Đừng khen cho U23 Việt Nam chết!

 13:43 | Chủ nhật, 05/08/2018  0
Thày trò HLV Park Hang-seo lại khiến người hâm mộ bóng đá nước nhà nở từng khúc ruột khi lội ngược dòng thành công và thắng ĐT Palestine 2-1 ở cúp Tứ Hùng tổ chức tại Việt Nam diễn ra từ ngày hôm qua.

Đây là một giải đấu giao hữu với mục đích cọ xát và chuẩn bị cho Asiad 2018 sắp sửa diễn ra. Và không mấy lạ khi khắp các trang mạng tưng bừng những lời khen dành cho U23 Việt Nam. Những lời tung hô dành cho vị HLV người Hàn Quốc, cho Công Phượng, Anh Đức và Văn Quyết đổ xuống như mưa với những mỹ từ “cơn lốc đỏ”, “sáng chói”, “cuốn phăng đối thủ”… 

Hiển nhiên, U23 Việt Nam vừa có một trận đấu hay, thể hiện được những điều quý giá như bản lĩnh trưởng thành hơn, không còn bị tâm lý trong tình huống bị dẫn trước, chiến thuật phối hợp tốt, kỹ thuật cá nhân được thực hiện hoàn hảo, điều tiết được nhịp độ trận đấu khi cần thiết…

Anh Đức là người có pha gỡ hoà cho ĐT U23 Việt Nam.

Nhìn chung, đây là một trận đấu 10 điểm, nhưng là ở màn thi thử chứ không phải thi thật. Kết quả này không phản ánh được thực tế mà thày trò HLV Park Hang-seo sẽ thể hiện tại sân bóng Indonesia mà chỉ nhen nhóm sự tự tin và hy vọng rằng U23 Việt Nam sẽ có thể duy trì được phong độ này khi đá thật mà thôi. 


Rất nhiều trận đấu giao hữu có kết quả tích cực không thể hiện chính xác năng lực của đội bóng. Điều này xuất hiện với cả những đội tuyển mạnh nhất thế giới như Brazil, Đức, Tây Ban Nha… chứ không phải với cá nhân đội tuyển nào. Chỉ xin nhắc lại, giữa giao hữu và thi đấu thật là một khoảng cách mênh mông. 

Song, cũng không vì thế mà phủ nhận lợi ích của các trận thi đấu giao hữu. Một chiến thắng ở giải giao hữu có thể kích thích sự tự tin của cầu thủ khi bước vào những trận đấu thật. Và càng ngày, người ta càng thấy ích lợi chuyên môn của thi đấu giao hữu trước một giải đấu chính thức hoặc mùa giải mới, chứ không còn là để kiếm tiền…

Công Phượng, người được khen nhiều nhất, chắc hẳn quá hiểu sự nguy hiểm của những lời khen.

Chỉ có điều, chúng ta hãy hành xử đúng mực với kết quả của trận giao hữu mà U23 Việt Nam thắng ĐT Palestine tối qua. Đừng khen ngợi quá đà, bốc lên tận mây xanh một cách vô ý thức, để rồi những lời khen đó lại biến thành liều thuốc độc với tâm lý của các cầu thủ. 


Căn bệnh thường gặp của các cầu thủ (đa phần là người trẻ) đó chính là bệnh ảo tưởng sức mạnh. Và rất đáng tiếc, nguồn cơn của căn bệnh này lại xuất phát từ việc khen ngợi vô ý thức của truyền thông và đám đông dư luận. Điều này đã được cảnh báo bao nhiêu năm nay ở lĩnh vực bóng đá, và cũng có quá nhiều bài học nhãn tiền. 

Thay vì khen ngợi quá mức, hay coi đấy là kết quả đương nhiên mà thày trò ông Park Hang-seo đã tạo được sau một quá trình rèn luyện, với bàn đạp là giải đấu ở Thường Châu. Thay vì tung hô, hãy lạnh lùng nhìn thẳng vào sự thật, nếu các tuyển thủ chúng ta đá được như thế này ổn định thì đã vô địch SEA Games vài lần rồi.

Đừng khan quá lố để làm hại những cầu thủ trẻ của bóng đá Việt Nam.

Nội dung bóng đá nam ở Asiad là giải đấu hết sức khắc nghiệt đối với năng lực của ĐT U23 Việt Nam. Điều chúng ta cần truyền đến cho các tuyển thủ là sự tự tin và tâm lý thoải mái, không đặt nặng vấn đề thành tích như thắng đội nào, vào đến vòng nào… mà là hãy thi đấu hết sức có thể nhằm có kết quả tốt nhất. 


Hãy nhớ một hiện tượng “đáng lưu ý” rằng, hễ khi nào bóng đá Việt Nam được quan tâm quá mức, được bao phủ bằng quá nhiều lời khen ngợi thì lại thi đấu rất tệ, ngược lại, hễ khi nào mức độ quan tâm, khen ngợi giảm đi thì lại đạt được những thành tích mang tính “kỳ diệu”. Như thế, lời khen vô ý thức và dễ dãi chính là thuốc độc của năng lực thi đấu. 

Cổ nhân có câu: Ai khen ta, ấy là kẻ thù của ta vậy. Ai chê ta, ấy là thầy giỏi của ta vậy. Còn chúng ta, nếu yêu mến bóng đá và ĐT U23 Việt Nam, hãy tiết chế lời khen và hành vi “khen cho chúng nó chết”!

Hải An

 

Nguồn theo bongdacuocsong.net
bài viết liên quan
để lại bình luận của bạn
có thể bạn quan tâm

Đọc tin nhanh

*Chỉ được phép sử dụng thông tin từ website này khi có chấp thuận bằng văn bản của Người Đô Thị.