Chuyện từ những ngôi nhà ma ở Jakarta

 09:05 | Thứ sáu, 06/12/2024  0
Mấy năm làm việc ở Jakarta, thỉnh thoảng tôi có vào khu phố Tàu ở phía Bắc thủ đô, đi qua những khu nhà ma không một bóng người. Mặt tiền là những bức tường tróc lở, nhìn qua những ô cửa trống hoác vào bên trong thì chỉ thấy đen ngòm hoang lạnh. Lạ một điều, đó là những căn nhà mặt tiền rất có giá trong những khu phố buôn bán sầm uất.

Hỏi người địa phương thì mỗi người giải thích một cách, không thuyết phục. Hỏi các quan chức địa phương, rồi vẫn không hiểu tại sao nhà có giá mà bỏ hoang, và hình như họ cũng lảng tránh vấn đề. Có cả một câu chuyện dài về lý do những ngôi nhà đắt giá đó trở nên hoang tàn mà phải qua một thời gian dài kiên trì tiếp xúc và lục tìm tài liệu tôi mới làm rõ được những điều thắc mắc.

Ông thị trưởng ở trong đường ngắm

Từ năm 2014, lần đầu tiên thủ đô Jakarta có thị trưởng là người gốc Hoa, ông Basuki Tjahaja Purnama, biệt danh là Ahok. Ông Ahok trước đó vốn là phó thị trưởng cho ông Jokowi, và khi ông Jokowi lên làm tổng thống, thì ông Ahok thắng cử, trở thành thị trưởng. Ở nơi mà người gốc Hoa bị coi là dân ngụ cư, là “chú Khách”, việc một người gốc Hoa theo đạo Tin Lành được bầu là thị trưởng của thủ đô hơn mười triệu dân là một hiện tượng đặc biệt, một sự công nhận đáng kể. 

Ông Ahok đã tạo dựng được hình ảnh một thị trưởng quyết đoán, dám nghĩ dám làm, được lòng thế hệ trẻ. 

Vậy mà ngày 4.11.2016 ở thủ đô Jakarta đã diễn ra một cuộc biểu tình rầm rộ của hơn 100.000 người Hồi giáo theo quan điểm cứng rắn, đòi bắt giam ông Ahok vì đã phỉ báng đạo Hồi. Tin tức thì mỗi báo đưa một cách, nhưng đại loại trong một cuộc diễn thuyết cho chiến dịch tái tranh cử chức thị trưởng Jakarta, ông Ahok kể rằng các đối thủ chính trị đã kêu gọi cử tri Hồi giáo đừng bỏ phiếu cho ông. Họ đã “gian dối” khi dẫn ra Surah al-Maidah, khúc thứ 51 trong kinh Koran để dọa dẫm tín đồ Hồi giáo, và kích động người đạo Hồi không ủng hộ người ngoại đạo.  

Những căn nhà ma ở khu phố người Hoa, thủ đô Jakarta, Indonesia. Ảnh: Rony Zakaria


Dù các chi tiết báo chí đã đưa có độ vênh nhau, nhưng tiếng đồn ông thị trưởng xúc phạm kinh Koran và đạo Hồi đã dấy lên phong trào đòi bắt giam ông, thậm chí đòi xử tử. Cuộc biểu tình tưởng như ôn hòa rốt cuộc đã dẫn đến bạo lực. Một người chết, hàng chục người bị thương, ba xe cảnh sát bị đốt, một số cửa hàng bị tấn công và đốt phá.

Cuộc biểu tình lớn tiếp theo vào ngày 2.12.2016 có 200.000 người tham gia, tiếp nối bằng nhiều cuộc biểu dương lực lượng chống ông Ahok. Cuộc bầu cử ngày 15.4.2017 kết thúc bằng sự thất bại của ông Ahok trước đối thủ Anies Baswedan là người được phái Hồi giáo cứng rắn ủng hộ. Thậm chí ông Ahok còn phải nhận bản án hai năm tù vào ngày 9.5.2017.

Dư luận trong và ngoài Indonesia cho rằng đây là một biểu hiện nguy hiểm cho nền dân chủ Indonesia, vốn chỉ được phục hồi sau khi chính phủ của tổng thống Suharto sụp đổ vào năm 1998. Không chỉ là sự nổi lên của làn sóng tôn giáo cực đoan, đằng sau đó là yếu tố chính trị, một số chính khách đã lợi dụng tôn giáo cho mục tiêu tranh cử chức thị trưởng năm 2017, hướng đến cuộc bầu cử tổng thống năm 2019. 

Thân phận ngụ cư 

Cũng không chỉ là vấn đề tôn giáo và chính trị, ở đây còn có vấn đề chủng tộc, vấn đề người gốc Hoa. 

Như cộng đồng gốc Hoa ở nhiều nước khác, người Hoa ở Indonesia là cộng đồng làm ăn buôn bán. Họ phát đạt bằng kinh doanh và bị coi là lũng đoạn thị trường, là đối thủ cạnh tranh thường xuyên của giới doanh nhân bản địa. Số liệu năm 2010 cho thấy có 2,8 triệu người Hoa ở Indonesia, nhưng theo nhiều nguồn khác thì tính đến năm 2023 cộng đồng gốc Hoa có từ 10 đến 12 triệu người, tức là khoảng 4% dân số cả nước.

Những cuộc giao thương đầu tiên của người Hoa với xứ Nam Dương là qua con đường mậu dịch trên biển từ những thế kỷ đầu Công nguyên. Nhưng phải đến khi quân Nguyên Mông của Hốt Tất Liệt (Kublai Khan) đến xâm lược quần đảo Java năm 1293 thì người Hoa mới được ồ ạt đưa đến để phục vụ quân viễn chinh. Quân Nguyên mang theo nhiều sáng kiến kỹ thuật của người Trung Hoa đến cho xứ Java, trong đó có kỹ thuật đóng tàu thủy và kỹ thuật đúc tiền.

Người Hoa đã phục vụ cho nhiều quân đội khác nhau, từ quân Nguyên Mông, cho đến về sau này là thực dân Bồ Đào Nha, Anh, Hà Lan. Thời kỳ nào họ cũng được sử dụng như một lực lượng nhân công giá rẻ hoặc được tận dụng khả năng kinh doanh để phát triển thương mại. Tuy nhiên, các chính quyền đều ngờ vực, khinh rẻ và ngược đãi người Hoa. Thêm vào đó, họ bị người bản địa kỳ thị, xa lánh. Bản thân người Hoa cũng nhiều lần nổi dậy chống áp bức, như cuộc nổi dậy năm 1740 ở Batavia (ngày nay là Jakarta) và bị thực dân Hà Lan thảm sát.

Sau khi Indonesia tuyên bố độc lập vào ngày 17.8.1945, các chính quyền đều tỏ ra nghi ngại với cộng đồng người Hoa. Dưới thời tổng thống Sukarno và Suharto, người Hoa vẫn bị hạn chế một số quyền lợi. Giữa người Hoa và người bản địa thỉnh thoảng vẫn xảy ra xích mích dẫn đến xung đột, gây thiệt hại tính mạng và tài sản. Trong vòng bốn chục năm, người Hoa đã là nạn nhân của hai cuộc biến loạn bi thảm. 

Cuộc đảo chính của một số tướng lĩnh Indonesia đêm 30.9.1965 được cho là do đảng Cộng sản Indonesia chủ mưu, mà đảng này chịu ảnh hưởng lớn của Trung Quốc. Sau một ngày, cuộc đảo chính thất bại, hậu quả là hơn nửa triệu người cộng sản và cảm tình với cộng sản bị giết, hàng triệu người bị bắt giam và ngược đãi đến mấy chục năm sau. Cộng đồng người Hoa cũng bị tổn thất mấy nghìn người trong cuộc chính biến này.

Cũng giống như ở nhiều nước, người gốc Hoa vẫn khó lấy được lòng tin của người địa phương tại Indonesia. Ảnh: Rony Zakaria


Biến loạn thứ hai xảy ra vào tháng 5.1998, bắt đầu từ phong trào sinh viên chống chính quyền, dẫn đến việc tổng thống độc tài Suharto phải từ chức, đưa đến một thời kỳ mới với những chính phủ dân chủ. Biến động lần này làm chết 1.200 người, nhiều khu phố người Hoa bị cướp bóc đốt phá, nhiều người Hoa bị tàn sát. Hàng nghìn người Hoa bỏ chạy khỏi Indonesia. 20 tỷ đô la Mỹ chảy từ ngân hàng Indonesia sang Singapore, Hồng Kông và Mỹ trong mấy năm 1997-1999.

Ngày nay đi trên một số đường phố ở phía Bắc thủ đô Jakarta vẫn thấy những khu nhà ma không một bóng người. Những bức tường tróc lở, những ô cửa sổ trống hoác đen ngòm bên trong. Đấy là những khu nhà xây dựng từ thời thực dân Anh và Hà Lan, giờ đây đã xuống cấp đến mức không thể ở được. Nhưng những ngôi nhà ma như ở phố Pintu Besar Selatan trong khu Glodok thì từng thuộc sở hữu của người gốc Hoa, sau những biến loạn cướp phá, chủ nhân đã chết hoặc đã bỏ đi biệt xứ. 

Thêm quyền lợi, vẫn thiếu niềm tin

Sau năm 1998, các chính phủ mới, đặc biệt là chính phủ của tổng thống Megawati, đã bãi bỏ một số điều luật bất lợi đối với người gốc Hoa. Từ năm 2003 bà Megawati chính thức công nhận ngày tết âm lịch của người gốc Hoa là ngày lễ trong toàn quốc. Bộ luật số 40/2008 quy định bãi bỏ phân biệt dân tộc và phân biệt chủng tộc, bảo đảm nhiều quyền lợi hơn cho người gốc Hoa.

Nhiều người gốc Hoa được đưa vào vị trí lãnh đạo của những ban ngành. Đã có hai người gốc Hoa là bộ trưởng: bà Mari Elka Pangestu là bộ trưởng Thương mại (2004-2011) rồi làm bộ trưởng Du lịch và Kinh tế sáng tạo (2011-2014) và ông Enggartiasto Lukita là bộ trưởng Thương mại (từ tháng 7.2016). Như đã kể ở trên, ông Ahok cựu thị trưởng Jakarta cũng là người gốc Hoa. Hiệp hội cộng đồng người Indonesia gốc Hoa PSMTI có 70 chi hội trên khắp đất nước. 

Đã có thêm quyền lợi và được luật pháp bảo vệ chặt chẽ hơn, nhưng người Hoa thỉnh thoảng vẫn là đối tượng của một số tổ chức Hồi giáo quá khích. Đôi khi lại rộ lên tin đồn bất lợi cho họ, chẳng hạn cuối năm 2016 có tin người Trung Quốc mang giống ớt có vi rút gây hại vào trồng ở Indonesia để tiến hành chiến tranh sinh học (trên thực tế, có bốn người Trung Quốc bị bắt trong vụ này), rằng mười triệu người Trung Quốc sẽ tràn vào Indonesia do nạn thiếu lương thực (thực tế là Indonesia chủ trương phấn đấu đến năm 2019 thu hút được mười triệu khách du lịch Trung Quốc), rằng 21.000 công nhân Trung Quốc trong các công trình liên doanh (tính đến đầu năm 2017) sẽ làm mất công ăn việc làm của người địa phương, mỗi công nhân không có chuyên môn người Trung Quốc chiếm chỗ của mười công nhân bản địa…

Cũng giống như ở nhiều nước, người gốc Hoa vẫn khó lấy được lòng tin của người địa phương. Bản thân họ cũng không tin tưởng vào sự cư xử của chính quyền và dân chúng ở nơi mình sinh sống đã hàng trăm năm. Phần lớn doanh nhân người gốc Hoa ở Indonesia gửi tiền và tài sản ra nước ngoài, nhiều nhất là gửi sang nước láng giềng Singapore. Năm 2016, chính phủ Indonesia chủ trương ân xá thuế đối với lượng tài sản của người Indonesia gửi ở nước ngoài nếu tài sản ấy được chủ của nó đưa hồi hương. Chủ trương này đã được một số doanh nhân hưởng ứng, trong đó có những người gốc Hoa. 

Hồ Anh Thái

bài viết liên quan
để lại bình luận của bạn
có thể bạn quan tâm
Cùng chuyên mục
Xem nhiều nhất

Đọc tin nhanh

*Chỉ được phép sử dụng thông tin từ website này khi có chấp thuận bằng văn bản của Người Đô Thị.