Một loài cua chân dài mới – Tiwaripotamon bellum n.sp. Ng & Ngo, 2022, được mô tả bởi giáo sư Peter K.L.Ng, Đại học Quốc gia Sinh-ga-po và nhà nghiên cứu động vật Ngô Văn Trí, Viện Sinh học nhiệt đới thuộc Viện Hàn lâm khoa học và công nghệ Việt Nam.
Công trình được công bố trên Tạp chí Zootaxa cuối tháng 12.2022. Loài mới được đặt tên theo vẻ đẹp tuyệt vời bên ngoài của chúng như màu sắc mai và các chân bò dài miên man có màu tím đậm. Đôi càng màu đỏ tươi, mặt bụng có màu đỏ cam (ảnh).
Không giống với các loài cua thường thấy như cua Cà Mau (thuộc họ cua bùn) sống trong môi trường nước mặn lợ, cua đồng (thuộc họ cua đồng) sống trong môi trường nước ngọt, cua chân dài mới này sống hoàn toàn trên cạn, mai với các gai mai trên mép mai tiêu biến và có các chân bò dài gần gấp đôi chiều dài mai để sống và di chuyển trong hang, hốc đá vôi sâu thẳm.
Loài cua này chỉ xuất hiện vào lúc trời mưa to ở dãy núi đá vôi thuộc Khu Bảo tồn Thiên nhiên Ngọc Sơn – Ngổ Luông, tỉnh Hoà Bình.
Cua chân dài có màu sắc tươi đẹp nên được bắt để buôn bán, nuôi làm cảnh và làm thức ăn đối với người dân địa phương nên quần thể cua thiên nhiên đang bị giảm sút và trở nên quý hiếm. Các nhà nghiên cứu đã liệt loài cua mới vào mức độ quần thể bị tổn thương theo các tiêu chí đánh giá của Cumberlidge và các đồng nghiệp (2009).
Tin và ảnh: Bích Ngân