Về cơ bản tôi đồng tình với chủ trương không còn cấp huyện, cho nó gọn hơn, giảm khâu trung gian, hy vọng công việc có thể được xử lý nhanh hơn.
![]() |
TS. Vũ Ngọc Hoàng. Ảnh: CTV |
Tất nhiên là cần có phương thức quản lý, quản trị phù hợp với mô hình mới này, chứ không phải nói bỏ là xóa hết mọi thứ liên quan. Bao nhiêu năm nay cấp huyện tồn tại không phải không có lý do, mà cuộc sống có yêu cầu khách quan của nó, có công việc cần cấp huyện giải quyết. Nay cấp huyện đã hoàn thành sứ mệnh khi các công việc ấy đã có người thay thế. Nói cách khác cũng có nghĩa là khi thôi cấp huyện thì chức năng nhiệm vụ lâu nay cấp huyện đang giải quyết, sắp đến ai sẽ giải quyết, phần nào đưa xuống xã còn phần nào đưa lên tỉnh. Xã và tỉnh muốn giải quyết các công việc ấy thì phải điều chỉnh, bổ sung những gì về thể chế, cơ chế, tổ chức, biên chế và ngân sách. Đúng ra phải làm rõ những việc ấy trước khi quyết định thay đổi về tổ chức, ta làm ngược lại là táo bạo và cũng có thể được nhưng với điều kiện phải nghiên cứu kỹ lưỡng thực tiễn xuôi ngược để hình dung cho rõ công việc cụ thể định làm.
Thực hiện chủ trương chính quyền 2 cấp ở địa phương (đơn vị hành chính trực thuộc trung ương và chính quyền cơ sở), rồi từ đó suy ra là bỏ hết các thành phố trực thuộc địa phương, trong đó có hàng loạt các thương hiệu quốc tế nay đổi lại thành mấy phường, là cách tư duy chưa đúng, rất cần có sự điều chỉnh sớm để không bị thiệt hại công sức của nhiều thế hệ.
Đô thị và nông thôn có nhiều mặt khác nhau rất căn bản về đặc điểm, vì vậy người ta mới phân ra thành hai loại. Và theo đó, rất cần có mô hình quản lý phù hợp cho mỗi loại, kể cả tính đặc thù. Không nhất thiết cứ là thành phố ở địa phương thì phải bỏ hết, san bằng, giống như các huyện, cho đồng đều, đúng với tinh thần chính quyền 2 cấp địa phương. Tư duy như vậy thì khác nào là cách quản lý đưa đô thị trở lại nông thôn, trái với quy luật khách quan của quá trình đô thị hóa.
Từ nay trở đi quá trình đô thị hóa chắc chắn sẽ còn tiếp tục lâu dài, thậm chí với tốc độ ngày càng nhanh, đó là một tất yếu khách quan. Và công việc quản lý nên đáp ứng yêu cầu phát triển ấy chứ không nên cản trở hay chống lại. Việc hình thành các đô thị có những quy luật nhất định, người ta phải mất nhiều chục, nhiều trăm năm để hình thành. Không nên để nó tan ra thành nhiều mảnh, đó là cách phá bỏ một hệ thống đã có và thực hiện phân mảnh nó ra khi chưa làm rõ thể chế liên quan. Những đô thị đã có thương hiệu quốc tế là tài sản, là nguồn vốn lớn đã gầy dựng qua nhiều chục năm, thậm chí hàng trăm năm, với công sức của nhiều thế hệ, không thể đành đoạn bỏ đi.
Theo ông Nguyễn Sự (nguyên Bí thư Thành ủy Hội An), nếu chia thành phố Hội An thành ba phường và một xã để thực hiện chính quyền hai cấp thì sẽ không còn không gian di sản như UNESCO công nhận Hội An là di sản văn hóa thế giới. Vùng ngoại vi và vùng lõi di sản khu phố cổ nếu tách rời thì hai bên sẽ không thể phát triển được, đặc biệt là lõi di sản. Ảnh: Bùi Văn Hải
Hãy suy nghĩ vì sao ta không thể xây dựng đô thị và nông thôn theo mô hình khác nhau, trong khi nó mang đặc điểm rất khác nhau? Hoặc một cách suy nghĩ khác là cũng xếp các đô thị ấy thuộc chính quyền cơ sở (để cho thống nhất chung là không còn cấp huyện), nhưng nó vẫn là thành phố có sao đâu? Đó là những thành phố nhỏ, ở các nước vẫn thế. Cũng là chính quyền cơ sở nhưng có những quy định riêng có điểm khác với chính quyền cấp cơ sở nói chung (về chức năng nhiệm vụ, thể chế, biên chế, ngân sách… và điều đó cũng phù hợp về tính chất phức tạp hơn, khối lượng công việc và dân số nhiều hơn).
Dân chủ là mục tiêu hàng đầu và cũng là động lực bậc nhất để phát triển đất nước. Nó là bản chất gốc về mặt chính trị của một xã hội tiến bộ văn minh. Chủ nghĩa xã hội nhất thiết phải là chế độ dân chủ. Chứ nó không phải là một công việc mang tính hình thức, không phải là thủ tục. Nếu cứ làm thủ tục cho qua, cho xong chuyện của một bước thủ tục, thì giỏi lắm cũng mới là được thủ tục, còn sẽ mất lòng tin. Tôi muốn nói về cách làm, về thiết kế phiếu ghi ý kiến, về tổ chức lấy ý kiến, về thời gian và cách thảo luận… để cho chủ trương lấy ý kiến nhân dân khi đưa xuống thực hiện được mọi người nhìn thấy là thực chất. Đừng để cấp dưới làm sai mà nhân dân hiểu nhầm mục đích của một chủ trương.
Tôi cho rằng các cơ quan tham mưu phải làm việc nhiều hơn, sâu hơn, nghiên cứu cơ sở khoa học cho chắc chắn hơn, đừng để phí phạm tài sản thương hiệu của các đô thị đã nổi tiếng nhờ được dày công xây dựng nhiều đời nay. Quốc hội đang họp, tôi muốn tham gia góp một tiếng nói mong các cấp có thẩm quyền xem xét.
TS. Vũ Ngọc Hoàng - Nguyên Phó trưởng ban thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam.
Nhiều nhà khoa học, chuyên gia kiến nghị giữ lại các thành phố, thị xã thuộc tỉnh
Ngày 20.5, tại hội nghị đánh giá sơ bộ kết quả lấy ý kiến cho dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013 trong hệ thống Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, GS-TS. Trần Ngọc Đường (Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn về Dân chủ và Pháp luật, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam) cho biết qua dư luận và các phương tiện thông tin đại chúng, nhiều chuyên gia mong muốn đề xuất giữ các thành phố, thị xã thuộc tỉnh - dù quy mô to hay nhỏ - quy định là chính quyền cấp cơ sở.
“Không nên chia nhỏ thành phố, thị xã thuộc tỉnh. Các đô thị này ra đời từ rất lâu, có vai trò rất lớn về chính trị, xã hội, kinh tế. Nếu chia nhỏ ra, sẽ thiếu sự liên kết chặt chẽ như trước đây. Cần thiết giữ lại thành phố, thị xã thuộc tỉnh, thành phố - ngang với cấp chính quyền cơ sở để tạo điều kiện phát triển”, ông Đường nói.
Ông Đường dẫn chứng ở nước ta hiện có nhiều thị xã, thành phố thuộc tỉnh đã hình thành lâu năm theo quy luật phát triển, nhiều nơi là trung tâm của cả vùng. Ông viện dẫn nội dung Nghị quyết 06-NQ/TW năm 2022 về định hướng quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, nhấn mạnh “thay mặt ý kiến nhiều nhà khoa học, chuyên gia, kiến nghị đề xuất giữ lại các thành phố, thị xã thuộc tỉnh”. (Theo Tiền Phong 20.5.2025)
Trước đó, tại phiên thảo luận góp ý sửa đổi Hiến pháp do Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổ chức ngày 14.5, GS-TS. Phan Xuân Sơn (nguyên Viện trưởng Viện Chính trị, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh) cho rằng Hiến pháp nên quy định rõ cấp cơ sở trong mô hình chính quyền hai cấp có thể bao gồm thành phố, thị xã thuộc tỉnh, cùng các xã, phường và đặc khu. Ông Sơn đặc biệt lưu ý việc bảo tồn tính toàn vẹn của các đô thị lịch sử như Đà Lạt, Vinh, Nha Trang, Hội An - những nơi không nên bị chia nhỏ thành các đơn vị hành chính độc lập. (Theo Vnexpress 14.5.2025)
Tòa soạn
________________________________
Tuổi đô thị của 85 thành phố thuộc tỉnh
Theo đề án sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính các cấp và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương hai cấp, từ ngày 1.7.2025, 85 thành phố thuộc tỉnh sẽ chấm dứt thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn và dừng hoạt động. Trong số này, có một số thành phố lâu đời, có bề dày văn hóa, lịch sử như Đà Lạt (132 năm), Nam Định (104 năm), Thái Nguyên (63 năm), Việt Trì (63 năm), Vinh (62 năm), Mỹ Tho (58 năm)…
Cụ thể thời gian thành lập của 85 thành phố thuộc tỉnh:
Vũng Tàu: 1991 (Bà Rịa - Vũng Tàu), Bà Rịa: 2012 (Bà Rịa - Vũng Tàu), Phú Mỹ: 2025 (Bà Rịa - Vũng Tàu), Bạc Liêu: 2010 (Bạc Liêu), Bắc Giang: 2005 (Bắc Giang), Bắc Kạn: 2015 (Bắc Kạn), Bắc Ninh: 2006 (Bắc Ninh), Từ Sơn: 2021 (Bắc Ninh), Bến Tre: 2009 (Bến Tre), Biên Hòa: 1976 (Đồng Nai), Buôn Ma Thuột: 1995 (Đắk Lắk), Cam Ranh: 2010 (Khánh Hòa), Cao Bằng: 2012 (Cao Bằng), Cao Lãnh: 2007 (Đồng Tháp), Cà Mau: 1999 (Cà Mau), Cẩm Phả: 2012 (Quảng Ninh), Móng Cái: 2008 (Quảng Ninh), Hạ Long: 1993 (Quảng Ninh), Uông Bí: 2011 (Quảng Ninh), Đông Triều: 2024 (Quảng Ninh), Châu Đốc: 2013 (An Giang), Long Xuyên: 1999 (An Giang), Chí Linh: 2019 (Hải Dương), Hải Dương: 1997 (Hải Dương), Bảo Lộc: 2010 (Lâm Đồng), Đà Lạt: 1893 (Lâm Đồng), Điện Biên Phủ: 2003 (Điện Biên), Đông Hà: 2009 (Quảng Trị), Đồng Hới: 2004 (Quảng Bình), Đồng Xoài: 2018 (Bình Phước), Gia Nghĩa: 2019 (Đắk Nông), Tân An: 2009 (Long An), Hà Giang: 2010 (Hà Giang), Hà Tiên: 2018 (Kiên Giang), Hà Tĩnh: 2007 (Hà Tĩnh), Hòa Bình: 2006 (Hòa Bình), Hội An: 2008 (Quảng Nam), Hồng Ngự: 2020 (Đồng Tháp), Hưng Yên: 2009 (Hưng Yên), Kon Tum: 2009 (Kon Tum), Lai Châu: 2013 (Lai Châu), Lào Cai: 2004 (Lào Cai), Lạng Sơn: 2002 (Lạng Sơn), Long Khánh: 2019 (Đồng Nai), Mỹ Tho: 1967 (Tiền Giang), Nam Định: 1921 (Nam Định), Ngã Bảy: 2020 (Hậu Giang), Nha Trang: 1977 (Khánh Hòa), Ninh Bình: 2007 (Ninh Bình), Phan Rang - Tháp Chàm: 2007 (Ninh Thuận), Phan Thiết: 1999 (Bình Thuận), Phổ Yên: 2022 (Thái Nguyên), Thái Nguyên: 1962 (Thái Nguyên), Sông Công: 2015 (Thái Nguyên), Phú Quốc: 2020 (Kiên Giang), Phúc Yên: 2018 (Vĩnh Phúc), Phủ Lý: 2008 (Hà Nam), Pleiku: 1999 (Gia Lai), Quảng Ngãi: 2005 (Quảng Ngãi), Quy Nhơn: 1986 (Bình Định), Rạch Giá: 2005 (Kiên Giang), Sa Đéc: 2013 (Đồng Tháp), Sầm Sơn: 2017 (Thanh Hóa), Thanh Hóa: 1994 (Thanh Hóa), Sóc Trăng: 2007 (Sóc Trăng), Sơn La: 2008 (Sơn La), Tam Điệp: 2015 (Ninh Bình), Tam Kỳ: 2006 (Quảng Nam), Dĩ An: 2020 (Bình Dương), Tân Uyên: 2023 (Bình Dương), Thuận An: 2020 (Bình Dương), Thủ Dầu Một: 2012 (Bình Dương), Bến Cát: 2024 (Bình Dương), Tây Ninh: 2013 (Tây Ninh), Thái Bình: 2004 (Thái Bình), Trà Vinh: 2010 (Trà Vinh), Tuyên Quang: 2010 (Tuyên Quang), Tuy Hòa: 2009 (Phú Yên), Việt Trì: 1962 (Phú Thọ), Vinh: 1963 (Nghệ An), Vị Thanh: 2010 (Hậu Giang), Vĩnh Long: 2009 (Vĩnh Long), Vĩnh Yên: 2006 (Vĩnh Phúc), Yên Bái: 2002 (Yên Bái), Gò Công: 2024 (Tiền Giang).
Lê Văn