Theo báo cáo, phân tích từ ảnh vệ tinh SPOT 5 có độ phân giải cao trong gần một thập kỉ cho thấy, quá trình bồi tụ mạnh mẽ ở ĐBSCL hiện nay đang bị chi phối bởi sự xói lở tràn lan. Tỷ lệ mất đất giai đoạn 2003-2012 lên đến gần 2.3 km2/năm dọc theo đoạn bờ biển phía Biển Đông (bảng 1), lớn hơn rất nhiều so với tốc độ mất đất giai đoạn 1885-1985, được xác định từ bản đồ là 1,2 km2/năm. Điều này cũng có nghĩa, hơn 50% chiều dài đường bờ 600km của ĐBSCL có hiện tượng xói lở, thậm chí lên đến 90% ở đường bờ biển ở phía Biển Đông.
Trong đó, riêng giai đoạn 2007 - 2012, vùng đồng bằng này mất đi một diện tích tương đương với 1.5 sân bóng đá mỗi ngày. Con số này là đáng kể cho một vùng đồng bằng vẫn được biết đến là có xu thế biển tiến mạnh mẽ.
Tỷ lệ xói lở đường bờ ĐBSCL trong giai đoạn 2003-2012 so với giai đoạn 1973-2003 đã tăng từ 40% lên đến hơn 50%.
Đối với một vùng đồng bằng lớn như ĐBSCL, sự biến động đường bờ chịu ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố như lượng trầm tích (bùn cát/trầm tích) cấp, dòng bùn cát và lắng đọng bùn cát, quá trình sụt lún, mực nước biển, sóng và dòng chảy.
Tuy nhiên, theo nhóm tác giả, các đập thủy điện lại không phải là nguyên nhân duy nhất dẫn đến sự suy giảm lượng trầm tích cung cấp cho vùng bờ. Sự suy giảm lượng trầm tích là yếu tố chính gây ra hiện tượng xói lở ở hơn 300km bờ biển ĐBSCL hiện nay, và hoạt động của con người đã gây ra sự thay đổi ở vùng đồng bằng này, cũng như bị sụt lún nhanh hơn.
Khai thác cát không kiểm soát
Theo nhóm tác giả, việc khai thác cát quy mô lớn ở lòng sông MeKong cần được xem như là một mối quan ngại lớn đến sự ổn định của đường bờ đồng bằng, đặc biệt ở đoạn bờ cửa sông đồng bằng Mê Kông, nơi có nhiều trầm tích lắng đọng lại nhất. Đây là nguyên nhân dẫn đến việc giảm đáng kể nguồn cung cấp trầm tích đáy đến vùng bờ.
Sự sụt giảm nguồn cung trầm tích do quá trình khai thác cát quy mô lớn đã dẫn tới thiếu hụt trầm tích ven bờ, gây ra hiện tượng xói lở bờ biển.
Trong khoảng thời gian từ năm 2008 - 2012, hàng năm, lượng trầm tích bị khai thác vào khoảng 27 triệu m3, trong đó 86% là cát. Tốc độ khai thác này cao hơn khoảng 20 lần so với lượng bùn cát ước tính sông MeKong tải hàng năm đo đạc tại trạm tại Kratie.
So sánh sự thay đổi độ sâu đáy trong 10 năm (1998-2008) của 2 phụ lưu là sông Bassac (sông Hậu) và sông Mỹ Tho cho thấy, lượng bùn cát đáy mất đi khoảng 200 triệu m3.
Hoạt động khai thác khoáng sản này đã tạo ra nhiều lạch sâu và hố sâu trong lòng sông, nhiều chỗ sâu tới 15m, sâu hơn cao trình đáy của các nhánh sông tự nhiên tại Campuchia, đặc biệt là ở Việt Nam đã có lạch sâu nhất tới 45m được tạo ra trong khoảng thời gian từ năm 1998 - 2008.
Khai thác cát cũng có thể làm tăng xâm nhập mặn ở các kênh nội đồng vào mùa khô.
Lòng sông sâu hơn cũng tạo điều kiện cho xâm nhập mặn mạnh mẽ hơn và trầm tích bẫy lại nhiều hơn.
Khai thác nước ngầm, phá hủy rừng ngập mặn
Hiện tượng sụt lún nhanh cũng bị gây ra bởi khai thác nước ngầm. Tốc độ sụt lún diễn ra mạnh nhất ở phần tây nam của đồng bằng, là vùng chủ yếu là đầm lầy và bùn, dễ bị lún. Vùng có tốc độ lún tương đối cao, trên 1,5cm/năm tập trung ở khu vực bờ biển giữa Bạc Liêu và mũi Cà Mau, đây cũng là vùng có tốc độ xói lở cao nhất ở ĐBSCL.
Điều đặc biệt đáng lưu ý là, đây cũng là khu vực duy nhất của vùng đồng bằng đã được ghi nhận là nơi diễn ra xói lở liên tục từ năm 1885.
Thống kê, hiện ở 13 địa phương ĐBSCL có khoảng 126 tổ chức, doanh nghiệp được cấp phép khai thác tại các mỏ cát dọc sông Cửu Long. Theo dự báo của các nhà khoa học VN năm 2015, với tốc độ khai thác cát quá mức lẫn trái phép như hiện nay, dự báo toàn bộ trữ lượng cát trên sông Tiền, sông Hậu sẽ hết sau 30 năm nữa! |
Việc phá hủy rừng ngập mặn trên quy mô lớn cũng là một nguyên nhân khác gây ra xói lở. Hệ thống rừng ngập mặn dọc đoạn bờ bùn Biển Đông và Vịnh Thái Lan được phân vào loại rừng ngập mặn ven bờ phân bố ở một dải hẹp ven biển. Ảnh hưởng của chiến tranh và hiện tượng khai thác quá mức đã gây thiệt hại nặng nề đến diện tích rừng ngập mặn, đặc biệt là trong thập kỷ 1980, 1990 khi rừng bị đốn hạ hàng loạt phục vụ cho việc xây dựng, đốt than và chuyển đổi sang trang trại nuôi tôm.
Hệ thống đê biển cũng được xây dựng dọc bờ biển phía Biển Đông và Vịnh Thái Lan để bảo vệ bờ và bảo vệ các đầm nuôi thủy sản, tạo ra quá trình chèn ép rừng ngập mặn, làm giảm tác dụng tiêu tán sóng của rừng ngập mặn (có tác dụng giảm nhẹ xói lở dọc bờ biển).
Đập thủy điện
Báo cáo một lần nữa nhất trí rằng, các đập thủy điện dự kiến xây dựng trong tương lai chắc chắn sẽ tác động đến lượng trầm tích của ĐBSCL. Các đập này, cùng với việc khai thác cát không kiểm soát, sẽ làm trầm trọng thêm sự xói lở hiện có ở đồng bằng.
Sự vận hành của tất cả các dự án thủy điện dự kiến trên sông MeKong sẽ làm tăng lượng trầm tích bị giữ lại trong các hồ chứa từ 11-12 triệu tấn/năm lên 70-73 triệu tấn/năm.
Một nghiên cứu khác cho thấy tỷ lệ giảm lượng trầm tích tích lũy cho vùng đồng bằng có thể lên tới 51% và 96%, tương ứng với kịch bản tương lai xác định xây dựng 38 đập thủy điện (đã xây hoặc đang xây) và kịch bản tất cả các đập dự kiến đều được xây dựng.
Lưu vực ĐBSCL nằm trên lãnh thổ của 6 quốc gia, là lưu vực sông có diện tích lớn thứ 12 trên thế giới.
Hình thành muộn hơn gần một thế kỷ so với các đồng bằng lớn khác ở Châu Á, ĐBSCL là đồng bằng lớn thứ 3 trên thế giới, là nơi định cư của gần 20 triệu dân, có vai trò rất quan trọng đến an ninh lương thực của khu vực Đông Nam Á, cung cấp 50% sản lượng lương thực của Việt Nam.
Đặc biệt, ĐBSCL cung cấp 90% sản lượng lúa xuất khẩu, nhờ đó Việt nam trở thành nước xuất khẩu gạo lớn thứ 2 trên thế giới, cung cấp 60% thủy sản xuất khẩu của Việt Nam với kim ngạch xuất khẩu hàng tỷ đô la.
Ngoài ra Đồng bằng sông Cửu Long là một khu vực phát triển năng động về nông nghiệp nói chung và chăn nuôi gia súc nói riêng.
Vùng hạ lưu sông cũng là nơi có mức độ đa dạng sinh học về cá trên một đơn vị diện tích cao hơn so với bất kỳ lưu vực sông lớn nào trên thế giới, về mức độ đa dạng chung chỉ đứng sau sông Amazon.
Lê Quỳnh
-----
(*) Nhóm tác giả: Edward J. Anthony, Guillaume Brunier, Manon Besset và Philippe Dussouillez (Đại học Aix-Marseille, Pháp), Marc Goicho (Trưởng quản lý Chương trình thủy điện bền vững và lưu vực sông, WWF - Greater Mekong, TP.HCM, Việt Nam), và Van Lap Nguyen (Phân viện Địa Lý tại TP.HCM, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam)