Khi nhà không còn là nơi để ở

 22:05 | Chủ nhật, 24/11/2024  0
Căn nhà không chỉ là những kết cấu thô cứng mà còn mang đến những khía cạnh khác về mặt tinh thần. Nhà ở không chỉ hiện hữu về mặt vật lý mà còn hiện diện trong chính ký ức của mỗi chúng ta...

Sáng 24.11 tại Đường sách TP.HCM, buổi tọa đàm ra mắt sách Có ngôi nhà ở trong ta với chủ đề “Con người, ngôi nhà và thành phố” cùng tác giả - kiến trúc sư Bùi Thúc Đạt đã được diễn ra.

Câu chuyện của bất cứ ai

Ra mắt vào tháng 10.2023, Có ngôi nhà ở trong ta là tập tản văn kiến trúc đặc biệt của Bùi Thúc Đạt - một kiến trúc sư trẻ hiện đang sinh sống và làm việc tại TP. Hồ Chí Minh. Thoát khỏi những quan điểm học thuật khô cứng, cuốn sách nhỏ này có thể nói đã mang đến nhiều những góc nhìn mới lạ mà độc giả không thường nhìn thấy trong các cuộc bàn luận chuyên môn hay tài liệu chuyên ngành.

KTS Bùi Thúc Đạt (bìa phải) kỳ vọng ngành kiến trúc trong tương lai gần sẽ nhận được ngày càng nhiều hơn nữa sự quan tâm đến từ bất cứ ai, dẫu có “nghề” hay không có “nghề”. Ảnh: Phanbook


Chẳng hạn, tác giả Bùi Thúc Đạt cho thấy rằng nhà từ lâu đã không còn dừng ở chức năng ở, của một nơi trình bày quan niệm tiện nghi trong cách cấu trúc nội thất, ngoại thất, ánh sáng, màu sắc… mà còn là ký ức, là sự chuyển dịch thẩm mỹ, là di sản văn hóa phóng chiếu tâm thế sống của con người trong diễn trình lịch sử…

Với anh, căn nhà không chỉ là những kết cấu thô cứng mà còn mang đến những khía cạnh khác về mặt tinh thần. Anh khẳng định nhà ở không chỉ hiện hữu về mặt vật lý mà còn hiện diện trong chính ký ức của mỗi chúng ta. Anh kể lại trong một lần đi thực địa ở một vùng hẻo lánh của Lâm Đồng, thì bỗng cảm thấy có điều gì đó vô cùng quen thuộc để rồi nhận ra người dân nơi này cũng sử dụng rơm để đốt như chính nơi chốn mà mình lớn lên…

Vì vậy có thể nói rằng ngôi nhà có thể lưu dấu kí ức rất sâu mà mắt không thể nhìn thấy. Điều đó đúng như câu nói của triết gia Pháp Gaston Bachelard mà anh trích dẫn trong cuốn sách này: “Chữ “nhà” xuất hiện như một bản thể thân thiết của chúng ta... Ký ức và cả những điều mà ta đã quên, đều lưu lại nơi đó. Tâm hồn bên trong chúng ta cũng là một nơi chốn, và bằng cách hồi tưởng về những ngôi nhà, những căn phòng, chúng ta cũng đang bước đi trong tâm hồn của chính mình. Khi đó, mọi thứ trở nên rõ ràng, hình ảnh ngôi nhà hiện ra trong một thực tại song song, là ngôi nhà ta ở trong đó và ngôi nhà đó cũng ở trong ta”.

Từ đó tác giả cho rằng kiến trúc không phải lĩnh vực chỉ của những người có “nghề”, mà là câu chuyện của bất kỳ ai. Như anh dẫn chứng, kiến trúc sư vẽ ra và sáng tạo ra các công trình nhưng họ không sống ở đó, vì vậy chính những cư dân, những người sinh hoạt, gắn bó với nó… mới chiếm vị trí vô cùng quan trọng.

Anh cũng kỳ vọng ngành này trong tương lai gần sẽ nhận được ngày càng nhiều hơn nữa sự quan tâm đến từ bất cứ ai, dẫu có “nghề” hay không có “nghề”, vì kiến trúc là cuộc sống của chính chúng ta cũng như trong một cộng đồng có sự kết nối.

Bìa sách Có ngôi nhà ở trong ta do Phanbook và NXB Dân trí ấn hành. Ảnh: Phanbook


Về mặt cá nhân, nhà ở luôn gắn với ký ức riêng, nhưng với cộng đồng thì những hoài niệm này lại được hiện diện trong các di sản văn hóa. Trong khung cảnh kề bên buổi tọa đàm tại Đường sách là các công trình lịch sử lâu đời như Nhà thờ Đức Bà, Bưu điện Trung tâm thành phố... Bùi Thúc Đạt cho biết dù nói gì đi nữa thì cũng không thể phủ nhận chúng ta vẫn đang ngồi trong một khu vực di sản, nơi từng hàng cây hay từng công trình đều có những câu chuyện riêng, những bài học riêng...

Anh cho biết những công trình này chính là cách để ta nhìn lại lịch sử, và dù những gì gắn bó với nó như tiện nghi sống giờ đây không còn phù hợp, thì di sản vẫn là bài học quý giá mà tiền nhân đã trao truyền lại.

Mở rộng vấn đề anh cũng nói thêm dù có thể là một sản phẩm du lịch nhưng di sản vẫn phải có được một “nguồn lực” riêng để nó tồn tại, phát huy giá trị. Chẳng hạn, chúng ta không thể cứ bắt Nhà thờ Đức Bà mãi rêu phong và dùng làm nơi check-in để thu hút khách du lịch, mà nó cũng cần phải được trùng tu, tôn tạo từ đó phát huy đúng giá trị của mình...

Công nghệ và sáng tạo

Là người vừa viết sách vừa sáng tạo nội dung số, kiến trúc sư Bùi Thúc Đạt cũng dành nhiều thời lượng tại buổi tọa đàm để nói về ảnh hưởng và rủi ro của công nghệ trong sáng tạo. Anh cho biết việc làm podcast trong thời gian qua đã giúp bản thân có thể kết nối được với mọi người, rằng cho anh biết mình đang nói chuyện cùng với ai…

Đây cũng là lẽ dĩ nhiên bởi trước khi có chữ viết thì con người đã giao tiếp với nhau bởi hình thức truyền miệng. Nhưng việc in sách cũng có vai trò đặc biệt quan trọng vì khi đọc sách, độc giả sẽ chủ động hơn trong hành vi của mình, từ đó có thể mở rộng biên độ tìm hiểu, chạm đến những điều mà mình quan tâm.

Ngoài ra kiến trúc tuy thường gắn liền với hình ảnh nhưng thật ra con người có thể tương tác với nó qua nhiều khía cạnh. Anh cho biết một công trình kiến trúc không phải là thứ bất động, luôn luôn đứng yên, vì vậy mà một tấm ảnh được ghi lại qua con mắt của nhiếp ảnh gia thường chỉ có tính một chiều. Ở đó người ta không cảm nhận được âm thanh, nhiệt độ... do đó có rất nhiều thứ mà hình ảnh không thể truyền tải, thế nhưng chữ viết lại có khả năng. Nhiều khi hình ảnh càng rõ ràng thì lại càng thiếu, trong khi những con chữ đơn giản vẫn có thể chạm vào cảm xúc người xem.

Tác giả Bùi Thúc Đạt ký tặng độc giả. Ảnh: Phanbook


Không chỉ nói về khía cạnh hình ảnh, anh cũng mở rộng đề tài qua sự can dự của trí tuệ nhân tạo (AI) của các công cụ ngày càng hiện đại vào ngành kiến trúc. Anh diễn giải mạng xã hội chắc chắn sẽ có tác động đến thế giới hiện hữu, nhưng có cả điểm tích cực cũng như tiêu cực. Điểm tốt là nó cho ta biết những kiến thức mới, những nơi xa xôi; nhưng bất cứ phương tiện nào cũng có hạn chế nếu như ta coi những gì xuất hiện trên màn hình là hình ảnh duy nhất về điều gì đó…

Điều này cũng còn đến từ các công cụ hỗ trợ các kiến trúc sư hay người sáng tạo thiết kế công trình. Tác giả nhận định chính việc can thiệp quá sâu của công nghệ và máy tính đã khiến cho không ít người quên đi quyền lực của con mắt và sự căn ke thực tế.

Anh chia sẻ nếu như ngày xưa các kiến trúc sư và thợ thi công thường làm việc trực tiếp trên thực địa, họ cầm trên tay những bản vẽ được cân nhắc kỹ, họ đặt chúng đúng vị trí để rồi tinh chỉnh… thì ngày nay máy tính với các công cụ zoom in, zoom out đã khiến hình dung về mặt tỉ lệ của người thiết kế sai khác. Điều này còn chưa nói đến việc thiếu giao tiếp trực tiếp có thể khiến cho những công trình này không được hoàn hảo đúng như nó phải như thế.

Trước câu hỏi của độc giả rằng anh có e ngại AI sẽ thay thế những kiến trúc sư không, Bùi Thúc Đạt cho biết công nghệ không thể thay thế con người mà thay vào đó nó có khả năng làm đổi thay những ngành nghề cụ thể. Anh dẫn chứng nếu 50, 60 năm trước một văn phòng kiến trúc sẽ có hình dáng như một xưởng vẽ, thì ngày nay, những công việc này đã được giao cho máy tính dưới sự kiểm soát của con người, đổi lại họ dành thời gian nói trên cho những công trình lớn hơn và phức tạp hơn nhiều phần.

Dù nói gì đi nữa, sáng tạo vẫn là một điểm rất riêng của chính con người.

Bùi Thúc Đạt được biết đến với vai trò hiệu đính sách kiến trúc, là tác giả của nhiều bài báo có giá trị về thực tế và xu hướng kiến trúc đăng trên Tạp chí Kiến trúc Nhà đẹp. Khác với hình ảnh motif kiến trúc sư thường thấy khi chỉ ẩn hiện dưới những bản vẽ, anh còn là người xây dựng kênh Giả thuyết kiến trúc nổi tiếng trên nền tảng Spotify và YouTube với những chương trình trò chuyện nhận được sự quan tâm lớn của giới trẻ yêu, học kiến trúc nói riêng và thính giả quan tâm kiến trúc nói chung.

Minh Anh

bài viết liên quan
để lại bình luận của bạn
có thể bạn quan tâm

Đọc tin nhanh

*Chỉ được phép sử dụng thông tin từ website này khi có chấp thuận bằng văn bản của Người Đô Thị.