Chìm ca nô 13 người chết, 4 người mất tích: Nạn nhân sống sót kể lại thời khắc kinh hoàng

 21:25 | Thứ bảy, 26/02/2022  0
Nhân chứng cho biết khi ca nô vào gần đến bờ, sóng đánh mạnh khiến vỏ bị bể làm nước tràn vào làm 39 người gặp nạn, trong đó có 13 người tử vong, 4 người đang mất tích.

Theo ghi nhận của phóng viên báo Người Lao Động, tối 26.2, lực lượng chức năng vẫn đang tính cực tìm kiếm 4 nạn nhân còn mất tích trong vụ chìm ca nô trên biển Cửa Đại (TP Hội An, tỉnh Quảng Nam).

Tại khu vực cầu cảng Trạm kiểm soát biên phòng Cửa Đại, các phương tiện liên tục thay phiên tìm kiếm. Không chỉ tàu chuyên dụng của lực lượng chức năng, một số tàu cá có dàn đèn lớn cũng được huy động. Trước đó, trực thăng cứu nạn của không quân cũng được huy động để quần thảo vùng biển. Tuy nhiên, sau 30 phút tìm kiếm, trực thăng được lệnh rút lui.

Lực lượng chức năng tìm kiếm nạn nhân xuyên đêm.

Bên cạnh tìm kiếm 4 nạn nhân còn mất tích, lực lượng chức năng còn đảm bảo hồi sức cho các nạn nhân sau vụ tai nạn. Những người bị nặng được đưa lập tức đến các bệnh viện lân cận.

Trong khi đó, một số người khỏe mạnh được yêu cầu viết tường trình vụ việc, làm cơ sở phục vụ công tác điều tra. Sau khi hoàn thành tường trình, một số nạn nhân và người nhà đã được cho về nơi cư trú để nghỉ ngơi. Về khuya, Quảng Nam có mưa nhỏ, trời se lạnh. Tuy nhiên, người dân địa phương vẫn túc trực bên cầu cảng, chờ tin các nạn nhân.

Nhớ lại thời điểm vụ tai nạn xảy ra, ông Trần Văn Cư (SN 1975, chạy tàu phía sau ca nô bị lật) cho biết, thời điểm đó, ca nô Phương Đông chạy trước thì gặp vùng nước cạn, sóng lớn đánh vào nên bị nghiêng rồi nhanh chóng lật úp. "Lúc đó tàu tôi cách tàu Phương Đông khoảng 100 m thì bất ngờ thấy tàu này lật. Hành khách kêu la rất nhiều. Tôi đã tức tốc chạy vào báo lực lượng chức năng và bản thân tôi cũng chạy ra cứu sống được 3 người" - ông Cư nói.

Anh Trần Quý là một trong số các nạn nhân sống sót trong vụ chìm ca nô.

Anh Trần Quý (trú TP Hội An, tỉnh Quảng Nam) bần thần kể lại giây phút trước khi xảy ra thảm họa. Theo đó, trưa cùng ngày, anh Quý cùng thuyền trưởng Võ Lê Sen chở đoàn khách 39 người từ Cù Lao Chàm vào Cửa Đại. Lúc này, anh Quý ngồi ở cuối ca nô để quan sát, trông chừng hành khách.

Khi ca nô gần đến nơi, sóng đánh mạnh khiến vỏ bị bể ra, nước bắt đầu tràn vào. Khung cảnh rất hoảng loạn. Anh hô to mọi người bình tĩnh nhưng không ai nghe cả. "Lúc này, tất cả mọi người đều mặc áo phao nhưng bị mắc lại trong khoang tàu nên không thể thoát. Khi hoàn hồn, tôi vội vàng ngụp lặn trong nước để cứu được người nào hay người đấy. Vớt được hơn chục người thì mọi thứ im ắng đến đáng sợ, lúc này tôi cũng đuối sức. Vụ việc xảy ra quá nhanh, tôi không kịp trở tay" - anh Quý rưng rưng.

Thời khắc đưa các nạn nhân lên bờ.

Trước đó, như đã thông tin, khoảng 12 giờ 10 phút trưa 26.2, chiếc ca nô mang BKS QNa-1152 do ông Võ Lê Sen làm thuyền trưởng (thuộc Công ty du lịch Phương Đông) chở 39 người gồm 3 thuyền viên và 36 hành khách lưu thông từ Cù Lao Chàm vào đất liền. Khi cách bờ biển Cửa Đại khoảng 2 km, chiếc ca nô bất ngờ bị chìm khiến 39 người gặp nạn.

Đến chiều tối 26.2, trong tổng số 39 người trên tàu thì lực lượng chức năng đã cứu được 22 người, 13 người không qua khỏi, còn 4 người mất tích, trong đó có 2 trẻ em.

Danh sách 4 nạn nhân mất tích:

1. Nguyễn Minh Quang (2019 - Hà Nội)

2. Ngô Minh Hiếu (2010 - Hà Nội)

3. Nguyễn Mai Anh (2019 - Hà Nội)

4. Nguyễn Thị Giản Đơn (1998 - Hà Nội)

Danh sách các nạn nhân được cứu sống:

1. Trần Thị Thanh Vân - SN 1996

2. Nguyễn Thị Huế - SN 1990

3. Bùi Đăng Minh - SN 1996

4. Trần Minh Đẵ - SN 1993

5. Nguyễn Thị Thúy An - SN 1989

6. Nguyễn Xuân Hòa - SN 1982

7. Phạm Ngọc Hùng

8. Nguyễn Tấn Hiệp

9. Nguyễn Xuân Huy - SN 2006

10. Nguyễn Huy Vũ - SN 2011

11. Trịnh Hải Đăng - SN 2007

12. Ngô Đức Dương _ SN 1982

13. Nguyễn Minh Trình - SN 1988

14. Trịnh Văn Đức - SN 1983

15. Lê Hữu Nghị - SN 1983

16. Nguyễn Thanh Hải - SN 1982

17. Phạm Lê Thành - SN 1995

18. Tô Thị Thịnh

19. Nguyễn Thị Khúc - đang cấp cứu tại Đà Nẵng

20. Lê Xeng - Chủ tàu

21. Nhân: Phụ tàu

22. Quý : Phụ tàu

Thủ tướng yêu cầu huy động mọi phương tiện, nhân lực tìm kiếm, cứu người bị nạn

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh vừa ký ban hành Công điện số 202/CĐ-TTg ngày 26.2 của Thủ tướng Chính phủ về khắc phục hậu quả vụ tai nạn chìm tàu đặc biệt nghiêm trọng xảy ra tại tỉnh Quảng Nam.

Công điện của Thủ tướng gửi các Bộ: Công an, Giao thông vận tải; Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia; UBND tỉnh Quảng Nam.

Theo báo cáo nhanh từ Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, vào lúc 14 giờ 05 phút ngày 26.2, tại tuyến đường thủy từ Cù Lao Chàm - Cửa Đại, tỉnh Quảng Nam đã xảy ra vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng do lật thuyền đối với ca nô mang biển kiểm soát QNa1152 của Công ty TNHH MTV Du lịch Phương Đông chở khách tham quan du lịch xã đảo Cù Lao Chàm; trên ca nô có 39 người; hậu quả vụ tai nạn làm chết 13 người, chưa tìm thấy 4 người.

Thủ tướng yêu cầu huy động mọi phương tiện, nhân lực tìm kiếm, cứu người bị nạn.

Ngay sau khi nhận được thông tin về vụ tai nạn chìm tàu, Thủ tướng Chính phủ đã gửi lời chia buồn tới gia đình các nạn nhân tử vong, động viên, thăm hỏi các nạn nhân bị thương, phân công lãnh đạo Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia trực tiếp đến hiện trường vụ tai nạn, phối hợp với UBND tỉnh Quảng Nam chỉ đạo giải quyết, khắc phục hậu quả, thăm hỏi, hỗ trợ động viên nạn nhân và gia đình nạn nhân trong vụ tai nạn.

Để khắc hậu quả vụ tai nạn giao thông và không để xảy ra các vụ tai nạn giao thông tương tự, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Chủ tịch UBND, Trưởng ban An toàn giao thông tỉnh Quảng Nam chỉ đạo các cơ quan, đơn vị chức năng của tỉnh huy động mọi phương tiện, nhân lực để tìm kiếm, cứu nạn người và phương tiện trong vụ tai nạn; bố trí điều kiện tốt nhất về y tế để cứu chữa những nạn nhân bị thương; tổ chức thăm hỏi, hỗ trợ động viên gia đình các nạn nhân tử vong và các nạn nhân bị thương trong vụ tai nạn.

Tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý nghiêm hành vi vi phạm pháp luật trật tự, an toàn giao thông đường thủy; khẩn trương điều tra, làm rõ nguyên nhân, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm gây ra vụ tai nạn.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Công an chỉ đạo Công an tỉnh Quảng Nam khẩn trương điều tra, xác minh nguyên nhân; lưu ý kiểm tra vi phạm về điều kiện kinh doanh trên đường thủy nội địa, nhất là hoạt động chở khách tham quan du lịch trên đường thủy nội địa, siết chặt kiểm soát và xử lý nghiêm đối với hành vi chở quá số người quy định, kể cả xử lý trách nhiệm của chủ phương tiện, doanh nghiệp vận tải và doanh nghiệp du lịch khi để xảy ra vi phạm, không để xảy ra các sự việc tương tự.

Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo Sở Giao thông vận tải tỉnh Quảng Nam và các Sở Giao thông vận tải địa phương kiểm tra toàn diện về việc chấp hành các quy định kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải trên đường thủy nội địa, xử lý nghiêm theo quy định pháp luật nếu phát hiện vi phạm; đặc biệt xem xét trách nhiệm của chủ doanh nghiệp (chủ phương tiện) gây tai nạn nêu trên.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chỉ đạo siết chặt công tác quản lý kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải trên đường thủy nội địa trên địa bàn; tăng cường kiểm tra việc thực hiện quy định về điều kiện kinh doanh vận tải đối với đơn vị kinh doanh vận tải trên đường thủy nội địa, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với các hành vi vi phạm.

___________

* Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia nghiên cứu phân tích, đánh giá nguyên nhân xảy ra các vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng trong thời gian qua, trong đó có các vụ tai nạn giao thông xảy ra trên đường thủy nội địa; làm rõ trách nhiệm của các cơ quan chức năng trong các vụ tai nạn, đề xuất giải pháp xử lý, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Văn Duẩn

Hải Định - Trần Thường

Nguồn Báo Người Lao Động (www.nld.com.vn)
bài viết liên quan
để lại bình luận của bạn
có thể bạn quan tâm

Đọc tin nhanh

*Chỉ được phép sử dụng thông tin từ website này khi có chấp thuận bằng văn bản của Người Đô Thị.