Đen mông hay đen đầu?

 14:03 | Thứ bảy, 26/04/2014  0

Vợ chồng tôi có đứa con đang học lớp 10, tối qua đang học bài thì cháu hỏi ba mẹ: “Con không hiểu từ “dân đen” trong Bình Ngô đại cáo nghĩa là gì?”

Chồng tôi giải thích: “Dân đen là nói tắt của dân ngu khu đen, vì ngày xưa dân cấp thấp mỗi khi hội họp trong làng xã không được ngồi chiếu mà ngồi đất nên phần khu (mông) lấm lem”.

Nghe không được thanh tao lắm, tôi lên mạng tra cứu một hồi rồi nói với con: “Dân đen là lấy ý từ lê dân, tức dân đen đầu, vì ngày xưa chỉ quan mới đội mão còn dân để đầu trần”. Con tôi hỏi lại: “Ba bảo đen mông, mẹ lại đen đầu! Thế dân ngày nay còn được gọi là dân đen không ba mẹ?”. Tất nhiên chúng tôi nhìn nhau rồi đồng thanh: “Hết rồi con!”. Thật ra, cả vợ lẫn chồng đều không tự tin lắm khi trả lời như thế.

Thời phong kiến đã lùi xa, giờ đây người dân đã không phải ngồi đất trong các cuộc họp, quan chức cũng không còn dùng áo mão để biệt đãi với dân. Xã hội đã có đầy đủ hệ thống thiết chế, luật pháp, lực lượng để phục vụ người dân trong những nhu cầu thiết yếu.

Nếu ai hỏi hai người dân là vợ chồng tôi rằng những gì là quan trọng nhất, câu trả lời hẳn không mới mẻ với tuyệt đại đa số: sức khoẻ, an nguy tính mạng và tiền bạc của cải. Để bảo vệ ba thứ đó, văn minh nhân loại đã nghĩ ra hệ thống y tế, công an và ngân hàng - cả ba đều hoạt động bằng tiền dân.

Thế mà dù là những người làm ăn lương thiện, đóng thuế đầy đủ, chúng tôi vẫn chưa dám đoan chắc gia đình mình đã được bảo vệ một cách vững chắc. Bởi với sự bất lực của ngành y tế trước dịch sởi hiện nay và vô số tai tiếng của ngành này gần đây, ai dám bảo đảm nếu chẳng may một thành viên trong gia đình chúng tôi phải vào bệnh viện vì một lý do gì đó thì không phải là “giao trứng cho ác”?

Với hàng loạt những vụ cướp giật đang rộ lên ngoài đường phố, những vụ thanh niên đang lành lặn khoẻ mạnh đột ngột tuyệt vọng đến mức phải “tự tử” sau khi vào đồn công an, còn ai yên tâm giao phó an nguy của mình cho lực lượng này? Và với những vụ án như Huyền Như, bầu Kiên có chiêu thức lừa đảo hết sức thô sơ là “lấy mỡ nó rán nó” từng đổ bể hơn hai mươi năm trước mà không hề để lại một bài học nào, đào đất chôn của xem ra đỡ lo hơn gửi ngân hàng! Còn nhiều nữa, nhưng kể ra e rằng báo… không dám đăng!

Vậy thì dân còn “đen” không khi phận mình vẫn bạc? Còn “đen” không khi vẫn bị xem là “dân sai thì dân chịu”?

Nguyễn Thị Bích (quận 3)

bài viết liên quan
TAGS
để lại bình luận của bạn
có thể bạn quan tâm

Đọc tin nhanh

*Chỉ được phép sử dụng thông tin từ website này khi có chấp thuận bằng văn bản của Người Đô Thị.