Lạc giữa Sài Gòn những ngày giáp Tết

 22:22 | Thứ tư, 07/02/2024  0
Khó khăn tiếp tục bủa vây nên ai nấy đều ngán - ngại Tết. Vậy mà những ngày cận Tết, sức mua bất ngờ… ấm lại.

Dạo một vòng phố xá, không khí tiễn đưa năm cũ, chuẩn bị chào đón năm mới có phần rộn ràng hơn. Sắc màu điểm trang Tết lại có vẻ “nét” hơn những năm trước. Nhìn từ những đường hoa, hội hoa xuân thì thấy.

Trong khi dân tình bận bình chọn “nam vương rồng” từ khắp các tỉnh thành thì rồng thành phố, khoan nói sắc diện đã ẳm giải “đệ nhất long trường”, dài đến 120m chứ giỡn. Đầu rồng hướng về sông Sài Gòn - tựa như một đại minh đường, cũng là tiền án hầu một phần chắn luồng uế khí, một phần để tàng cát phong (giữ gió tốt) cho cuộc đất Gia Định - xưa, TP.HCM nay vậy. Là vẽ vời “phong thủy” cho ra dzẻ zậy thôi chứ mưu sự tại nhân cả, là nết ăn ở đó đa.

Cặp linh vật rồng ở đầu đường Nguyễn Huệ. Nguồn: Báo Người Lao Động


Qua Tao Đàn, khu vườn này không chờ có hội hoa xuân cũng đã đẹp, đi xuyên qua nó một đoạn thôi (đường Trương Định), cảm giác ai nấy đều lặng thinh để ngước nhìn khoảng trời-lá và nhẹ cúi đầu ngang khu mộ cổ. Giờ thì cũng rồng chầu tả hữu, mà rồng ở đây cũng “biết điều” mà hòa mình vào màu xanh của cây lá, thật dễ chịu.

Thay vì đi quận 7, nhà giàu, có tiền dễ sắm sửa tôi rẽ qua quận 8, lần đầu tiên thả bộ từ cầu Chà Và qua tới bến Bình Đông. Mà không đi bộ không được, xe 4 bánh bị chặn qua cầu, bắt xe ôm thì quá gần, lại tầm này ai chịu đi cho. Men theo lối cầu đi bộ, sạch rác nhưng ám mùi, con đường Bình Đông đông đúc người và hoa. Hội xuân “Trên bến dưới thuyền” là đây, tôi xem hình mọi người chụp ban ngày thì “dưới thuyền” rất đẹp, còn đêm, chỉ “trên bến” là đèn giăng sáng rực, dưới thuyền tối om…

Không khí mua bán rộn ràng, là mua thiệt chứ không ghé hỏi chơi. Những 600 nhà vườn từ Bến Tre, Hậu Giang, Vĩnh Long, Đồng Tháp… tụ về, không xôm tụ sao được. Nhưng, trong cái ồn ào, náo nhiệt ấy, chỉ khi bước qua những dãy nhà kho cổ, những hiệu thuốc xưa còn sót lại ở bên kia đường, nó như lạc lõng giữa thời cuộc song lại là một phần đang lưu giữ cái hồn vía của một cung đường huyết mạch cho thương mại miền Tây - Chợ Lớn - Sài Gòn từ mấy trăm năm trước. Không dưng, xúc động ngang hông.

Những chiếc ghe chở hoa trên kênh Tàu Hủ. Nguồn: Báo Thanh Niên


Nhiều lần đi về trên đại lộ Đông Tây - là khu Bình Tây, ngó qua bờ là Bình Đông, xen giữa cái đã mất là còn, cái thay thế thì có cái đẹp hơn, có cái lộn xộn, chưa kể cái cống Phú Định để ngăn ngập triều triển khai từ 8 năm trước, cũng hoàn thành tới hơn 90% nhưng khi nào 100% thì chưa biết.

Trong khi từ hơn 200 năm trước, khi rạch Chợ Lớn còn cạn hẹp, năm Gia Long 18 (Kỷ Mão 1819) đã hạ lệnh đào kinh Tàu Hủ, huy động 11.460 nhân công, hoàn thành con kinh dài 5.472m, rộng 36,9m, sâu 17,28m trong vòng đúng 3 tháng.

Từ năm 2023, TP.HCM đặc biệt “xung kích” vào hạ tầng giao thông đường bộ, có tính toán kết nối với giao thông thủy nên hẳn “Trên bến dưới thuyền” không chỉ là một hoạt cảnh ngày xuân, không hẳn chỉ là yếu tố phục dựng cho một hai tour du lịch mà phải tái - tạo dựng trên nền tảng huyết mạch vốn có và khơi thông từ đó bằng quyết tâm đủ mạnh, kế hoạch đủ vốn và nhân lực khả khi, nhất là một cơ chế có tính dẫn dắt cụ thể, không vừa làm vừa… sợ hãi!

* * *

Gần 8g tối, lội bộ từ đầu đường Bình Đông đến khúc giữa thì bị chặn lại. Mấy anh grab ôm đang như mếu vì địa chỉ ship nằm trong khu đang tổ chức văn nghệ. Nhiều người trở ra, lách vô mấy con hẻm, tôi bèn đi theo. Ngoằn ngoèo, chỉ đủ cho 1 người và 1 chiếc xe máy né nhau. Nhà nhỏ, sát lối đi, nhà ở ngay cạnh cái miếu, có chỗ thì ba, bốn nhà ôm lấy 1 khoảnh sân be bé, nó giống kiểu nhà nhiều gian hơn là mỗi hộ. Bất chợt rùng mình nghĩ tới những ngày hoạn nạn Covid…

Những chậu hoa vạn thọ được bày bán ở bến Bình Đông. Nguồn: Vnexpress


Cuối cùng, tôi cũng ra lại được đường lớn, là Tùng Thiện Vương, giờ mới đàng hoàng bước vô cổng chính hội xuân Trên bến dưới thuyền. Từ xa đã nghe tiếng Cải lương chi bảo nhưng là ca tài tử, bản Bá Lý Hề, một lớp Tứ Đại Oán…

Người đổ về ngày một đông, không gian “Lò Gốm” hiện ra khá đẹp đi cùng những gian trưng bày hàng OCOP từ miền lục tỉnh. Cuộc trao đổi hàng hóa từ nông thôn ra đô thị ấy, không chỉ là sản vật; nó còn là bước tìm về với cái gốc quê nhà, thị dân nào không đi từ rơm rạ ấy mà ra, mà lớn lên. Lại đang là những ngày Tết…

Lê Huyền Ái Mỹ

bài viết liên quan
để lại bình luận của bạn
có thể bạn quan tâm
ngày tốt Danh mục hộp quà tặng doanh nghiệp cao cấp nhập khẩu

Đọc tin nhanh

*Chỉ được phép sử dụng thông tin từ website này khi có chấp thuận bằng văn bản của Người Đô Thị.