Di sản còn để lại
Mà Người đã ra đi
Con kinh ngầu sắc đỏ
Giữa đồng lúa xanh rì.
Một con người bình dị
Một chú Sáu thân thương
Một trí tuệ mẫn tiệp
Đức từ bi vô thường.
Ai có dịp đi qua kênh Tuần Thống, T5 ở tứ giác Long Xuyên, sẽ thấy một bia đá bên bờ kinh được ghi là Kinh Võ Văn Kiệt. Người nhờ đất mà sống. Đất nhờ người mà có tên. Người nhờ người mà có ơn…
Nơi đây, ngày 25 tháng 7 năm 1996, Thủ tướng Võ Văn Kiệt trên đường thực địa, tìm giải pháp xây dựng nông thôn mới cho Đồng bằng sông Cửu Long, đã dừng chân trao đổi với bà con tính cách thoát lũ ra biển Tây. Hướng thoát lũ mà Thủ tướng vạch ra khi ấy, ngày nay đã thành con Kinh được nhân dân trìu mến gọi là "Kinh Ông Kiệt".
Cố thủ tướng Võ Văn Kiệt (đứng giữa, khoát tay) trong một lần thị sát ở vùng tứ giác Long Xuyên. Nơi ông đứng là nơi sau này xẻ tuyến kênh T5, người dân gọi là “kênh Ông Kiệt”. Ảnh tư liệu Tuổi Trẻ
Tháng 11 năm 2007 nhà báo Lê Phú Khải đến thăm tôi ở cơ quan, trong lúc đàm đạo, chúng tôi có cùng ý nghĩ sắp đến ngày 23 tháng 11, kỷ niệm 85 năm ngày sinh nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt mà chúng tôi thường gọi thân mật là Ông Sáu Dân, nên có bài về Ông. Lúc đó, tôi đang chuẩn bị để cùng với GS Võ Tòng Xuân đi Sierra Leone ở Tây Phi giúp nước bạn làm thí điểm trồng lúa nước và thuỷ lợi, nên tôi đã gọi cho Ông Sáu Dân để sắp xếp cho nhà báo Lê Phú Khải có cuộc phỏng vấn.
Sau gần một tháng ở Sierra Leone về nước, tôi được đọc bài báo của Lê Phú Khải đăng trên báo Sài Gòn giải phóng đúng ngày 23 tháng 11 nhan đề Phong độ, bản lĩnh và sáng tạo. Cuối bài có câu đối:
“Áo vải cờ đào, thời thanh xuân là anh hùng cứu nước
Giấy trắng mực đen, tuổi tám lăm thành hào Kiệt của Dân”.
Lịch sử Việt Nam sẽ còn nói nhiều về Ông. Trong bài viết này tôi muốn viết về Ông dưới góc độ nhân văn và rất cần trong bối cảnh đất nước hiện nay. “Nhân vô thập toàn”, con người không thể không có sai lầm mà quan trọng là biết nhận ra sai lầm và tự sửa. Ông Sáu Dân là người như thế.
Đương nhiệm, Ông trọng dụng và thường xuyên gặp gỡ các nhà khoa học, các vị lãnh đạo đi trước, rồi hỏi doanh nghiệp, hỏi dân để biết vướng mắc, khó khăn nằm ở đâu. Khi biết có gì sai, ông sửa ngay. Ông thực sự là người cầu thị, luôn có tấm lòng với dân, với nước.
Ông là người lãnh đạo có tầm nhìn chiến lược và những bước đi chiến thuật rất thực tế trong lịch sử. Lịch lãm, cởi mở, chân thành, hòa đồng nhưng có lúc cũng cả tin. Từng trải như vậy mà vẫn có lúc như ngây thơ. Đó cũng là nét rất đáng yêu ở một vị lãnh đạo cao niên, cao cấp.
Tổng hợp các bài viết, phát biểu và việc làm của Ông, người ta thấy rõ phẩm chất và bản lãnh của một người dám nghĩ, dám nói, dám làm và dám chịu trách nhiệm trước lịch sử. Không ít lần, Ông cũng gặp phiền hà vì đức tính đó và có lúc ý kiến của Ông lại là thiểu số. Sau này nghĩ lại, Ông tiếc “phải chi hồi ấy mình cương quyết, mạnh bạo hơn, biện pháp trúng hơn, thì công việc chắc sẽ tốt hơn”.
Ông không bao giờ hài lòng với chiến thắng mà thường xuyên trăn trở với những đòi hỏi của dân, của nước.
Ông đặc biệt đồng cảm với những người nghèo khổ, thiệt thòi, đau thương nhất; những người lính đứng đầu sóng, ngọn gió trong chiến tranh; những người lao động bình thường và doanh nhân cần cù sáng tạo trong hòa bình; những tri thức giàu tâm huyết, tài năng; những người đã từ bỏ quá khứ lầm lạc quay về với dân tộc; và những trí thức trẻ, chủ nhân tương lai của đất nước.
Ông là người có vai trò quan trọng trong thời kỳ có nhiều biến cố và thách thức nhất của dân tộc. Ông đã được đánh giá là người cộng sản đổi mới tư duy sớm nhất, can đảm “xé rào” khi còn là Bí thư Thành ủy TP. Hồ Chí Minh, là một trong những kiến trúc sư của tiến trình đổi mới. Nhiều công trình trọng điểm mang dấu ấn của Ông. Ông chủ trương thúc đẩy việc thiết lập quan hệ ngoại giao làm bạn với tất cả các nước, kể cả Hoa Kỳ và các nước phương Tây, cũng như việc Việt Nam gia nhập Hiệp hội các nước Đông Nam Á ...
Thấu hiểu đất nước muốn phát triển bền vững, việc quan trọng nhất là phải thực sự biết trọng dụng người tài như cha ông đã dạy cho nên Ông đề xuất giải pháp đột phá trong công tác nhân sự, đặc biệt ông muốn nâng tầm Quốc hội để thực sự là cơ quan lãnh đạo cao nhất của Nhà nước. Ông đi sâu, tìm hiểu, góp ý xây dựng chiến lược phòng chống thiên tai trong điều kiện biến đổi khí hậu, nước biển dâng vì tác động trực tiếp đến Việt Nam, đặc biệt là nông nghiệp, nông thôn và nông dân. Ông cũng dự định kiến nghị Đảng và Nhà nước cải tổ lại hệ thống cơ cấu tổ chức kinh tế để hoạt động thực sự có hiệu quả nhưng tiếc “mệnh trời” của ông bị lỗi hẹn.
Nhớ lại ngày 23.11.2009, tôi đang ở Hà Lan, thời tiết đáng đang giá buốt nhưng viết liền một mạch bài báo vào đúng kỷ niệm 87 năm ngày sinh Ông, vị Thủ tướng của nhân dân. Nhớ Ông, lại miên man nghĩ về chuyến công tác đã lên kế hoạch, đặt vé cùng với Ông đi Hà Lan ngày 2.6.2008 để khảo sát tình hình đê biển, kinh nghiệm phòng chống thiên tai và phát triển kinh tế của đất nước có nhiều nét tương đồng với Đồng bằng sông Cửu Long nhưng thật đau đớn, định mệnh đã làm ông lỡ chuyến đi xa, không thể thực hiện được ước vọng cuối đời.
Cuộc đời và sự nghiệp của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã minh chứng Ông luôn là một người lạc quan trong những lúc khó khăn, gian khổ nhất. Ảnh: Thu Thủy
Nhân kỷ niệm 99 năm ngày sinh của Ông, cũng là dịp để chúng ta kiểm nghiệm lại những điều Ông đã nghĩ, đã nói, đã viết và đã làm. Ông vẫn đồng hành cùng chúng ta bởi vì Ông là người của thời đại mà thời đại thì luôn tồn tại và hướng về phía trước. Bởi lẽ đó, hôm nay tưởng nhớ cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt, một lần nữa chúng ta càng thấy rõ tầm vóc của Ông là tầm vóc của thời đại, và ý chí của Ông cũng là ý chí của thời đại. Cuộc đời và sự nghiệp của Ông đã minh chứng Ông luôn là một người lạc quan trong những lúc khó khăn, gian khổ nhất. Điều đó, bây giờ càng trở nên có ý nghĩa khi chúng ta đang phải đối mặt gay go và ác liệt, phải gồng mình để vượt qua khó khăn, thử thách chưa từng có về phòng chống COVID-19 và khôi phục kinh tế .
Phẩm chất của người lãnh đạo ở Ông thể hiện rõ trong việc chỉ đạo thực hiện các chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước, thực tế kiểm tra đối chiếu với nhu cầu đòi hỏi của thực tế để điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp với quyền lợi của dân. Tầm vóc, nhân cách, sự sáng suốt, quyết đoán, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm của Ông đã được nhiều người nhắc đến trong các cuốn sách và bài báo viết về Ông.
Tưởng nhớ cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt, người dân và những cán bộ vì dân càng nhớ tư duy của Ông là luôn đặt đòi hỏi của cuộc sống đất nước và của nhân dân thành đòi hỏi và quyết sách của Đảng, trên cơ sở này Đảng phát huy sức mạnh sáng tạo của nhân dân để thực hiện, để giải quyết!
Tô Văn Trường