Chương trình mục tiêu quốc gia về chấn hưng, phát triển văn hóa, xây dựng con người Việt Nam giai đoạn 2025 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã được khẳng định là “đại công trình” về văn hóa, cho thấy quyết tâm đưa văn hóa ngang hàng kinh tế - chính trị - xã hội. Tuy nhiên, từ một chương trình tổng quát, để đến với một kế hoạch hành động cụ thể và khả thi vẫn còn nhiều vấn đề.
Chấn hưng văn hóa là một thiết kế vĩ đại
Trong lịch sử nhân loại, đã có những bước ngoặt ngoạn mục diễn ra thay đổi toàn bộ diện mạo xã hội nhờ các cuộc chấn hưng văn hóa. Những cuộc chấn hưng này cho thấy văn hóa có tầm ảnh hưởng khổng lồ và là động lực thúc đẩy phát triển mọi khía cạnh đời sống chính trị, kinh tế, xã hội, khoa học.
Châu Âu bước ra khỏi đêm trường Trung cổ tăm tối, vốn đang diễn ra ba cuộc đại khủng hoảng - sụp đổ nhân khẩu học, bất ổn chính trị và biến động tôn giáo - là nhờ một phong trào mang tên Phục hưng.
Ở Việt Nam, cũng có hai cuộc chấn hưng lớn mang ảnh hưởng sâu rộng đương thời diễn ra ở đầu thế kỷ XX. Đầu tiên là cuộc Duy Tân văn hóa do Phan Châu Trinh khởi xướng năm 1906, một dự án hiện đại hóa đất nước đầu tiên với phương châm “Khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh” mà cho đến nay, tính thời sự của dự án đó vẫn còn nguyên vẹn và cấp thiết.
Rồi đến những năm 1920, phong trào chấn hưng Phật giáo xuất hiện nhằm tìm lại các giá trị truyền thống và đặt nền móng phát triển Phật giáo tại Việt Nam. Phong trào đã giải quyết các vấn đề cơ bản như truyền bá lại đạo Phật về căn bản đã thất truyền, dùng chữ quốc ngữ để phổ biến tư tưởng Phật giáo; lập trường đào tạo tăng ni tu sĩ một cách bài bản và cuối cùng làm cho Phật giáo hợp với xu thế dân tộc thời đại.
Chấn hưng, do đó, chắc chắn phải là một thiết kế vĩ đại (grand design). Trong chính sách, thuật ngữ này thường được dùng để chỉ một chiến lược tổng thể hoặc một kế hoạch dài hạn. Một thiết kế vĩ đại, bởi vậy, hàm ý một tư duy trông xa, rộng và sâu. Tất nhiên, đi ngược với một thiết kế vĩ đại là một loạt các phản ứng chính sách rời rạc, mang tính chất ứng phó, giải quyết từ phần ngọn thay vì gốc rễ của vấn đề.
Cân bằng giữa thiết chế “cứng” và “mềm”
Khi nhắc đến thiết chế văn hóa, phần lớn chúng ta thường nghĩ ngay đến những thiết chế cụ thể, hữu hình như trường học, thư viện, bảo tàng... Nhưng thực chất, các công trình đó chỉ là một trong số nhiều thiết chế “cứng”. Song song với những thiết chế “cứng” này còn có những thiết chế “mềm”.
Dự án Bảo tàng Hà Nội 2.300 tỷ đồng với quy mô diện tích gần 54.000m2 đang để trống các không gian chung chờ khai thác. Ảnh: Kiên Trung
Bản thân văn hóa đã là một thiết chế “mềm” bởi nó bao hàm nhiều thiết chế “mềm” khác như tập quán cư trú, ứng xử, triết lý đời sống tinh thần - tín ngưỡng, giáo dục, hay chính sách và hệ thống quản trị hiện đại… Và đương nhiên, nếu các thiết chế “cứng” thiên về xây dựng vật chất thì các thiết chế “mềm” hướng đến kiến tạo tinh thần.
Khi được đề xuất, Chương trình vấp phải không ít dư luận trái chiều, bởi người ta lo sợ việc xây dựng những thiết chế “cứng” trị giá “trăm tỷ, nghìn tỷ” như tượng đài, nhà hát, nhà văn hóa, sân vận động, nhà thi đấu đa năng, cổng chào… mà nhiều khi chỉ là chạy theo phong trào, không thiết thực, thậm chí lãng phí.
Tập trung quá nhiều kinh phí vào đầu tư cơ sở hạ tầng, xây dựng, cải tạo các công trình văn hóa mà không chú trọng đến những thiết chế “mềm” - “bản thể” của văn hóa, là một thiếu hụt lớn. Thiết chế “mềm” sẽ là phương thức uốn nắn, nâng cao dân trí, giảm thiểu những hiện tượng suy thoái văn hóa và xuống cấp đạo đức xã hội đang diễn ra.
Nếu đặt con người, cụ thể hơn nhân cách văn hóa con người Việt Nam, là trung tâm trong chiến lược phát triển văn hóa thì chắc chắn giáo dục phải đặt lên hàng đầu. Chấn hưng văn hóa phải bắt đầu từ giáo dục mà đầu tiên là giáo dục mầm non, tiểu học... Nên chăng cần tập trung đầu tư nghiên cứu một hệ thống giáo dục chất lượng, có tầm nhìn xa để kiến tạo nên con người Việt Nam tương lai?
Có nên đơn thuần lượng hóa văn hóa?
Một vấn đề khác đặt ra là có nên đơn thuần lượng hóa văn hóa? Bởi một trong những đặc trưng của văn hóa là mang tính định tính nhiều hơn định lượng.
Chương trình đưa ra những con số rất cụ thể để đánh giá hiệu quả văn hóa: “85% các địa phương, cơ quan, đơn vị đạt được các danh hiệu văn hóa... Hàng năm, có từ 10 - 15 công trình nghiên cứu lý luận phê bình văn hóa, nghệ thuật chất lượng được công bố; 2 tác giả đạt giải thưởng văn học ASEAN và khoảng 20 - 30 tác phẩm, công trình văn hóa, văn học nghệ thuật về lịch sử dân tộc, lịch sử đấu tranh cách mạng và công cuộc đổi mới của đất nước…”. Những tiêu chí định lượng này mới chỉ thỏa mãn về mặt số lượng chứ chưa phản ánh về chất lượng.
Lượng hóa văn hóa còn đi cùng với con số 350.000 tỷ đồng là một con số không hề nhỏ. Văn hóa là vô giá, nhưng nếu sử dụng nguồn vốn đúng cách, trúng mục tiêu và không lãng phí, thì giá trị nó mang lại vô cùng lớn.
Tăng cường sức hấp dẫn văn hóa
Một tín hiệu tích cực của Chương trình đó là hỗ trợ trực tiếp hoạt động sáng tạo, sáng tác, kinh doanh dịch vụ và thực hành văn hóa, nhất là khối tư nhân, hướng tới phát triển ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam có năng lực cạnh tranh cao. Chương trình sẽ có nhiều cơ chế, chính sách thu hút hiệu quả nguồn lực từ doanh nghiệp, cá nhân tham gia đầu tư vào văn hóa.
Sự chuyển dịch đáng kể trong đầu tư và quản lý văn hóa từ khu vực công sang tư cho thấy sự cởi mở và khuyến khích tự do phát triển, đặc biệt trong lĩnh vực sáng tạo nghệ thuật. Mặc dù vậy, Nhà nước vẫn nên có những hình thức bảo trợ đặc biệt hoặc cơ chế đặc thù dành cho việc duy trì hoạt động và đào tạo những loại hình nghệ thuật truyền thống như tuồng, chèo, cải lương..., vốn đang gặp khó khăn trong việc bảo tồn cũng như thu hút người học.
Nghệ thuật hát chèo được đưa vào các trường học. Ảnh: TLTB
Có thể thấy, thế mạnh công nghiệp văn hóa hiện hữu ở Việt Nam vẫn là ngành du lịch, khai thác nguồn lực tự nhiên và văn hóa tại chỗ. Còn những loại hình mũi nhọn mang tính chất “sức mạnh mềm”, với nhiều mô hình thành công trên thế giới và ngay cả những nước láng giềng châu Á, như âm nhạc, điện ảnh..., thì ở ta sức hấp dẫn lại rất kém.
Văn hóa không thể đứng độc lập, mà phải đặt trong mối tương quan với rất nhiều lĩnh vực khác. Đồng thời phải đưa văn hóa vào như một trụ cột trong quy hoạch tích hợp lẫn chiến lược phát triển lĩnh vực, như vậy mới đúng nghĩa văn hóa ngang hàng kinh tế - chính trị - xã hội. Văn hóa là một nguồn lực thúc đẩy phát triển kinh tế, cùng lúc mang lại hệ giá trị và chuẩn mực định hướng phát triển xã hội, cũng như ổn định chính trị.
Cuối cùng, văn hóa không đơn thuần chỉ là vấn đề đầu tư bao nhiêu tiền, hay là giải quyết trong ngày một ngày hai, ngược lại, cần một tầm nhìn dài hạn, cẩn trọng, kỹ lưỡng, bao quát toàn diện và hướng tới bền vững.
“Nội dung trọng tâm của Chương trình liên quan đến 9 nhóm dự án: phát triển nhân cách văn hóa con người Việt Nam; xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh; nâng cao hiệu quả thông tin tuyên truyền và giáo dục văn hóa; bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hóa dân tộc; thúc đẩy sự phát triển văn học nghệ thuật; phát triển công nghiệp văn hóa; đẩy mạnh chuyển đổi số và ứng dụng các thành tựu khoa học - công nghệ trong lĩnh vực văn hóa; phát triển nguồn nhân lực văn hóa; hội nhập quốc tế, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại”.
(Theo Cổng Thông tin Điện tử Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch)
____________________
Nhiều bộ có ý kiến về đề xuất 350.000 tỷ đồng
Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch rà soát, sắp xếp thứ tự ưu tiên, xác định mục tiêu của Chương trình, đảm bảo phù hợp với quy định pháp luật về đầu tư công, đảm bảo các mục tiêu có tính khả thi, phù hợp với khả năng huy động nguồn lực thực hiện Chương trình...
Bộ Nội vụ đề nghị cần nghiên cứu, rà soát kỹ tổng mức đầu tư cho Chương trình chấn hưng văn hóa đề xuất 350.000 tỷ đồng, trong bối cảnh đất nước còn nhiều khó khăn, nguồn tài lực quốc gia còn hạn chế...
Bộ Y tế góp ý lĩnh vực văn hóa khó đo lường kết quả đầu ra, đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch làm rõ nội hàm các tiêu chí đánh giá hiệu quả để đảm bảo Chương trình được triển khai thực hiện hiệu quả, tiết kiệm, công khai, minh bạch và phù hợp với người dân Việt Nam...
(Theo báo Tuổi Trẻ)
Trang Ngọc