“Giao tình di sản” xuyên biên giới

 10:14 | Thứ tư, 20/11/2024  0
Không riêng kinh tế hay thể thao mà các thành tựu lịch sử, nhân văn nếu biết giữ gìn, phát huy đúng cách thì càng làm nên kỳ tích và sức mạnh cho đất nước.

"Bệnh nghề nghiệp” hay là tuổi lục tuần khiến tôi đi đâu cũng nghiêng nghiêng ngó ngó bảo tàng, thư viện, nhà cổ, sinh hoạt văn hóa xưa đẹp xa gần. Mới đây, chuyến đi 3 tuần - 3 nước ở châu Âu vào đầu thu cho tôi thêm một dịp thưởng ngoạn những câu chuyện tưởng như “cổ tích” mà vẫn thể hiện nhiều khắc khoải đời nay.

Quyền trượng đại học và cam kết thiêng liêng

Tôi hay tò mò về các lễ nghi đại học ở các nước châu Âu - vốn là chiếc nôi của các “trưởng lão” trong ngành giáo dục thế giới. Lần này đi thăm Viện Đại học Debrecen (UD - Hungary), tôi hân hạnh được cầm trên tay một “báu vật” của nhà trường. Khi tiếp và trao bằng khen ghi nhận thành quả 20 năm hợp tác tuyển sinh, giáo sư hiệu trưởng Zoltan Szilvássy bất ngờ mời tôi chụp hình cùng ông với chiếc “quyền trượng” (ceremonial mace).

Giáo sư Zolta thân mật nói đây là kỷ vật lưu dấu tuổi đời 500 năm của nhà trường, tiền thân là Học viện Hoàng gia Hungary. Quyền trượng UD là chiếc gậy dài, chạm trổ công phu, màu nâu gụ, phần trên nở lớn như bó đuốc, khắc hình quốc huy cổ xưa. Được cầm trên tay chiếc quyền trượng bề thế, xuyên thế kỷ, thêm một lần nữa tôi có cơ duyên cảm nhận trực tiếp uy quyền và sức mạnh của đại học tinh hoa lớn lao như thế nào.

Người viết chạm tay quyền trượng University of Debrecen trong cuộc gặp Hiệu trưởng - 
Giáo sư Zoltan Szivássy. Ảnh: CTV


Nhiều lần dự lễ tốt nghiệp ở UD, trong đó rất tự hào có nhiều sinh viên Việt Nam, tôi từng chứng kiến nghi thức ra trường được cử hành trọng thể. Vẻ tôn nghiêm của nó không chỉ thể hiện qua địa điểm trang trọng hay lễ phục của thầy và trò - theo kiểu cổ điển và quý phái. Đó còn là phút giây khai lễ khi xuất hiện một sinh viên cao lớn đi đầu kính cẩn cầm trên tay chiếc quyền trượng. Theo sau quyền trượng là hiệu trưởng và các giáo sư hàng đầu của nhà trường. Khi buổi lễ kết thúc, các môn đệ đều đứng lên chào đưa tiễn các vị thầy cùng chiếc quyền trượng.

Ngắm nhìn khung cảnh ấy tôi có cảm giác như đang ở trong một cuộc rước lễ thành kính của tôn giáo! 

Ở Việt Nam, chúng ta thường nói “tôn sư trọng đạo”, thế thì Đông gặp Tây, thế giới này ai cũng nhất trí trân trọng giáo dục và người thầy. Tuy nhiên chúng ta phải làm thực chất và đúng cách chứ không thể hô hào những mỹ từ nhưng vẫn để học đường xuề xòa, nhà giáo khổ cực, trường lớp và văn bằng bị thương mại hóa…

Tòa nhà nghị viện: “bảo tàng sống” xưa và nay

Lần đầu tiên dạo chơi ở Edinburgh (Anh Quốc), tôi không khỏi bị mê hoặc bởi thành phố cổ trên đồi cao với nhiều lâu đài, phố xá đầy vẻ huyền bí trong tiếng kèn hơi trầm mặc văng vẳng. Bộ phim Harry Potter làm giới trẻ say đắm với nhiều cảnh quay tại đây đã đem đến nguồn lợi du lịch lớn cho xứ sở Scotland. Song, hấp dẫn nhất với tôi lại là tòa nhà Parliament (nghị viện), một kiến trúc hiện đại của thế kỷ XXI, nằm trên một khu di tích khảo cổ vẫn đang được giữ gìn hoàn mỹ. Cả hai đều mở rộng cửa cho dân chúng và du khách vào xem miễn phí.

Leo lên chiếc xe bus hai tầng màu đỏ chót đỏm đáng, một trong những biểu tượng quen thuộc của “vương quốc sương mù”, chỉ khoảng 10 phút, đi từ trung tâm thành phố, du khách đến ngay địa chỉ trọng yếu này. Trước khi vào trong, hãy dành thời gian đi dạo một vòng không gian công viên bao gồm các thảm cỏ lớn, tề tựu quanh Parliament. Đối diện tòa nhà có lâu đài Queensberry của hoàng gia. Gần đấy có hai dãy phố cổ, trong đó nhiều căn được dùng làm các bảo tàng về lịch sử Edinburgh và cửa hàng lưu niệm.

Du khách vào xem hội trường tranh luận Nghị viện Scotland (Anh Quốc). Ảnh: Phúc Tiến


Toàn bộ không gian bên ngoài nghị viện toát lên vẻ thân thiện, mời gọi khám phá chứ không phải uy nghiêm, “kín cổng cao tường”. Nơi đây từng là khu vực Canongate, chính là trung tâm Edinburgh, hình thành từ đầu thế kỷ XII. Dưới lòng đất và trên mặt đất vẫn còn nhiều dấu tích thể hiện dòng chảy đời sống chính trị - kinh tế - xã hội sôi động. Ở một bức tường của tòa nhà nghị viện, người ta xếp những tảng đá đủ loại góp nhặt từ nhiều kiến trúc hình thành qua nhiều thế kỷ, như một tấm bia bất hủ vinh danh quá khứ và tổ tiên.

Bên trong tòa nhà có một gian lớn trưng bày các hình ảnh và hiện vật về lịch sử nghị trường của Scotland từ thế kỷ XIII đến nay. Hóa ra cùng thời với nhà Trần nước ta, họ đã có một “Diên Hồng” họp hành chuyên nghiệp. Khách còn được tự do đi lại, không cần người hướng dẫn, bấm thang máy lên tầng trên, vào thăm khán phòng của nghị viện, ghi rõ là Debating Chamber - Hội trường tranh luận. Các hàng ghế nghị viên xếp theo hình vòng cung nhiều tầng hướng về tâm điểm đặt bên dưới là chủ tọa đoàn. Người chủ tọa và người đăng đàn sẽ phải ngước nhìn lên các nghị viên chứ không phải ngược lại, xem ra các đại diện của dân mới là VIP.

Tôi bâng khuâng nhớ đến các tòa nhà quốc hội và hội đồng nhân dân ở xứ mình. Mong sao những ngôi nhà “của dân và do dân” có thêm những hoạt động văn hóa thiết thực, một trường lớp thực tế về sinh hoạt chính trị của quốc gia và các tỉnh, thành.

Tình cảnh "mùa thu báu vật"

Thủ đô Pháp, tuần lễ cuối tháng 9, mưa dầm dề, giá lạnh. Thời may, vào buổi ra mắt sách Du lịch Đông Dương xưa (*) chiều thứ Bảy 28.9 bỗng có được nắng hanh đẹp. Hơn 20 khách mời và thân hữu Việt - Pháp gặp nhau trong không gian salon nghệ thuật của chị Loan de Fontbrune - nhà sưu tập tranh luôn dành ưu ái cho tôi mỗi lần giới thiệu sách ở Paris. Tất cả hàn huyên vui vẻ, vừa là câu chuyện hoài niệm quê nhà, vừa là trao đổi ý tưởng văn hóa.

Ở đâu cũng thế, nhất là thế hệ cao tuổi đều đang âu lo về hiện trạng biến dạng và mất mát các di sản thiên nhiên, kiến trúc, văn hóa vì cơn lốc xây dựng bừa bãi và “kim ngân vô hồn”. Đáng mừng, Olympic vừa rồi ở Paris diễn ra rất ngoạn mục là dịp nước Pháp tổng kiểm kê, huy động và biểu dương toàn bộ vốn liếng di sản đồ sộ của mình. Qua đó thế giới thấy không riêng kinh tế hay thể thao mà các thành tựu lịch sử, nhân văn nếu biết giữ gìn, phát huy đúng cách thì càng làm nên kỳ tích và sức mạnh cho đất nước. 

Trong cuộc trao đổi, giáo sư Vũ Hoàng Dũng đặt một câu hỏi lớn không chỉ cho người giới thiệu sách mà còn cho người tham dự: “Phải chăng đã đến lúc yêu cầu nước Pháp hoàn trả những hiện vật Việt Nam đang trưng bày trong nhiều bảo tàng lớn nhỏ?”. Ông cụ gần 80 tuổi, sống hơn 60 năm ở Pháp cho rằng các loại di sản trong nước cần được gìn giữ tốt hơn, đồng thời không thể quên chúng ta còn có hàng loạt tranh tượng, đồ cổ, hiện vật - chứng tích lịch sử và văn hóa Việt Nam từ cổ xưa đến hiện đại, đã “lưu lạc” hải ngoại. Quả là câu hỏi hóc búa. 

Chủ biên (ngồi giữa) giao lưu với người tham dự buổi ra mắt sách "Du lịch Đông Dương xưa" tại Paris ngày 28.9.2024. Ảnh: CTV


Việc trả lại các hiện vật di sản cho các nước bị thất thoát vì nhiều lý do chính là lời kêu gọi của UNESCO từ lâu. Thỉnh thoảng chúng ta nghe một vài chính phủ nước lớn thực hiện nghĩa cử này. Năm 2022, FBI Mỹ hoàn trả 10 cổ vật trước và sau công nguyên, từ tang vật buôn lậu, cho Việt Nam. Năm 2023, cảnh sát Anh giao lại một tượng nữ thần Champa cho Bảo tàng Quốc gia Việt Nam. Còn với nước Pháp, tổng số cổ vật, hiện vật Việt Nam đang được lưu giữ ở các bảo tàng rất nhiều. Có lẽ cần một cuộc vận động lớn từ hai phía, trước nhất là khảo sát và đánh giá kho báu ấy. Kế đến sẽ phải có những cuộc đàm phán về pháp lý và nhiều vấn đề kỹ thuật như chi phí, chuyên chở. Thêm nữa, rất quan trọng là phải tính toán khả năng bảo quản và trưng bày, quảng bá ở Việt Nam khi các báu vật trở về...

Câu chuyện di sản còn được nối tiếp bởi ông Anthony Nahas, một chuyên gia tư vấn đầu tư đang xúc tiến dự án tôn tạo cảng Khánh Hội xưa của Sài Gòn thành một phức hợp văn hóa - lịch sử - du lịch. Ông mong muốn hai chính phủ cùng các doanh nghiệp sẽ đẩy nhanh tiến độ thực hiện những dự án kinh tế di sản như thế. 

Vâng, vai trò nhà nước là không thể thiếu và phải là người mở đầu trong các chủ trương bảo tồn, tái thiết. Quan trọng hơn cả là nuôi dưỡng tinh thần yêu quý di sản cho nhiều thế hệ. Đó cũng là việc tôn vinh lễ nghĩa của tiền nhân, chung sống với các giá trị hay đẹp và rất cần tiếp nối, lan tỏa ngay từ chính trường và nhà trường. Đi đâu, tôi cũng thấy nỗi âu lo và sự đồng thuận kể trên, có thể gọi là “giao tình di sản” - một trong những mạch nước ngầm lay động xuyên biên giới, là thế! 

Phúc Tiến

_________

(*) Sách của Trung tâm Lưu trữ Quốc gia 1 (Hà Nội) chủ trương và được chủ biên bởi Phúc Tiến, đã điểm sách trên Người Đô Thị số 147

bài viết liên quan
để lại bình luận của bạn
có thể bạn quan tâm

Đọc tin nhanh

*Chỉ được phép sử dụng thông tin từ website này khi có chấp thuận bằng văn bản của Người Đô Thị.