Đại biểu Trương Trọng Nghĩa: Không ai muốn có thêm nhiều 'củi' sau khi đặc khu ra đời!

 12:36 | Thứ tư, 23/05/2018  0
Sáng 23.5, sau khi nghe báo cáo dự án Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc, các đại biểu đã nêu nhiều ý kiến thảo luận tại nghị trường. Gần cuối phiên thảo luận, Đại biểu Quốc hội Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM) cũng đã có bài phát biểu của mình, nêu nhiều góc nhìn đáng lưu ý về quy định của luật đến khâu thực thi đặc khu kinh tế, những hệ luỵ trong thời hạn giao đất, về những ưu đãi "bất thường" cho các đơn vị đặc biệt này... Người Đô Thị Online giới thiệu toàn văn bài phát biểu này của Đại biểu Quốc hội Trương Trọng Nghĩa.

Trước hết, tôi đồng tình là chúng ta cần có những biện pháp đột phá trong thu hút đầu tư trong nước và nước ngoài, để có nguồn lực phát triển đất nước trong hàng chục năm tới. Chủ trương thành lập các đơn vị hành chính  - kinh tế đặc biệt (hay đặc khu kinh tế - ĐKKT) cũng nhằm mục đích này. Vấn đề là, qua thực tiễn nhiều nước khác, và của chính nước ta, nhiều dự án có chủ trương đúng, nhưng lại thất bại, gây nhiều tổn thất, thậm chí thảm họa, do khâu tổ chức thực hiện. Khi kiểm điểm kỹ luật hay xét xử trước tòa, những người phụ trách thường nêu lý do: “Do nôn nóng, chạy theo thành tích”.

Vì vậy, cho dù đã có quyết định về chủ trương, nhưng theo tôi, trách nhiệm của Quốc hội là thiết kế các luật và nghị quyết để bảo đảm các chủ trương đó được thực hiện thắng lợi cao nhất, vì lợi ích tối ưu của đất nước, của nhân dân.

Do đó, tuy dự thảo Luật qua góp ý của Đại biểu Quốc hội đã có những điều chỉnh so với dự thảo lần đầu (xin nói thêm là tôi tán thành những chỉnh sửa đó, nhất là về đất đai, nhà ở, và tôi không tán thành đề xuất ưu đãi nhiều hơn về vấn đề này). Tôi rất tán thành những cân nhắc đầy trách nhiệm của Đại biểu Lê Thu Hà, Dương Trung Quốc và một số đại biểu khác, và xin góp tiếp một số ý kiến sau đây.

Đại biểu Quốc hội Trương Trọng Nghĩa. Ảnh: quochoi.vn

1. Nhận thức chung về mục đích và yêu cầu của Luật về ĐKKT:

Theo tôi, việc thành lập các ĐKKT không chỉ là thành lập các đơn vị hành chính thông thường, mà là những dự án đầu tư công rất lớn, nếu đối chiếu với Điều 7 về Dự án quan trọng quốc gia của Luật Đầu tư Công. Chúng ta dành ra nhiều ngàn km2 đất liền và hàng chục ngàn km2 vùng biển, với những tài nguyên thiên nhiên thuộc loại giàu đẹp nhất của nước ta và thế giới để mời gọi đầu tư.

Tại những những khu vực này, nhà nước đã đầu tư hàng trăm ngàn tỷ đồng vào đường sá, điện nước, sân bay, bến cảng... Theo tài liệu của các đề án, sẽ phải đầu tư tiếp hơn 1,5 triệu tỷ đồng vào hạ tầng kỹ thuật, trong đó có sự đóng góp không nhỏ của ngân sách nhà nước. Chẳng những thế, những ưu đãi hào phóng về tiền thuê đất, thuê mặt nước, về các sắc thuế như đề xuất của các bộ ngành và địa phương cũng chính là những khoản đầu tư tài chính cực lớn từ ngân sách. Rồi toàn bộ tổ chức bộ máy hành chính của chúng ta, sự di dời hay ảnh hưởng đến cuộc sống của hàng trăm ngàn dân của 3 khu vực trên đều phục vụ cho các nhà đầu tư của 3 đặc khu này.Câu hỏi tất yếu đặt ra: trong 10, 20 năm, hay 50 năm tới, tất cả những khoản đầu tư ấy sẽ đem lại những lợi ích gì, bao nhiêu và cho ai? Nhiều chuyên gia và cử tri lưu ý rằng: đây là những vùng đất tiềm năng lớn, rất hấp dẫn ngay cả khi chưa có những ưu đãi của Luật. 

"Luật pháp và chính sách của chúng ta phải có thiết kế sao cho chỉ mở cửa cho bạn bè, chứ không rước kẻ cướp vào nhà; nếu kẻ cướp giả làm bạn tốt thì phải có chế tài để đuổi chúng ra."

Trương Trọng Nghĩa

Đất ở 3 đặc khu hiện nay giá đã cao ngất ngưởng và đã có chủ, thuộc 2 loại chủ sau đây: đất của nhà đầu cơ, mua đất để chờ bán lại; đất của nhà đầu tư đã tiến hành dự án, thậm chí đã kinh doanh, khai thác, hoặc đang chờ ưu đãi để triển khai dự án.

Cử tri chờ đợi các Đại biểu Quốc hội phân tích và trả lời chính xác câu hỏi: “Chúng ta hy sinh những ưu đãi để được những lợi ích gì, bao nhiêu và cho ai?”. Ngoài bài toán kinh tế, chúng ta sẽ được và mất những gì về văn hóa, xã hội, an ninh, quốc phòng? Câu trả lời tất yếu phải là: chúng ta phải được nhiều và nhiều lần so với những chi phí và tổn thất phải bỏ ra và gánh chịu.

Ba đặc khu phải góp phần làm cho nền kinh tế tăng trưởng nhanh hơn với công nghệ hiện đại hơn, với chất lượng và hiệu quả cao hơn, bảo đảm môi trường phải xanh và sạch hơn, đời sống vật chất và văn hóa của người dân sở tại phải tốt hơn, chủ quyền lãnh thổ và chủ quyền kinh tế phải được bảo vệ vững chắc hơn, và cuối cùng, phải tạo ra những thành phố Việt Nam văn minh và thịnh vượng hơn, ngang tầm với khu vực và thế giới.

2. Luật ĐKKT có những quy định khác với luật pháp hiện hành, nhưng không được phép trái với Hiến pháp và những nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam.

Do đó cần có một điều khoản quy định rõ: những quyết định, thỏa thuận hay hành vi trái với Hiến pháp và những nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam đều vô hiệu. Một số luật có thiết kế điều cấm, còn luật này thì không thấy.

3. Xét thấy lãnh thổ của 3 đặc khu đều liên quan đến biển đảo, đến hàng chục ngàn km2 lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của nước ta, liên quan chặt chẽ đến chủ quyền trên biển (Vân Đồn đến đảo Hải Nam chỉ có 200 hải lý; Vịnh Vân Phong rất gần với Quần đảo Trường Sa) đề nghị quy định rõ: việc đầu tư có sử dụng, khai thác vùng biển và tài nguyên nước phải tuân theo Luật Biên giới, Luật Biển và Luật Tài nguyên Nước.

4. Tôi đề nghị bỏ thời hạn giao đất 99 năm: không có vòng đời nào của dự án đầu tư nào hiện nay cần đến 99 năm.

Thời hạn này thực chất là ưu đãi bổ sung để nhà đầu tư có thể được chuyển nhượng sau khi khai thác xong, hoặc thay đổi dự án giữa chừng mà không phải trả lại đất. Theo tôi, thời hạn này ngang với 3,4 thế hệ con người, thực chất là hình thức nhượng địa, mà hiện nay chỉ những đất nước nghèo đói, lạc hậu, hoang sơ mới cần đến.

5. Có cần và có nên cho phép đến 3 casino không, nếu mục đích của casino chủ yếu phục vụ nhu cầu cờ bạc của người nước ngoài, và liệu chúng ta có quản lý nổi mọi hệ lụy của loại hình giải trí này không?Một nước quy mô nhỏ, phát triển rất cao, pháp luật rất nghiêm như Singapore mà cũng chỉ cho mở một khu casino từ năm 2012, sau hàng chục năm cấm đoán. Vậy mà cũng đã phát sinh nhiều hệ lụy xã hội. Chưa có casino mà chúng ta đã phải chịu tổn thất nặng về cán bộ và về kinh tế vì ngành kinh doanh này. Tôi đề nghị chỉ cho mở một casino và phải cân nhắc kỹ nhiều mặt trước khi quyết định.

6. Về quan điểm trong một số đề án, cho rằng khi chúng ta dành nhiều ưu đãi để tạo ra các khu vực có lợi ích kinh tế đan xen với các nước thì sẽ góp phần bảo vệ chủ quyền, tôi cho rằng nhận định như vậy chỉ đúng một nửa.

"Chúng ta đang thí điểm nhiều mặt, đề nghị không triển khai đồng loạt, chỉ nên làm trước một đặc khu để rút kinh nghiệm, rồi mới làm tiếp"

Trương Trọng Nghĩa

Bởi vì, có những quốc gia không có nhu cầu về lãnh thổ, thì họ chỉ cần lợi ích kinh tế, họ đến rồi đi; còn có những quốc gia luôn thèm khát lãnh thổ, tài nguyên nước khác thì cái họ cần không phải lợi ích kinh tế mà là lãnh thổ của nước khác, họ sẽ di dân đến và tìm mọi cách ở lại, thậm chí chi phối về chính trị, an ninh, quốc phòng. Đã có những ví dụ nhỡn tiền về việc này.

Cho nên, luật pháp và chính sách của chúng ta phải có thiết kế sao cho chỉ mở cửa cho bạn bè, chứ không rước kẻ cướp vào nhà; nếu kẻ cướp giả làm bạn tốt thì phải có chế tài để đuổi chúng ra. Do đó, phải quy định tiêu chí và quy trình rà soát chặt chẽ đối với nhà đầu tư chiến lược, vì Dự Luật dành cho họ những ưu đãi khá dễ dãi và quyền hạn quá lớn. Liệu những nhà đầu tư công nghệ cao có lựa chọn các đặc khu, hay các đặc khu chủ yếu sẽ thu hút đầu tư về casino, du lịch, bất động sản.

7. Điều 32, Khoản 6 về thu hồi đất để thực hiện ”các dự án phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng”: phạm vi các dự án quá rộng (công trình của cơ sở tôn giáo; khu văn hóa, thể thao, vui chơi giải trí phục vụ công cộng; chợ; nghĩa trang, nghĩa địa, nhà tang lễ, nhà hỏa táng; dự án đầu tư xây dựng khu đô thị mới, khu dân cư nông thôn mới; chỉnh trang đô thị, khu dân cư nông thôn; khu sản xuất, chế biến nông sản, lâm sản, thủy sản, hải sản tập trung… và còn nhiều thứ nữa).

Rút kinh nghiệm nhiều khu đô thị, khu công nghiệp, khu kinh tế mở vừa qua, việc thu hồi đất diện rộng như vậy đã tạo ra sự bất ổn, khiếu kiện kéo dài mấy chục năm trong việc đền bù, giải tỏa, tái định cư của hàng triệu dân. Do đó, quy định này có thể ảnh hưởng đến việc triển khai hoạt động của các đặc khu kinh tế.

8. Về lộ trình thành lập các đặc khu, do chúng ta đang thí điểm nhiều mặt, đề nghị không triển khai đồng loạt, chỉ nên làm trước một đặc khu để rút kinh nghiệm, rồi mới làm tiếp. Lò đã nóng lắm rồi, chúng ta chắc không ai muốn có thêm nhiều củi sau khi 3 đặc khu ra đời.

9. Cuối cùng, do chúng ta làm luật trước, rồi mới xem xét các đề án khi thông qua nghị quyết thành lập 3 đặc khu, tôi nghĩ là một bộ phận đại biểu chưa kịp tiếp xúc kỹ với mấy trăm trang tài liệu kinh tế - kỹ thuật của 3 đề án. Có những đề xuất ưu đãi dễ dãi đến mức khiến cho tôi bị sốc, vì không biết đất nước và người dân sẽ được gì?

Nếu có thể được, tôi xin kiến nghị thông qua Luật này trong kỳ họp tới, cùng với việc cho ý kiến về các đề án thành lập 3 đặc khu. Như thế các cử tri sẽ yên tâm hơn khi đại biểu bấm nút thông qua.

Ngày 22.5.2018                                                                                                   

Trương Trọng Nghĩa

bài viết liên quan
để lại bình luận của bạn
có thể bạn quan tâm
Cùng chuyên mục
Xem nhiều nhất

Đọc tin nhanh

*Chỉ được phép sử dụng thông tin từ website này khi có chấp thuận bằng văn bản của Người Đô Thị.