Ảnh minh họa: TL
Tôi nghĩ về cậu bé bị người phụ nữ để trong giỏ xách mang đi nhấn nước. Cậu bé khóc tầm tã, cậu bé giãy giụa. Mọi người không làm gì hết và chỉ nhìn. Bạn rất bất bình cho thái độ của người chứng kiến. Bạn thấy hãi hùng. Những người chứng kiến không hãi hùng vì họ biết đó chỉ là một trò đùa của một người phụ nữ lí lắc trước một cậu bé phá phách.
Cậu bé vừa khóc vừa nói "tao méc ông cồ". Tôi hình dung ông cồ sẽ cười khi cậu nói "ông cồ ơi bà đó quăng con xuống sông". Ông cười vì ông cảm thấy đó không phải là sự thật. Ông cồ cũng giống như mọi người, đều biết là người phụ nữ kia không bao giờ quăng cháu mình xuống sông. Nhưng nỗi sợ của cậu bé là sự thật, căm giận là thật. Nếu bạn là đứa trẻ chưa biết bơi và bị nhét trong một cái giỏ xách rồi lắc lư trong giỏ xuống bến kèm theo câu nói "tao nhận nước mày", bạn sẽ cảm nhận thế nào?
Trong đầu bạn chưa có cái chết. Nhưng, bạn đang cảm thấy người ta làm cái việc bạn căm ghét. Dẫu cho bến sông có là nơi quá vui với bạn khi đi chung ông cồ, còn khi nằm trong cái giỏ của người bán cá thì nó là một cơn ác mộng. Bạn nhỏ không diễn tả được điều đó nên bạn cứ vừa diễn tả vừa khóc còn người lớn cứ cười. Mà dường như lúc này nỗi sợ không phải là bến sông. Nó nằm trong cái cảm giác không biết nói sao cho rõ và xung quanh không ai hiểu hết.
Như ngày tôi còn nhỏ ông chú thường dọa mổ bụng má. Ông chỉ dọa vì ông cưng tôi và thích nhìn cách tôi bênh vực má. Ông cưng nên ông giỡn. Nhưng nó đã biến tôi thành một đứa bé rất nhút nhát. Vì vốn dĩ tôi không diễn tả được cảm giác của mình, không diễn tả được những nguy hiểm đeo theo mình tới lớn để tôi trở thành một cô bé ôm nhiều cái sợ.
Không có khả năng diễn tả là một bi kịch. Không có khả năng đọc được cảm nhận của người khác qua hành động và lời nói là một tiềm ẩn của bi kịch. Vì mọi sự xung đột đều có cảnh báo trước qua cư xử, lời nói ánh mắt…, tất cả đều rất rõ ràng. Nhưng nó sẽ trở nên tối nghĩa khi đối phương không nhạy cảm đón nhận hoặc đón nhận lệch lạc bởi cái màng chủ quan đánh lạc hướng.
Giống như ngày nọ tôi ghé nhà một người bạn, thấy người vợ anh liếc mắt giận dỗi với chồng và đóng cửa rầm rầm dù anh rất đàng hoàng. Tôi nhận ra thất thường nhưng tôi không xác định được nguyên nhân. Thì ra chị ghen. Thật là ngỡ ngàng. Nếu xét trong tất cả tôi và ông bạn vô tội. Vì vấn đề tôi đang bàn cãi là nói về tôn giáo, nói về thiện ác, nói chung giữa đám đông, không có một từ ngữ, một hành động nào bày tỏ lòng ngưỡng mộ riêng lẻ. Nhưng xét trong đúng hoàn cảnh tôi là thủ phạm. Tôi đã trò chuyện rất tâm đắc với chồng chị, cha chồng chị cùng những người bạn của họ. Dó là điều cấm kỵ vì chị không thể làm được điều đó lần nào.
Có khá nhiều người vợ không kiềm chế được cơn ghen khi chồng mình trò chuyện tâm đắc với một người phụ nữ khác bất kể cô ta là ai và bất kể họ trò chuyện với nhau về đề tài gì. Họ cảm thấy như ngày thường mình là người trong cuộc và nay bị đẩy ra khỏi cuộc của những người mình yêu thương duy nhất.
Chị không có khả năng giải bày mà cơn ghen là thứ không thể kìm nén được. Trong những hoàn cảnh như vậy tôi hay ngồi giải mã tình huống. Khi nhận ra được sự thật đằng sau mỗi buồn, vui, thương, ghét, tôi không còn gì phải giận hờn ai nữa. Ngôn ngữ, suy ngẫm của văn chương là liều thuốc. Chỉ có tìm hiểu tận tường kiểu văn chương mới giải mã được những góc khuất đầy ẩn ức của từng phận người, mới giúp con người nhìn những mảng đen cuộc sống không còn định kiến nữa.
Với tôi, văn chương không phải để lừa dối, văn chương là một cách tốt nhất để diễn đạt những gì phức tạp nhất trong cuộc sống vô thường muôn hình vạn trạng và vốn dĩ chưa bao giờ dừng cuộc biến thiên.
Võ Diệu Thanh