Ảnh: TL
Khi “lệch chuẩn” trở thành… chuẩn
Dù muốn dù không, dù có ý thức về nó một cách rõ ràng hay không, con người khi sống trong xã hội luôn bị chi phối bởi các quan niệm về giá trị. Quan niệm về giá trị ấy làm cho con người biết rút ra các nhận xét có tính chất phê phán như tốt, xấu, đúng đắn, sai lầm, phù hợp hay không phù hợp… từ đó có hành động tương ứng trong cuộc sống hàng ngày.
Quan niệm về giá trị (giá trị quan) ấy cũng là thứ dẫn dắt và điều khiển con người nhìn nhận các hành vi, thái độ của các cá nhân khác trong xã hội cũng như toàn bộ sự vận hành của xã hội. Nói một cách đơn giản giá trị quan đó giống như một tiêu chuẩn để con người cân nhắc trước khi hành động.
Thông thường, những giá trị quan có tính chất bền vững thường là các giá trị quan có tính chất phổ quát. Những giá trị nhân văn của đời sống xã hội văn minh như yêu thương con người, yêu hòa bình, công lý…đã trở thành giá trị quan có tính chất phổ quát và trở thành thứ có tính chất chuẩn mực của thế giới văn minh.
Tuy nhiên, nhìn ra xung quanh và kiểm nghiệm lại các hiện tượng xã hội hiện tại, những người có lương tri sẽ không khỏi giật mình lo lắng. Hiện tượng “lệch chuẩn” hay nói đúng hơn là hiện tượng nhầm giá trị đang diễn ra phổ biến và ngày càng trầm trọng.
Đơn giản nhất có thể thấy hiện tượng những người chấp hành đúng luật giao thông khi dừng lại trước đèn đỏ lại có khi bị chê cười, thậm chí bị hành hung, chửi bới.
Hậu quả của sự lệch lạc về giá trị nói trên đã dẫn đến một hiện tượng xã hội có tính chất vô cùng nguy hiểm: “sự lệch chuẩn” trở thành “chuẩn”.
Nghĩa là, những giá trị lẽ ra phải bị phê phán, phải đặt trong sự cảnh giác tối đa của cá nhân và cộng đồng trong bước đường tiến tới kiến tạo cuộc sống văn minh thì giờ đây lại đang từng bước trở thành…chuẩn để tham chiếu thái độ, hành vi của các cá nhân trong xã hội.
Sự lệch chuẩn đó vì thế đã làm tha hóa con người. Sự tha hóa dưới cơ chế tác động tinh vi của các “giá trị lệch chuẩn” đã trở thành “chuẩn” ấy đã làm cho rất nhiều người không hề nhận ra mình đã hoặc đang tha hóa.
Thích nghi với môi trường hay cải tạo môi trường
“Cố gắng thích nghi. Rồi sẽ quen thôi” là lời tự nhủ và cũng là lời khuyên phổ biến của nhiều người dành cho ai đó mới gia nhập vào một môi trường mới hay đang cảm thấy bất ổn với môi trường mà mình đang sống. Đấy cũng là lời khuyên của những người “từng trải” đối với những người còn trẻ trước môi trường đang “bị ô nhiễm” hoặc đang đối mặt với nhiều vấn dề cần phải giải quyết.
Lời khuyên ấy là lời khuyên có lý vì để tồn tại các cá nhân sẽ phải thích ứng với môi trường của mình. Tuy nhiên, lâu nay, như một tư duy cố hữu chúng ta thường quan tâm tới sự hợp lý của lời khuyên đó hay rộng hơn là phương châm sống đó mà quên mất tính bất hợp lý của nó.
Khi cố gắng bằng mọi cách để thích nghi với môi trường, chúng ta sẽ phải “cải biến” bản thân cho phù hợp. Vì thế khi “môi trường xấu”, càng cải biến để thích nghi chúng ta sẽ càng…tha hóa.
Chẳng hạn như đã phân tích ở trên khi xã hội đang diễn ra ngày càng trầm trọng tình trạng “lệch chuẩn” với sự lên ngôi của các giá trị phi chuẩn mực mà các cá nhân sống trong xã hội đó lại tìm mọi cách để “thích nghi” thì thực chất sự thích nghi đó là quá trình vứt bỏ từ từ các giá trị chuẩn mực ở bản thân mình và thừa nhận các giá trị lệch lạc ở ngoài xã hội.
Cũng sẽ có người lựa chọn thái độ và cách thức hành động “nhị nguyên” theo kiểu thừa nhận các giá trị phi chuẩn mực trong không gian công cộng, cố gắng chấp nhận với nó để tồn tại và có được lợi ích cho mình nhưng phủ nhận nó hay cố gắng loại bỏ nó khi ở trong không gian riêng tư của bản thân như gia đình. Họ nghĩ rằng đây là cách tối ưu để vừa thích nghi, tồn tại được trong môi trường phi chuẩn mực vừa bảo vệ được gia đình mình khỏi tác động của những giá trị phi chuẩn mực đó.
Nhìn thoáng qua phương pháp ấy có vẻ hợp lý và hiệu quả nhưng suy ngẫm kĩ và nhìn vào thực tế thì sẽ thấy điều đó là không tưởng. Con người là một sinh vật có thế giới tâm hồn rất phức tạp và là một thành viên của xã hội. Vì thế, họ không thể thoát ra được khỏi cơ chế tác động của các giá trị lệch chuẩn lan tràn bên ngoài xã hội cho dù họ đã trở về không gian riêng của mình là gia đình.
Khi thỏa hiệp và chấp nhận các giá trị lệch chuẩn đó để tồn tại, họ sẽ bị tha hóa dần dần. Hơn nữa, cách thức sống “nhị nguyên” ấy sẽ gây ra khó khăn cho chính họ khi phải giáo dục con và hướng dẫn con trong quá trình hòa nhập vào xã hội. Họ sẽ lúng túng với bài toán muôn thủa: giải thích thế nào với con về những giá trị lệch chuẩn trong xã hội và khuyên con phải đối xử như thế nào với chúng?
Hồi quy về giáo dục
Vậy thì, làm thế nào để ứng phó với tình trạng lệch chuẩn nói trên trong xã hội? Làm thế nào để sắp xếp lại trật tự các giá trị trong xã hội, trả chúng về đúng vị trí? Từng người ở các vị trí khác nhau sẽ có câu trả lời riêng. Ở vị trí của một người giáo viên, tôi tìm thấy câu trả lời cho những câu hỏi đó trong giáo dục.
Giáo dục có tác động lớn tới sự trưởng thành của con người cả về thể chất lẫn tinh thần. Đấy là một sự thật ít người phản đối. Vì vậy, để “lập lại trật tự” các giá trị trong xã hội, giáo dục cần phải được cải cách để tạo ra những người công dân biết nhận chân giá trị và biết hành động để “cải tạo môi trường” thay vì chỉ biết “thích ứng với môi trường”.
Lâu nay, như một tư duy lối mòn, mỗi khi bàn về chuyện giáo dục tham gia vào việc cải tạo xã hội và làm thay đổi các giá trị xã hội, người ta chỉ thường đề cập đến mỗi việc là tăng cường giáo dục các giá trị nhân văn trong chương trình giáo dục trường học. Chính vì thế mà khi phê phán giáo dục hiện tại người ta hay nói nền giáo dục ấy đã “coi trọng dạy chữ hơn dạy người”. Tuy nhiên, để tạo ra những con người biết nhận chân giá trị và có tư duy, khả năng cải tạo xã hội việc chỉ chú trọng vào nội dung giáo dục sẽ không hiệu quả.
Cách thức đánh giá trong giáo dục truyền thống từ trước đến nay chủ yếu là đánh giá về khả năng lĩnh hội các tri thức giáo khoa trong trường học của học sinh. Tất cả thời gian, sức lực của giáo viên và học sinh dồn vào việc học và thi các môn giáo khoa đó. Hệ quả là tuy mục tiêu giáo dục được đề ra là tạo nên những con người “phát triển toàn diện” nhưng trên thực tế, giáo dục trường học chỉ coi trọng các môn giáo khoa và trong các môn giáo khoa lại chỉ coi trọng các môn phải thi cho nên mới có sự phân chia thành “môn chính” và “môn phụ”.
Sẽ có người bào chữa rằng vẫn sự phát triển toàn diện con người thông qua đánh giá được thực thực hiện bằng đánh giá hạnh kiểm. Đây là cách thức hợp lý ở bề ngoài nhưng bất ổn ở bên trong. Cách thức đánh giá này vừa làm tổn thương học sinh vừa ít có tác dụng tác động tới khả năng nhận biết và phê phán giá trị của học sinh. Trái lại, cách đánhg giá này còn kích thích tạo ra những con người có lối sống hai mặt đã phân tích ở trên. Cần phải tìm ra phương pháp đánh giá khác phù hợp hơn đảm bảo sự tôn trọng đối với học sinh và kích thích được sự tự giác ở từng cá nhân.
Giáo dục trường học cần chú trọng hơn tới “giáo dục đời sống” và đánh giá toàn diện học sinh trong toàn bộ đời sống trường học. Muốn thế, đời sống trường học phải trở thành đời sống xã hội để học sinh trải nghiệm và trưởng thành. Đây không phải là một thứ môi trường đời sống y hệt như môi trường xã hội bên ngoài mà là một thứ môi trường được sắp đặt có tính toán sư phạm để đạt được mục tiêu giáo dục.
Cuối cùng, trong giáo dục, ảnh hưởng của người giáo viên là vô cùng lớn đối với mỗi học sinh. Giáo dục sẽ không phát huy được tác dụng của mình nếu như chính bản thân từng người giáo viên không có sức hấp dẫn được tạo từ nội tâm và lẽ sống của mình. Hơn ai hết, giáo viên phải là người vững tin và các giá trị chuẩn mực, các giá trị phổ quát của đời sống xã hội văn minh và cố gắng làm cho xã hội tốt đẹp lên trong tư thế của người công dân hành động.
Một người thầy thờ ơ với hiện tại hay có lối sống “nhị nguyên” để có thể hưởng lợi ở cả hai không gian riêng tư và công cộng sẽ ít có khả năng tạo ra được những người công dân tốt cho xã hội tương lai.
Nguyễn Quốc Vương