Cũng độ này hai năm trước, tháng 2.2017, cuộc hẹn của tôi với các con của cụ Kiến Giang không thể đúng giờ. Hoàn toàn do lỗi lóng ngóng đường xá của tôi. Và rồi tôi nhìn thấy một người đàn ông lục tuần đứng ngóng trên hè phố. Cao ráo thanh mảnh hơn cha nhưng đường nét ấy, khuôn thước ấy, vẻ kiêu bạc từ tốn ấy, tuyệt đẹp về ý nghĩa kế thừa. Người đàn ông ân cần: “Tôi là Tuấn, chị Ngân ạ”.
Có tới ba phụ nữ nữa chờ đón tôi: Thanh, Tú, Thảo. Chị cả Thuần (*) bận chăm cụ bà ở Hà Nội, chị thứ Thục bận công tác ở nước ngoài. Bốn đứa con của “Người tượng” Kiến Giang cho tôi cảm nhận tinh khôi về tình bạn. Không có sơ giao mà tâm giao ngay. Không ở đâu như ở đó, hôm đó, giữa những người mới gặp nhau mà tôi có cảm nhận ấy. Và nó lưu giữ trong tôi một hương vị.
Tuấn ngồi giữa ba em gái. Ai cũng thành danh và có gia đình riêng. Nhưng giữa những câu chuyện tung hứng của họ là một thứ tình. Lại một cảm nhận thú vị nữa ở tôi. Về nhà, tôi hào hứng nói với chồng - nhà văn Nguyễn Quang Thân: “Ngắm các con cụ Kiến Giang bên nhau thật sướng mắt anh ạ, họ đằm thắm và vững chãi như mình được ngắm một bức tường thành, một bức tường trang trọng, sinh động và không gì có thể lay chuyển được”.
* * *
Tuấn là con của một người Việt Minh nồng nhiệt lý tưởng. Tôi cũng là con của một cán bộ Việt Minh như vậy. Tôi cứ hay nghiệm ra các quãng của Tuấn, của các chị em Tuấn để ngấm niềm chung và nỗi riêng của lũ chúng tôi. Ba tôi tù chính trị thời Ngô Đình Diệm và sớm thành liệt sĩ, còn ba của Tuấn được ra Bắc và thành học giả. Tôi mồ côi cha năm mười tuổi thì cậu bé Tuấn năm mười tuổi, chao ơi, ba của cậu ấy cũng thành tù chính trị nhưng là “tù ta”! Số phận dữ dội của những đứa con bắt đầu từ khúc quanh cay đắng này. Tôi thành hạt cát vô danh trong sự lãng quên cố ý của bè bạn ba tôi, hề gì, và tôi chỉ được nhắc là con của ông ấy khi người ta đọc ở tôi những trang viết “có vấn đề”.
Với Tuấn, mười tuổi, ký ức hằn lên hình ảnh nửa đêm, dáng ba tê điếng giữa thư phòng, chung quanh những chồng sách bị cào xuống, rồi sách và người bị mang đi. Học giả ư, phản biện ư, họ hình như đâu có cần gì học giả và phản biện, nói như cách của một vị lãnh đạo thời đó: “Đi tù cũng là góp phần cho công cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước”.
TS. Nguyễn Quốc Tuấn (1956-2019)
Một chàng trai vụt lớn trong hình hài cậu bé. Ba đứa em gái bé xíu, mẹ và hai chị chân yếu tay mềm, chiến tranh ly tán, lòng người bời bời, riêng những gia đình có “tù ta chính trị” còn khổ sở gấp nhiều lần những người khác. May mà sáu chị em có vòng tay mệ nội. Đói nhưng luôn vượt trội, cả chiều cao lẫn trí tuệ. Sáu năm tù không án và ba năm quản chế của học giả Kiến Giang song hành với sự lớn lên vượt bậc của đứa con trai duy nhất. Người giỏi giang và suôn sẻ thì du học, không giỏi giang nhưng con ông cháu cha cũng du học. Tuấn nhập ngũ tháng 4 năm 1975.
Những cột mốc của cử nhân sử và sau này, của tiến sĩ Nguyễn Quốc Tuấn mọi người đều đã biết. Có điều, vợ của cụ Kiến Giang, bà mẹ phi thường của các con ông thực sự muốn các con tránh xa con đường xã hội học. Nhưng rồi từ trường ấy cứ hấp dẫn chúng, ai cũng thành trí thức của khoa học xã hội và nghệ thuật. Riêng với người con trai một này, phẩm chất học giả ngày càng đậm đà. Cha theo đuổi xã hội học triết học, con trai cũng không ít hóc búa hơn, xã hội tôn giáo học. Thẳng thớm, khí phách mọi nơi mọi lúc nhưng mềm mại, biết người biết ta, để đạt mục tiêu tri thức hữu dụng.
Tôi tin, Nguyễn Quốc Tuấn của chúng ta sẽ không rời bỏ mảnh đất tâm linh bộn bề đổ nát này để tìm kiếm bình yên không chỉ cho riêng mình.
Khi tôi gặp Tuấn hai năm trước, Tuấn nói rằng người ta mời Tuấn một chân lý luận trung ương. Tôi và các em gái Tuấn im lặng chờ nghe tiếp. Tuấn cười an nhiên: “Chắc cũng làm màu thôi”. Chao ơi, nghĩ thẳng, nói đúng nhưng nụ cười cực kỳ dễ chịu, khiến nao lòng. Bắt phong trần phải phong trần / Cho thanh cao mới được phần thanh cao, ở đây tôi xin cãi Nguyễn Du một chút, phong trần mà vẫn thanh cao thì sao? Trí thức tinh hoa ở Việt Nam không nhiều, và dường như luôn đi đôi với bầm dập. Đủ nền tảng gia đình: bộ gene khí chất, thực học và dấn thân, chỉ mỗi cái học hàm là của người ta cho mới được, nhưng không sao, hề gì! Lòng ta tràn đầy hân hoan khi Wikipedia phần cụ Kiến Giang ghi: “Năm 1957 vợ chồng ông sinh con trai Nguyễn Quốc Tuấn sau là học giả, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Tôn giáo”.
* * *
Bao nhiêu dự định dở dang. Sự ra đi nào cũng để lại tiếc nuối cho người đời về sự dở dang. Những năm Tuấn lâm bệnh mới thấy hết vẻ đẹp của bức tường thành mà tôi từng cảm nhận. Các chị em gái luôn đứng bên cạnh Bích Hằng vợ của Tuấn, không rời. Nếu phải bán nhà của mình cho người con ưu tú này khỏi bệnh, họ cũng cam lòng. Giới hạn của số phần, biết chứ, kể cả Tuấn nhưng không nỡ nói ra. Không phải gồng, không phải đang diễn mà là đang cẩn trọng dìu nhau. Hy vọng qua khúc quanh này, hy vọng sẽ qua được oan nghiệt này, như xưa, như mọi lần, như đã.
Bức ảnh kỷ niệm của hai cha con học giả Nguyễn Kiến Giang - Nguyễn Quốc Tuấn, chụp năm 1990. Ảnh: TLGĐ
Áp Tết dương lịch, Tuấn gọi điện cho tôi, bảo muốn ngồi cùng bạn bè một buổi ở địa chỉ ấy trên quận Một. Giọng khàn ấm đặc trưng manly đàn hay hát hay, mừng quá, sau những chuyến xạ trị Singapore, Tuấn thoát hiểm rồi. Nhưng vài hôm sau đã thấy tin nhắn “Hoãn chị Ngân ơi, sức khỏe chưa cho phép, hẹn bạn bè một ngày gần đây, địa chỉ sẽ báo sau chị nhé”.
Giờ thì đã có địa chỉ của cuộc hẹn ấy, Tuấn ạ, rồi chúng ta sẽ bù khú ở đó, ở một nơi có tên là Cao xanh. Giá như có thể thêm được mười năm, chỉ đi dạy và viết sách, độc giả và các sinh viên, các nghiên cứu sinh của chúng ta chắc chắn sẽ có một nhà tôn giáo học trác việt. Một tổn thất chứ không chỉ tiếc và thương.
Cát bụi vô thường. Tôi cho rằng, có cát bụi u minh, cát bụi oan khiên, cát bụi lầm lạc. Và vì thế, cũng có cát bụi tinh anh. Có lẽ học giả Nguyễn Quốc Tuấn (Tuấn khiêm nhu không tự nhận nhưng Bách khoa thư phong cho), vâng, Nguyễn Quốc Tuấn của chúng ta đang không an lòng khi thấy dân chúng ngày càng có nhiều người xa rời sự tử tế lành mạnh mà chúng ta từng biết. Có cách nào cho mọi thứ trở lại sáng trong xưa, như mong ước? Sống khôn thác thiêng, tôi tin, Nguyễn Quốc Tuấn của chúng ta sẽ không rời bỏ mảnh đất tâm linh bộn bề đổ nát này để tìm kiếm bình yên không chỉ cho riêng mình.
Ngày mai trời lại sáng, đúng không bạn yêu quý của tôi?
Dạ Ngân
_____________
(*) Nhà nghiên cứu - dịch giả Nguyễn Trung Thuần cũng vừa qua đời hôm 17.2 tại Hà Nội