Kình ngư Nguyễn Ánh Viên: Báu vật của tương lai

 06:02 | Thứ tư, 09/07/2014  0

Huấn luyện viên Đặng Anh Tuấn bất ngờ mắng cô học trò nhỏ ngay sau khi cô giành trọn hai huy chương vàng đầu tiên, đồng thời xô ngã một kỷ lục của SEA Games, khiến nhiều người ngạc nhiên. Nhưng, chính Ánh Viên sau đó thừa nhận: “Chỉ số thành tích của tôi kém hơn, không được như trong lúc tập luyện. Thầy mắng là đúng rồi”. Thì ra là vậy. Vấn đề là nhiều người chưa quen khi chứng kiến hình ảnh vận động viên đoạt huy chương vàng mà vẫn bị huấn luyện viên phàn nàn. Tuy thế, trong trường hợp của Ánh Viên, hành xử của ông Tuấn là có lý do.

Thứ nhất, “ao làng” SEA Games chỉ được coi như một bài kiểm tra đối với cô gái 17 tuổi đang tiến những bước chắc chắn trong sự nghiệp bơi lội. Đoạt huy chương vàng nhưng Ánh Viên chưa đạt điểm ưu, vì nói như huấn luyện viên Đặng Anh Tuấn, muốn cô tiến xa hơn nữa, làm rạng danh bơi lội nói riêng và thể thao Việt Nam nói chung, thì phải nghiêm túc đến cùng.

Thứ nữa, nếu tung hô, tô hồng quá sớm chiến tích ở SEA Games, sẽ có lúc cô gái này không kiểm soát được cảm xúc, dễ rơi vào trạng thái của một… siêu sao. Đấy là căn bệnh vô cùng nguy hiểm, từng giết chết không ít những tên tuổi lớn trong làng thể thao Việt Nam.

Huấn luyện viên Đặng Anh Tuấn đã kéo cô học trò trở về mặt đất, rằng tương lai vẫn còn ở phía trước, rằng nếu không tự răn đe mình tránh khỏi những cám dỗ ngọt ngào, Ánh Viên sẽ chẳng còn được coi như “báu vật” của bơi lội Việt Nam. Sau hai tấm huy chương vàng, Ánh Viên liên tiếp… thất bại ở các cự ly bơi tự do và thua cả ở cự ly sở trường là bơi ngửa, trước một ngôi sao thực sự ở Đông Nam Á - kình ngư Li Tao của Singapore. Cô gái vàng của bơi lội Singapore là cái tên đáng nể, không chỉ ở làng bơi khu vực, mà trên khắp thế giới. Li Tao từng đoạt huy chương bạc Olympic, thì đương nhiên Ánh Viên của Việt Nam chẳng là gì nếu so đọ về danh tiếng. Thua trước một kình ngư giỏi thực sự sẽ là động lực để cô trung uý quân đội ấy vươn lên, chứ không phải là điều tủi hổ. Thành ra, nhiều người vẫn nói ban huấn luyện không nên khiếu nại để đòi tấm huy chương vàng cự ly 100m bơi ngửa của Li Tao để trao cho Ánh Viên. Bản thân cô gái thật thà đất miền Tây cũng không muốn, mà muốn chiến thắng thực sự, dựa trên năng lực của mình ở đường đua xanh. Đó còn là vì danh dự nữa. Thời gian vẫn sẽ dành cho Ánh Viên những cơ hội để trả món nợ này trước Li Tao, nếu trong cô luôn tồn tại một ý chí vươn lên mạnh mẽ…

Nguyễn Thị Ánh Viên sinh ra không phải dành riêng cho đấu trường SEA Games. Lúc 15 tuổi, cô đã khiến giới chuyên môn phải ngỡ ngàng khi tranh chấp thành tích ngang ngửa với các kình ngư hàng đầu khu vực. Đấu trường Đông Nam Á chỉ được tính là bước đệm để Ánh Viên bay cao, vươn xa hơn nữa.

18 tuổi, cô gái miền sông nước Cần Thơ đã sở hữu một bộ sưu tập đáng nể ở mọi đấu trường, từng dự giải vô địch thế giới và Olympic nhờ vượt qua chuẩn B. Rất rõ ràng, đấy mới là những nơi để Ánh Viên phô diễn tài năng, khiến bơi lội nước nhà mát mặt trước bạn bè. Sau sự xuất hiện đáng kinh ngạc của các đàn anh Trần Xuân Hiền, Nguyễn Hữu Việt và mới đây là Hoàng Quý Phước, thì Ánh Viên đích thị là một tài năng xuất chúng, hiếm có của bơi lội Việt Nam. Tương lai vì thế sẽ sán lạn hơn…

Trước đây, cũng chưa xa lắm, thể thao Việt Nam phát triển theo dạng… đồ thị hình sin, lúc thăng khi trầm, trải qua đủ cung bậc cảm xúc ngọt ngào lẫn đắng cay. Có những lúc, tưởng chừng đã “hoá rồng”, nhưng rồi sau cuộc bể dâu, người làm thể thao Việt Nam lại chợt giật mình nhận ra tất cả chỉ là ngộ nhận, chưa có gì thể hiện tính bền vững và tiến bộ thực sự.
Ồ ạt đưa vận động viên đến ASIAN Games, đến Olympic để mưu cầu danh tiếng, tiếc là nhân tài của thể thao Việt Nam nhiều nhưng không được chăm chút chuyên biệt, dàn trải quá nhiều sức lực cho mọi đấu trường, nhỏ thì SEA Games, vô địch khu vực, còn lớn là châu Á, thế giới. Chính vì nguồn sức mạnh không tập trung, nên thành tích cũng theo đó dừng ở mức cố bám đuổi cho kịp bạn bè, còn để vươn cao và tiến xa thì khó quá.

Giờ đây, những cá nhân kiệt xuất như Nguyễn Thị Ánh Viên, Hoàng Quý Phước (bơi lội), Quách Thị Lan, Nguyễn Thị Oanh (điền kinh), Lý Hoàng Nam (quần vợt)… xuất hiện và bắt đầu được chăm chút đầu tư ở các trung tâm Huấn luyện thể thao quốc gia hàng đầu (Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng và Cần Thơ), cho đi tu nghiệp dài hạn ở những cường quốc thể thao trên thế giới, thể thao Việt Nam mới mong có ngày nở mày, nở mặt…

Vĩ Thanh

bài viết liên quan
TAGS
để lại bình luận của bạn
có thể bạn quan tâm

Đọc tin nhanh

*Chỉ được phép sử dụng thông tin từ website này khi có chấp thuận bằng văn bản của Người Đô Thị.