Một số bạn có hỏi: “Vừa rồi, chúng em đọc một cuốn sách giới thiệu về hát Quan họ Bắc Ninh (một điệu dân ca trữ tình vùng Kinh Bắc mà Bắc Ninh là tiêu biểu) với 44 làng quan họ gốc.
Có bạn nói rằng "làng quan họ" ở đây là muốn chỉ một làng cụ thể ở nông thôn (như làng Đại Hoàng, làng Phú Thượng, làng Sen...). Nhưng có bạn lại nói "làng" này là một làng chung chung (như làng văn, làng báo, làng chèo,...). Chúng em tranh luận rất căng thẳng mà chẳng ai chịu ai, khó phân xử quá. Vậy, cụ thể "làng quan họ" là loại làng nào?”
Tranh luận "phân hoá" thành hai hướng của các bạn (về từ "làng") rõ ràng mỗi bên đều có cái lý của nó. Cũng bởi từ này có nguồn gốc, có lịch sử phát triển, có đời sống riêng trong quá trình biến chuyển ngữ nghĩa.
Cổng làng. Ảnh: TL
"Làng" là một khái niệm rất quen thuộc đối với người Việt. Từ xa xưa, "làng" được coi là một đơn vị cư dân nhỏ nhất ở nông thôn vùng đồng bằng và trung du (còn ở thượng du miền núi, đồng bào các dân tộc sẽ dùng "phum", "sóc", "bản", "mường"... để gọi). Đây là tổ chức cộng đồng đầu mối nối liền mỗi cá nhân với cộng đồng và từ cộng đồng "hạt nhân" này nối liền với cộng đồng cao nhất là chính thể quốc gia.
Mặc dù trong phân chia hành chính, Nhà nước quy định "thôn" mới là đơn vị phân chia nhỏ nhất theo thứ tự: thôn, xã, huyện (quận), tỉnh (thành phố), quốc gia. "Thôn" là khu vực dân cư ở nông thôn, gồm nhiều xóm và là một phần của làng hoặc xã (Hai thôn chung lại một làng/ Cớ sao bên ấy chẳng sang bên này - Nguyễn Bính).
Khi gửi thư từ, công văn, thông báo về quê, địa chỉ của mỗi cá nhân phải gắn với một thôn cụ thể. Ấy thế nhưng "làng" lại là một đơn vị cư trú mang tính cộng đồng phổ biến và thông dụng trong quan hệ xã hội, trong lao động sản xuất và đời sống văn hoá nói chung. Làng xóm hình thành từ rất sớm, từ thuở sơ khai, có thể là từ những người trong gia tộc cùng huyết thống hoặc từ cộng đồng cư dân tự phát, vì vậy mà cộng đồng này có những đặc thù riêng, gắn bó với nhau rất gần gũi.
Ta thường nghe nói tới các tổ hợp từ: đình làng, ao làng, giếng làng, hương ước làng, việc làng, lệ làng phép nước, trong xóm ngoài làng... Trong dân gian còn có những câu tục ngữ: Phép vua thua lệ làng (Phép tắc do nhà vua ban xuống nhiều khi lại không có hiệu lực bằng tục lệ do làng xóm định ra, vì uy quyền của vua tuy lớn nhưng lại quá xa, không phát huy tác dụng bằng uy quyền của làng dù nhỏ nhưng lại ảnh hưởng trực tiếp ngay mỗi nhà, mỗi người), Áo cứ tràng, làng cứ xã (Áo thì nên lấy tràng (vạt) làm căn cứ khi cắt may còn làng phải lấy xã trưởng (lí trưởng) làm chỗ dựa (trong giải quyết mọi việc), để khẳng định vai trò rất đặc biệt của "làng" trong đời sống vật chất và tinh thần người Việt.
Với ý nghĩ đó thì “làng quan họ gốc” (làng còn duy trì được các hình thức diễn xướng và hát quan họ theo phong cách riêng, truyền thống) như các bạn vừa nói chính là những làng cụ thể. Hiện nay, theo các nhà nghiên cứu, nước ta đang còn duy trì được 67 làng quan họ gốc (Bắc Ninh có 44, Bắc Giang có 23). Chẳng hạn, như các làng: Cổ Mễ, Phúc Sơn, Thanh Sơn, Viêm Xá, Hữu Chấp, Bồ Sơn, Thị Cầu, Đông Xá, Thọ Ninh… (Bắc Ninh); Trung Đông, Vân Cốc, Thổ Hà, Mật Ninh, Đình Cả... (Bắc Giang).
Nhưng cũng xuất phát từ ngữ nghĩa “làng” cụ thể trên, dần dần trong giao tiếp tiếng Việt lại xuất hiện một từ “làng” mới, mang nghĩa bóng, dùng để chỉ “tập hợp những người cùng làm một nghề, một công việc nào đó”. Mà trong cuộc sống, không ít những tập hợp người như vậy. Họ có những đặc thù chung về nghề nghiệp và tạo nên một cộng đồng có những nét “hao hao” như cộng đồng làng xã.
Chẳng hạn, ta thấy có các từ: làng văn (những người hoạt động trong lĩnh vực văn chương), làng báo (những người hành nghề báo chí), làng chèo (những người có năng khiếu, sở thích và biểu diễn chèo - một loại kịch hát dân gian cổ truyền, làn điệu bắt nguồn từ dân ca Bắc Bộ), làng võ (những người dùng thuật đánh nhau bằng tay không hay dùng binh khí - như côn, kiếm…), v.v.
Chắc nhiều người chúng ta đều biết bài hát nổi tiếng của nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo “Làng quan họ quê tôi”, với lời ca từ rất hay: Làng quan họ quê tôi/ Tháng giêng mùa hát hội/ Những đêm trăng hát gọi/ Con sông Cầu làng bao xanh/ Làng, những làng quan họ xanh xanh…
“Làng” trong lời thơ Nguyễn Phan Hách này chính là một làng cụ thể, gắn bó với tác giả sáng tác bài thơ.
PGS-TS. Phạm Văn Tình
(Viện Từ điển học và Bách khoa thư Việt Nam)