Đọc hồi ký 'Sống cho người, sống cho mình' của nghệ sĩ Kim Cương: Đích thị kỳ nữ!

 23:16 | Thứ tư, 01/06/2016  0

Kim Cương là ai? 

Chúng tôi, những người viết báo theo dõi mảng sân khấu sau năm 1975, vẫn thường gọi chị một cách thân mật là “chị Kim”. Và mặc dù tuổi đời của chúng tôi hầu hết đều ở hạng em cháu, song mỗi lần nói chuyện, chị luôn khiêm tốn xưng là Kim, xem chúng tôi như những người bạn bằng vai phải lứa. Dẫu vậy, tôi vẫn rất bất ngờ pha lẫn xúc động khi ngay trong trang mở đầu cho cuốn hồi ký, thay vì dùng chữ “lời bạt” hay “lời phi lộ” như thường thấy, chị lại viết “lời thưa”. Chữ “thưa” trong tiếng Việt là một từ định dạng cho thái độ lễ phép, dành để kẻ dưới nói với người trên, trẻ nhỏ nói với người lớn. Vậy nên “lời thưa” của chị, một ngôi sao kịch trường lừng danh tỏa sáng từ hơn nửa thế kỷ qua, ít nhiều khiến người đọc phải “cúi đầu” trước đức tính khiêm nhường và sự “phép tắc” ấy đã như sợi chỉ xuyên suốt cuốn hồi ký, phần nào trả lời cho công chúng câu hỏi do chính chị đặt ra ngay dòng đầu tiên “Tôi là ai”.

Kim Cương là ai? Không ít người đã từng biết, chị là con nhà nòi với bốn đời làm sân khấu gồm toàn những nghệ sĩ tài danh, từ bà nội là cô đào hát bội Ba Ngoạn, chủ rạp Palikao, đến cha là ông bầu Phước Cương, mẹ là nghệ sĩ Bảy Nam, dì là “thiên tài” cải lương Năm Phỉ... Nhưng làm sao lý giải được chuyện Kim Quang, người em gái ruột cùng cha mẹ sinh ra mà “theo đoàn hát, theo mẹ, theo chị là nghệ sĩ cả đời, nhưng một câu hát cũng không thể thốt ra khỏi miệng”, trong khi Kim Cương, không kể lần đầu được bồng ra sân khấu làm con Thị Mầu lúc 18 tháng tuổi, trong buổi diễn đoàn Đại Phước Cương mừng thất tuần của mẹ vua Khải Định tại Duyệt Thị Đường, cũng như nhiều lần được “bồng” ra qua những vai con khác, thì năm lên bảy tuổi đã đóng được vai riêng trong vở Na Tra lóc thịt, đã biết “vô” vọng cổ và hát xàng xê?

Rồi bặt đi gần mười năm không theo đoàn hát, được mẹ và dì đưa vào nội trú ở trường dòng như một cách cố tình đẩy đi con đường khác, nhưng chỉ một ngày hè ghé thăm mẹ, những “sự cố” tình cờ liên tiếp xảy ra khiến cô nữ sinh trường xơ, vốn đang chuẩn bị để trở về trường học lên cao nữa, bị hút vào sân khấu không dứt ra được? Chỉ có thể lý giải đó là vì Kim Cương được sinh ra để dành cho sân khấu, một thứ định mệnh mà con người không thể cưỡng lại được.

Nghệ sĩ Kim Cương thời son trẻ. Ảnh TL 

Điều này, trong hồi ký, phần nào chị cũng đã khẳng định, nhưng ở đây, tôi lại thấy còn hơn thế, dường như Kim Cương có mặt trên đời để làm “thiên sứ” cho một loại hình nghệ thuật mang tính đặc thù mà trước đó chưa hề có, đó là loại hình kịch Kim Cương. Không vậy làm sao giải thích được chuyện, đang là ngôi sao sáng giá giữa thời cải lương hưng thịnh, chưa qua trường lớp đào tạo nào, cô đào Kim Cương dám liều lĩnh tự mình rẽ ra con đường riêng là làm kịch chỉ nói mà không hát. “Mày không hát thì tao coi cái gì?” - Có khán giả quen từng ngạc nhiên thốt lên với chị như vậy. Nhưng rồi, Kim Cương đã thành công. Chị gần như ôm trọn phần nội dung, từ viết kịch bản, dàn dựng và diễn vai chính, để vài chục năm sau, một học giả uy tín như giáo sư Hoàng Như Mai đã phải luận bàn về “Văn học kịch Kim Cương”, xem đó là dòng kịch tiêu biểu, đại diện cho văn hóa, đời sống của người dân Nam bộ, mộc mạc, bình dị, chân chất nhưng thấm đẫm tính văn học, trở thành một hình thái mỹ học sân khấu, có khả năng thanh lọc tâm hồn con người một cách tích cực và hiệu quả.

Còn Kim Cương, sau thời gian nghiên cứu và học tập môn nghệ thuật sân khấu ở Pháp về, chị càng xác tín hơn vào con đường riêng mình đang đi. Khác với thể loại kịch mang màu sắc hàn lâm, cái hay cái đẹp sẽ đi từ khối óc xuống tới trái tim, kịch Kim Cương thì ngược lại, đem nghệ thuật đi từ trái tim lên khối óc. Chị muốn sau đêm diễn, khán giả như thấy mình vừa đi thăm một người quen nào đó, rất thân, rất gần. Là làm cho cả diễn viên lẫn người xem không còn coi đó là kịch, là những thân phận không chỉ ở trên sân khấu nữa. Kiểu làm kịch dung dị, đưa những nguyên mẫu đâu đó trong cuộc sống lên sân khấu để hướng người ta tới chân, thiện, mỹ của Kim Cương phù hợp với thị hiếu của nhiều tầng lớp khán giả. Một công thức xây dựng kịch gần như không đổi, phần trước cười thả ga, phần sau khóc hết nước mắt, vậy mà ai xem cũng thích, cũng cảm, cũng khóc cười cùng chị suốt mấy chục năm.

Điều làm tôi bất ngờ và thêm khâm phục là, qua những lời tâm sự trong hồi ký, không phải chị làm kịch đơn thuần theo sự thôi thúc của bản năng mà từ thực tiễn, chị đã nâng lên thành lý luận, thành “trường phái” kịch Kim Cương không lẫn với ai. Bên cạnh đó, chị còn rất được nể trọng trong vai trò người quản lý, lèo lái một đoàn hát nổi tiếng chỉn chu nhất trong nhiều năm bằng phương thức cộng giữa con tim và khối óc. Đó là điều kỳ diệu.

NSND Kim Cương xứng đáng được coi là một hình mẫu toàn vẹn về một nghệ sĩ tài đức

Nhiều năm làm nghề, tiếp xúc với nhiều nghệ sĩ, tôi chưa thấy ai dành cho mẹ mình sự thương yêu, quý trọng hết mực như nghệ sĩ Kim Cương. Ngay giờ đây, sau khi bà mất hàng chục năm, mỗi khi gặp chuyện đau buồn, chị lại vào ngồi sụp trước bàn thờ bà để khóc. Đâu đó có lúc nghe loáng thoáng, biết nghệ sĩ Bảy Nam là người mẹ đồng thời là người thầy dẫn dắt Kim Cương vào nghề nhưng qua hồi ký mới thấy họ không chỉ là hai mẹ con mà là hình với bóng, gắn bó như hai thực thể không tách rời trong suốt cuộc đời của mỗi người.

Với Kim Cương, bà Bảy Nam là một người mẹ đặc biệt. Chồng chết trong khi các con còn nhỏ, bà vừa làm cha vừa làm mẹ. Làm mẹ thì chăm bẳm, đứt ruột mỗi khi phải xa con; làm cha thì bươn chải kiếm tiền, nghiêm khắc dạy con đối nhân xử thế, điều hay lẽ phải. Nhưng quan trọng hơn, bà còn là thầy, khai mở cho con một con đường nghề. “Nghề” với bà không chỉ diễn hay, mà còn tải được đạo. “Đạo” với bà không chỉ nhập vai nghiêm cẩn trên sân khấu mà còn sống tình nghĩa với người ở đời. Bà nổi tiếng là một người mẹ “khó”, dạy con không chỉ bằng lời mà còn bằng roi. Trong hồi ký, “kỳ nữ” Kim Cương chỉ kể có một lần bị bà đánh gãy hai cây roi mây sau lần cùng người yêu, qua mặt bà, dẫn nhau ra Phan Thiết “tăng cường” cho đoàn hát của người dì thứ chín nhưng kỳ thực, như chị vui miệng tiết lộ thêm với tôi là đời chị, kể cả khi đã thành danh, “lãnh” đến nát của bà cả thảy có đến vài chục cây roi.

Chị nói, sở dĩ chị chịu nằm giơ mông hứng đòn vì bà là một hình mẫu toàn bích, sống đúng như những điều dạy con, nếu bà giải trí giết thời giờ bằng cách đánh bài như thói thường của nhiều cô đào hát khác, chắc là chị đã không thương, không quý, không nghe lời đến như vậy. Thần tượng bà, hiểu bà nên chị đã chọn đúng cách để trả hiếu cho bà, đó là viết tuồng cho bà sắm, vở nào cũng “đo ni đóng giầy” cho bà một vai để bà phô diễn tài nghệ, cho bà “được tắm trọn vẹn cả đời trên dòng sông nghệ thuật”. Nghệ sĩ nhân dân Bảy Nam từng đạt kỷ lục là nghệ sĩ có tuổi đời cao nhất đứng trên sàn diễn, “chưa có nghệ sĩ nào như bà, lấy cái già, cái run, cái khàn, cái nhăn nheo của mình để thăng hoa thành một loại nghệ thuật thu hút, làm cho khán giả yêu cái lẫn, cái ngây ngô của những người già”. Trả hiếu cho mẹ như vậy, chị xứng đáng được gọi là một người con “kỳ diệu”.

NSND Kim Cương trong lần tái diễn trích đoạn vở kịch nổi tiếng: Lá sầu riêng, năm 2012

Sống và yêu

Cũng như nhiều người, phần tôi mong chờ được đọc nhất là Sống và yêu. Trái tim nghệ sĩ nhậy cảm, yêu nhiều cũng là lẽ thường, huống chi Kim Cương là một nghệ sĩ như chị thú nhận, không bao giờ sống nửa vời, yêu với tất cả đam mê và khi đổ vỡ thì đau khổ tận cùng. Trong sáu “người tình” để lại dấu ấn sâu đậm nhất góp phần làm nên một tâm hồn Kim Cương nghệ sĩ, tôi đặc biệt chú ý đến “cha của con tôi”. Anh là nhà báo đàn anh của tôi, ở một mặt nào đó có thể coi như người thầy về tri thức và tư cách làm nghề. Ngày tôi được làm việc chung cơ quan với anh thì anh đang là “phu quân” của kỳ nữ Kim Cương và trong đám cưới của tôi, anh có dắt theo cậu con trai Toro, lúc ấy khoảng 8, 9 tuổi. Vì tôi là phóng viên theo dõi mảng kịch trường nên thường có cái để thỉnh thoảng bắt chuyện với anh, tất nhiên trong những lần như vậy, nghệ sĩ kiêm bà bầu Kim Cương luôn là “đầu câu chuyện”.

          Dường như Kim Cương có mặt trên đời để làm “thiên sứ” cho một loại hình nghệ thuật mang tính đặc thù mà trước đó chưa hề có, đó là loại hình kịch Kim Cương.

Ban ngày ở cơ quan, ban đêm, những khi không trực báo, tôi thường thấy anh chăm chỉ làm tài xế đưa đón, người luôn ngồi cạnh tay lái của anh là nghệ sĩ Bảy Nam. Anh nói anh rất quý trọng bà, không muốn làm cho bà buồn, càng giữ kẽ hơn lúc hôn nhân của vợ chồng anh bắt đầu có... chuyện. Anh là người rất kín tiếng, tôi càng không dám tò mò, chỉ lờ mờ hiểu dường như có cái gì đó “không bình yên” khi một lần bất chợt được nghe nghệ sĩ Kim Cương tâm sự chuyện “điên rồ” của mình. Chị kể, vào một đợt lưu diễn ở Vũng Tàu, vãn hát, các nghệ sĩ trong đoàn ai cũng có đôi có cặp đưa nhau đi ăn, đi dạo, các em độc thân thì túm tụm đùa giỡn vui vẻ, chỉ có “chị Hai” lẻ bóng, nửa đêm một mình lang thang ra biển vắng. Gọi điện cho chồng, anh bảo bận làm báo xuân không ra được. Từng cơn gió cuối đông ùa về, thổi thốc như bốc thân hình nhỏ nhoi giữa biển trời bao la khỏi mặt đất. Không chịu đựng nổi cảm giác cô đơn, hờn tủi, chị lật đật nhào lên xe tự lái về thành phố lúc nửa khuya. Về tới nhà trời hửng sáng, thấy chồng ngạc nhiên hỏi có chuyện gì mà phải đi nguy hiểm như vậy, chị mới sực tỉnh, không hiểu tại sao mình lại “điên rồ” như thế. Rồi anh vội vã vào cơ quan cho kịp giờ họp sáng, chị lặng lẽ trở ra với đoàn.

Thường các nghệ sĩ, nhất là những người đã có tiếng tăm, đi diễn bao giờ cũng có người nhà, hoặc chồng, hoặc vợ đi theo trên mọi nẻo đường. Riêng ở trường hợp của nghệ sĩ Kim Cương thì thật là khó có vợ có chồng. Chị rất hiểu điều đó, dẫu vẫn không thể không buồn, nên tôi nghe xong cũng chỉ nắm lấy tay chị như một cách chia sẻ chứ chẳng biết an ủi chị như thế nào... Giờ đây đọc câu chị viết “không còn trách cứ anh nhiều như xưa” và “Hãy để cho nó (vết thương) lụi tàn”, tôi thực sự mừng, vì cuối cùng, sau những “nhói đau”, chị đã dành cho “cha của con tôi” một cái nhìn chân tình và tháo cởi.

Niềm vui của nghệ sĩ Kim Cương trong công tác thiện nguyện “sống cho người”

Nghệ sĩ Kim Cương nói, cuốn hồi ký này là kết quả của việc “nhớ gì viết nấy”, bởi với cuộc đời nhiều biến động trải dài hơn 70 năm của chị, nếu ghi lại hết, phải cần thêm vài ba cuốn như vậy. Hẳn đó là điều những người yêu mến chị đều mong mỏi. Dẫu còn nhiều điều chưa nói hết, song qua câu chuyện hạn hẹp của một đoàn hát gia đình được ghi lại trong cuốn hồi ký Kim Cương này, người ta cũng thấy được ít nhiều bối cảnh sân khấu cải lương, kịch nói ở miền Nam thuở phôi thai. Nhưng hơn cả, trên cái nền bối cảnh được phác thảo vài nét đó, hiện ra một viên ngọc quý đáng tự hào của nền kịch nghệ nước nhà.

Kim Cương xứng đáng được coi là một hình mẫu toàn vẹn về một nghệ sĩ tài đức. Ở chị, “cái cây” tài năng thiên phú xuất chúng sở dĩ luôn nở hoa tươi tốt là nhờ được trồng trên vùng đất màu mỡ của đạo làm người. Nói theo thuật ngữ của sân khấu thì việc chị “sống cho người” là tả thực, còn “sống cho mình” là ước lệ. Lòng từ tâm, tinh thần thiện nguyện của chị được ươm mầm đầu đời từ việc chứng kiến sự dấn thân của các xơ trong trường dòng, được tắm tưới hằng ngày suốt nhiều chục năm bởi một người mẹ mẫu mực và cuối đời lại được thấm nhuần Phật pháp để tự giải thoát khỏi những phiền lụy của kiếp nhân sinh. Vì vậy, bao trùm lên toàn bộ hồi ký là một thái độ khiêm tốn, khắt khe với mình mà bao dung, nhân ái với người.

Nếu như trước đây, chữ “kỳ nữ” do ký giả Nguyễn Ang Ca (báo Tiếng dội) đặt cho Kim Cương mang ý nghĩa là thiếu nữ có tài năng kỳ lạ, thì giờ đây, sau tất cả những điều “không thể thành có thể” chị làm được trong đời, tôi nghĩ, Kim Cương càng xứng đáng hơn với danh xưng “kỳ nữ” - người phụ nữ đã làm được nhiều điều kỳ diệu.

Bài: Cát Vũ - Ảnh: Nguyễn Á

 

 

bài viết liên quan
TAGS
để lại bình luận của bạn
có thể bạn quan tâm

Đọc tin nhanh

*Chỉ được phép sử dụng thông tin từ website này khi có chấp thuận bằng văn bản của Người Đô Thị.