Cụ thể, mức lãi suất cho vay ưu đãi tại Ngân hàng Chính sách xã hội áp dụng đối với các khoản vay có dư nợ để mua, thuê mua nhà ở xã hội, xây dựng mới hoặc cải tạo sửa chữa nhà để ở theo quy định tại Điều 16 của Nghị định số 100/2015/NĐ-CP ngày 20.10.2015 của Chính phủ về phát triển và quản lý nhà ở xã hội, khoản 10 Điều 1 của Nghị định số 49/2021/NĐ-CP ngày 1.4.2021 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số Điều của Nghị định số 100/2015/NĐ-CP là 4,8%/năm.
Ngân hàng Chính sách xã hội chịu trách nhiệm toàn diện về các nội dung, số liệu báo cáo, đề xuất.
Quyết định này có hiệu lực thi hành từ ngày 10.5.2023 đến ngày 31.12.2024.
Ngày 3.4.2023, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà ký Quyết định 338/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án "Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021 - 2030".
Đề án đặt mục tiêu phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân có giá phù hợp với khả năng chi trả của hộ gia đình có thu nhập trung bình, thu nhập thấp khu vực đô thị và của công nhân, người lao động trong khu công nghiệp, khu chế xuất.
Nhà nước khuyến khích các thành phần kinh tế phát triển nhà ở để tạo điều kiện cho mọi người có chỗ ở theo cơ chế thị trường, đáp ứng mọi nhu cầu của người dân, đồng thời có chính sách để hỗ trợ về nhà ở cho các đối tượng chính sách xã hội, người có thu nhập thấp và người nghèo gặp khó khăn về nhà ở nhằm góp phần ổn định chính trị, bảo đảm an sinh xã hội và phát triển đô thị, nông thôn theo hướng văn minh, hiện đại.
Phấn đấu đến năm 2030, tổng số căn hộ các địa phương hoàn thành khoảng 1.062.200 căn. Trong đó, giai đoạn 2021 - 2025 hoàn thành khoảng 428.000 căn; giai đoạn 2025 - 2030 hoàn thành khoảng 634.200 căn.
VGP
Trước đó, vào trung tần tháng 3.2023, Tổng hội Xây dựng Việt Nam đã có công văn gửi Thủ tướng Chính phủ về việc đề xuất tháo gỡ các vướng mắc nhằm đẩy nhanh tiến độ triển khai NƠXH.
Tổng hội Xây dựng Việt Nam đề nghị điều chỉnh khoản 1, điều 81 dự thảo luật Nhà ở sửa đổi và khoản 1 điều 3, dự thảo Nghị quyết Quốc hội như sau: “Khi lập, phê duyệt quy hoạch tỉnh, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh bắt buộc bố trí đủ quỹ đất dành để phát triển nhà ở xã hội” bỏ nội dung “theo Chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở đã được phê duyệt” vì trái với nội dung điều 30 dự thảo luật.
Đề nghị rà soát và bổ sung nội dung về dành quỹ đất cho NƠXH trong sửa đổi luật Đất đai, luật Quy hoạch, luật Quy hoạch đô thị và luật Xây dựng. Ngoài ra, cần bổ sung một số điều vào luật Nhà ở sửa đổi để: (1) Xử lý chuyển tiếp đối với các dự án nhà ở thương mại, khu đô thị chưa hoàn thành trách nhiệm dành 20% quỹ đất cho NƠXH, (2) Kiểm soát việc chấp hành của địa phương khi phê duyệt quy hoạch trong việc đảm bảo quỹ đất cho NƠXH.
Toàn cảnh Hội thảo “Phát triển nhà ở xã hội – Góc nhìn doanh nghiệp”. Tham dự Hội thảo có khoảng 350 đại biểu dự trực tiếp và 45 đại biểu dự trực tuyến bao gồm đại diện các doanh nghiệp xây dựng khu vực phía Nam, các nhà khoa học, chuyên gia thuộc nhiều lĩnh vực... Ảnh: BTC
Theo Tổng hội, cần có quy định chính sách khuyến khích các doanh nghiệp áp dụng công nghệ xây dựng tiên tiến làm giảm giá thành NƠXH. Nhà nước mạnh dạn cấp các gói tín dụng với lãi suất thấp, khoảng từ 1- 2%/năm cho cả đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ NƠXH và các chủ đầu tư dự án NƠXH vay trực tiếp. Nhà nước hỗ trợ toàn bộ kinh phí đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật ngoài dự án và chi phí đền bù, giải phóng mặt bằng, đấu nối hạ tầng chung khu vực có dự án.
Tổng hội Xây dựng Việt Nam cũng kiến nghị Bộ Xây dựng cần xem xét hướng dẫn hoặc đề xuất Chính phủ ban hành quy định về thủ tục đầu tư, thủ tục hành chính đặc thù cho dự án phát triển NƠXH theo hướng đơn giản hóa thủ tục, rút ngắn thời gian quy trình, thủ tục đầu tư nhà ở xã hội, để tạo môi trường thông thoáng thu hút đầu tư tại các địa phương và để các nhà đầu tư mạnh dạn tham gia việc đầu tư tại các địa phương.
Cần rà soát và bổ sung nội dung liên quan đến NƠXH trong các luật có ảnh hưởng đến quá trình đầu tư NƠXH như luật đầu tư, luật đấu thầu, luật nhà ở, luật quy hoạch, luật quy hoạch đô thị và luật đất đai.
Ngoài ra, Tổng hội Xây dựng Việt Nam cũng đề xuất thành lập Ban chỉ đạo Quốc gia về phát triển NƠXH để có sự chỉ đạo thường xuyên, thống nhất từ Trung ương đến địa phương. Ban chỉ đạo chịu trách nhiệm tiếp nhận, quản lý và phân bổ các nguồn vốn hỗ trợ, hoàn chỉnh và trình ban hành hệ thống chính sách pháp luật cho việc phát triển NƠXH. Theo dõi, giám sát và đôn đốc các địa phương triển khai chương trình phát triển NƠXH.
BTV