Giải thích đề xuất xây 34 trạm thu phí ô tô, Sở GTVT TP.HCM: vì kẹt xe đang nghiêm trọng

 23:47 | Thứ tư, 17/07/2019  0
Trong sáu tháng đầu năm, xe ô tô trên địa bàn thành phố tăng trên 15% nên theo đại diện sở Giao thông vận tải TP.HCM, ngoài việc mở đường, làm hạ tầng thì giải pháp hạn chế xe cá nhân cũng được tính đến. Nếu thành phố không có giải pháp, tình hình kẹt xe ở trung tâm sẽ ngày càng nghiêm trọng.

Liên quan đến đề xuất của Sở GTVT TP.HCM về việc xây dựng 34 cổng thu phí ô tô vào khu vực trung tâm để hạn chế ùn tắc đang nhận được nhiều ý kiến trái chiều từ dư luận, chiều 17.7, ông Ngô Hải Đường - Trưởng phòng Khai thác hạ tầng đường bộ, Sở GTVT TP.HCM đã chia sẻ với phóng viên về các vấn đề liên quan đề xuất. 

Sở GTVT TP.HCM vừa đề xuất lập vành đai thu phí ô tô với 34 cổng thu phí. Ảnh: Dân Trí

Theo đó, trả lời phóng viên PLO, ông Đường cho biết thực tế hiện nay tình hình giao thông trong khu vực nội đô đã quá tải. Trong sáu tháng đầu năm, xe ô tô trên địa bàn thành phố tăng trên 15% (xe máy tăng 6%). Ngoài việc mở đường, làm hạ tầng thì giải pháp hạn chế xe cá nhân cũng được tính đến. Sở nhận thấy đã đến lúc phải bắt đầu nghiên cứu các giải pháp như thu phí ô tô vào trung tâm thành phố. Nếu thành phố không có giải pháp, tình hình kẹt xe ở trung tâm sẽ ngày càng nghiêm trọng.

"Cần thấy rằng việc thu phí không giải quyết được bài toán ùn tắc mà phải tổng thể nhiều giải pháp song hành như phát triển giao thông công cộng, đầu tư hạ tầng, metro, tổ chức giao thông, thu phí đậu xe dưới lòng đường… Đây chỉ là một giải pháp trong rất nhiều giải pháp đi theo nó để hạn chế xe cá nhân, tăng cường vận tải hành khách công cộng.", ông Đường cho hay.

Đề án thu phí ôtô vào khu vực trung tâm Sở GTVT TP.HCM vừa trình UBND thành phố dựa trên đề xuất của Công ty Cổ phần Công nghệ Tiên Phong (ITD) trước đây (năm 2009). 34 trạm thu phí cũng là con số trước đây. Đề xuất này là sở xin UBND thành phố chủ trương để nghiên cứu, nếu ủy ban đồng ý, sở mới bắt đầu nghiên cứu các phương án cụ thể. "Lúc đó thì 34 trạm hay bao nhiêu trạm, mức phí bao nhiêu, phạm vi ảnh hưởng, giải quyết giao thông nội vùng trong khu vực thu phí như thế nào, người dân không đi ô tô thì đến đó đi bằng gì… mới được hình thành", ông Đường thông tin. 

Chia sẻ với phóng viên Vnexpress về điểm khác cơ bản của đề án so với đề xuất của ITD, theo đại diện Sở GTVT, đó là phương thức đầu tư công.

Chia sẻ với phóng viên Zing, KTS Ngô Viết Nam Sơn nhận định phương án này không khả thi về mặt kinh tế, làm lợi cho nhà cung cấp dịch vụ còn người dân thì gặp bất tiện. TP.HCM là trung tâm kinh tế lớn nhất cả nước, lượng xe vào nội thành không chỉ là xe của người dân thành phố mà là xe từ các tỉnh thành khác. Để thu phí xe từ nơi khác vào trung tâm, cơ quan chức năng bắt buộc chủ xe phải gắn chip trong khi đây là quyền cá nhân của chủ xe. Nếu bắt buộc gắn chip nhưng chủ xe chỉ dùng một vài lần thì rất lãng phí. 

Sở GTVT TP cho biết đề xuất vành đai thu phí dựa trên kinh nghiệm của một số quốc gia như Singapore, Thụy Điển. Tuy nhiên, KTS Ngô Viết Nam Sơn cho rằng khi tham khảo kinh nghiệm thì cần có sự chọn lọc: “Singapore là đảo quốc, chip được bán cho tất cả xe trên toàn quốc nên xe vô trung tâm được quản lý là đương nhiên. Hay như Thụy Điển, các đô thị trung tâm được thu gọn lại nên việc lập vành đai thu phí tương đối thuận tiện”.

Cụ thể, sở kiến nghị UBND TP.HCM dùng ngân sách thực hiện, chỉ thuê tư nhân bảo trì, thu phí... Tổng mức đầu tư khái toán là 250 tỷ đồng. "Kinh nghiệm từ Singapore cho thấy khoảng 2 năm thực hiện là có thể thu hồi vốn. Số tiền này sẽ dùng phục vụ trở lại cho việc phát triển hạ tầng và phương tiện giao thông công cộng", ông Đường cho biết. Đại diện sở GTVT cũng cho biết thêm, dự kiến nếu được chấp thuận chủ trương, đến năm 2021 sở sẽ nghiên cứu xong rồi mới lấy ý kiến các bên, ý kiến người dân, Trung ương… rồi đưa ra phương án giải quyết các bài toán về mặt khó khăn và thuận lợi.

Về vấn đề gây nhiều băn khoăn nhất trong đề án của ITD trước đây là việc thu phí ôtô vào trung tâm chưa có trong Luật phí và lệ phí. Nhưng hiện nay TP.HCM đã được quyết định một số loại phí mới - theo Nghị quyết 54/2017 của Quốc hội về thực hiện cơ chế, chính sách đặc thù. Còn đối với việc chế tài chủ xe không thanh toán ở các trạm thu phí, thành phố sẽ kiến nghị bổ sung hình thức xử phạt khi Bộ GTVT điều chỉnh Luật Giao thông đường bộ và Nghị định 46 về trật tự an toàn giao thông. 

"Trước đây, một trong những khó khăn là mức phí chống ùn tắc không có trong luật phí và lệ phí. Bây giờ TP.HCM có thuận lợi là có Nghị quyết 54, trong đó có nội dung đối với một số loại phí chưa có trong luật phí và lệ phí thì cho phép thành phố thông qua HĐND để triển khai. Một thuận lợi khác là trên toàn quốc hiện nay đang triển khai thu phí không dừng ETC. Chúng ta có thể dùng luôn công nghệ đó để thu phí ô tô vào nội đô", ông Đường cho hay.

Trước lo ngại khi triển khai thu phí, việc tổ chức giao thông tại khu vực vành đai được thực hiện như thế nào bởi vấn đề đặt ra là nếu không phù hợp, ùn tắc giao thông sẽ trầm trọng, ông Ngô Hải Đường khẳng định việc thu phí ôtô vào trung tâm chỉ là một trong những giải pháp tổng thể, sẽ đi kèm với việc tổ chức lại giao thông ở phần "lõi" trung tâm, các khu phố đi bộ, loại hình giao thông mới... "Xung quanh vành đai thu phí, bãi giữ xe xây dựng ở đâu, những tuyến buýt kết nối, đối tượng giảm, miễn phí hoặc thu phí trong những khung giờ nào... Tất cả những vấn đề này đều phải được nghiên cứu tổng thể, đi kèm với các giải pháp hỗ trợ. Mục tiêu không phải là trong thoáng ngoài kẹt mà sẽ đồng bộ rất nhiều yếu tố" - ông Đường khẳng định.

Khu vực thu phí được ITD đề xuất (bên trong đường màu đỏ). Khi triển khai thu phí, mỗi ôtô sẽ mở một tài khoản. Lúc xe vào khu trung tâm giờ cao điểm, hệ thống sẽ trừ tiền trong tài khoản.

Ngoài ra, đây là phương án được xây dựng trên cơ sở trạm thu phí không dừng bằng công nghệ ETC như các trạm BOT triển khai, xe vẫn chạy bình thường. Công nghệ sẽ ghi nhận qua thẻ định danh gắn trên mỗi xe, thẻ cũng đang được gắn miễn phí ở các trung tâm đăng kiểm. "Kinh nghiệm các nước khác là kết quả đạt được giảm 30-50% phương tiện đi vào khu trung tâm giờ cao điểm", ông Đường nói.

Theo PGS-TS Nguyễn Lê Ninh, ủy viên Ủy ban MTTQ TP.HCM, việc thu phí ôtô ra vào trung tâm mang tính "miễn cưỡng". Thay vì thực hiện thu phí như trên thì giải pháp trước mắt có thể tăng cường đầu tư công nghệ, cảnh báo hiệu quả cho người dân tránh lưu thông vào những tuyến đường ùn tắc. Còn về giải pháp căn cơ cho nạn kẹt xe, ông Ninh cho rằng cần quy hoạch những khu dân cư khép kín, đáp ứng đầy đủ các tiện ích, từ đó hạn chế nhu cầu đi lại.

Trước đó, Sở Giao thông vận tải TP.HCM vừa đề xuất UBND TP.HCM đầu tư xây 34 cổng thu phí ôtô vào khu vực trung tâm để hạn chế ùn tắc. Dự án có tổng mức đầu tư dự kiến 250 tỷ đồng bằng nguồn vốn ngân sách thành phố.

Cụ thể, phạm vi thu phí thuộc khu vực quận 1, 3 và giáp ranh với quận 5, 10. Cụ thể, vành đai thu phí bao gồm các tuyến đường ở phía Bắc là Hoàng Sa dọc theo bờ kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, đến đường Nguyễn Phúc Nguyên giao với đường Cách Mạng Tháng Tám; đường Ba Tháng Hai - Lê Hồng Phong - Lý Thái Tổ, Nguyễn Văn Cừ - Võ Văn Kiệt - Tôn Đức Thắng. 

Dự án do Trung tâm Quản lý đường hầm sông Sài Gòn làm chủ đầu tư, thực hiện từ nay đến năm 2021, bao gồm các cổng thu phí được thiết kế đa làn, không dừng, và một trung tâm điều hành kết nối các cổng, xử lý thông tin và điều hành việc thu phí. Dự kiến, việc thu phí chỉ áp dụng đối với ôtô đi vào trung tâm, không thu chiều ra; không thu phí xe máy. 

Được biết năm 2010, UBND TP.HCM cũng chấp thuận phương án đề xuất của ITD về dự án tổ chức thu phí ôtô vào khu trung tâm. Hai năm sau đề án chính thức được trình UBND TP.HCM nhưng sau đó dự án bị ngưng.

Theo đề xuất năm đó, 36 cổng thu phí tự động sẽ được xây xung quanh khu vực hạn chế trên các tuyến đường bao quanh quận 1, 3 và vùng giáp ranh với quận 5, 10. Các tuyến đường này bao gồm: đường 3/2, Lê Hồng Phong, Lý Thái Tổ, Nguyễn Văn Cừ, Võ Văn Kiệt, Tôn Đức Thắng, Nguyễn Phúc Nguyên (giao với đường Cách Mạng Tháng 8) và tuyến đường Hoàng Sa dọc kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè.

Các cổng này sẽ lắp các thiết bị tính phí và camera chuyên dụng để nhận dạng các loại xe. Tổng mức đầu tư của toàn dự án khoảng 1.200 tỉ đồng, trong đó mua sắm thiết bị là hơn 1.000 tỉ;  ITD đề xuất mức thu phí ôtô vào nội ô là 30.000 đồng một lượt đối với xe du lịch, 50.000 đồng với các loại xe còn lại và sẽ điều chỉnh tùy vào giờ cao điểm hay thấp điểm.

P.V.X tổng hợp

 

Nguồn Theo PLO.vn, Vnexpress, nld.com.vn
bài viết liên quan
để lại bình luận của bạn
có thể bạn quan tâm
Cùng chuyên mục
Xem nhiều nhất

Đọc tin nhanh

*Chỉ được phép sử dụng thông tin từ website này khi có chấp thuận bằng văn bản của Người Đô Thị.