Chuyện “bếp núc” của tạp chí khoa học

 09:16 | Thứ ba, 26/08/2014  0

Quản lý tạp chí cần nhiều kỹ năng

Thông thường, một tạp chí khoa học được thành lập phải có một sứ mệnh và mục tiêu cụ thể về một chuyên ngành cụ thể. Ngoài ra, tạp chí phải có cơ quan chủ quản, một tổng biên tập và một ban biên tập bao gồm các thành viên quốc tế. Cơ quan chủ quản có thể là hiệp hội chuyên môn, trường đại học, viện nghiên cứu, thậm chí cá nhân. Tổng biên tập và ban biên tập thường là những người quen biết nhau (giống như trong một “bộ lạc”). Cũng có khi trong một hiệp hội, do xung đột quan điểm khoa học, các nhóm đứng ra thành lập tạp chí riêng. Lại có khi một tạp chí đã hình thành và hoạt động tốt với bài vở có chất lượng cao, nhưng họ tiếc phải từ chối các bài có chất lượng thấp hơn (nhưng vẫn có thể công bố) nên lập ra một “tạp chí con”. Đó là trường hợp JAMA lập ra tạp chí Archives of Internal Medicine. Khi tác giả gửi bài cho JAMA và bị từ chối, họ thường hỏi có muốn chuyển qua cho Archives of Internal Medicine không.

Thực ra, nhà xuất bản, cho dù là xuất bản ấn phẩm khoa học, là một doanh nghiệp. Doanh nghiệp thì quan tâm đến thị trường và lợi nhuận. Cho nên một trong những chiến lược của nhà xuất bản là phải mở rộng thị trường, và khi có thị trường thì lợi nhuận cũng theo sau. Tập đoàn xuất bản Nature (nhà xuất bản của tạp chí khoa học Nature) đã thấy thị trường ở Á châu và Trung Quốc, nên đã vào châu Á từ hơn 10 năm qua. Các tập đoàn khác như Elsevier và Springer cũng đã có mặt ở châu Á khá lâu, có thể còn trước cả Nature. Do đó, khi nhà xuất bản thấy cơ hội tốt và có triển vọng tương lai thì họ không thể bỏ qua. Mấy năm gần đây, Springer đã tích cực khai thác thị trường Việt Nam, nhưng chỉ mới là bước đầu.

Cũng như bất cứ công việc quản lý nào, quản lý tạp chí khoa học đòi hỏi nhiều kỹ năng và kinh nghiệm. Quản lý tài chính và các vấn đề liên quan đến hành chính có thể do nhà xuất bản phụ trách. Nhưng quản lý khoa học không chỉ bao gồm bản thảo (vì việc này có thể giao cho một công ty chuyên môn lo), nhưng còn bao gồm các vấn đề như tổ chức bình duyệt một cách hữu hiệu, đạo văn, tranh chấp giữa các tác giả, đảm bảo các tiêu chuẩn đạo đức khoa học. 

Uy tín của tạp chí khoa học

Để biết một tạp chí uy tín hay không, là điều không mấy khó khăn. Uy tín của một tạp chí có thể đánh giá qua hệ số ảnh hưởng, thành phần ban biên tập, và chất lượng bài vở. Ba yếu tố này có tương tác với nhau chứ không phải độc lập. Hệ số ảnh hưởng, tuy chưa phải là một thước đo hoàn chỉnh, nhưng nó phản ảnh mức độ tác động của tạp chí trong chuyên ngành. Mỗi chuyên ngành, tạp chí nào có hệ số ảnh hưởng càng cao, thì uy tín cũng tăng theo. Công bố công trình trên các tạp chí như thế là một vinh dự, một thước đo thành đạt của nhà khoa học.

Uy tín của tạp chí cũng có thể đánh giá qua thành viên của ban biên tập. Nếu tất cả thành viên của ban biên tập là các nhà khoa học “tên tuổi” thì tạp chí được đánh giá cao; nếu gần phân nửa ban biên tập là những người không có tiếng trong ngành thì tạp chí thuộc loại làng nhàng. Do đó, tổng biên tập có kinh nghiệm thường chỉ chọn những thành viên ban biên tập là những nhà khoa học nổi tiếng. Nhưng không phải tạp chí nào cũng làm được, bởi vì những nhà khoa học nổi tiếng không muốn tham gia ban biên tập của tạp chí mới, do họ không biết tương lai ra sao.

Yếu tố thứ ba là bài vở có chất lượng tốt. Tạp chí công bố những bài có ảnh hưởng lớn sẽ nâng cao chỉ số ảnh hưởng, và uy danh của tạp chí. Thông thường có hơn 50% bài không bao giờ được trích dẫn, và trong số 50% bài được trích dẫn, chỉ có một số rất nhỏ được trích dẫn nhiều. Do đó, mỗi năm chúng tôi họp ban biên tập và phân tích tất cả các bài đã công bố, xem tần số trích dẫn và nội dung khoa học, chất lượng khoa học, tác giả v.v.. để nâng cao chất lượng cho năm tới.

Ba yếu tố hệ số ảnh hưởng, thành phần ban biên tập, và chất lượng bài vở giúp chúng ta phân biệt tạp chí thật và tạp chí dỏm. Hiện nay, có rất nhiều tạp chí dỏm trên thế giới, nhất là các tạp chí internet, họ cũng có vài thành viên có tiếng trong ban biên tập, nhưng bài vở thì quá kém về chất lượng khoa học, sai sót kỹ thuật tràn lan, quá nhiều sai sót về tiếng Anh, và tác giả thì không rõ xuất xứ. Những tạp chí loại này đang góp phần làm giảm giá trị khoa học.

 GS.TS Nguyễn Văn Tuấn (Úc) 


GS Nguyễn Văn Tuấn có kinh nghiệm xuất bản công trình khoa học khoảng 25 năm, trong thời gian đó, hơn 10 năm làm thành viên ban biên tập cho gần 10 tạp chí chuyên ngành nội tiết và loãng xương, và phó biên tập (associate editor) cho 3 tạp chí kể cả tạp chí Mở PLoS ONE. Ông phục vụ trong uỷ ban Xuất bản khoa học (Scientific Publication Committee) của hội Loãng xương Mỹ 2 nhiệm kỳ, hội này có khoảng 10.000 hội viên. Ông làm expert reviewer (chuyên gia bình duyệt bài báo khoa học) cho hơn 30 tạp chí trên thế giới, kể cả Science, Nature, Lancet, New England Journal of Medicine, và JAMA. Ông cũng bình duyệt đơn tài trợ cho các tổ chức như NIH, NHMRC, WHO, Wellcome Trust; các cơ quan nghiên cứu của Hà Lan, Phần Lan, Scotland, Hồng Kông, Trung Quốc, Israel, Saudi Arabia… Ông từng tham gia cùng các đồng nghiệp bên Mỹ sáng lập tạp chí JCD, và phục vụ một nhiệm kỳ trong ban biên tập. 


 

bài viết liên quan
TAGS
để lại bình luận của bạn
có thể bạn quan tâm

Đọc tin nhanh

*Chỉ được phép sử dụng thông tin từ website này khi có chấp thuận bằng văn bản của Người Đô Thị.