LTS: Võ Văn Kiệt (1922 - 2008) là một nhân vật nổi bật trong hàng ngũ lãnh đạo của đất nước qua nhiều thời kỳ. Tên tuổi của ông cùng với nhiều cộng sự ở các cấp gắn liền với Đổi mới, từ những quyết sách xóa bỏ cơ chế kinh tế quan liêu bao cấp đến các công trình đặt nền tảng cho phát triển: thủy điện Trị An, khai phá Đồng Tháp Mười, tứ giác Long Xuyên, đường dây tải điện 500KV Bắc - Nam, đường Bắc Thăng Long - Nội Bài, đường Trường Sơn công nghiệp hóa, nhà máy lọc dầu Dung Quất, ban hành nghị định thành lập Đại học Quốc gia Hà Nội và TP.HCM, mở đầu thời kỳ đại học đa lĩnh vực, nâng cao quyền tự chủ trong hệ thống giáo dục đại học Việt Nam...
Trong thời gian làm thủ tướng (1991-1997), là thời kỳ đất nước còn bị bao vây cấm vận, Võ Văn Kiệt giữ vai trò nòng cốt thực hiện chủ trương “phá vây” và chính sách đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ đối ngoại của Việt Nam.
Những năm sau khi rời khỏi chính trường, con người chính trị trong ông vẫn sôi sục tâm huyết, thể hiện trong những bài báo, những bức thư gửi tập thể lãnh đạo cao nhất của Đảng, trình bày thẳng thắn về nhiều vấn đề cốt lõi của đất nước.
Ngày 11.6.2008, nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt đột ngột qua đời ở tuổi 86. Không lâu trước khi lâm bệnh, ông vẫn còn hồ hởi cùng nhóm chuyên gia chuẩn bị lên đường đi Hà Lan tìm hiểu kinh nghiệm trị thủy, để giúp người dân chống lại nước biển dâng do sự nóng lên của Trái đất... Nhân tròn 10 năm ngày nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt qua đời (11.6.2008 - 2018), Người Đô Thị thực hiện chuyên đề này để nhìn lại một chân dung lãnh đạo đất nước đồng thời cũng là chính khách trong lòng dân với mong muốn chia sẻ cùng bạn đọc những bài học về nhân cách lãnh đạo vẫn đang là một đòi hỏi lớn trong giai đoạn hiện nay.
Khi còn đương chức thủ tướng cũng như lúc đã nghỉ hưu, ông Võ Văn Kiệt luôn trăn trở và góp ý cho lãnh đạo Đảng nhiều vấn đề cốt lõi ở tầm nhìn chiến lược, từ vấn đề hòa hợp hòa giải dân tộc đến những lựa chọn đường hướng phát triển quốc gia, xây dựng sức mạnh lãnh đạo của Đảng về con người, về tổ chức...
__________________
Nhà ngoại giao Nguyễn Trung - cựu Đại sứ Việt Nam tại Thái Lan và CHLB Đức, nguyên Tổng thư ký Hội đồng Kinh tế đối ngoại của Chính phủ, nguyên trợ lý của Thủ tướng Võ Văn Kiệt - trả lời phỏng vấn Người Đô Thị về tầm nhìn Võ Văn Kiệt, thông qua những nhận định và góp ý chiến lược của ông Kiệt từ hàng chục năm trước...
Khi nói về hòa hợp hòa giải dân tộc, người Việt chúng ta thường nhắc đến phát biểu nổi tiếng của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt vào năm 2005: “Một sự kiện liên quan đến chiến tranh khi nhắc lại, có hàng triệu người vui, mà cũng có hàng triệu người buồn. Đó là vết thương chung của dân tộc, cần được giữ lành thay vì lại tiếp tục làm cho nó thêm rỉ máu”. Thưa ông, điều mà cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt nhắc đến gần 20 năm trước, giờ nhìn lại trong bối cảnh hiện tại, chúng ta rút ra được bài học gì trên tiến trình xây dựng và phát triển quốc gia?
Những điều tôi trực tiếp nghe được từ những người lãnh đạo, tiếc thay hình như Thủ tướng Võ Văn Kiệt là người duy nhất công khai nói lên nỗi đau của mình về vấn đề hòa hợp dân tộc.
Nhà ngoại giao Nguyễn Trung. Ảnh: TL |
Không phải chỉ có nỗi đau, Võ Văn Kiệt đã dũng cảm nói lên một nhận thức quyết liệt về chặng đường đầy máu và nước mắt nhân dân ta đã trải qua để có đất nước độc lập thống nhất hôm nay: Trong lòng cuộc kháng chiến chống Mỹ chẳng những chứa đựng những mâu thuẫn của thời đại, đau đớn hơn thế còn có một cuộc “nội chiến” kéo dài mấy thế hệ, do cái thế giới “hai phe bốn mâu thuẫn” giằng xé đất nước ta, xô đẩy nhân dân ta không thể cưỡng lại được vào một cuộc chiến tranh vừa là chống xâm lược từ bên ngoài, vừa là “cuộc chiến” của nội bộ dân tộc. Cả thế giới thời kỳ này bị chia làm hai phe như thế không riêng ai, nhưng cái vết rách chia hai phe này ở châu Á đi ngang qua Việt Nam! Ở châu Âu nó xé đôi nước Đức, ở Bắc Á nó xé đôi bán đảo Triều Tiên...
Có nhận thức đầy đủ những thuộc tính ấy của cuộc chiến trên đất nước ta từ 1954 đến 1975, mới thấu hiểu được nỗi đau dân tộc - như Võ Văn Kiệt đã dũng cảm nói lên. Và chỉ có như thế mới tìm được tới hòa hợp dân tộc.
Bốn mươi ba năm đã trôi qua, thời gian như thế là đủ, để hôm nay tỉnh táo phân biệt rạch ròi ra như thế, để từ nay trở đi - dù là rất muộn - thôi đừng mỗi bên của đất nước xem bên kia là kẻ thù của mình nữa, ngay từ trong sách giáo khoa.
Hôm nay, có nhận chân được nỗi đau này, nhân dân ta mới thực sự trưởng thành, mới ý thức được sâu sắc hơn đòi hỏi sống còn: không bao giờ một lần nữa để nước ta lại trở thành “miếng da lừa” bị giằng xé - nhất là nguy cơ bị giằng xé như vậy luôn luôn thường trực nước ta không buông tha!
Quan trọng hơn tất cả những điều vừa nói trên, hôm nay phải nhận chân được nỗi đau này, để giác ngộ đầy đủ quyền lợi quốc gia và đặt lợi ích quốc gia lên trên hết, chung tay hàn gắn vết thương dân tộc, thống nhất với nhau trong ý chí và trong những quốc sách nuôi dưỡng - phát huy trí tuệ và sức mạnh dân tộc, quần tụ nên sức mạnh quốc gia đổi đời thân phận đất nước trong thế giới hôm nay - để mỗi chúng ta trở thành một công dân tự do của một nước độc lập, tự do, hạnh phúc.
Bên chiến thắng trong cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước có nghĩa vụ tự nhiên phải là bên chủ động và đi tiên phong thực hiện nghĩa vụ hòa hợp dân tộc.
Sau 43 năm, đất nước ta hôm nay vẫn còn đoạn đường rất dài phía trước - do những yếu kém của chính mình - để đi tới hòa hợp dân tộc với những mục tiêu và hoài bão như vậy. Cần thức tỉnh sự chậm trễ này, vì thời gian không chờ đợi ai, cái thế giới này càng không chờ đợi chúng ta!
Năm 1995, Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã có “Thư gởi Bộ Chính trị”, trong đó nhấn mạnh đến tính chất quốc gia dân tộc sẽ lấn át ý thức hệ. Trong bối cảnh chính trị thời đó, nhất là nỗi lo “chệch hướng” trong nhận thức chung - nhận định như vậy hẳn đã gặp nhiều khó khăn, thưa ông?
Trong bức thư ngày 9.8.1995, lần đầu tiên Thủ tướng Võ Văn Kiệt nêu ra một vấn đề chiến lược: phải nhìn nhận lại thế giới để lựa chọn cho đất nước con đường phát triển thích hợp; đất nước phải thay đổi để bước lên con đường mới này trong một thể chế của nhà nước pháp quyền dân chủ; mở đầu là đảng cầm quyền phải thay đổi chính mình về đường lối và về tổ chức để đảm nhiệm được vai trò của mình trong sứ mệnh mới này. Hôm nay bức thư 23 tuổi, nội dung của nó vẫn giữ nguyên giá trị thời sự đối với đất nước.
"Tôi vẫn thường nói với anh chị em bạn bè của mình: người cộng sản gộc Võ Văn Kiệt theo Đảng từ lúc còn mặc quần xà lỏn, nhưng với tất cả nhiệt huyết của tinh thần dân tộc, hầu như không ý thức hệ nào nhuộm được tư duy của ông."
Nhà ngoại giao Nguyễn Trung
Tôi biết, Thủ tướng chấp nhận tất cả để nói lên điều day dứt của mình - phong thái này lâu nay đã trở thành đức tính Võ Văn Kiệt, và trong phạm vi quyền hành của mình, đức tính này luôn luôn và sẵn sàng “phá rào” - đã nhiều lần phá rào như thế, ngay từ ngày đầu tiên về đứng mũi chịu sào ở Sài Gòn - TP.HCM vừa mới được giải phóng, cùng tập thể lãnh đạo đưa thành phố ra khỏi thời điểm bế tắc, tranh tối tranh sáng về chính sách...
Người ta mới chỉ biết nhiều về Võ Văn Kiệt dám “phá rào”, nhưng đúng là chưa biết được bao nhiêu về một Võ Văn Kiệt âm thầm trăn trở một mình, dám chấp nhận tất cả để theo đuổi những gì mình tin tưởng, những cái thấy phải làm... - trong đó nếu cái gì chưa rõ hay nghĩ chưa tới, chưa quyết được... thì ông trông cậy vào mọi nguồn trí tuệ các chuyên gia, trí thức và những người tin cậy chung quanh. Đấy là quá trình ra đời của đường dây 500KV - đến mức phải vào nhà tù tặng kỷ niệm chương cho Bộ trưởng Năng lượng Vũ Ngọc Hải, quá trình ra nghị quyết xóa bỏ cơ chế chủ quản, kiến nghị xóa bỏ ban cán sự Đảng trong các bộ và các cơ quan chuyên môn...
Thủ tướng Võ Văn Kiệt trên công trường đường dây 500KV Bắc-Nam. Ảnh: Minh Đạo
Như đã nhiều lần nêu ra trong các bài viết của tôi, nhất là chung quanh Đại hội Đảng lần thứ XII vừa qua, tôi cho rằng tình hình đất nước hiện nay đã chín muồi để bước vào một cuộc cải cách chính trị không thể né tránh - thực chất là để thực hiện những đòi hỏi trọng đại của quốc gia trong thế giới hôm nay mà Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã nêu trong bức thư nói trên.
Thử hình dung, nếu từ Đại hội VIII những gì nêu trong nội dung bức thư ngày 9.8.1995 của Thủ tướng Võ Văn Kiệt được thực hiện, hôm nay nước ta sẽ đứng ở đâu?
Tôi vẫn thường nói với anh chị em bạn bè của mình: người cộng sản gộc Võ Văn Kiệt theo Đảng từ lúc còn mặc quần xà lỏn, nhưng với tất cả nhiệt huyết của tinh thần dân tộc, hầu như không ý thức hệ nào nhuộm được tư duy của ông. Cho đến ngày trước khi đi xa, trong bữa cơm chia tay mà tôi không ngờ là cuộc chia tay cuối cùng, anh Võ Văn Kiệt nói với tôi: “Còn điều gì cần nói với lãnh đạo Đảng và Nhà nước mà anh chưa thể nói được, hãy nói với tôi! Tôi sẽ cầm thẻ đảng viên của mình đi nói với từng người! Nhưng anh không được quên nhiệm vụ của mình phải góp phần thay đổi Đảng thành đảng của dân tộc!”
Tôi hôm nay xin cúi đầu chịu tội mắc nợ, chưa biết đến bao giờ có thể trả được món nợ này!
Sinh thời, Thủ tướng Võ Văn Kiệt theo đuổi rất bền bỉ những quyết sách nhằm thúc đẩy thị trường, đề cao sự bình đẳng giữa các thành phần kinh tế. Là người quan sát quá trình chuyển động xã hội hàng chục năm qua, ông bình luận gì về thực tế hàng loạt tập đoàn kinh tế quốc doanh sa sút, nhiều lãnh đạo vướng lao lý vì làm ăn thua lỗ và tham nhũng?
Nổi bật là những buổi trao đổi ý kiến rất cởi mở nhiều lần, nối tiếp trước sau có bài bản, cặn kẽ, với Thủ tướng Lý Quang Diệu - người đã nói thẳng với Thủ tướng Võ Văn Kiệt: Ở Đông Nam Á này, nếu sẽ xuất hiện một nền kinh tế gọi là con hổ của khu vực, thì đó phải là Việt Nam! Nhiều năm về sau, chính ông Lý Quang Diệu bày tỏ với báo chí Singapore nỗi thất vọng về nhận định của mình!
Trong những kiến nghị của Thủ tướng Võ Văn Kiệt về xóa bỏ cơ chế chủ quản, về xóa bỏ ban cán sự Đảng trong các bộ và những cơ quan, đơn vị chuyên môn khác... - trong đó có các tập đoàn kinh tế nhà nước, sau này còn có thêm đề nghị của ông nhưng không được ghi nhận về xóa bỏ quan điểm kinh tế quốc doanh là chủ đạo, đã bao hàm rất rõ ý tứ: phải chuyển hẳn sang cơ chế kinh tế thị trường, thực hiện sự bình đẳng giữa các thành phần kinh tế. Trong hoàn cảnh và những ràng buộc của cơ chế lúc bấy giờ, những đòi hỏi như vậy của Thủ tướng Võ Văn Kiệt là “phá rào” đã đành, mà còn là cách đề cập trực tiếp, cụ thể, không thể hiểu lầm, những vấn đề cần gỡ bỏ để thực hiện cơ chế kinh tế thị trường.
Thủ tướng Võ Văn Kiệt thăm hãng sản suất máy bay Airbus ở thành phố Hamburg (Đức) năm 1994. Ảnh: Minh Đạo
Xin nhấn mạnh, nội dung vấn đề xóa bỏ cơ chế chủ quản, xóa bỏ ban cán sự Đảng còn là những đề nghị thiết thực và quyết liệt của Thủ tướng Võ Văn Kiệt, đòi hỏi mọi doanh nghiệp và tập đoàn kinh tế nhà nước phải vận động trong khuôn khổ của pháp luật nhà nước!
Nhìn lại những vụ án tham nhũng gây ra những tổn thất trầm trọng xảy ra trong hơn một thập kỷ nay, có thể thấy ngay nguyên nhân gốc là thể chế chính trị, luật pháp nhà nước và kinh tế thị trường bị các nhóm lợi ích thao túng nặng nề, với sự tiếp tay của các đồng tiền bẩn và quyền lực mềm từ bên ngoài. Nổi lên là bốn hiện tượng: nền kinh tế GDP tỉnh; tư tưởng nhiệm kỳ; kinh tế quốc doanh là chủ đạo; đất đai thuộc quyền sở hữu toàn dân. Bốn hiện tượng này còn bị quyền lực tha hóa của phe nhóm lạm dụng nhân danh các khái niệm giữ vững định hướng xã hội chủ nghĩa, duy trì sự ổn định của quốc gia, chống sự xuyên tạc của các thế lực thù địch... trên thực tế là để tiến hành những hoạt động kinh tế thiếu công khai minh bạch, luồn lách khỏi sự kiểm soát của pháp luật và trách nhiệm giải trình, tạo ra những bức xúc xã hội - nhất là những vụ việc liên quan đến đất đai...
Quy mô và tính chất các vụ tham nhũng lớn và trầm trọng chưa từng có - với những con số gây thiệt hại cho nhân dân và cho đất nước mỗi vụ hàng trăm, hàng nghìn tỷ đồng, thậm chí hàng trăm nghìn tỷ! Tham nhũng đã ngang nhiên hủy hoại môi trường tự nhiên và làm khánh kiệt tài nguyên quốc gia, trong đó có những vụ việc cho thuê/bán đất và rừng, xâm phạm nghiêm trọng an ninh quốc gia. Sự làm giàu bất chính của tham nhũng còn kéo theo tệ nạn văn hóa xã hội tệ hại, hủy hoại nhiều giá trị đạo đức xã hội; kỷ cương đất nước và thể chế chính trị của nhà nước cũng như của Đảng bị lũng đoạn nghiêm trọng.
Lỗi gốc không phải do luật pháp và năng lực quản trị quốc gia. Bởi vì, dù chưa hoàn hảo, song hệ thống luật pháp và quản trị quốc gia của nước ta đã phát triển đáng kể và ở mức cao nhất cho đến nay. Lỗi gốc là quyền lực tha hóa đã lũng đoạn luật pháp, sự quản trị quốc gia và con người trong hệ thống. Cần phải đảo ngược xu thế phát triển này!
Thưa ông, trong bối cảnh chính trị hiện nay, đâu là điểm mấu chốt để vai trò của nhà nước pháp quyền được phát huy tối đa, cũng như tăng cường “kiểm soát quyền lực” như mục tiêu đề ra trong các nghị quyết của ban lãnh đạo Đảng vừa qua?
Thực tế khách quan là lãnh đạo Đảng và Nhà nước đang quan tâm đẩy mạnh chống tham nhũng, chống lợi ích phe nhóm, đẩy mạnh cải cách hành chính tháo gỡ những ách tắc, đòi hỏi sự thực thi nghiêm minh luật pháp nhà nước.
"Điều cốt lõi làm nên Võ Văn Kiệt là lòng yêu nước thương dân, ý chí xả thân vì nước, nghị lực kiên cường, đồng thời biết dựa vào trí tuệ của dân, của nước, của bè bạn để nâng cao không ngừng khả năng thực hiện trọng trách của mình."
Nhà ngoại giao Nguyễn Trung
Tôi nghĩ những nỗ lực nói trên cần được bổ sung, tăng cường bằng thực hiện công khai minh bạch và trách nhiệm giải trình của từng cơ quan, cán bộ và từng đơn vị kinh doanh. Đồng thời cần phát huy các quyền tự do dân chủ của công dân, đặc biệt là những quyền đã ghi trong Hiến pháp mà đến nay chưa thực thi - trong đó có các quyền tự do tiếp cận thông tin, quyền tự do ngôn luận và báo chí, quyền lập hội, quyền biểu tình. Cần thực hiện nghiêm túc quyền sở hữu của nhân dân, quyền tự do ứng cử và bầu cử của công dân.
Sự ổn định của quốc gia cần được gìn giữ, và thực ra chỉ có thể thực hiện được trên cơ sở bảo đảm thực hiện đúng đắn những quyền công dân này. Đây còn là phương thức có hiệu quả cao để kiểm soát quyền lực - vì nó tạo ra khả năng lớn nhất cho việc thực thi Hiến pháp và các luật đã được ban hành.
Đảng Cộng sản Việt Nam duy nhất và tuyệt đối nắm quyền và vận mệnh của đất nước. Song nhiều nghị quyết của Đảng đã chỉ ra Đảng còn nhiều yếu kém và tiêu cực - như Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị trung ương 6 khóa XI đã thay mặt Bộ Chính trị nhận lỗi trước toàn dân và toàn Đảng. Nắm quyền tuyệt đối như vậy, Đảng cũng phải chịu trách nhiệm tuyệt đối về những sai lầm và tổn thất đã gây ra cho đất nước, đòi hỏi Đảng phải phấn đấu khắc phục. Như toàn bộ quá trình lịch sử của Đảng đã chỉ rõ, hơn bao giờ hết Đảng phải dựa hẳn vào dân để khắc phục những yếu kém của mình.
Có câu hỏi lớn đặt ra: Tại sao Đảng không chủ động xây dựng và phát huy vai trò của xã hội công dân, lấy đó làm môi trường rèn luyện, phấn đấu của đảng viên và qua đó làm lành mạnh và tăng cường sức sống mới của toàn Đảng, sức chiến đấu vì dân, vì nước của Đảng? Hơn thế nữa, xã hội công dân nếu được xây dựng và phát huy đúng đắn, đấy còn là trường học để nhân dân trưởng thành và là môi trường trực tiếp để nhân dân thực thi các quyền của mình. Đây là việc có thể làm ngay.
Đảng đang đứng trước sự lựa chọn mang tính quyết định: Trở thành lực lượng lãnh đạo của một nhân dân trưởng thành?
Tuy nhiên, nhìn tổng thể, đòi hỏi phát triển tự thân hiện nay của Việt Nam trong thế giới đã chuyển sang giai đoạn mới rất quyết liệt hôm nay, đặt ra vấn đề sống còn phải tiến hành một cuộc cải cách chính trị nhằm xây dựng một thể chế chính trị và nhà nước dân tộc và dân chủ như Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã nêu trong thư của ông ngày 9.8.1995.
Nếu nhìn Võ Văn Kiệt như một chính khách, ông nhận định gì về vai trò của ông Kiệt trong một thời đoạn lịch sử tương đối đặc biệt của đất nước?
Điều cốt lõi làm nên Võ Văn Kiệt là lòng yêu nước thương dân, ý chí xả thân vì nước, nghị lực kiên cường, đồng thời biết dựa vào trí tuệ của dân, của nước, của bè bạn để nâng cao không ngừng khả năng thực hiện trọng trách của mình. Hơn thế nữa, sự từng trải đã mang lại cho ông cách nhìn và tầm nhìn nhất thiết ở cương vị người lãnh đạo phải có. Còn một yếu tố con người liên kết chính ông với mọi người chung quanh trong thế giới của ông thành tiếng nói chung, đồng cảm chung, hướng suy nghĩ chung, để có thể cùng đi với nhau trên một con đường, mong muốn cùng nhau làm nên một sự việc, một thành quả..., xa hơn nữa là một sự nghiệp... Nghĩa là ở Võ Văn Kiệt có một sự lôi cuốn và sức thuyết phục khiến ông và họ trở nên như một, vừa là người dẫn đường của họ, vừa là người đồng hành thân thương và người lãnh đạo của họ. Đó là tính người đã trở thành tình người!
Thủ tướng Võ Văn Kiệt với đồng bào dân tộc Ê Đê. Ảnh: Minh Đạo
Có thể nói Võ Văn Kiệt là một người giàu tình người nên thấu hiểu con người. Câu nói “... hàng triệu người vui, cũng có hàng triệu người buồn...” thốt ra từ trái tim và tình người của một con người như thế! Tất cả những đức tính quý báu này là tâm huyết, là hơi thở hàng ngày của ông. Nhân cách như vậy, cùng với những cống hiến của ông - nhất là trong những quyết định hay những công việc trọng đại của quốc gia - đã làm nên vai trò lịch sử của ông trong lịch sử của đất nước. Ông là người con của đất nước với đúng nghĩa của thế hệ bắt đầu con đường cứu nước bằng sự dấn thân làm nên Cách mạng Tháng Tám! Ông là tấm gương trực tiếp của mỗi chúng tôi, những người có may mắn “lọt” vào thế giới của ông!
Nghĩ về ông, trong tôi vừa là lòng biết ơn vô hạn, vừa là nỗi lo canh cánh. Tôi không biết phải làm gì để sao không phụ lòng gửi gắm điều mong mỏi thiêng liêng và da diết nhất của một Võ Văn Kiệt nặng lòng với đất nước, người đã đặt lên vai tôi một trách nhiệm cá nhân: góp phần cùng với nhiều đảng viên tâm huyết xây dựng Đảng thực sự trở thành đảng của dân tộc!
Xin cảm ơn ông.
Duy Thông thực hiện