Di sản Võ Văn Kiệt:

Võ Văn Kiệt - Thời gian & Con người

 03:40 | Thứ tư, 06/06/2018  0
Ủy viên Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Việt Nam 1982-1997. Thủ tướng Chính phủ Việt Nam 1991-1997.

1922 - 1951

Sinh ngày 23.11.1922 tại xã Trung Hiệp, huyện Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long. Tên khai sinh Phan Văn Hòa. Họ Võ là họ mẹ. Là con út trong gia đình có 8 người con. Nhà nghèo, đi làm mướn, ở đợ, chăn trâu, giữ ghe...

8 tuổi mới được đi học ở lớp trong xóm do dân tự mở. Sau đó học ở trường làng, 16 tuổi đọc thông viết thạo.

17 tuổi tham gia biểu tình lần đầu tại Vũng Liêm đòi thả tù chính trị, đòi chia đất cho dân nghèo. Cùng tuổi đó được kết nạp vào Đảng. Người giới thiệu vào Đảng là ông Tạ Uyên, quê Ninh Bình, sau này làm Bí thư Xứ ủy Nam bộ, bị địch bắt giam và hy sinh tại Khám lớn Sài Gòn năm 1940 (tên ông được đặt cho một con đường ở quận 11, TP.HCM). 

Cuối năm 1949, chọn nhận kỷ luật Đảng cảnh cáo vì kiên quyết không nhận quyết định làm bí thư Tỉnh ủy Rạch Giá thay ông Nguyễn Thành Nhơn. Hai lý do để ông Kiệt từ chối quyết định: một, ông Nhơn tuy là địa chủ nhưng đã bỏ tất cả để tham gia cách mạng. Hai, cả học vấn lẫn khả năng lãnh đạo ông Nhơn đều hơn ông Kiệt.

Năm 1950 lấy vợ là bà Trần Kim Anh, con một địa chủ có nhà máy xay lúa trong vùng. Năm sau có con trai đầu lòng Phan Chí Dũng (hy sinh ở Tây Nam bộ năm 1972). Năm 1955 ông Kiệt và bà Kim Anh có con gái Võ Hiếu Dân. Sau đó, bà Kim Anh và hai con nhỏ của ông Kiệt là Chí Tâm và Ánh Hồng bị chết trong một cuộc pháo kích trên sông ở Đông Nam bộ năm 1966.

Dự Đại hội Đảng Cộng sản Đông Dương lần thứ II tại Tuyên Quang, Việt Bắc. Học khóa chính trị “Hoa Nam” 6 tháng của trường Nguyễn Ái Quốc III tại đây. Lần đầu tiên ông Kiệt gặp Bác Hồ, Trường Chinh, Võ Nguyên Giáp... là các giảng viên của khóa học.

Năm 1952 có con trai thứ hai Phan Thanh Nam.

1952 - 1970

Từ chối đi đào tạo ở Trung Quốc để từ Việt Bắc trở lại công tác ở miền Nam.

1954 làm Bí thư Tỉnh ủy Bạc Liêu thay ông Ung Văn Khiêm được điều ra Trung ương. 

Tham gia họp Xứ ủy Nam bộ mở rộng lần II, tháng 12.1956, tại đây đã thông qua dự thảo đề cương “Đường lối cách mạng miền Nam” do Lê Duẩn soạn thảo.

Từ 1959 - cuối 1970, Bí thư Thành ủy Sài Gòn, Bí thư Khu ủy Sài Gòn - Gia Định. Tham gia ban chỉ đạo Chiến dịch Mậu Thân 1968.

1970 - 1975

Bí thư kiêm Chính ủy Khu 9 (Tây Nam Bộ, T3). Kiên quyết làm khác với chủ trương của Đảng lúc ấy, cùng Tư lệnh Khu 9 Lê Đức Anh chỉ đạo thắng lợi việc trừng trị hành động của địch vi phạm Hiệp định Paris, giành đất, giành dân, giành quyền làm chủ, làm thất bại các cuộc tấn công lấn chiếm của đối phương ngay sau Hiệp định Paris 1973. Việc “đi ngược chủ trương” này của ông Võ Văn Kiệt và ông Lê Đức Anh sau đó đã được Trung ương đánh giá cao, chọn làm kiểu mẫu để nhân rộng.

Sau 1973 là Ủy viên Thường vụ Trung ương Cục miền Nam. Bí danh Sáu Dân được sử dụng vào thời gian này.

8.4.1975, tham gia Bộ tư lệnh chiến dịch giải phóng Sài Gòn với nhiệm vụ Bí thư Ban cán sự Đảng đặc biệt trong Ủy ban quân quản thành phố Sài Gòn ngay khi thành phố được giải phóng.

Sau ngày 30.4.1975, Bí thư Ban cán sự Đảng đặc biệt, Phó chủ tịch Ủy ban quân quản Sài Gòn, Phó bí thư kiêm Chủ tịch đầu tiên của thành phố; Bí thư thành ủy kiêm Chủ tịch UBND Cách mạng (1976).

Biệt danh “Chủ tịch gạo” vì đã giải quyết nhanh vấn đề thiếu lương thực nghiêm trọng của thành phố bằng cách cho phép Công ty Lương thực cùng các sở, ngành xuống tỉnh mua lúa theo giá sát thị trường, gấp 5 lần giá thu mua của Nhà nước; cho phép chuyên chở gạo trái phép về thành phố với phát biểu nổi tiếng: “Nếu vì việc này mà cán bộ phải đi tù thì tôi đi đưa cơm”.

Biệt danh “Bí thư xé rào” để sản xuất công nghiệp có đủ vật tư nguyên liệu, điện, xăng dầu và phụ tùng thay thế thay vì ngồi chờ Trung ương điều chỉnh chủ trương đã lỗi thời; không thực hiện chủ trương “Hợp tác hóa hoàn toàn miền Nam” vì qua thực tế thấy chủ trương này không hiệu quả.

Chỉ đạo khảo sát và xây dựng nhà máy thủy điện Trị An (1978). Khi công trình hoàn thành với kỷ lục về thời gian đã cứu nguy cho công nghiệp TP.HCM, góp phần điện khí hóa nhiều khu vực nông thôn Nam bộ.

Thành lập Văn phòng kinh tế của Bí thư Thành ủy (1981) và giao trách nhiệm đứng đầu cho TS. Nguyễn Xuân Oánh - người từng là Phó thủ tướng rồi quyền Thủ tướng chính quyền Sài Gòn trước năm 1975. Ông Kiệt là vị lãnh đạo cấp cao đầu tiên sau năm 1954 (ở miền Bắc) và sau năm 1975 (ở Việt Nam) dám sử dụng nhân sự cấp cao của chính quyền cũ phục vụ cho chính quyền mới.

Kết hôn lần thứ hai (1984) với bà Phan Lương Cầm, PGS-TS hóa học. 

Tháng 2.1987, ông Kiệt làm Phó chủ tịch rồi Phó chủ tịch thứ nhất Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ). Ban hành hàng loạt văn bản thuộc hệ thống pháp luật có tính bản lề cho Đổi mới: Nghị định cho phép kinh tế tư nhân (3.1987); Quyết định bãi bỏ ngăn sông cấm chợ (3.1987); Quyết định không hạn chế gửi tiền, hàng (4.1987); Quyết định giao quyền tự chủ sản xuất kinh doanh (11.1987); Luật Đầu tư nước ngoài (12.1987); Nghị định Hệ thống ngân hàng hai cấp (3.1988); Pháp lệnh Ngân hàng (giữa năm 1989)...

1991 - 1997

Thủ tướng Chính phủ. 

Chỉ đạo khởi công xây dựng hệ thống đường dây tải điện 500KV Bắc - Nam (1992). Biệt danh “Thủ tướng điện” phổ biến từ lúc này, có liên quan với thời điểm ông chỉ đạo xây dựng thủy điện Trị An (1978) và hàng loạt dự án điện sau đó.

Chỉ đạo thúc đẩy mở rộng thiết lập quan hệ ngoại giao với nhiều nước, trong đó có Liên minh châu Âu (EU) và ASEAN (với 30 hiệp định được ký kết trong thời gian ngắn), chuyển hướng từ trạng thái đối đầu sang hợp tác phát triển. Bình thường hóa quan hệ giữa Hoa Kỳ và Việt Nam (11.7.1995). Gia nhập ASEAN (25.7.1995)...

Chỉ đạo chuẩn bị trình và cho ra đời Nghị quyết 08/TW ngày 29.11.1993 về các biện pháp, chính sách công tác vận động Việt kiều trong tình hình mới.  

Thành lập Tổ chuyên gia tư vấn về cải cách kinh tế và cải cách hành chính, gọi tắt là Tổ tư vấn cải cách (1993), sau đổi tên là Tổ nghiên cứu đổi mới kinh tế, xã hội và hành chính (1996). Đến 1998, thời Thủ tướng Phan Văn Khải tổ này được nâng cấp thành Ban nghiên cứu của Thủ tướng.

Thủ tướng Võ Văn Kiệt với nhóm thường trực Tổ chuyên gia tư vấn tại trụ sở 4 Bà Huyện Thanh Quan - Hà Nội, 1.1997. Ảnh tư liệu của Trần Đức Nguyên

Ký quyết định thành lập Đại học Quốc gia Hà Nội (NĐ 97/CP) theo tinh thần đổi mới đại học. 

18.12.1993: Đề nghị Quốc hội khóa IX lập ủy ban đặc biệt chống tham nhũng chống buôn lậu - “Với tư cách là người đứng đầu Chính phủ, tôi long trọng tuyên bố sẽ chịu trách nhiệm trước Quốc hội về cuộc đấu tranh này” - Trước đó ông Kiệt đã ký Quyết định 114/TTg (21.11.1992) về những biện pháp cấp bách nhằm ngăn chặn và bài trừ tệ tham nhũng, buôn lậu.

Từ 1995-1996 chỉ đạo kiên quyết chính quyền Hà Nội giải tỏa thành công hàng trăm công trình xây dựng trái phép trên đê Yên Phụ - Hà Nội, nhằm xóa mối đe dọa đến an toàn đê.

2001 - 2008

Công dân Võ Văn Kiệt với hàng loạt bài báo và phát biểu:

- “Sự trở lại và phát triển tư tưởng Hồ Chí Minh trong điều kiện mới, đó chính là phát huy sức mạnh đại đoàn kết dân tộc và mở rộng dân chủ, tự do”.

- “Quốc gia nào khắc phục được những mâu thuẫn nội tại để cùng tìm thấy niềm tự hào chung, lợi ích chung thì có thể tạo ra sức mạnh nội lực và do đó càng có uy tín quốc tế”.

- “Thu hút được nhân tài cũng là một tài năng”. 

- “Cùng là người yêu nước, tại sao không thể chia sẻ với nhau niềm tin?”.

- “Tôi tin báo chí đang và sẽ được nhìn nhận đúng như vai trò xã hội luôn chờ đợi ở mình, hành xử có trách nhiệm hơn với đất nước, với dân tộc”.

- “Đảng mạnh và lãnh đạo tốt là Đảng lãnh đạo xây dựng được một nhà nước mạnh, một nhà nước pháp quyền Việt Nam thực sự dân chủ, thực sự của dân, do dân và vì dân. Không thể có nhà nước mạnh mà Đảng yếu hoặc nhà nước yếu mà Đảng mạnh”. 

bài viết liên quan
để lại bình luận của bạn
có thể bạn quan tâm

Đọc tin nhanh

*Chỉ được phép sử dụng thông tin từ website này khi có chấp thuận bằng văn bản của Người Đô Thị.