Chung cư: buồn vui theo chiều thẳng đứng

 12:54 | Thứ sáu, 13/06/2014  0

Chung mộng an cư

Hơn trăm năm trước, Tú Xương đã nói đến một thời kỳ nhân mãn và dự đoán thiên hạ phải “bồng bế nhau lên nó ở non”. Thời hiện đại, người đô thị không dắt díu nhau lên non mà xây mộng an cư theo “chiều thẳng đứng”...

Cuộc sống bề bộn của một chung cư tái định cư.

Ổ chuột trên không

Đó là một chung cư tái định cư khá tiêu biểu, chỉ ba tầng lầu, lọt thỏm giữa tứ bề là khu dân cư lao động. Mỗi căn hộ chỉ 3,5m bề ngang và hơn chín mét bề dài. Xóm giềng được nhân đôi nhân ba so với thời còn ở khu ổ chuột dưới đất: trên đầu, hai bên, trước mặt, phía sau. Làm gì cũng phải thật khẽ khàng, kể cả chuyện “riêng tư”, bởi tai vách mạch rừng không chỉ ở hai bên…

Một số giáo viên tiểu học được mua căn hộ ở đây theo diện chính sách xen kẽ với những tiêu chuẩn được cấp từ đợt giải toả nhà ở bờ kênh. Một buổi sáng đẹp trời nọ, vài cô giáo ngạc nhiên thấy phía trước cổng rào chung của khu vực mình ở thập thò một phụ nữ trẻ bồng con. Hễ có cô giáo nào bước ra cổng là người phụ nữ lại lên tiếng: “Mấy chị ơi, đừng có bỏ… băng vệ sinh xuống lỗ thông gió nữa, tụi tui ở dưới đó!”. Thì ra người phụ nữ bồng con ở dưới trệt, tận dụng thêm không gian của giếng trời chung cư để mở rộng sinh hoạt, gặp nạn mất vệ sinh nên trèo lên các tầng trên truy tìm thủ phạm! Một chị nhà giáo đỏ mặt tức mình: “Chị cứ kiếm cho ra người bỏ xuống, rồi lấy cái đó mà… nhét vào miệng nó!”.

Một ngày ở cái ổ chuột trên cao này trôi qua theo nhịp điệu của tiếng ồn. Sáng sớm là cái loa phường đặt ngang tầm chung cư phát hết cỡ những thông tin tuyên truyền lẫn tin tức cảnh giác về trộm cướp giựt dọc trong địa bàn quận. Một lô một lốc những xe hàng rong thay nhau lải nhải không ngừng cả tiếng đồng hồ hết dưới sân chung cư lại chạy dọc hành lang những “bánh mì nóng giòn”, “bánh su kem”, “tóc dài tóc rối”, “keo dính chuột”. Mười giờ là đến chương trình văn nghệ sôi động của một em Hoa “rách việc” trong căn hộ nào đó vừa chuẩn bị xong bữa cơm trưa. Bốn giờ chiều là đến phần trình diễn karaoke, bắt đầu bằng tuyệt phẩm Kiếp cầm ca và sau đó lần lượt là một list các bài hát không bao giờ thay đổi được “hét” lên bằng cái giọng cứ như vừa bịt mũi vừa la của một chị ở tầng ba. Có lần, bà bán bánh mì hàng xóm hết kiên nhẫn nổi vì thằng cháu ngoại đang ẩm ương do bệnh cứ khóc thét khi giọng “oanh vàng” của chị nọ cất lên, đã xông thẳng đến trước căn hộ ở tầng ba mà chửi: “Ca như cái… mà cứ ca hoài!”.

Ở cái chung cư ấy, mấy cái miệng ống bỏ rác dần trở thành hố tiểu công cộng cho dân nhậu nhẹt. Phân chó, bãi ói của dân xỉn thì rải rác dọc cầu thang, hành lang. Thỉnh thoảng, dân chích choác từ đâu lại đến thậm thụt ở các góc khuất của cầu thang, rồi cả một “xóm liều” nho nhỏ, cỡ hai ba gia đình vô gia cư, có lúc còn chiếm cứ luôn một góc của tầng trên cùng…

Giã từ… hàng xóm

Một bà con của người viết bài này vừa tậu căn hộ mới. Dẫn cậu con trai đến ăn tân gia, cậu con ngạc nhiên thốt lên: “Nhà dì sao giống khách sạn quá!”. Người bà con ấy vừa mua căn hộ trong một chung cư - tạm coi là chung cư trung cấp vì có hầm giữ xe - đi thang máy, mỗi tầng có một hành lang dài hun hút với hai bên là các căn hộ luôn đóng cửa im ỉm. Phía sau các cánh cửa đó là những gia đình công chức, người kinh doanh nhỏ... Không xô bồ xô bộn, không quá ồn ào hay mất vệ sinh, chung cư có sự yên tĩnh, sạch sẽ nhất định nhưng đổi lại, lối xóm cạnh nhau mà “tối lửa tắt đèn” nhà ai nấy chịu! Chung cư khá nhỏ hẹp nhưng gần như chả ai biết ai, cũng chả ai quan tâm hàng xóm của mình là ai. Cứ khoảng sau tám giờ sáng, đi dọc hành lang  là thấy nhà nào cũng hai, ba ổ khoá treo lủng lẳng. Chủ nhân các căn hộ ra khỏi nhà từ sáng sớm để đi làm, đi học mãi chiều tối mới về. Mở xong ổ khoá là vào nhà, đóng sập cửa. Hàng xóm may mắn chạm mặt nhau là lúc người này người kia đang tra chìa vào ổ khoá nhà mình. Khoảnh khắc hiếm hoi ấy chỉ đủ để gật đầu chào nhau nếu thân thiện, còn không, chỉ đủ để ngó nhau một cái, rồi thôi!

 

Cuộc sống riêng tư ở chung cư sau cánh cổng

Người bà con của tôi dọn về căn hộ trong chung cư khá đẹp ở quận Bình Thạnh (TP.HCM) này được gần hai tháng. Hỏi, chị cho biết chưa quen ai, thậm chí còn chưa hề thấy mặt chủ nhân mấy căn hộ bên trái, bên phải và trước mặt mình. Hôm chị mới dọn về, trượt chân ngã sóng soài trước cửa căn hộ, khớp cổ chân bị sái đau thấu trời không đứng nổi, chị nửa nằm nửa ngồi gần nửa tiếng mà chẳng thấy bóng ai để cậy nhờ, cũng chẳng dám lên tiếng gọi hàng xóm giúp đỡ. “Mà gọi chắc gì có ai nghe cậu ơi, nhà nào cửa cũng đóng kín mít. Chị phải ráng lết vô tìm cái điện thoại kêu thằng em chạy qua. Ở kiểu này cũng thích, nhưng lỡ trái gió trở trời thì...”, chị bỏ lửng câu nói. Tôi nghe, thở dài, nhớ cái xóm dưới quê. Nhà này cách nhà kia có khi cả mảnh vườn rộng, nhưng chỉ cần có chuyện, đập nắp nồi cheng cheng là có người chạy qua liền...      

Sống như Tây

Sở hữu đủ bộ ba gồm một nhà phố, một biệt thự ngoại thành và căn hộ cao cấp ở một khu đô thị có tiếng, song bà Thành, giám đốc một công ty, nhăm nhe tính chuyện “dưỡng già” sau này ở căn hộ cao cấp. Ở nhà phố thì quá ồn ào náo nhiệt, trong khi về biệt thự ngoại thành lại quá biệt tịch và xa xôi cách trở với sức sống cuồn cuộn của trung tâm đô thị. Chính căn hộ cao cấp với thiết kế như những biệt thự trên cao, lại không quá xa khu trung tâm, đã giải quyết được mâu thuẫn trong ý nguyện sống của một cư dân đô thị như bà.Chính cái thiết kế theo kiểu châu Âu của toà nhà căn hộ cao cấp khiến bà ưng ý hơn cả. Toà nhà không quá cao, chỉ mười tầng, mỗi tầng lại được thiết kế sao cho một lối lên thang (thang máy lẫn thang bộ) chỉ rẽ vào đúng hai căn hộ. Điều này dễ tạo cảm giác biệt lập ưa thích. Không gian sinh hoạt cộng đồng riêng rẽ ở bên dưới toà nhà chính là nơi bù đắp cho sự thiếu hụt chất “tình làng nghĩa xóm” do sự biệt lập mang lại.

 

Góc yên bình

Điều đầu tiên phải kể chính là phòng sinh hoạt cộng đồng, nơi cư dân ở đây có thể tổ chức tiệc tùng, lễ lạc riêng tư theo sự đăng ký tuần tự. Một phòng thể dục, một bể bơi có bảo vệ, hướng dẫn. Một công viên treo, nơi cư dân có thể thư giãn, đọc sách… Rồi phòng chơi trẻ em, nơi cha mẹ có thể gửi con cho các chú bảo vệ trông coi để thực hiện những công việc đột xuất. Tất cả những không gian công cộng này đều được thiết kế mỹ thuật, thoáng mát và đó chính là nơi để các cư dân của toà nhà có dịp trò chuyện, trao đổi, giao tiếp…

Ngoài ban quản lý chung của khu căn hộ để lo phần các dịch vụ, mỗi toà nhà còn tự bầu ra ban tự quản cho riêng mình. Đối với một ban tự quản “dân cử”, sẽ không có chuyện mâu thuẫn giữa người “quản” và người “bị quản”. Các quyết định tập thể sẽ được thi hành từ các thành viên của ban tự quản và họ đã nhất trí với nhau là sẽ nhắc nhở cảnh báo đối với các hộ gây ra những rắc rối có thể phát sinh mâu thuẫn trong cộng đồng, như gây tiếng ồn hoặc để mùi nấu nướng nặng mùi bay ra ảnh hưởng đến hàng xóm.

Những điều đó có phải là ước mơ, là lý tưởng sống của các cư dân đô thị mà người ta “nghe đồn” chỉ hiện diện ở tít tắp đâu đó tận trời Tây?

Bài và ảnh ĐOÀN ĐẠT

bài viết liên quan
TAGS
để lại bình luận của bạn
có thể bạn quan tâm

Đọc tin nhanh

*Chỉ được phép sử dụng thông tin từ website này khi có chấp thuận bằng văn bản của Người Đô Thị.