![]() |
Trao quyết định thành lập trường Đại học Fulbright Việt Nam. Ảnh: T.Dũng |
“Đây là đại học độc lập, phi lợi nhuận nơi có sự tự chủ hoàn toàn về học thuật, cung cấp học bổng cho những sinh viên có nhu cầu. Các SV, học già, các nhà nghiên cứu sẽ tập trung vào các ngành từ chính sách công, quản trị, kinh doanh kỹ thuật, công nghệ thông tin và nền giáo dục khai phóng, được học tất cả từ thơ Nguyễn Du, tư tưởng Phan Chu Trinh cho đến các công trình toán học của Ngô Bảo Châu”, Tổng thống Obama đã phát biểu tại HN về ĐH FUV vào ngày 24.5 vừa rồi.
Tại buổi lễ, Bí thư Đinh La Thăng cho biết, ông “hoàn toàn tin tưởng rằng FUV là một đóng góp ý nghĩa vào sự phát triển của TP.HCM, để nơi này thành một trung tâm sáng tạo của khu vực và thế giới”. Ông Thăng nói: "TP.HCM là một trung tâm hàng đầu của Việt Nam về nhiều mặt, trong đó có giáo dục và đào tạo. Chúng tôi đảm nhận vai trò dẫn dắt cho sự phát triển của cả khu vực phía Nam, đồng thời tạo cảm hứng, động lực cho những mục tiêu lâu dài của đất nước. Chúng tôi có khát vọng to lớn hơn là dành lại cho thành phố ngôi vị trung tâm tài chính, khoa học công nghệ của khu vực Đông Nam á... Chính từ kinh nghiệm của Hoa Kỳ đã cho chúng tôi hiểu rằng chất lượng nguồn nhân lực có vai trò quyết định hàng đầu cho sự thịnh vượng và là chìa khoá để chúng tôi thực hiện mục tiêu của mình. Chúng tôi đặt nhiều kỳ vọng vào sự thành công của Đại học Fulbright Việt Nam không chỉ trong giáo dục mà cả trong việc kết nối, tạo sự hiểu biết giữa thế hệ trẻ của hai nước, từ đó thắt chặt hơn nữa quan hệ giữa nhân dân hai nước Việt Nam và Hoa Kỳ. Hôm nay tôi muốn ngài Bộ trưởng (ông John Kerry - NV) và quý vị làm chứng cho lời hứa của chúng tôi là sẽ dành những điều kiện tốt nhất để Đại học Fulbright Việt Nam hoạt động và phát huy mọi thế mạnh cũng như thành tựu của nền giáo dục Hoa Kỳ đóng góp vào sự phát triển chung của hai nước chúng ta".
Theo bà Đàm Bích Thuỷ, hiệu trưởng sáng lập ĐH FUV, trường được thiết kế theo mô hình giáo dục khai phóng, mong muốn đào tạo thế hệ sinh viên có tư duy phản biện, đóng góp cho sự phát triển của đất nước ở trong nhiều lĩnh vực kinh doanh, nghệ thuật, dịch vụ công. "Chúng tôi sẽ mang đến một nghiệm giáo dục bắt rễ sâu từ di sản văn hoá phong phú của Việt Nam. Chúng tôi cũng sẽ đưa vào những tiến bộ mới nhất về công nghệ và giảng dạy nhằm mang lại cho sinh viên một trải nghiệm giáo dục giúp họ trang bị những kỹ năng để thành công dân trong bất kỳ lĩnh vực khó khăn nào mà họ theo đuổi" - bà Thuỷ nhấn mạnh.
Tháng 8.2015, Ngoại trưởng Hoa Kỳ John Kerry tuyên bố kế hoạch xây dựng ĐH FUV. Ông là người từ có ý tưởng về hợp tác giáo dục để thúc đẩy quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ từ những năm 1990, và là một trong những người ủng hộ mạng mẽ Chương trình Fulbright Việt Nam.
Đến nay, chính phủ Hoa Kỳ đã cam kết tài trợ hơn 20 triệu USD cho ĐH FUV. Chính quyền TP.HCM cũng đã dành cho ĐH FUV 25 ha đất ở Khu công nghệ cao tại quận 9, trong đó có 15 ha được sử dụng để xây dựng khuôn viên chính của trường và 10 ha dành cho khu nhà ở và kí túc xá sinh viên. Việc xây dựng cơ sở vật chất cho giai đoạn một của ĐH FUV sẽ cần ít nhất 24 tháng.
Được biết, mặt dù vốn đăng kí ban đầu là 70 triệu USD, cho đến nay FUV đã nhận được cam kết tài trợ bằng tiền mặt và các hình thức khác giá trị hơn 60 triệu USD. "Chúng tôi ước tính sẽ cần huy động 150 triệu đô-la trong năm năm đầu tiên", bà Thủy cho biết.
![]() |
Giảng viên, sinh viên Chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright và khách mời chụp hình lưu niệm tại buổi lễ công bố thành lập ĐH FUV. Ảnh: T.Dũng |
Đơn vị học thuật đầu tiên của ĐH FUV là Khoa Chính sách công và Quản lý Fulbright, một nơi đào tạo cao học chuyên ngành. Khoa này sẽ khai giảng vào mùa thu 2016, với sự kế thừa đội ngũ nhân lực và chương trình của Chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright. Khoa sẽ mở các khoá cao học và các chương trình đào tạo cao học cấp về chính sách công, kinh doanh và những lĩnh vực có liên quan. Năm 2018, ĐH FUV sẽ thành lập Khoa Khoa học xã hội và nhân văn Fulbright với chương trình giáo dục cử nhân bốn năm cho các ngành khoa học xã hội và nhân văn, nghệ thuật và kỹ thuật.
ĐH FUV sẽ cấp bằng Việt Nam. Trường sẽ phấn đấu đạt kiểm định chất lượng của các tổ chức kiểm định Hoa Kỳ. Tiếng Anh sẽ là ngôn ngữ giảng dạy chính.
Dự kiến, ở giai đoạn phát triển ổn định, trường sẽ có số lượng sinh viên từ 6.000 đến 10.000 người.
L.Quỳnh - T.Dũng
» Đại học Fulbright chính thức có giấy phép thành lập
» Học bổng giáo viên xuất sắc Fulbright năm học 2015
» Nguyên Ngọc và Thomas J. Vallely: “Giáo dục - Giá trị vĩnh cửu của hoà bình”