Ít ai ngờ kẻ tự nhận ham bạn bè, thích nhậu nhẹt đó lại là một vị giám đốc trẻ, chủ động và đầy bản lĩnh khi đặt bút ký, chịu trách nhiệm với các bản thảo gay go, các đầu sách lịch sử biển đảo đang rất dễ bị liệt vào diện nhạy cảm hiện nay.
Cuộc chuyện trò với ông Nguyễn Minh Nhựt, giám đốc nhà xuất bản Trẻ kéo dài trong một tiếng, trước giờ cơm trưa; thỉnh thoảng bị gián đoạn vì những cuộc gọi từ các “chiến hữu”...
Làm quản lý ở một nhà xuất bản, nơi có quyền sinh quyền sát đối với những bản thảo, có bao giờ ông nghĩ rằng, nhà xuất bản - nơi kiểm duyệt - thì thường sáng suốt hơn tác giả?
Ở đây tôi thấy có những góc nhìn hoàn toàn khác nhau. Với tác giả, vấn đề chính là viết. Anh ta viết như một nhu cầu tự thân; khi viết xong, việc đảm bảo các nhu cầu xã hội thì không phải là chuyện của anh ta nữa. Mỗi nhà xuất bản có những tôn chỉ mục đích riêng, nên có thể có chuyện tác phẩm không hạp với chỗ này nhưng hạp với chỗ khác. Một bản thảo bị từ chối không có nghĩa là nó dở, không đáng để đọc hay không đáng để phục vụ người đọc. Ngoài chuyện tôn chỉ mục đích ra, thì các nhà xuất bản cũng phải hướng đến những sản phẩm phù hợp với mục tiêu thị trường của mình.
Năm 2013 có bảy nhà xuất bản kêu cứu, với một thông điệp về nguyên nhân khá chung: Chúng tôi gặp khó bởi vì vừa phục vụ tôn chỉ mục đích, lại vừa chịu áp lực của thị trường kinh doanh đầy khắc nghiệt. Xin hỏi thẳng, với ông, để sống được trong tình thế “nhị nguyên nan giải” đó, ông chia tỷ lệ ra sao, tôn chỉ và thị trường, bên nào nặng hơn?
Rất khó có thể định lượng. Năm 2013 là một năm thực tế hết sức sinh động. Trên thị trường sách, đó là năm không có một cuốn sách dịch nào trở thành bestseller. Nhà xuất bản Trẻ đã dự cảm về xu hướng này bằng một loạt sách của tác giả trong nước. Chính điều đó giúp nhà xuất bản Trẻ ổn định và cân bằng mình. Ở đây có vấn đề bất biến, sách đáng để đọc thì người ta đọc. Trong thời điểm càng khó khăn, thì người ta sẽ càng phải chọn lựa cái đáng đọc nhất để mua. Cho nên nếu làm sách đáng đọc thì sẽ có độc giả. Nhưng không có nghĩa là chiều theo thị hiếu dễ dãi. Ví dụ, trước đây sách kiếm hiệp giả hiệu tràn lan, sách ngôn tình bán chạy vô cùng, nhưng chúng tôi quyết không làm, bởi vì bàn tới bàn lui, thấy không hạp. Chọn lựa giữa miếng cơm manh áo, kinh doanh thị trường với tôn chỉ mục đích, thì tôn chỉ mục đích quan trọng hơn. Nhưng nói “tôn chỉ mục đích” thì đừng hiểu thuần là chính trị. Tôn chỉ, với nhà xuất bản Trẻ, đó chính là phương châm “Nuôi dưỡng tâm hồn, khơi nguồn tri thức” mà chúng tôi theo đuổi. Chúng tôi ý thức chuyện làm sách, không phải là chuyện nhất thời. Giữa một thế giới mênh mông cá, một mình mình không thể bắt hết cá của thiên hạ. Quan trọng là phải xác định được ngư trường của mình, giữ cho được hai chữ đàng hoàng với tác giả, đối tác và người đọc.
Trong thời điểm làm ăn khó khăn và không khí quản lý sách vở còn chưa thực sự cởi mở nhưng nhà xuất bản Trẻ vẫn cấp phép, cho ra những đầu sách được coi là có tính “nhạy cảm” cao, như Tại sao các quốc gia thất bại (Daron Acemoglu và James A Robinson, do Nguyễn Thị Kim Chi, Hoàng Thạch Quân, Hoàng Ngọc Lan dịch, Vũ Thành Tự Anh hiệu đính), đặc biệt là tủ sách chủ quyền Hoàng Sa - Trường Sa... Phải chăng có sự chỉ đạo nào đó từ phía sau?
Mình không có được sự chỉ đạo nào cả. Riêng nhà xuất bản Trẻ nhận thức được rằng, nói một cách bất biến, với một tác phẩm đáng để đọc, thì mình cần mang đến cho độc giả. Mình chỉ tìm cách thực hiện chức năng mà xã hội giao cho một nhà xuất bản là làm bà đỡ cho tác phẩm; làm cầu nối để tác phẩm sớm đến với độc giả của nó. Về tủ sách biển đảo, tôi nghĩ nhà xuất bản Trẻ là một đơn vị gắn với thanh niên, nên một trong những chuyện mình phải kiên trì gắn với tôn chỉ mục đích, đó là cung cấp tri thức lịch sử một cách trung thực. Không phải tới bây giờ mới làm, những anh chị đi trước ở nhà xuất bản Trẻ cũng đã kiên trì với dòng sách này và mình chỉ là người tiếp nối trong một hoàn cảnh mới.
Nhưng có những vấn đề như giá sách cao quá so với thu nhập trung bình người dân, chuyện bất cập trong phát hành làm hạn chế độ phổ cập đại chúng, hạn chế tính hiệu quả của những đầu sách về chủ quyền trong thời điểm hiện nay?
Tôi thấy giá sách thì theo quy luật thị trường và mặt bằng giá chung. Mọi chi phí sản xuất, phát hành tăng làm giá tăng, và kinh doanh thì phải tính toán, không cách nào khác. Tuy nhiên, vấn đề lại nằm ở chỗ, có hai khái niệm: sở hữu sách và đọc sách. Sở hữu nghĩa là bỏ tiền mua sách về, còn đọc sách thì rộng hơn, nếu đọc là một khát khao trong quá trình tự hoàn thiện mình, thì không có cách nào cấm người ta đọc được hết. Bởi vì có một hệ thống thiết chế thư viện, cho thuê sách, không gian những kho sách trên mạng... để đảm bảo cho nhu cầu đọc. Nhưng nói gì thì nói, ở góc độ một nhà xuất bản, tôi thấy cần phải xem độc giả là trung tâm. Cho nên chúng tôi vẫn đang tìm kiếm những giải pháp để giải quyết vấn đề giá, ví dụ sản xuất ebook, dòng sách giá rẻ, dịch vụ in theo yêu cầu...
Ông nghĩ gì về tương lai sách giấy?
Ban đầu xuất hiện, sách điện tử có thể ảnh hưởng, hạn chế thị trường sách giấy, như tivi và radio. Nhưng về sau nó sẽ góp phần nâng cao chất lượng và hoàn thiện sách giấy. Như nhiều ngành khác, gia tốc ban đầu của phát triển sách điện tử là rất lớn, nhưng khi đến đỉnh thì chậm lại, cân bằng. Và thực tế đang chứng minh điều đó. Nên tôi có niềm tin là sách điện tử và sách giấy sẽ tồn tại song hành. Tôi đang nghiên cứu cho ra một sản phẩm con lai giữa sách điện tử và sách giấy qua sử dụng mã vạch hai chiều, có thể mở rộng biên độ không gian qua tương tác phương tiện trong việc đọc. Đây cũng là một cách thức để giải quyết vấn đề giá sách cho độc giả.
Giới làm sách tư nhân và các tác giả thường đùa với nhau rằng, để có thể “trôi” được một cuốn sách có vấn đề, thì phải “đi đêm” với nhà xuất bản, nơi kiểm duyệt và cấp phép. Thậm chí, cần phải nghiên cứu kỹ đời sống hoạt động tình dục và nhậu nhẹt, những biến động tâm sinh lý... của ông giám đốc nhà xuất bản để chọn điểm rơi bản thảo hiệu quả...
Tôi nghĩ do cách tiếp cận của mỗi người khác nhau. Với tôi, việc chung và việc riêng cần tách bạch. Ví dụ tôi thường đi nhậu với chủ một số đối tác, công ty sách tư nhân, nhưng tôi lại không quan hệ công việc với họ. Có lẽ trường hợp anh kể nó chỉ phù hợp với một vài đơn vị xuất bản, vài cá nhân cụ thể nào đó. Ở nhà xuất bản Trẻ chúng tôi tổ chức dòng sách theo mô hình chủ biên. Mỗi chủ biên nắm một lĩnh vực khá chắc và chịu trách nhiệm, phải trả giá cho sản phẩm của mình, thành ra không có chuyện...
|
... Là tôi chỉ nói chơi, nhưng ông lại giải thích hơi dài. Ông có nói tới sự trả giá. Ông có thường chuẩn bị cho sự trả giá không?
Tôi nghĩ ngược lại, nếu ám ảnh về sự trả giá, nghĩa là mình đã tự hạn chế mình. Vấn đề quan trọng hơn là chuyện mình làm có đúng hay không, sách mình làm có thông tin gì đáng để phục vụ người đọc của mình. Câu hỏi của người làm sách nằm ở chỗ, trả lời câu hỏi “cuốn sách mình làm ra có giá trị gì” phải quan trọng hơn là “làm ra nó sẽ phải chịu trả giá như thế nào”.
Nhưng trên thực tế có những câu chuyện sách có giá trị nhưng lại được đưa vào diện “chưa phải thời điểm thích hợp để công bố”?
Trong trường hợp đó, mình phải thành thật và rõ ràng với tác giả. Xin lỗi vì nhiều lý do, trong đó có lý do cá nhân, tôi chưa thể xuất bản bản thảo này, nhưng tôi rất tôn trọng bản thảo.
Từ quản lý hoạt động Đoàn chuyển sang làm quản lý xuất bản, chắc khó thuận tay. Việc ông hay la cà, nhậu nhẹt, đàn đúm trong giới xuất bản, báo chí có phải là có mục đích riêng?
Tôi xác định mình là người “tạt” vào ngành sách vì trước đó không có trang bị về chuyên môn, nên tôi cần học hỏi, tự đào tạo. Trong câu chuyện với những anh chị có kinh nghiệm lâu năm, từ giới báo chí, tác giả, anh em báo chí... trên bàn nhậu, tôi cũng tiếp thu được nhiều điều cho công việc của mình để bổ khuyết chuyên môn, hiểu biết. Còn việc quản lý ở nhà xuất bản thì tôi là người mê đọc; luôn giữ vai một người đọc, ý kiến như một người đọc và góp ý thành thật với các anh chị phụ trách lĩnh vực. Nếu anh thắc mắc sao tôi mê nhậu, thì xin nói rằng, với tôi ở thời điểm này, chuyện đi nhậu đôi khi là đi học. Nhậu có phương pháp hẳn hoi. La cà chứ không sa đà.
Nguyễn Tường thực hiện