Chợ chiều

 07:39 | Chủ nhật, 09/11/2014  0

Tôi nhói lòng vì những buổi chợ chiều làm tôi nhớ về những ngày thơ ấu. Khi ấy, cha mẹ tôi làm ăn vất vả, đi làm tối mịt mới về. Tôi là con lớn nên phải thu vén gia đình. Buổi chiều, tôi đi chợ mua đồ ăn cho bữa tối.

Tôi thường đạp xe ra hợp tác xã - một cửa hàng mậu dịch của nhà nước thời xưa - toạ lạc ngay một ngã ba lớn để mua đồ ăn. Ngày xưa không bảo quản thịt cá bằng hoá chất như bây giờ nên mấy cô ở hợp tác xã cứ luộc tất cả những gì còn lại của buổi sáng lên và bán với giá rẻ. Nếu tôi đi học về sớm, cái mâm sẽ đầy vun nào thịt luộc, lưỡi luộc, tai, mũi, dồi trường; mớ cá nục thì ướp muối hấp lên. Nếu tôi về trễ thì còn gì mua nấy. Tôi thường mua miếng mũi về xắt mỏng, tao qua chảo cho ra bớt mỡ rồi làm một chén mắm tỏi với chút đường chế vô rim. Có ngày làm siêng, tôi mua tai về luộc lại, xắt mỏng, bóp gỏi với thính, tỏi, nước mắm ăn kèm lá sung hay lá đinh lăng. Ngán thịt đầu thì tôi mua dồi trường về xào cải chua, các em tôi lựa dồi trường ăn hết, chừa toàn cải chua cho cha mẹ.

Có lần tôi ra trễ, không còn gì, chỉ còn một miếng thịt không ra thịt, mỡ không ra mỡ. Cô bán hàng nói nầm đó, ngon lắm, mua về nướng ăn. Nhà tôi hồi đó nấu bếp than, nướng hay nấu gì cũng chẳng khác gì nhau nên tôi đem nướng chao đỏ, cả nhà ủng hộ nhiệt tình, đến bây giờ mới biết đó là món nầm sữa nướng chao nổi tiếng thơm ngon. Nếu tôi về trễ quá, hợp tác xã đóng cửa thì phải đạp xe ra chợ. Cái tâm trạng buồn vời vợi vào mỗi buổi chiều bây giờ của tôi không biết có phải là do những ngày tháng cũ, khi vừa đạp xe vừa lo lắng, trời tối u u rồi, chợ đã dẹp gần hết, chỉ còn mấy gian hàng trống vắng in lên nền trời xam xám, lòng nặng trĩu đi ngang mấy bà mấy chị bán con cá mớ rau còn lại trong ngày, tiếng van nài, mời mọc “mua giùm chị đi em để chị còn về!”… Bố tôi thích nhâm nhi món gì đó vào buổi tối, ông thích ăn rau xào hơn rau luộc, thích ăn canh và không thích rau sống. Tôi thỉnh thoảng lại mua cho ông một cái vó bò luộc sẵn, đem về hấp lại với gừng rồi xắt mỏng, chấm tương bần, ăn kèm rau muống xào tỏi và lá kinh giới.

Mua thức ăn về xong, tôi sẽ lùa đám em về nhà tắm rửa sạch sẽ bằng một cây roi tre nhỏ và dài. Bốn thằng em trai chạy thục mạng vào nhà tắm, tranh giành nhau tắm rửa rồi chạy rầm rập đi thay đồ, nước non tung toé nhà cửa. Khi đó, tôi mới mặc đồ cho từng đứa, lau nhà cửa rồi nấu ăn, vừa nấu vừa lo cha mẹ đi làm về mà cơm nước chưa sẵn sàng. Có ngày cha mẹ tôi về sớm, có khi về trễ, tôi dạy các em phải chờ cha mẹ về rồi mới được ăn, có lúc mấy đứa chán quá nằm ngủ còng queo, tám chín giờ tối lại bò dậy ăn cơm. Không hiểu sao một đứa bé nhỏ xíu như tôi lại đầy bản lĩnh trong những tháng ngày khó khăn ấy? Nỗi lo toan đã khiến lòng tôi trĩu nặng như những buổi chiều xám lạnh ngày xưa.

Bây giờ, cái ngã ba ấy bỗng nhiên nhỏ lại. Không hiểu sao ngày xưa nó rộng bao la với xe buýt, xe lam đón thả khách rầm rập. Tôi đạp xe ra đó, đứng mua thịt luộc mà chới với lọt thỏm giữa tiếng kèn xe, tiếng đập thùng rầm rầm xin đường tấp vô lề. Cái ngã ba bây giờ nhỏ xíu, cửa hàng hợp tác xã không còn, không biết mấy cô bán hàng dễ thương hồi xưa đi đâu? Cái thói quen lo toan ngày xưa đã giúp tôi có được một nền tảng tốt để chăm sóc gia đình sau này. Buổi chiều về tôi cũng ghé chợ, ghé siêu thị mua đồ ăn. Siêu thị mát rượi, máy lạnh chạy rì rì, thịt được bảo quản trong tủ mát, tẩm ướp sẵn sàng, cứ về đặt lên bếp là có thịt kho tộ, cá chiên, canh chua đầy đủ.

Vào chợ thì tôm càng xanh tươi sống sục ôxy búng tanh tách. Bà nội trợ hiện đại ngày càng được nhiều trợ giúp để chu toàn bữa cơm gia đình. Vậy mà, có một lần về ngang khu chợ vùng ven, tôi có lại đúng cảm giác của ngày xưa: trời chiều xam xám, bà bán đậu hũ uể oải gói mấy bìa đậu cho khách, chị bán cá buồn bã bên mâm còn vài con cá hường đã muối xả, và kế bên là bà bán vó bò, cái vó bò đã luộc, màu vàng rơm, từng cọng gân trong veo vàng nhạt, bịch tương bần cột sẵn trong bịch nylon… Tôi sững người đứng im, toàn thân tê cứng. “Vó bò còn đây mà người cha vất vả ngày xưa đã bỏ con rồi...”.

Nguyễn Phạm Khánh Vân

bài viết liên quan
TAGS
để lại bình luận của bạn
có thể bạn quan tâm

Đọc tin nhanh

*Chỉ được phép sử dụng thông tin từ website này khi có chấp thuận bằng văn bản của Người Đô Thị.