Đau thắt lưng: cảnh giác ‘tiền mất tật mang’

 15:57 | Thứ năm, 14/07/2016  0

Không phải bệnh của riêng tuổi già

Đau thắt lưng là bệnh rất hay gặp ở mọi lứa tuổi. Ở tuổi trẻ hơn 20, cần chú ý những bệnh lý thực thể hay gặp nhiều như lao cột sống, tật bẩm sinh cột sống…Ở tuổi lao động (hay gặp ở khoảng tuổi giữa 20-40) đau thắt lưng thường là do tư thế sai,  do ỷ sức mạnh hay buộc phải làm nặng mà quên chú ý tư thế tốt để tránh phí sức và ảnh hưởng lên cột sống thắt lưng.

Với tuổi trung niên hay khi bắt đầu tuổi “gió heo may chớm về”, đau thắt lưng biểu hiện bởi những bệnh lý khác nhau từ nhẹ đến nặng, khi đĩa đệm bắt đầu mất nước dần dần hằng năm, những biểu hiện bệnh lý thoái hóa đĩa đệm cũng tăng từ từ.

Ở ngưỡng của người bắt đầu có tuổi (trên 60), càng lớn tuổi chuyện đau thắt lưng càng dễ xảy ra do tiến trình lão hóa tự nhiên của cơ thể. Ở những nước tiến tiến như Nhật Bản, châu Âu hay Bắc Mỹ… khi tuổi thọ càng cao, ảnh hưởng đau thắt lưng càng nhiều do bệnh lý thoái hóa như thoái hóa đĩa đệm thắt lưng, mất vững cột sống thắt lưng do thoái hóa, hẹp ống sống thắt lưng...

Đau thắt lưng còn thường gặp ở mọi lứa tuổi hay ngồi làm việc văn phòng hay lao động khác (như thợ may…) trong tư thế ngồi liên tục nhiều giờ; thiếu vận động, thể dục, thể thao.

Bệnh cũng là dấu hiệu xấu liên quan đến tình trạng loãng xương của phụ nữ sau mãn kinh (trung bình khoảng 47 tuổi ở nước ta) và khi tuổi quá 70 cho cả hai phái lão ông và lão bà. Gãy xương sống âm thầm do loãng xương đã được ghi nhận hiện diện nơi một số phụ nữ bị loãng xương, chỉ được phát hiện khi chụp hình thấy các đốt sống bị gãy lún. Nguy cơ tiếp tục gãy xương mới ở những trường hợp này cũng rất cao.    

Đau lưng khác đau thắt lưng

Khi nói đau thắt lưng, chúng ta hiểu là đau vùng cột sống ngang thắt lưng với nguồn gốc gây đau trên dưới thắt lưng quần. Chúng ta hay nói đau lưng cho vùng này nhưng thật ra đau lưng là từ dùng cho đau vùng cột sống cao hơn, từ cột sống ngực cao (dưới cột sống cổ) xuống vùng nối lưng thắt lưng (nằm cao hơn thắt lưng quần độ hơn một gan bàn tay). Phần lớn bệnh đau thắt lưng hay xảy ra hơn là đau lưng.

Khi đau thắt lưng cấp tính, sự điều trị không đúng đắn hay bỏ qua không điều trị sẽ đưa đến chứng đau thắt lưng mạn tính. Cần lưu ý rằng dù có hay không dùng thuốc, trị liệu đúng mức hay không thì chứng đau thắt lưng cấp tính sẽ hết sau một đến ba tuần. Vấn đề đặt ra là làm thế nào để giúp bệnh nhân bị đau thắt lưng cấp tính không bị tái phát, không bị chuyển thành đau thắt lưng mạn tính.

Việc cơn đau tái đi tái lại, thường theo sau các cơn đau thắt lưng cấp tính, khi không chú ý điều trị và phòng ngừa đúng mức sau lần đau cấp tính đầu tiên. Cơn đau thắt lưng cấp tính ban đầu tái phát thưa thớt khoảng vài tháng một lần, sau đó nhiều dần cho đến khi đau thường xuyên hoặc chuyển thành đau thắt lưng và đau lan xuống một chân, thường được biết là đau thần kinh tọa.

Đau thần kinh tọa là tiến trình sẽ đến của đau thắt lưng cấp tính, đau thắt lưng mạn tính và đau thắt lưng cấp tính tái đi tái lại của bệnh nhân “quên” không điều trị đúng mức từ đầu.

Không phải ai cũng cần phẫu thuật

Những hình ảnh thay đổi trên X-Quang cắt lớp điện toán, cộng hưởng từ hay gai trên X-Quang thường quy vốn dĩ hay làm các bệnh nhân ít quan tâm đến kiến thức y học giật mình sợ hãi, nhất là khi tiếp xúc lần đầu với vô số thuật ngữ y khoa “khủng” như: lồi nhân nhày, thoát vị đĩa đệm, lồi đĩa đệm,thoái hóa mấu khớp, chèn ép rễ thần kinh, chèn ép mặt trước tủy sống…trong các kết quả đọc phim.

Nhiều bệnh nhân trên lâm sàng không có dấu hiệu đáng quan ngại nhưng lại dễ xiêu lòng chịu đốt la de, sóng cao tầng, mổ cố định dụng cụ…không cần thiết. Một số bệnh nhân bị thấp ngoài khớp ảnh hưởng lên cột sống thắt lưng sau phẫu thuật không hữu hiệu phải quay lại điều trị nội khoa mới giải quyêt được vấn đề đau thắt lưng. Đây là những dạng bệnh nhân mà một người bạn của tôi, bác sĩ Robert Gunzburg, nguyên chủ tịch hội quốc tế nghiên cứu cột sống thắt lưng phát hiện ra từ năm 2005 và gọi là hội chứng “Victim of medical imaging technology” (Nạn nhân của hình ảnh học y khoa, viết tắt là Hội chứng Vomit).

Nói cách khác, sự phát triển của kỹ thuật hình ảnh y khoa hiện đại rất cần người thầy thuốc vừa có khả năng lại phải vừa hiền phán đoán, kết hợp với lâm sàng để giúp bệnh nhân tránh bị điều trị oan uổng bằng các biện pháp phẫu thuật không cần thiết hay không đúng mức khiến tiền thì mất mà tật vẫn mang.

Một vài thống kê đã cho thấy ở các nước tiên tiến việc tốn phí điều trị các bệnh lý gây đau thắt lưng lên đến hằng tỉ đô la. Vấn đề này sẽ lớn hơn nữa ở nước ta nếu không quan tâm điều tiết các cách chữa trị chưa đúng hay chỉ định phẫu thuật chưa phù hợp, kỹ thuật phẫu thuật chưa tốt.

Không phải ca bệnh nào cũng phải được điều trị phẫu thuật. Nhiều bệnh nhân không có triệu chứng gì nặng cần mổ hay dù các bác sĩ đọc phim cộng hưởng từ thấy rất nhiều triệu chứng lồi đĩa đệm, thoát vị đĩa đệm, gai sống... cũng phải cẩn thận hết sức khi quyết định áp dụng những kỹ thuật điều trị không thường quy hay hiệu quả không cao như châm cứu, nắn bẻ xương sống, đốt lade, đốt sóng cao tầng, mổ ít xâm nhập qua lổ nhỏ… 

PGS.TS.BS Võ Văn Thành

(Chủ Tịch hội Cột sống TP.HCM)

bài viết liên quan
TAGS
để lại bình luận của bạn
có thể bạn quan tâm

Đọc tin nhanh

*Chỉ được phép sử dụng thông tin từ website này khi có chấp thuận bằng văn bản của Người Đô Thị.