Không khó để nhận ra du lịch tâm linh đang trở thành xu hướng chủ đạo trên bản đồ du lịch Việt. Dòng chủ lưu du lịch tâm linh mạnh đến nỗi đang hiện diện một “làn sóng” nâng tầm nó trong các văn bản quy hoạch cũng như định hướng phát triển của nhiều chính quyền địa phương. Và khi chuyển dịch sang ngôn ngữ quy hoạch, nó khoác lên mình một danh xưng mới - “đô thị du lịch tâm linh”.
“Làn sóng” nâng tầm du lịch tâm linh
Năm 2018, UBND tỉnh Bắc Ninh ban hành Công văn số 2783/UBND-XBCB về việc Quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2.000 khu đô thị du lịch Phật Tích, huyện Tiên Du (1). Khu đô thị Phật Tích có diện tích 2.130 ha thuộc địa bàn 6 xã của huyện Tiên Du: Hoàn Sơn, Liên Bão, Cảnh Hưng, Minh Đạo, Phật Tích và Việt Đoàn. Theo định hướng quy hoạch chung xây dựng vùng tỉnh Bắc Ninh, khu đô thị Phật Tích được xác định là khu chức năng cấp vùng tỉnh nằm trong phát triển vành đai xanh “du lịch, văn hóa và sinh thái” sông Đuống.
Khu đô thị Phật Tích có các phân khu chức năng chính: công viên công nghệ; khu dân cư hiện đại với nhiều tiện ích; khu công viên vui chơi giải trí, khu du lịch tâm linh 7 kỳ quan Phật giáo. Đồ án đề xuất 7 kỳ quan Phật giáo tượng trưng cho vùng đất văn hóa lịch sử tại khu du lịch tâm linh, kết hợp với khu du lịch sinh thái, công viên vui chơi giải trí dựa trên yếu tố địa hình tự nhiên đồi núi, mặt nước tạo nên mảng xanh cho khu đô thị (2).
Trong định hướng phát triển đô thị Cẩm Giàng, Hải Dương nhấn mạnh khai thác lợi thế phát triển du lịch tâm linh, sinh thái, nghỉ dưỡng quanh các di tích lịch sử văn hóa như Văn miếu Mao Điền, chùa Giám, đền Xưa, đền Bia, làng nghề mộc Đông Giao, rượu Phú Lộc, công viên “Tự Lực Văn Đoàn”... Năm 2022, thành phố Chí Linh, Hải Dương cũng triển khai nghiên cứu đầu tư siêu dự án tâm linh hồ Thanh Long có tổng diện tích 1.502 ha.
“Siêu chùa” Tam Chúc. Ảnh: Thu Thương
Khu di tích Đền Bảo Hà, được nhân dân dựng nên thờ tự Tướng công Hoàng Bảy, trở thành một trong những điểm đến thu hút khách thập phương chiêm bái trong những năm gần đây, đã được địa phương quy hoạch hướng tới trở thành trung tâm văn hóa tâm linh miền Tây Bắc. UBND tỉnh Lào Cai đã chỉ đạo lập quy hoạch xây dựng khu đô thị du lịch tâm linh Bảo Hà - Tân An với diện tích gần 3.000 ha; xã Bảo Hà nằm trong quy hoạch 110 ha, trong đó có 30 ha quy hoạch khu vực đền
Bảo Hà, 80 ha quy hoạch phát triển đô thị khu vực trung tâm (3).
Trước đó, vào đầu năm 2022, UBND tỉnh Hà Nam cũng đề xuất Thủ tướng cho phép điều chỉnh quy hoạch khu du lịch quốc gia Tam Chúc, trong đó bổ sung đô thị du lịch, nghỉ dưỡng quy mô gần 1.000 ha vào quần thể khu du lịch Tam Chúc. Tỉnh cũng đề xuất cho chuyển đổi trung tâm dịch vụ hậu cần phục vụ hoạt động du lịch thành khu đô thị, du lịch, nghỉ dưỡng, cung cấp các dịch vụ hậu cần, các dịch vụ vui chơi, giải trí cao cấp. Đồng thời mở rộng quy mô khu đô thị, du lịch, sinh thái nghỉ dưỡng từ 502 ha lên 952 ha, tăng 450 ha so với quy hoạch ban đầu (4).
Sự nở rộ của thuật ngữ “đô thị du lịch tâm linh” trong cả hệ thống các văn bản chính thức lẫn thực tiễn triển khai đặt ra nhiều vấn đề phải suy xét. Trước khi chính thức hóa về mặt thuật ngữ, cần phải làm rõ nội hàm: Liệu đô thị tâm linh có phải là một loại đô thị đặc thù hay không?
Minh định đô thị tâm linh
Rõ ràng, chúng ta đều biết tâm linh là một chiều kích quan trọng nhất của đời sống tinh thần. Ngoài duy trì sự cân bằng, hài hòa và lành mạnh cho tâm trí mỗi cá nhân, tính tâm linh, cũng như biểu đạt cao nhất của nó là tôn giáo, còn có tác động mở rộng ra đời sống văn hóa - xã hội, xây dựng, tập hợp và cố kết cộng đồng.
Triết gia người Mỹ Arnold Berleant chỉ ra rằng nhà thờ lớn của các thành phố cổ, tiền - hiện đại phương Tây góp phần hướng tới một “hệ sinh thái đô thị” tương phản với sự đơn điệu của thành phố hiện đại, do đó giúp biến nó từ một nơi mà con người bị đe dọa trở thành một nơi đời sống không ngừng được cải thiện và mở rộng. Cũng theo ông, các công trình tôn giáo chính là một phần của thẩm mỹ đô thị.
Chỉ vậy thôi, từ bản chất tên gọi của nó, ta đã mường tượng được đô thị tâm linh hoàn toàn khác với các hình thái đô thị như đô thị công nghiệp (industrial city), đô thị sinh thái (eco city), đô thị xanh (green city), đô thị carbon thấp (low-carbon city), đô thị phổ quát (generic city), đô thị thông minh (smart city), đô thị sáng tạo (creative city)… Tính chất tâm linh, hay văn hóa tâm linh của thành phố được đặt lên hàng đầu.
Khái niệm gần gũi nhất với đô thị tâm linh trên thế giới ta có thể tìm thấy là thành phố thiêng (holy city) hay thánh địa/đất thánh. Theo định nghĩa, thành phố thiêng là một thành phố được các tín đồ của một đức tin tôn giáo coi là đặc biệt linh thiêng, như Jerusalem của người Do Thái và Kitô giáo, Mecca và Medina của người Hồi giáo và Varanasi của người theo đạo Hindu.
Có những yếu tố đóng vai trò là tiêu chí xác định một thành phố thiêng: Thứ nhất, khác với các thành phố thông thường, thành phố thiêng là một thành phố mang tính biểu tượng, đại diện cho các đặc trưng tinh thần bên ngoài đặc điểm địa lý tự nhiên = nó phải là một thành phố quan trọng đối với lịch sử hoặc đức tin của một tôn giáo cụ thể, trong nhiều trường hợp, là nơi phát tích của tôn giáo.
Các địa điểm tâm linh ở Việt Nam mới chỉ ở mức độ quần thể du lịch tâm linh, thiên về khía cạnh du lịch thắng cảnh nhiều hơn là tâm linh, phần nào đó sở hữu các yếu tố bối cảnh tôn giáo và lưu lượng cần thiết làm cơ sở phát triển, nhưng chưa đủ hoàn chỉnh để gọi là một đô thị đúng nghĩa, chứ chưa nói là đô thị tâm linh.
Thứ hai, chứa đựng ít nhất một khu phức hợp trụ sở (thường chứa một dinh thự tôn giáo, chủng viện, đền thờ, nơi ở của giáo sĩ hàng đầu hoặc lãnh đạo của tôn giáo) tạo thành điểm đến chính của giao thông hoặc hành hương của con người đến thành phố, đặc biệt là cho các nghi thức và hành lễ quy mô lớn. Kiến trúc tôn giáo lớn này đồng thời chính là biểu tượng và thương hiệu nhận diện của thành phố.
Với tính chất là một trung tâm tín ngưỡng - thủ đô tôn giáo, liệu có thể coi dân số và lưu lượng người đến là một tiêu chí để phân biệt đô thị tâm linh? Lý do phải cân nhắc cả hai dữ kiện này là bởi hành hương là phong tục đặc trưng bởi một số tôn giáo, cuộc lữ hành của các tín hữu để chứng tỏ lòng thành của mình.
Chẳng hạn, với diện tích khiêm tốn, dân số thành phố Vatican chỉ vỏn vẹn 453 người năm 2019. Nhưng theo một số liệu không chính thức, lượng khách viếng thăm tòa thánh Vatican xấp xỉ 19.000 người/ngày, tức gần 7 triệu người đến thánh địa này mỗi năm, và con số này không chỉ riêng khách du lịch, mà còn bao gồm cả người dân địa phương, Kitô hữu khắp nơi...
Hoặc một trong những cuộc di dân lớn nhất thế giới là cuộc hành hương hàng năm của người Hồi giáo đến thánh đường Mecca, còn gọi là Hajj. Theo số liệu thống kê chính thức công bố từ năm 2000 đến 2019(5), số lượng người tham dự hành hương trung bình là 2.269.145 mỗi năm, trong đó 1.564.710 người đến từ bên ngoài Ả Rập Xê Út và 671.983 người địa phương. Năm 2012 đánh dấu số lượng người tham gia cao nhất với 3.161.573 người.
Hơn 50.000 người đổ về chùa Ba Vàng sáng mùng 8 Tết Nguyên đán Quý Mão 2023 để khai hội. Ảnh: Chùa Ba Vàng/Vnexpress
Từ cái nhìn của giới nghiên cứu marketing thì các thánh địa chính là những loại “marketing địa điểm” và “thương hiệu địa điểm” sớm nhất trong lịch sử, sở hữu những giá trị cố hữu thu hút đông đảo tín đồ đến viếng thăm. Và thực tế cho thấy, các giá trị tâm linh có thể được khai thác hiệu quả để phát triển du lịch, trở thành nguồn thu chủ lực (chính Vatican là một ví dụ tiêu biểu, bảo tàng Vatican thu được khoảng 80 triệu euro tiền phí vào cửa mỗi năm, 20 triệu euro kiếm được từ việc bán đồ lưu niệm và tiếp đón doanh nghiệp). Nhiều chính quyền đô thị đã công nhận và ứng xử với hành hương như là một trong hai loại hình chính của du lịch tâm linh, bên cạnh tham quan.
Trên thế giới, người ta thường quan tâm nhiều hơn đến không gian tôn giáo, hay không gian thiêng (sacred space) trong quy hoạch tổng thể thành phố.
Không gian thiêng đóng vai trò là một yếu tố kiến tạo thành phố. Bởi lẽ, mục đích xây dựng ban đầu của các công trình thuộc không gian này là thuần túy tôn giáo. Nhưng trong quá trình phát triển, nó tất yếu là hạt nhân trung tâm để phát triển các thiết chế văn hóa cũng như khu vực cung cấp dịch vụ du lịch xung quanh (ban đầu nhằm mục đích phục vụ cho khách hành hương), và sau đó, mới biến đổi trở thành các không gian phái sinh như không gian công cộng, không gian du lịch, đồng tồn với các chức năng của đô thị… đó cũng là khi hai bờ thiêng - phàm đã nối kết.
Có hay không đô thị tâm linh ở Việt Nam?
Ở Việt Nam, dường như ta nhận thấy rõ một sự lai ghép, hoặc chồng biên giữa đô thị du lịch với đô thị tâm linh, để tạo ra một hình thái mang tên gọi “đô thị du lịch tâm linh”. Dù sao, đô thị du lịch tâm linh là một kết quả tất yếu của khuynh hướng chú trọng phát triển du lịch tâm linh ở nhiều địa phương trên cả nước.
Đương nhiên, với mọi hình thức nhị nguyên, hẳn sẽ có sự chênh lệch hay ưu trội của một yếu tố này so với yếu tố còn lại. Do đó, để nhận diện đô thị du lịch tâm linh ở Việt Nam, ta sẽ xem xét trong hệ tương quan tính chất tâm linh và tính chất du lịch, bằng một số tiêu chí về đô thị tâm linh đã được đưa ra trong phần trên.
Tiêu chí đầu tiên là tính biểu tượng và bề dày niên đại lịch sử. “Thành Rome không được xây trong một ngày” - các đô thị tâm linh trên thế giới có thời gian hình thành và tích lũy phát triển cực kỳ lâu đời, thậm chí nằm trong số những đô thị cổ xưa nhất trong lịch sử nhân loại, như Rome (2.800 năm), Varanasi (3.200 năm), Jerusalem (5.000 năm)… Đây là chứng nhân của cả một nền văn minh huy hoàng trong lịch sử. Không những vậy, nơi này còn hoàn chỉnh và ổn định về mọi khía cạnh đô thị như mô thức định cư, kinh tế - thương mại, xã hội - văn hóa - y tế - giáo dục, cơ sở hạ tầng và dịch vụ đô thị.
Cuộc hành hương Hajj ở Mecca, Ả Rập Xê Út diễn ra hàng năm. Ảnh: AFP
Chùa Bái Đính mới được xây dựng năm 2003 và khánh thành giai đoạn 1 năm 2008, chùa Tam Chúc được khánh thành năm 2019, là hai trong số nhiều quần thể du lịch tâm linh nổi bật thu hút sự quan tâm của dư luận gần đây. Đặc điểm chung của các “siêu chùa” này (lại một thuật ngữ có vẻ chỉ xuất hiện ở Việt Nam!) đều là những siêu dự án với quy mô đồ sộ, xây dựng trên một diện tích rộng hàng nghìn ha, có số vốn đầu tư khủng và sự tham gia của doanh nghiệp, cuối cùng là sở hữu nhiều “kỷ lục”.
Và cuối cùng, hãy thử khảo xét các con số. Chọn một tỉnh có mật độ đậm đặc các khu du lịch tâm linh (mới) như Ninh Bình. Sở Du lịch Ninh Bình công bố trong dịp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, tỉnh đã đón gần 400.000 lượt khách du lịch (cao gấp 2,2 lần so với Tết Nhâm Dần). Các điểm có lượng khách cao là khu du lịch tâm linh núi chùa Bái Đính 162.340 khách; khu du lịch Tràng An 62.710 khách, khu du lịch Tam Cốc - Bích Động: 12.070 khách; vườn chim Thung Nham: 54.215 khách; Hang Múa: 11.400 khách (6). Những con số không hề nhỏ, đồng thời cho thấy sự áp đảo của du lịch tâm linh so với du lịch sinh thái - tự nhiên.
Nếu muốn hướng tới một đô thị tâm linh đúng nghĩa thì chúng ta nên coi tâm linh là tính thứ nhất, đặt lên trên hết với ý nghĩa hàng đầu, còn du lịch là phương cách hiệu quả để phát huy, quảng bá và phát triển bền vững.
Từ những cứ liệu trên, có thể đi đến một nhận định sơ bộ là các địa điểm tâm linh đã nêu ở Việt Nam mới chỉ ở mức độ quần thể du lịch tâm linh, thiên về khía cạnh du lịch thắng cảnh nhiều hơn là tâm linh, phần nào đó sở hữu các yếu tố bối cảnh tôn giáo và lưu lượng cần thiết làm cơ sở phát triển, nhưng chưa đủ hoàn chỉnh để gọi là một đô thị đúng nghĩa, chứ chưa nói là đô thị tâm linh. Mặt khác, những quần thể du lịch này thường nằm ở ngoại vi một đô thị hiện hữu hoàn chỉnh (khác với mô hình các đô thị tâm linh ở châu Âu đã trình bày ở trên).
Vấn đề mục đích xây dựng ban đầu cũng là câu chuyện cần bàn đến. Nếu những công trình tôn giáo truyền thống được xây dựng thuần túy nhằm mục đích tâm linh, thì về mặt bản chất, khá nhiều điểm hay chuỗi du lịch tâm linh hiện nay là do tư nhân đầu tư, trên cơ sở tận dụng kết hợp lợi thế cảnh quan sinh thái - tự nhiên sẵn có, và quan trọng hơn, có khả năng thu hồi vốn đầu tư nhanh cũng như sinh lời tốt. Một khi tính chất du lịch, thương mại và dịch vụ lớn hơn tính chất tâm linh, hướng thượng và về nguồn, thì tâm linh có nguy cơ trở thành một loại “kỹ nghệ du lịch”.
Kỹ nghệ du lịch, ở đây, là việc cố tình sử dụng, thậm chí lạm dụng tâm linh khai thác lòng tin nhằm “lôi kéo” khách đến du lịch. Đây là biểu hiện của sự thế tục hóa, thương mại hóa và trục lợi kinh tế, thay vì mang lại an ninh tinh thần và giá trị hướng thiện cho du khách hành hương. Nó kéo theo hiểm họa xuất hiện những hiện tượng biến tướng trong hoạt động tín ngưỡng, và đôi khi tiệm cận mê tín dị đoan.
Việc thi công các công trình nhân tạo, bê tông hóa, hay phương tiện hỗ trợ di chuyển thuận tiện (ví dụ như cáp treo) không những đồng nghĩa với việc xâm hại cảnh quan tự nhiên, mà còn đánh mất ý nghĩa tâm linh chân chính của cuộc hành hương chiêm bái, khi ở đó quá trình nỗ lực “thành tâm” quan trọng tương đương với đích đến.
Lối vào thành cổ Luy Lâu ở Thuận Thành, Bắc Ninh. Ảnh: Dân Việt
Bên cạnh đó, từ góc nhìn quy hoạch sử dụng đất, những bất cập trong việc giao đất và chuyển đổi mục đích sử dụng đất nhằm phục vụ xây dựng các dự án du lịch tâm linh đã được dư luận đề cập nhiều. Không thể mập mờ hoán đổi công trình văn hóa tôn giáo - tâm linh với dự án kinh doanh du lịch để hưởng các chính sách ưu đãi về đất đai, thuế… hay mượn “đô thị du lịch tâm linh” làm tấm bạt phủ các bất động sản du lịch tâm linh, bất động sản nghỉ dưỡng, “mời gọi” an cư và đầu tư kiếm lời.
Nếu muốn hướng tới một đô thị tâm linh đúng nghĩa thì chúng ta nên coi tâm linh là tính thứ nhất, đặt lên trên hết với ý nghĩa hàng đầu, còn du lịch là phương cách hiệu quả để phát huy, quảng bá và phát triển bền vững. Mọi quy hoạch phải đặt việc bảo lưu không gian thiêng ở vị trí trung tâm, nơi đánh dấu mối liên kết thường hằng giữa tâm thức người Việt và thế giới tâm linh.
Trong quá khứ, Việt Nam từng có một đô thị tâm linh với bề dày lịch sử đúng nghĩa (hiện trạng của nó, một khi được đưa ra như là một tham chiếu so sánh, đáng để suy ngẫm): Luy Lâu (nay thuộc xã Thanh Khương, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh) là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa cổ xưa nhất của nước ta, “thượng nguồn” của Phật giáo Việt.
Thành cổ nghìn năm tuổi này lần đầu là nơi chứng kiến Sĩ Nhiếp mở trường lớp dạy chữ và văn hóa Hán, truyền dạy thi thư và lễ nhạc vào thế kỷ II. Đến thế kỷ thứ VI, Tì-ni-đa-lưu-chi sang truyền bá Phật giáo vào nước ta đã cư trú tại chùa Pháp Vân. Bởi vậy, Luy Lâu còn là trung tâm hỗn dung giữa Nho giáo và Phật giáo. Song giờ đây, nơi vàng son một thuở này đã bị lãng quên, ngổn ngang, tiêu điều và xuống cấp nghiêm trọng.
Phạm Minh Quân - Phó Viện trưởng Viện Nhân học Văn hóa
____________________________________
(1) https://vietnamtourism.gov.vn/post/27019
(2) https://moc.gov.vn/vn/tin-tuc/1184/69507/bac-ninh--quy-hoach-khu-do-thi-phat-tich---co-kinh-va-hien-dai.aspx
(3) https://vietnamhoinhap.vn/vi/khu-di-tich-bao-ha-huong-den-tro-thanh-trung-tam-van-hoa-tam-linh-mien-tay-bac-30641.htm
(4) https://vietnamnet.vn/de-xuat-xay-do-thi-nghi-duong-gan-1000ha-trong-sieu-chua-tam-chuc-808755.html
(5) Ả Rập Xê Út có riêng một bộ về Hajj và Umrah (các cuộc hành hương quy mô nhỏ trong năm), để quản lý và hỗ trợ
tổ chức các cuộc hành hương đến thánh địa Hồi giáo và
cũng chịu trách nhiệm thống kê số lượng khách hành hương
(6) https://tuoitre.vn/ninh-binh-khang-dinh-khong-co-chuyen-du-khach-mac-ket-den-12h-dem-o-trang-an-20230127103610815.htm.