Giao thông đô thị không hề đơn thuần chỉ là vấn đề tuân thủ quy định trong mọi cảnh huống, mà trong những điều kiện đặc thù, đó là một bài toán phức tạp liên quan đến sự hiểu biết về hành vi của người tham gia giao thông. Từ bấy lâu, “luật bất thành văn” tại TP.HCM việc các loại xe hai bánh (xe đạp, xe gắn máy) có thể quẹo (rẽ) phải khi gặp tín hiệu đèn đỏ tại các giao lộ là lẽ thường tình vì hợp lý trong điều kiện “xã hội xe máy” Việt Nam.
Thực tế, thói quen giao thông đó suốt thời gian qua thường không gây xáo trộn hay mất trật tự an toàn giao thông, lại còn tạo ra sự thuận tiện, giúp khai thông dòng xe cộ, nhất là trong khung giờ cao điểm. Thậm chí khi thấy được lợi ích mà cách làm này mang lại, chẳng ai bảo ai, người dân thành phố còn có văn hóa chủ động chừa một lối đi rộng đúng bằng thân xe máy sát lề phải mỗi khi dừng đèn đỏ. Người điều khiển xe gắn máy, xe đạp ở phía sau nếu có nhu cầu có thể theo lối đó để dễ dàng chuyển hướng sang phải, góp phần giảm ùn tắc.
Dòng xe ùn tắc trên đường Trường Chinh, quận Tân Bình (TP.HCM), chiều 9.1. Ảnh: Quỳnh Trần/Vnexpress
Tuy nhiên, kể từ 1.1.2025, Nghị định 168/2024/NĐ-CP của Chính phủ quy định “xử phạt vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông trong lĩnh vực giao thông đường bộ; trừ điểm, phục hồi điểm giấy phép lái xe” có hiệu lực, đồng nghĩa các “luật bất thành văn” nêu trên bị xóa bỏ. Cụ thể, Nghị định phạt người điều khiển xe gắn máy không chấp hành đèn tín hiệu giao thông từ 4 đến 6 triệu đồng. Ngoài phạt tiền, người vi phạm còn bị trừ điểm giấy phép lái xe. Và căn cứ theo điều 11 Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ 2024, tín hiệu đèn giao thông màu đỏ là cấm đi. Như vậy, người tham gia giao thông khi gặp đèn đỏ không được rẽ phải.
Quy định mới đã phát huy hiệu quả, điều này thể hiện qua hình ảnh có thể quan sát được, đó là việc người đi đường chấp hành tốt hơn các quy định khi tham gia giao thông, như việc dừng đúng vạch kẻ đường, không leo lề, vặn ga vọt lẹ khi... đèn vàng v.v. Tuy nhiên, việc “siết chặt” như thế cũng lại đang khiến cho tình hình giao thông tại các thành phố lớn như TP.HCM những ngày qua xuất hiện những bất cập. Đặc biệt, vào các giờ cao điểm trong ngày, lại vào dịp cần Tết, các phương tiện gần như tê liệt không thể di chuyển tại các ngã tư, ngã ba có đèn tín hiệu giao thông. Dân thành phố “kêu trời” bởi nạn kẹt xe diễn ra kinh khủng hơn có nguyên nhân từ việc cấm xe hai bánh không được rẽ phải tại các giao lộ khi đèn đỏ.
Trả lời báo chí ngày 9.1, ông Nguyễn Thành Lợi, Phó Trưởng ban chuyên trách Ban An toàn Giao thông TP.HCM, cho biết quy định xử phạt hành vi rẽ phải khi đèn đỏ mà không có hiệu lệnh từ lực lượng chức năng, biển báo phụ, đèn tín hiệu, tiểu đảo phân luồng hoặc vạch mắt võng đã được ban hành từ lâu. Cho biết thời gian tới, TP.HCM sẽ xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm để đảm bảo an toàn và trật tự giao thông, theo ông Lợi bên cạnh việc nâng cao ý thức người dân, thành phố cũng đang nghiên cứu triển khai các điểm cho phép rẽ phải khi đèn đỏ tại những nút giao đủ điều kiện...
Thực ra dư luận bày tỏ sự nghi ngại về tính khả thi của cái cách mà nghị định mới được áp dụng trong khi thật ra bản thân nó không hẳn đã quá máy móc. Bởi lẽ các văn bản nêu trên đề cập rõ các trường hợp người dân được rẽ phải khi gặp đèn đỏ, như giao lộ có gắn biển báo phụ cho phép được rẽ phải hoặc có sự điều tiết từ lực lượng cảnh sát giao thông. Tuy nhiên, rõ ràng khi áp dụng vào thực tế quy định mới đang có độ "vênh" nhất định, thể hiện trong hai tình huống mà theo quy định người điều khiển phương tiện được rẽ phải, không cần dừng đèn đỏ. Ở trường hợp thứ nhất, xét theo tính đặc thù của thành phố xe máy là chủ yếu và hạ tầng giao thông đang quá tải, tại sao không tiếp cận theo hướng giao lộ nào cần cấm thì gắn biển báo phụ cấm xe máy quẹo phải khi đèn đỏ, còn lại cứ việc cho áp dụng theo thói quen "đặc thù" như bấy lâu nay? Bởi việc chọn cách ngược lại, tức chỗ nào được phép thì mới gắn biển xanh cho xe máy quẹo, sẽ khó khả thi bởi số lượng ngã tư, ngã ba có vị thế đặc biệt cần phải cấm phương tiện hai bánh quẹo phải khi đèn đỏ là không nhiều so với đại đa số giao lộ đều có thể cho phép rẽ phải như trước nay vẫn diễn ra.
Còn nhớ, trong lĩnh vực quản lý văn hóa làm trước đây, ban đầu cơ quan nhà nước đưa ra danh sách những bài hát trước 1975 được phép lưu hành để rồi sau nhiều sự vụ liên quan đến vấn đề cấp phép biểu diễn tạo ra tranh luận trong xã hội, cơ quan hữu quan mới rút ra kinh nghiệm để quản dễ hơn thì chỉ nên lập danh sách những bài cấm hát. Tư duy đó gần với quan điểm của các nhà lãnh đạo trước các dự án xây dựng luật: “Cái gì Nhà nước không cấm thì người dân được phép làm”. Mới nhất tại phiên họp Chính phủ chuyên đề về xây dựng pháp luật tháng 1.2025, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu bỏ tư duy “không quản được thì cấm, không biết mà vẫn quản” hay “cái gì đã cấm thì đưa vào luật, cái gì không cấm thì để cho người dân, doanh nghiệp có không gian sáng tạo, đổi mới và được phép làm”. Nghị quyết số 98 quy định thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM, và bài toán giao thông của TP trong những ngày qua, phải chăng việc cho phép xe máy rẽ phải khi đèn đỏ (trừ những giao lộ có biển phụ quy định cấm rẽ phải) để góp phần giảm kẹt xe trong bối cảnh hạ tầng TP bị quá tải trước số lượng và tần suất hoạt động của phương tiện giao thông, đặc biệt vào giờ cao điểm, cũng là một "đặc thù"?
Trong trường hợp thứ hai, với tình hình tắc nghẽn hiện nay, có lẽ cần tăng cường sự hiện diện của cảnh sát giao thông tại nhiều giao lộ để điều tiết giao thông. Người dân trong giai đoạn “làm quen” với quy định mới (Nghị định 168/2024/NĐ-CP), hiện đang hưởng ứng rất nghiêm túc, và việc ùn ứ giao thông có thể chỉ xảy ra cục bộ, do đường sá hẹp, phương tiện nhiều và đa dạng… Do vậy việc lực lượng CSGT có mặt kịp thời điều hướng, sẽ giải tỏa các “điểm nóng” hoặc giúp giảm bớt kẹt xe tại các giao lộ diễn ra trong những ngày qua.
Nhân đây cần thấy rằng, khi muốn điều chỉnh, thiết lập quy định cần xem xét các yếu tố thực tế tạo ra thói quen, văn hóa giao thông nhằm tìm ra giải pháp hợp lý hơn giữa việc đảm bảo an toàn và giảm ùn tắc. Trong tương lai, khi phương tiện cá nhân (như xe gắn máy) vào trung tâm thành phố có thể bị hạn chế, các loại hình giao thông công cộng được phát triển thì quy định “cấm rẽ phải khi đèn đỏ” không còn là “vấn đề”. Còn trước mắt, xe máy vẫn là phương tiện chủ yếu tại thành phố gần 9 triệu dân, với văn hóa giao thông rất đặc thù. Do vậy, ngành chức năng TP.HCM nên tiến hành khảo sát để xác định những giao lộ thực sự cần cấm quẹo phải khi đèn đỏ dựa trên lưu lượng và an toàn giao thông. Lưu ý đánh giá tác động khi việc cấm hoặc cho phép đó phải xem xét sự ảnh hưởng đối với tất cả các loại phương tiện khác tại nơi đó. Như vậy thay vì áp dụng biển phụ cho phép, qua khảo sát thực tế như thế, cơ quan quản lý có thể gắn biển cấm tại những ngã tư, ngã ba thực sự cần thiết. Các địa điểm cho phép xe máy rẽ phải khi đèn đỏ bật lên có thể được duy trì như trước, tạo thuận lợi cho người dân.
Cân nhắc điều chỉnh quy định “cấm-cho” theo thời gian linh hoạt, có thể áp dụng thử nghiệm tại một số giao lộ nhất định trước khi triển khai rộng rãi, lâu dài. Việc đánh giá hiệu quả trong khoảng thời gian ngắn có thể giúp thu thập dữ liệu và đưa ra quyết định chính xác hơn. Thực sự, những quy định giao thông hợp lý và linh hoạt sẽ giúp giảm ùn tắc đồng thời đảm bảo an toàn cho tất cả các phương tiện trên đường.
Bên cạnh đó, không thể không đầu tư vào công nghệ điều phối giao thông thông minh, giúp giảm thiểu ùn tắc tại các giap lộ; ứng dụng các công cụ phần mềm theo dõi tình trạng giao thông theo thời gian thực đề tạo điều kiện cho người dân lựa chọn lộ trình hợp lý hơn; tăng cường xây dựng hoặc nâng cấp đường dành riêng cho xe máy nhằm phân tách dòng phương tiện, tạo điều kiện lưu thông dễ dàng hơn cho cả xe máy và xe ô tô…
Như đã nói, giao thông đô thị là bài toán phức tạp liên quan đến sự hiểu biết về hành vi của người tham gia giao thông. Để giải quyết vấn đề hiện tại, cần có một cách tiếp cận toàn diện, linh hoạt, với sự tham gia của các cơ quan chức năng, chuyên gia giao thông và cộng đồng, ở đây là nguyện vọng chính đáng của đông đảo nhân dân.
Quốc Ngọc