Thiếu chủ động
Sinh viên đến từ các nước châu Á luôn vượt trội sinh viên bản địa về kiến thức chuyên ngành mà họ theo học. Họ nắm bắt kiến thức mới rất nhanh, chăm chỉ nghiên cứu, học tập và luôn làm giàu thêm cho kiến thức cá nhân trong quá học tập. Đó là nhận xét của Catherine và Agatha về các bạn học chung, đặc biệt là Việt Nam và Trung Quốc.
Tuy nhiên, trong môi trường đại học và cao học tại các nước, sinh viên thường xuyên phải thảo luận, trao đổi, phân tích về đề tài do giảng viên đưa ra. Trong những buổi làm việc này, cá nhân mỗi sinh viên phải đưa ra chủ kiến về vấn đề đó, bảo vệ quan điểm của mình một cách lôgic, thuyết phục, và đón nhận ý kiến của các thành viên khác. Tuy nhiên, Julie cho biết: “Thường lúc nói chuyện trao đổi hai người, sinh viên châu Á hay đề cập, đưa ra nhiều quan điểm rất thú vị, nhưng lại ít chủ động đưa ra ý kiến riêng của mình giữa nhóm hoặc tập thể. Nhiều khi giảng viên hoặc các bạn học cùng phải đề nghị, khuyến khích rất nhiều lần họ mới chịu nói”. Còn chia sẻ của Agatha là: “Cũng có người ban đầu cố gắng nói lên ý tưởng của họ nhưng cách nói không dễ hiểu, nhiều lúc nói nhầm và gây cười nên mất tự tin. Họ có xu hướng ngồi yên nghe ý kiến của người khác, gật đầu hoặc lắc đầu để thể hiện quan điểm với người khác chứ ít chủ động đưa ra quan điểm của mình”.
Ngại làm việc theo nhóm
Làm việc nhóm là lẽ đương nhiên, chiếm rất nhiều thời gian trong lịch học tập ở trường, đây cũng là lúc để các cá nhân thể hiện kỹ năng, thế mạnh của mình trong các phần việc được phân chia. Thời gian làm việc nhóm là cơ hội thu thập thông tin cần thiết, bổ sung hỗ trợ cho những điểm yếu, mạnh của từng cá nhân. Làm việc nhóm còn luyện kỹ năng và tinh thần hỗ trợ nhau hoàn tất công việc được giao một cách tốt nhất. Từ những chất liệu của làm việc nhóm, sinh viên sẽ phát triển cách làm việc độc lập cho những đề tài mình phải thực hiện. “Ít khi sinh viên Việt Nam chủ động chọn lựa vị trí, vai trò phù hợp khả năng cũng như yêu thích, họ khá thụ động và nhiều khi để cho người khác phân công nhiệm vụ hoặc làm công việc còn lại. Có những khi đó là nhiệm vụ ngoài khả năng, không thuộc sở thích. Họ phải hoàn tất công việc một cách khó khăn, chẳng vui vẻ gì mà lại ngại nhờ các thành viên khác trong nhóm hỗ trợ. Phong cách này kéo dài cả đến khi họ đi làm thì phải!”, Christain nhận xét.
Sợ phát biểu trước đám đông
Đây là một kỹ năng trình bày trước đám đông mà ở Việt Nam, học sinh sinh viên chỉ học bài bản khi chương trình đại học có môn phát biểu trước công chúng hoặc đi học thêm các khoá nói trước đám đông tại một số trung tâm. Chính vì vậy mà nhiều sinh viên châu Á trong đó có Việt Nam bị than thiếu tự tin khi phát biểu trước công chúng.
Thường thì sau các hoạt động làm việc nhóm, thảo luận chia sẻ về một chủ đề, lần lượt các thành viên sẽ phải đứng trước lớp để trình bày lại ý tưởng, kết quả thảo luận của nhóm mình. Nhiều bạn sinh viên đến từ Việt Nam khi bàn thảo thì có những ý tưởng hay, nhưng lúc lên trình bày thì thiếu tự tin, nhiều lúc không chuyển tải được ý kiến chính xác đến người nghe. Không ít du học sinh Việt đã than thở cứ mỗi lần phải đứng lên thuyết trình là lập cập phát âm không thành tiếng, bao nhiêu ý tứ biến đâu hết, đến khi về chỗ ngồi, thật sự cũng chẳng hiểu mình đã nói gì!
Julie kể trong nhóm đại học của cô có vài sinh viên đến từ châu Á, nhưng đến lúc thuyết trình, thường thì sinh viên bản địa sẽ trình bày vì sợ ảnh hưởng đến thành tích cả nhóm và cũng để đảm bảo ý kiến của nhóm được chuyển tải chính xác.
Rào cản ngôn ngữ
Những khó khăn trên luôn có hai mặt. Theo Agatha, “một số bạn biết có điểm yếu, họ sẽ cố gắng chỉnh sửa, chủ động nhờ sinh viên bản địa hỗ trợ và hướng dẫn, dành nhiều thời gian thực hành nghe nói với người bản địa. Tất nhiên, họ phải dành thời gian nghỉ ngơi giải trí để học tập và thực hành nhiều hơn, sau một thời gian họ có thể bắt kịp bạn bè. Phần lớn đó là những sinh viên có tính cách hướng ngoại, năng động, dễ hoà đồng”. Trong khi đó, số du học sinh trầm tính, hướng nội, khi gặp khó khăn có xu hướng khép mình, chỉ chọn chơi với nhóm bạn bè nói cùng ngôn ngữ, hoặc đến từ những nước có nền văn hoá tương đồng. Điều này khiến họ gặp khó khăn hơn mỗi khi làm việc nhóm và hoạt động chung với sinh viên bản địa.
Các bạn trẻ đến từ bốn nước trên cho biết, họ hiểu và thông cảm cho những bạn bè không cùng hệ thống giáo dục vì những kỹ năng mềm trên họ đã được tập từ khi bước chân vào… mẫu giáo. Tất cả đều nhận định, những người trẻ mà họ gặp hiện nay tại Việt Nam đã tự tin hơn nhiều trong giao tiếp cũng như biết đưa ra ý kiến cá nhân. Rào cản lớn nhất còn lại là ngôn ngữ mà người trẻ đó phải dùng khi du học. Ngoại ngữ còn mang đến cho du học sinh cơ hội làm việc, học tập, hoà mình vào môi trường giáo dục của bản địa, mục đích chính của họ khi chọn con đường học tập ở nước ngoài.
Theo kinh nghiệm của nhiều du học sinh, dù đã đáp ứng điểm chuẩn của các bài kiểm tra ngoại ngữ của nước sẽ theo học, nhưng việc sử dụng ngôn ngữ đó trong môi trường thứ tiếng đó là tiếng mẹ đẻ luôn là thách thức rất lớn trong những ngày tháng đầu tiên vào trường.
Cung Diêm