Theo đánh giá, một số cấu kiện gỗ ở phần thượng gia là gỗ nhóm 3, nhóm 4 đã mục ruỗng, không thể tái sử dụng
Chọn năm 1991 làm mốc
Xây dựng từ thế kỷ 18, qua nhiều lần trùng tu lớn, nhỏ sau tác động của thời gian, thiên tai, cây cầu nói chung và phần mái nói riêng được lợp rất nhiều chất liệu, loại ngói, có thời điểm còn lợp bằng tranh.
Theo ông Võ Ngọc Thành, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng khu vực thị xã Hương Thủy – đơn vị chủ đầu tư, khi cầu ngói Thanh Toàn tiến hành trùng tu vào năm 1986 - thời điểm cầu ngói Thanh Toàn chưa được công nhận di tích quốc gia, kinh phí trùng tu chủ yếu là đóng góp từ bà con trong làng và những nhà hảo tâm - nên một số hạng mục được làm theo kiểu tận dụng và phần ngói cũng không ngoại lệ.
“Sau một thời gian, nước mưa thấm qua mái cùng tác động của thời tiết dẫn đến một số cấu kiện gỗ bị hư hại. Đến năm 1991, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế đã tài trợ ngói thanh lưu ly để thay thế toàn bộ phần mái. Tuy nhiên, do ngói thanh lưu ly cùng phần ngói liệt quyết bên dưới có kết cấu không đồng bộ nên vẫn bị mưa tạt vào các khe hở, dẫn tới một số đòn tay, xà gồ… bị hư mục”, ông Thành nói.
Cầu ngói Thanh Toàn được hạ giải, dự kiến thực hiện trùng tu trong thời gian 2 năm. Ảnh: Nhân Thành
Ông Phan Thanh Hải, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao cho biết, qua nghiên cứu, đánh giá, phần khung mái được thiết kế để lợp ngói thanh lưu ly là hiện trạng công trình có từ vài chục năm trước đến nay nên vẫn bảo tồn, cũng như ngói thanh lưu ly sẽ tiếp tục được sử dụng, bởi đây là loại ngói tráng men có chất lượng kỹ thuật, mỹ thuật tốt, phù hợp với công trình và đã được phê duyệt.
“Ngói thanh lưu ly có màu xanh lục, phù hợp với nét cổ kính của cây cầu và cảnh quan xung quanh. Tuy nhiên, do đơn vị chủ đầu tư chủ quan khi thiết kế hình ảnh đã dùng màu xanh lá cây thay vì màu xanh lục của ngói thanh lưu ly. Sở Văn hóa và Thể thao đã yêu cầu chủ đầu tư thay thế bằng một bảng giới thiệu thể hiện đúng màu sắc, trang trí của cầu ngói Thanh Toàn sau khi được trùng tu, như bản vẽ thiết kế được phê duyệt”, ông Hải nói.
Phối cảnh cầu ngói Thanh Toàn sau khi hoàn thiện đã được yêu cầu chỉnh sửa
Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Hoa, tư liệu về cầu ngói Thanh Toàn từ tranh vẽ cây cầu này vào thời vua Khải Định (1917) đăng trên “Những người bạn Cố đô Huế” (Bulletin des amis du vieux Hue - BAVH) và những bức ảnh cầu ngói Thanh Toàn vào thời vua Bảo Đại (1933) cơ bản giống nhau, trong đó, phần mái dùng ngói lưu ly (không tráng men và nhỏ hơn hiện tại) để lợp.
“Tiếp đó, ở giai đoạn 1945 đến nay, tài liệu cho thấy cầu ngói Thanh Toàn có thêm nhiều lần tu sửa, bắt đầu từ 1956 và gần đây nhất là 1991. Các lần tu sửa này gần như vẫn giữ nguyên hiện trạng kiến trúc của cây cầu, cũng như tạo dựng được tính “ổn định” trong tâm thức của mỗi người về cây cầu này”, ông Hoa nói.
Cầu ngói Thanh Toàn trước ngày hạ giải. Ảnh: CTV
Cũng theo nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Hoa, sau khi xây dựng vào năm 1776, từ thời điểm đó đến trước 1945, cầu ngói Thanh Toàn có rất nhiều lần tu sửa, đồng thời, kích thước, trang trí của cây cầu này có một số thay đổi so với nguyên gốc ban đầu. Nếu muốn tu sửa căn cứ theo một trong những thời điểm trên thì tư liệu hiện có chỉ có thể tu sửa cơ bản bộ khung bên ngoài, còn chi tiết bên trong cây cầu lại không có tư liệu.
Đó chính là lý do mà các đại biểu dự Hội thảo lấy ý kiến hoàn thiện hồ sơ dự án bảo tồn, tu bổ và tôn tạo di tích cầu ngói Thanh Toàn vào tháng 10/2019 thống nhất là căn cứ vào mốc năm 1991 để trùng tu cầu ngói Thanh Toàn.
Mái ngói nguyên vẹn tập hợp về một vị trí. Ảnh: Nhân Thành
Điều chỉnh sai sót ở lần tu sửa trước
Nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Hoa cho biết, bên cạnh một số chữ Hán thiếu hoặc thừa nét (do thợ đắp sai) thì thứ tự câu đối bằng chữ Hán ở đầu cầu đã bị đảo ngược (đọc từ trái qua thay vì đọc từ phải qua). “Sai sót này xuất hiện vào thời điểm dân làng trùng tu cầu ngói vào năm 1956. Để khắc phục, lần trùng tu này cần có chuyên gia Hán Nôm theo dõi để tránh lặp lại sai sót”, ông Hoa đề xuất.
Liên quan đến vấn đề này, theo ông Phan Thanh Hải, ở lần trùng tu năm 1986, có thể do hạn chế về kinh phí, chuyên môn nên cách thức gia công, hoa văn, họa tiết hay phần nề ngõa, khảm sành sứ không đúng tiêu chuẩn tôn tạo, phục hồi.
“Ngoài việc cố gắng giữ lại phần khung nề bờ nóc, bờ quyết, đồng thời điều chỉnh một số chi tiết đúng nguyên gốc thì phần nề ngõa cần phải chọn thợ giỏi, tay nghề đắp phải tương đương với thợ từng làm các công trình thuộc Quần thể di tích Cố đô Huế, chẳng hạn như Thái Bình Lâu”, ông Hải nói.
Các đơn vị đo đạc, đánh giá lại từng trụ cột. Ảnh: Nhân Thành
Bên cạnh giá trị văn hóa, lịch sử, cầu ngói Thanh Toàn còn có thêm “nhiệm vụ” đón nhận rất nhiều lượt người qua về trên cầu, nhất là trong các dịp lễ, tết, Festival… Do vậy, việc trùng tu phải hướng đến 2 mục tiêu: an toàn cho người qua lại trên cầu và tăng độ bền cho cầu ít nhất từ 30-40 năm.
Theo ông Hồ Hữu Hành, Giám đốc Công ty CP Tu bổ di tích Huế (Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế) - đại diện đơn vị thi công - lúc hạ giải cầu ngói, có những cấu kiện không phải là gỗ lim mà gỗ nhóm 3, nhóm 4 đã mục ruỗng và có những cấu kiện gỗ tiết diện không đảm bảo so với tiết diện gốc. Ngoài ra, mặt sàn bằng gỗ lim mỏng (2 phân) hay bị võng, nguy hiểm khi đông người qua lại trên cầu.
Việc hạ giải thực hiện từ trên xuống, bắt đầu từ mái ngói. Ảnh: Nhân Thành
Hệ thống các trụ cầu sẽ tháo dỡ sau cùng. Ảnh: Nhân Thành
Giải quyết vấn đề này, ngoài thay bằng ván gỗ lim dày 3 phân có khả năng chịu lực hơn, các cấu kiện gỗ không thể phục hồi, tái sử dụng cũng được thay thế bằng gỗ lim nhập từ Nam Phi. Ở phần hạ kiều, theo đánh giá của đơn vị thi công, số cột gỗ lim có đến 70% là cột kênh đang trong tình trạng rất tốt, không bị tiêu tâm nên có thể giữ nguyên.
Trong quá trình trùng tu, các cột gỗ, đòn tay… sẽ được sơn chống hà, mối, ẩm mốc để tăng tuổi thọ. “Bộ khung cầu ngói cơ bản sẽ hoàn thành trùng tu trước ngày 23/8 (nhằm ngày 14/8 âm lịch) – ngày giỗ của bà Trần Thị Đạo, người có công xây nên chiếc cầu này”, ông Hành nói.
Bài, ảnh: Hàn Đăng