Điều 70 của dự thảo Luật Đất đai quy định một trong 4 trường hợp nhà nước thu hồi đất là thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng.
Tham luận tại tọa đàm “Góp ý hoàn thiện các vấn đề về nông nghiệp trong dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi)” ngày 4.10, PGS-TS Nguyễn Quang Tuyến, Phó chủ tịch Hội đồng trường, Đại học Luật Hà Nội, cho rằng thực tiễn thi hành Luật Đất đai năm 2013 cho thấy thu hồi đất vì mục đích công cộng không tạo ra sự chênh lệch về địa tô khi thay đổi mục đích sử dụng đất.
Ví dụ như thu hồi đất để xây dựng cầu, xây dựng đường giao thông, xây dựng công viên, nơi vui chơi giải trí công cộng, chợ, trường học…
Ngoài ra, thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng như thu hồi đất nông nghiệp để xây dựng khu đô thị mới, khu dân cư nông thôn mới… tạo ra sự chênh lệch về địa tô do sự thay đổi mục đích sử dụng đất từ đất nông nghiệp sang đất ở hoặc đất phi nông nghiệp.
Tọa đàm “Góp ý hoàn thiện các vấn đề về nông nghiệp trong dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi)”
Trường hợp thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng làm phát sinh chênh lệch về địa tô do sự thay đổi mục đích sử dụng đất thường phát sinh khiếu kiện, tranh chấp về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư kéo dài do người bị thu hồi đất không đồng thuận với phương án bồi thường, hỗ trợ tái định cư.
“Họ cho rằng giá bồi thường, hỗ trợ, tái định cư thấp hơn giá đất thực tế trên thị trường. Mặt khác, việc thu hồi đất trong trường hợp này tiềm ẩn nguy cơ tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm do doanh nghiệp, chủ đầu tư muốn được nhận đất để thực hiện các dự án nhằm hưởng sự chênh lệch về địa tô do việc thay đổi mục đích tạo ra (chuyển từ đất nông nghiệp sang sử dụng vào các mục đích khác)”, ông Tuyến nói.
Do đó, ông Tuyến đề nghị giải thích chính thức khái niệm “thu hồi đất phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng. Lý do là khoản 35 của điều 3 dự thảo Luật Đất đai mới chỉ giải thích về khái niệm nhà nước thu hồi đất nói chung mà không đưa ra giải thích chính thức về trường hợp nhà nước thu hồi đất phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng.
Vì vậy, trên thực tế có sự hiểu không thống nhất về khái niệm này giữa các địa phương hoặc giữa các cán bộ, công chức nhà nước làm nhiệm vụ quản lý đất đai.
“Điều này dẫn đến việc áp dụng tùy tiện, thiếu thống nhất quy định này và tiềm ẩn sự lạm dụng để thu hồi đất nói chung và thu hồi đất nông nghiệp nói riêng; lợi ích nhóm, tham nhũng, tiêu cực do sự không minh định, thiếu rõ ràng về nội hàm của khái niệm nhà nước thu hồi đất phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng”, ông Tuyến nói.
Cũng theo ông Tuyến, dự thảo Luật Đất đai cần bổ sung quy định về các tiêu chí để xác định rõ ràng, cụ thể nhà nước thu hồi đất phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng nhằm tránh việc lợi dụng, tùy tiện thu hồi đất nông nghiệp tràn lan, kém hiệu quả làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp.
PGS-TS Nguyễn Quang Tuyến, Phó chủ tịch Hội đồng trường, Đại học Luật Hà Nội phát biểu.
Luật sư Phan Trung Hiền, Trưởng khoa Luật, Đại học Cần Thơ cũng cho rằng chưa có định nghĩa rõ ràng và bao quát về khái niệm “thu hồi đất nhằm phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng”.
Đồng thời pháp luật hiện hành thiếu các quy định rõ ràng, đơn nghĩa, chính xác về phạm vi, điều kiện, tiêu chí cụ thể việc nhà nước thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng và dự thảo trình các cơ quan có thẩm quyền vào tháng 9.2022 cũng chưa khắc phục được nhược điểm này.
Cụ thể, các cụm từ trong điểm h khoản 2 điều 70 dự thảo như: “dự án khu đô thị khu nhà ở thương mại…” còn nhiều cách hiểu chưa thống nhất, dễ bị lạm dụng, vượt rào... Như vậy, yếu tố cần xác định “tiêu chí lợi nhuận” là một trong yếu tố tiên quyết để quyết định ranh giới, phạm vi thu hồi đất bắt buộc.
Ngoài ra, điểm c khoản 2 điều 70 dự thảo còn quy định: “Dự án tạo quỹ đất theo hướng tuyến giao thông để phát triển khu đô thị, nhà ở thương mại, khu công nghiệp; thương mại, dịch vụ để đấu giá quyền sử dụng đất” hàm chứa những yếu tố chưa xác định rõ như “nhà ở thương mại”, “thương mại, dịch vụ để đấu giá quyền sử dụng đất” còn nhiều ý kiến trái chiều.
Ông Hiền cho rằng việc bố trí đất cho các dự án “thương mại”, “dịch vụ” về bản chất không thuộc trường hợp “thu hồi đất vì mục đích phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng” mà cần được thực hiện thông qua cơ chế thỏa thuận với người sử dụng đất.
Vì vậy, nhà nước không nên đứng ra thu hồi đất cho các dự án này. Mặt khác, nếu không có những tiêu chí cụ thể, một số trường hợp thu hồi đất tại điều 70 dự thảo có dấu hiệu trái với khoản 3 điều 54 Hiến pháp năm 2013 về thu hồi đất để phát triển phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng.
TS Trương Quốc Cần, Viện Tư vấn phát triển kinh tế xã hội nông thôn và miền núi, CISDOMA, cho rằng quyền giám sát của công dân đã được quy định về mặt nguyên tắc nhưng chưa được thể hiện đầy đủ trong các tiến trình liên quan đến quản lý, sử dụng đất đai. Do đó, các quy định về quyền giám sát của công dân và cơ chế để đảm bảo sự giám sát của công dân cần được lồng ghép xuyên suốt và cụ thể hơn trong các tiến trình liên quan đến quản lý, sử dụng đất đai.
Cụ thể là trong cơ chế tham vấn, tiếp nhận, giải trình với các ý kiến đóng góp của người dân đối với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, cơ chế định giá đất, phương án thu hồi, đền bù, hỗ trợ khi nhà nước thu hồi đất.
Ông Cần đề xuất cần tăng cường vai trò giám sát của công dân trong các tiến trình rà soát đất đai. Đồng thời cần có quy định tăng thành phần các cơ quan chuyên môn, các tổ chức xã hội, nghề nghiệp không thuộc hệ thống chính quyền, và đặc biệt là vai trò vai trò giám sát, thẩm định của Quốc hội, HĐND các cấp cần được thể hiện rõ hơn trong các tiến trình này.
Ngoài ra, cần tăng cường vai trò giám sát của Quốc hội và hướng dẫn của các bộ ngành liên quan trong quá trình rà soát, thông tin đất đai.
Lam Thanh