Tác phẩm là phim truyện dài đầu tay của đạo diễn Phạm Ngọc Lân, nhà làm phim 8X được biết đến với ngôn ngữ điện ảnh giàu chất thơ và chiêm nghiệm.
Nội dung bộ phim kể về cuộc trở về từ chuyến đi châu Âu, bà Nguyện (NSND Minh Châu) mang theo hũ tro của chồng cũ và một con cu li ông để lại. Giữa lúc tâm trạng rối bời khó lý giải, bà hay tin cô cháu gái sửa soạn đám cưới với cậu người yêu kém tuổi một cách đường đột.
Tình cờ quen biết một cậu trai trẻ, bà Nguyện rủ cậu cùng đi một chuyến thật xa, hội ngộ những người bạn thân đã nhiều năm bà không liên lạc.
Câu chuyện của Cu li không bao giờ khóc là hành trình bà Nguyện giữ chặt mối dây liên hệ với quá khứ, phác họa đời sống hiện tại với những dư âm phức tạp của biến chuyển xã hội, trong góc nhìn trầm mặc, chiêm nghiệm và thơ ca.
Đạo diễn Phạm Ngọc Lân, NSND Minh Châu và diễn viên trẻ Hà Phương. Ảnh: Thiên Minh
Trước đó, Người Đô Thị đã có buổi trò chuyện với Phạm Ngọc Lân. Nhà làm phim 8X từng chia sẻ: "Tôi thấy một thế giới phim tự do cần có đầy đủ các khuôn mặt, bao gồm cả những người thường bị lãng quên trong điện ảnh: người già, trẻ nhỏ, người khuyết tật và động vật... Trong đó, người già được dứt khỏi trách nhiệm với xã hội, trẻ nhỏ không cần đóng thay vai người lớn để nói những câu thoại của người lớn; còn người khuyết tật thì luôn được nhìn nhận ngang với những người may mắn hơn họ".
Nhân dịp phim Cu li không bao giờ khóc sẽ khởi chiếu tại hệ thống rạp Việt Nam từ 15.11, phóng viên Người Đô Thị tiếp tục trò chuyện với hai nữ chính của phim, NSND Minh Châu, diễn viên Hà Phương – người bị khuyết tay bẩm sinh và Nghiêm Quỳnh Trang, đồng tác giả kịch bản, phụ trách mỹ thuật cho phim.
Thưa NSND Minh Châu, là diễn viên đảm nhận rất nhiều các vai diễn có số phận vô cùng đặc biệt trong lịch sử điện ảnh Việt, với Cu li không bao giờ khóc, chị vào vai bà Nguyện, một người phụ nữ trở về từ châu Âu với con cu li của chồng, và bị gắn chặt với những sợi dây trong quá khứ. Chị có thể chia sẻ vì sao lại nhận lời vào vai bà Nguyện trong phim. Là một diễn viên thành danh và đã có nhiều giải thưởng, chị có thể chia sẻ mình và nhân vật bà Nguyện trong phim có những mối dây cảm xúc tương đồng nào không?
Nói đến lý do nhận vai, với tôi, trước tiên là do đạo diễn tin tưởng và thấy phù hợp với nhân vật. Tôi luôn ủng hộ đạo diễn trẻ và từng hợp tác với Lân trong 3 phim ngắn trước đó.
Đọc kịch bản Cu li không bao giờ khóc, tôi thấy nhân vật bà Nguyện giúp "khai quật" bản thân. Vai có ít thoại và đòi hỏi diễn nội tâm, khác biệt với tất cả các vai trước đó của tôi nên tôi muốn thử sức. Tôi rất vui vì vai diễn được giải ở liên hoan phim quốc tế. Đây là niềm tự hào không phải chỉ cho mình tôi, bởi hiếm khi diễn viên Việt Nam được công nhận ở tầm quốc tế như vậy.
NSND Minh Châu qua ống kính của nhiếp ảnh gia Thiên Minh.
Với diễn viên chuyên nghiệp như tôi, được đóng một vai khác với mình là thử thách thú vị và hấp dẫn, để mình đưa những quan sát từ cuộc sống vào trải nghiệm diễn xuất. Qua mọi hỷ nộ ái ố trong thế giới của nhân vật, tôi tin là không chỉ mình mà người xem cũng thấy bản thân ở đó.
Trong phim này, nhân vật bà Nguyện cứ lọ mọ sống, có cháu gái ở cùng mà cũng như không. Bà Nguyện cũng như mọi phụ nữ lớn tuổi, có đủ những tiếc nuối, ước ao, thèm khát trong đời, cũng đi tìm chính mình trong câu hỏi làm sao để vui sống. Ngoài đời, tôi sống xa con gái, lọ mọ một mình, cũng gọi là sống cô đơn. Nhìn vào những gia đình đông con đông cháu đủ đầy, nhiều khi khó tránh khỏi những lúc chạnh lòng. Tôi cũng có những suy nghĩ, tâm trạng hay các thói quen sinh hoạt giống như thế. Đạo diễn có lẽ chủ ý tìm ở diễn viên những điểm tương đồng với nhân vật nên mới mời tôi.
Điều Lân muốn ở tôi là một cách diễn chậm rãi. Cách diễn ấy như khi ta ngâm một bài thơ. Việc hiểu và theo đúng yêu cầu này, không phải ai cũng làm được. Khi cảm thấy nhịp nói hay nhịp diễn đang bị nhanh lên, tôi thường xin làm lại để ra đúng nhịp nhân vật. Nhưng, cũng cần nói, những thành công mà phim đạt được còn do cả tập thể ê kíp tạo nên, từ đạo diễn tới quay phim, mỹ thuật… Trong phim này, họ làm tất cả để diễn viên được thăng hoa và cống hiến hết mình.
Còn với Hà Phương, đến với phim Cu li không bao giờ khóc, bạn thấy mình được gì? Bạn có ý định tìm kiếm các cơ hội với điện ảnh tiếp theo hay không?
Khi nhận phim, tôi muốn thử nắm lấy cơ hội này để khám phá một môi trường khác với những gì từng biết. Tôi muốn được học hỏi kinh nghiệm từ những cô chú, anh chị hơn mình nhiều tuổi, muốn được nhìn thấy cái đẹp trong tâm hồn của những con người rong ruổi cùng nghệ thuật. Tôi cũng muốn thấy ở mình điều mà tôi chưa tìm thấy trong môi trường an toàn trước kia. Sau bộ phim, tôi hạnh phúc vì đã đạt được tất cả các mục tiêu đề ra.
Diễn viên Hà Phương qua ống kính của Thiên Minh.
Tôi không thích nói nhiều về cái “được” và “mất” sau khi tham gia bộ phim, vì nghe vậy có vẻ đong đếm. Tuy vậy, có những thứ quý giá mà khi nhận được rồi thì vẫn thực sự muốn và cần kể ra. Tôi khá ấn tượng với cách làm việc của anh Lân. Khi làm việc, anh nghiêm túc một cách đáng sợ, không có ưu ái cho bất cứ ai. Kỳ lạ là, dù già trẻ lớn bé, cuối cùng đều hoàn thành công việc một cách tốt nhất theo tưởng tượng của anh ấy. Có lúc tôi mệt và giận, nhưng cũng không làm gì được, vì nghĩ đến cùng thì thấy các yêu cầu đều hợp lý cả.
Tôi nhắc đến điều trên vì cũng muốn nói thêm rằng trong quá trình làm việc, đạo diễn không có sự phân biệt giữa năng lực riêng của tôi - một người có khiếm khuyết với những người khác trong đoàn. Thi thoảng anh Lân cũng vẫn yêu cầu tôi làm những điều mình chưa từng làm. Tôi cũng nhận được sự quan tâm một cách vừa đủ từ đạo diễn cũng như những người trong đoàn. Điều này vừa giúp tôi không e ngại khi cần được giúp đỡ, vừa thuận tiện để tôi hoà nhập với ê kíp. Tôi nhận ra mình làm được nhiều điều hơn mình tưởng, chính vì vậy đã xóa đi khoảng cách giữa người khiếm khuyết và người không khiếm khuyết trong đoàn phim.
Hiện tại tôi đang có dự định chuẩn bị cho một bộ phim tiếp theo. Tôi vẫn còn trẻ, luôn muốn thử sức và luôn muốn gặp gỡ nhiều người. Tôi không muốn chỉ đóng khung mình ở mảng điện ảnh hay bất cứ lĩnh vực gì cố định.
Là đồng tác giả kịch bản, thiết kế mỹ thuật của phim, chị Nghiêm Quỳnh Trang có thể chia sẻ về ý tưởng và quá trình viết kịch bản? Là người Việt Nam học và sinh sống ở châu Âu, câu chuyện phim của chị và Phạm Ngọc Lân kể mang cái nhìn của một Việt Nam từ bên trong hay một Việt Nam từ bên ngoài?
Khi gặp tôi thì Lân đã có sẵn một vài ý tưởng. Tôi thấy có nhiều điểm đồng điệu thú vị trong trải nghiệm tuổi thơ cùng một thế hệ lớn lên ở Hà Nội. Từ những chi tiết có thật đã trải qua trong đời sống, chúng tôi chế biến thêm và ghép lại thành một bức tranh vừa có quá khứ, vừa có hiện tại và chút lờ mờ tương lai.
Nghiêm Quỳnh Trang (trái) cùng đạo diễn Phạm Ngọc Lân, NSND Minh Châu. Ảnh: Đoàn phim.
Từng sống trong môi trường văn hoá và xã hội miền Bắc Việt Nam, tôi muốn kể ra những rung động trong tâm thức của một người rất Việt Nam, đã đi xa và đã trở về. Đồng thời, tôi cũng muốn có con mắt khách quan của người quan sát khi tường thuật một câu chuyện. Vậy nên rất khó để nói được nó là cái nhìn chỉ từ bên trong hay bên ngoài. Tôi chỉ biết chắc rằng, càng là người Việt thì sẽ càng hiểu các tầng lớp sâu hơn trong một tiểu tự sự giản dị về một người phụ nữ lớn tuổi cô đơn và cô cháu gái bướng bỉnh.
Phần thiết kế mỹ thuật, tôi làm việc chặt chẽ với đạo diễn để thống nhất cảm giác về thời kỳ và cảm xúc do chất liệu, bố cục, sắc độ đem lại cho cảnh quay, cố gắng sao cho bối cảnh cũng kể được câu chuyện cần kể. Chúng tôi tạo ra cảm giác mơ hồ trôi giữa năm 2024 này và 15-20 năm trước, vừa gần gũi đương đại, vừa có màu sắc hoài niệm.
Phim đã may mắn có được những địa điểm quay rất tốt. Chỉ cần thêm một chút tác động của thiết kế mỹ thuật, những nơi ấy lập tức gợi ra không khí một thời kỳ. Hệ thống bối cảnh và mỹ thuật vừa mang tính lịch sử, vừa có đặc trưng văn hoá góp phần làm dày những hàm nghĩa chỉ có thể cảm được mà không thể diễn giải bằng lời hay diễn dịch sang một nền văn hoá khác.
Chúng tôi nhặt ra những chi tiết mỹ thuật mang tính ký ức tập thể hợp với thẩm mỹ của riêng của phim, như bộ ly uống nước chấm bi, ảnh dán tường hoa tuy-lip, hay trang phục gợi lại những năm đầu 2000. Tôi còn nhớ, để tìm một bộ rèm cửa, tôi phải đi tất cả các chợ trời đồ cũ và vô số hàng vải hàng rèm từ chợ Hàng Da, tới chợ Hôm, tới Cửa Đông mới ra được một bộ đúng hoạ tiết, vừa nylon bóng theo phong cách cũ như tôi còn nhớ, vừa mềm rủ bay được khi gió thổi mà vẫn đủ tôn vẻ ấm cúng của căn nhà có bàn tay phụ nữ săn sóc, vừa có tông màu trầm buồn tim tím hợp tâm trạng nhân vật chính.
Có điều sau khi phim đóng máy, vài nơi đã thay đổi hoàn toàn. Vô tình mà bộ phim lại lưu giữ được một số hình ảnh từ giờ đã trở thành quá khứ.
Trâm Anh