo” ra được cái gì trước đó đâu, vì vĩ nhân như Thích Ca, Jesus, Muhammad, Gandhi, Darwin, Einstein... hiếm hoi lắm, tính bằng ngàn năm. Mà thực tế các ngài đó lúc sinh thời cũng chưa bao giờ xem mình là quan trọng hay là vĩ đại. Hầu hết chúng ta sống và kiếm cơm mưu sinh thôi mà, gì mà phải ảo tưởng.
Nhìn cách người ta đón nhận sự thất bại sẽ thấy được bản lĩnh ở họ. Nhìn cách người ta đón nhận sự thành công sẽ biết được văn hóa của người đó. Trong lĩnh vực văn nghệ lại càng đúng như vậy.
*
Nghệ sĩ mà khôn quá mất “trong”. Nghệ sĩ mà ranh quá mất hiền. Nghệ sĩ mà “tiền” quá mất “đức”. Rằng, có những tài trí tạo ra văn hóa, là tấm gương nhân cách cho tha nhân trẻ già. Lại có những tài trí chỉ dừng lại ở mức tạo ra được “sản phẩm giải trí”, xem nghe qua loa cho vui. TT hay ĐVH chỉ là ví dụ về bức tranh làng giải trí nói tiếng Việt bây giờ thôi. Có khi bận ngắm quần áo hàng hiệu, xe sang, nhà cửa, tiệc tùng, và nhất là ngắm niềm “tự hào” hư danh mà người ta quên soi gương nhân cách mình có đơn sơ bằng thường dân lao động quanh mình.
*
Sắc đẹp, sự nổi tiếng, bạc tiền ngàn kho cũng không bao giờ tồn tại vĩnh viễn được.
Tôi giao du với giới showbiz cũng nhiều, ở nhiều nơi, bao năm qua. Cũng như tôi giao du với những dân cày trên ruộng, trên rẫy, trên rừng; thợ xây, thợ hàn trên công trình xây dựng; anh chị lao công đêm nơi đường phố; những ngư phủ trên đại dương đánh cá. Như nông dân, được mùa mất giá, được giá mất mùa; như ngư dân, sinh tử từng giờ treo trên đầu sóng dữ bạo tàn với chất lượng áo cơm thì bọt bèo... mà họ có lên gân buộc người mua rau, ăn cá phải biết ơn mình bao giờ.
“Tiền bạc, công danh ghì ta chìm trong cuồng phong tranh chấp/Chốn phù vân đây tiền hiện thân là chốn đọa đày”- cũng là lời nhạc của anh chàng nhạc sĩ vô gia cư người Việt lai Phi Châu ở đầu tùy bút này, và khi viết ra bản nhạc đó anh ấy nói để “cho đi”, với đời, cảm ơn cuộc sống, mà không cần ai phải để ý đến anh, vinh danh anh cũng như trả tiền tác quyền cho anh khi hát cả.
Tôi yêu văn nghệ và sự trong sáng trong văn nghệ, vì không có nó thì cuộc đời này nhạt nhẽo và đơn điệu làm sao. Nên tôi bênh vực những giá trị đích thực vốn là của nó, vì giá trị phổ quát kia không bao giờ lạc đi, suy suyển, bị chơi ăn gian, làm méo mó, lợi dụng, giảo hình, hay bị đánh cắp được. Vì xứ sở này còn rất nhiều “nghệ sĩ thật”, họ trong sáng, tài trí cùng tư cách lành mạnh và tử tế với khán giả, đồng bào.
“Hãy để người ta yêu quý thật khi còn sống và nhớ nhung khi chết đi” - bất cứ ai, ở đâu, làm nghề gì, danh phận, điều kiện ra sao, thời buổi nào...
Nguyễn Hàng Tình