UBND TP Hà Nội vừa báo cáo Thủ tướng quá trình nghiên cứu, thiết kế quy hoạch tổng thể mặt bằng và phương án thi công ga ngầm C9 (ga Hồ Gươm), thuộc dự án đầu tư xây dựng tuyến đường sắt đô thị số 2, đoạn Nam Thăng Long-Trần Hưng Đạo.
Vị trí và kiến trúc cửa lên xuống số 3 của ga ngầm C9 nằm sát hồ Gươm - Ảnh phối cảnh của Ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội (MRB).
Báo cáo của UBND TP Hà Nội nêu rõ Tuyến đường sắt đô thị số 2, đoạn Nam Thăng Long-Trần Hưng Đạo được kết nối với tuyến số 1 tại ga C8-Hàng Đậu và kết nối tuyến số 3 tại ga C10-Trần Hưng Đạo, khoảng cách giữa 2 ga này là 2,4 km nên ga ngầm C9 ở khoảng giữa (cách các ga kế tiếp khoảng 1,2 km) là rất cần thiết để đáp ứng yêu cầu kỹ thuật chạy tàu và nhu cầu tiếp cận hành khách khu vực trung tâm, đảm bảo an toàn vận hành khai thác theo tiêu chuẩn của đường sắt đô thị.
Cũng theo báo cáo, vị trí ga ngầm C9 về cơ bản đã được UBND TP Hà Nội phê duyệt từ năm 2008. Trong giai đoạn triển khai quy hoạch chi tiết, đơn vị tư vấn và các cơ quan liên quan đã nghiên cứu, xem xét nhiều phương án khác nhau thì phương án vị trí ga C9 đặt ngầm dưới đường Đinh Tiên Hoàng và một phần vào vườn hoa phía bờ Hồ Gươm (phía trước Tổng Công ty Điện lực TP Hà Nội) là phương án có nhiều ưu điểm hơn các phương án khác. Phương án này được đánh giá là tối ưu về kỹ thuật, hiệu quả kinh tế.
Ngoài ra, UBND TP Hà Nội cho rằng việc xây dựng ga ngầm C9 và tuyến hầm tại khu vực sẽ hỗ trợ người dân, du khách thuận tiện trong việc tiếp cận khu di tích. Đây là một sự chuyển đổi theo hướng phát triển với hình thức giao thông công cộng văn minh, hiện đại hơn góp phần giảm ách tắc, tai nạn giao thông, cải thiện môi trường, bảo vệ cảnh quan di tích, góp phần khai thác, quảng bá và phát huy giá trị của di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh Hồ Gươm.
Nhiều người dân đã có những góp ý về Quy hoạch tổng mặt bằng ga ngầm C9 thời gian qua.
Hà Nội cam kết bảo đảm giữ gìn nguyên vẹn, an toàn các công trình di tích lịch sử; bảo toàn giá trị vật thể, cảnh quan, môi trường của phố cổ, di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh Hồ Gươm, đền Ngọc Sơn.
Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường sắt đô thị số 2, sử dụng vốn vay ODA của Nhật Bản, được UBND TP phê duyệt năm 2008, đến nay, dự án đã kéo dài gần 11 năm.
Dự án có chiều dài 11,5 km trong đó có 2,6 km đi trên cao và 8,9 km đi ngầm, có 3 ga trên cao từ C1 đến C3 và 7 ga ngầm từ C4 đến C10. Hiện tất cả các hạng mục tuyến, Depot và các ga đã được phê duyệt quy hoạch tổng mặt bằng, riêng tổng mặt bằng ga ngầm C9 đặt tại khu vực Hồ Gươm (đặt ngầm dưới đường Đinh Tiên Hoàng và một phần diện tích vườn hoa cây xanh Bờ Hồ phía trước Tổng Công ty Điện lực thành phố Hà Nội) chưa được phê duyệt do chưa nhận được sự thống nhất của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về nội dung liên quan đến khu vực bảo vệ II của di tích Hồ Hoàn Kiếm theo quy định của Luật Di sản Văn hóa.
B.H.Thanh
>> Thảo luận Luật Kiến trúc, đại biểu lo Hồ Gươm biến thành sân ga
>> Ga ngầm ngay cạnh hồ Gươm: Bộ Văn hóa lại phải lên tiếng
>> Ban quản lý dự án đường sắt bác bỏ việc xâm phạm hồ Gươm
>> Dự án rào Hồ Gươm: “Cần có quy hoạch kiến trúc tổng thể khu vực Hồ Gươm”
>> GS.TS.KTS Hoàng Đạo Kính: Những gì đồ sộ không thuộc về Hồ Gươm
>> Hà Nội trưng bày ga tàu điện ngầm Hồ Gươm để lấy ý kiến người dân